Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 6. Tâm Với Căn Si (Mohamūlacittāni)

Thứ sáu, 06/05/2022, 16:07 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 6.5.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

6. Tâm Với Căn Si (Mohamūlacittāni)

Chánh văn

Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttamekaṃ, upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttamekanti imāni dvepi momūhacittāni nāma.

Iccevaṃ sabbathāpi dvādasākusalacittāni samattāni.

Một tâm đi chung xả, tương hợp với nghi hoặc

Một tâm đi chung xả, tương hợp giao động

Những tâm nầy gọi là hai tâm đi với căn si.

Như vậy là kết thúc tổng cộng là 12 tâm bất thiện.

upekkhāsahagataṃ > đi với thọ xả

vicikicchāsampayuttaṃ > tương hợp với nghi hoặc

ekaṃ > một

uddhaccasampayuttaṃ > tương hợp với giao động

momūhacittāni > những tâm có căn si

nāma > gọi là

iccevaṃ > (iti + evaṃ) > là như vậy

sabbathāpi > tất cả

dvādasākusalacittāni > 12 tâm bất thiện

samattāni > tổng cộng

Tên gọi 2 tâm si theo cách dịch của Ngài Tịnh Sự:

1. Tâm si hoài nghi

2. Tâm si phóng dật

(người học khi nói gọn có thể gọi 2 tâm si là: tâm si hoài nghi và tâm si giao động)

*

Chú Thích

Tâm Si – mohacitta – được hiểu là tâm có chất liệu khiến sự nhận thức mê mờ, không chính xác. Thắng Pháp Abhidhamma nêu rõ sự khác biệt giữa tâm ly trí (không có trí tuệ) và tâm si (đi với thuộc tánh si ám). Có thể thí dụ tâm ly trí giống như trong một căn nhà bình thường lúc nào đó không có người tài năng xuất chúng nhưng vẫn có thể tồn tại bình thường. Còn tâm si giống như trong nhà có người hay làm việc dại dột có thể tạo nên nhiều thứ bất thường như tai hoạ chẳng hạn. Có những lúc tâm không có trí tuệ nhưng không phải là tâm si như nước thiếu chất khoáng nào đó. Tâm si giống như nước bị mờ đục vì pha bùn rất khác với nước trong mà thiếu chất khoáng đặc biệt nào đó.

Cần phân biệt rõ tâm si và thuộc tánh si. Tất cả tâm si đều có thuộc tánh si – và rõ hơn là bốn thuộc tánh si phần. Thế nhưng vai trò của thuộc tánh si lại có mang tánh cách đặc biệt hơn tâm si. Nếu so với tâm tham (sự dính mắc với cảnh) hay tâm sân (sự khó chịu đối với cảnh) thì hai tâm si tương đối trong tình trạng bị động với thọ xả. Trong lúc thuộc tánh si chính là vô minh (avijjā) có mặt trong tất cả tâm bất thiện và chi phối tất cả hành động tạo tác thiện ác tạo nên quả luân hồi.

Tâm si nghi hoặc (vicikicchāsampayuttaṃ) là trạng thái tâm trù trừ (có lẽ chính xác nhất là chữ “lừng khừng” trong cách nói bình thường. Có thể thí dụ như một người cầm một thực đơn viết bằng ngoại ngữ bản thân không đọc được. Thay vì cứ chọn một thứ hay đứng dậy đi nơi khác tìm thức ăn mình biết hơn là cứ ngồi đó lật qua lật lại không biết chọn món nào mặc dù có đọc thêm 10 phút trong sự lưỡng lự cũng không giúp ích gì. Phải lưu ý hai điều ở đây. Thứ nhất nhiều bản dịch Việt gọi là tâm si hoài nghi. Chữ hoài nghi không nhất nói chính xác ý nghĩa của tâm si nầy và cũng không hẳn là bất thiện. Nghe một người hay nói dối chuyển thông tin gì đó nên thấy hoài nghi (hay hồ nghi). Trạng thái đó không gọi là tâm si nghi hoặc mà chỉ là sự không cả tin đối với điều đáng cân nhắc. Cũng có thể là thứ trí tuệ. Chính vì vậy giáo trình nầy chọn chữ nghi hoặc. Thứ hai, nhiều quyển sách và giáo trình định nghĩa tâm si nghi hoặc là sự hoài nghi Tam Bảo, hoài nghi nghiệp báo, hoài nghi tam thế (…). Định nghĩa như vậy rất hạn hẹp. Một người không biết gì về Tam Bảo, nghiệp báo, luân hồi nên chưa bao giờ có hoài nghi gì nhưng không có nghĩa là không có tâm si hoài nghi. Những nghi hoặc về Tam Bảo, nghiệp báo, luân hồi là tâm si nghi hoặc nhưng tâm si nghi hoặc không phải chỉ có chừng đó.

Tâm si giao động (uddhaccasampayuttaṃ) là tâm bị nhiễu loạn trước cảnh. Thí dụ như trong một gia đình thiếu kiến thức, tiền bạc, thân thế khi gặp chuyện lớn hay nhỏ thường “lao xao” thiếu sự điềm đạm, vững chãi. Chữ uddhacca được Ngài Tịnh Sự dịch là phóng dật; Hoà thượng Minh Châu dịch là trạo cữ. Từ ngữ phóng dật trong chữ Hán (dù là cổ văn hay kim văn) đều mang ý nghĩa là sự buông thả, giải đãi, dễ ngươi (đôi khi cũng gọi là dể duôi). Từ ngữ phóng dật được HT Thích Minh Châu dùng để dịch cho thuật ngữ pamāda. Ngài Tịnh Sự giải thích hai chữ phóng dật và trạo cữ đều dịch theo “nghĩa dụ”: phóng là ném, dật là tung giống như đống tro bị hòn đá ném vào tung toé tro bụi; trạo cữ là mái chèo khua động khiến mặt hồ dậy sóng. Cả hai đều chỉ cho sự giao động, một từ ngữ quen thuộc với phần đông nên chọn chữ nầy.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc