Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 23. Tâm Quả Vô Sắc Giới  (arūpāvacara-vipākacittāni)

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 23. Tâm Quả Vô Sắc Giới (arūpāvacara-vipākacittāni)

Thứ sáu, 26/08/2022, 19:12 GMT+7

 

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 26.8.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

23. Tâm Quả Vô Sắc Giới

(arūpāvacara-vipākacittāni)

Chánh văn

1. Ākāsānañcāyatana-vipākacittaṃ.

2. Viññāṇañcāyatana-vipākacittaṃ.

3. Ākiñcaññāyatana-vipākacittaṃ.

4. N’evasaññān’āsaññāyatana-vipākacittañ cā ti.

Imāni cattāri pi arūpāvacara-vipākacittāni nāma.

1. Tâm quả không vô biên xứ

2. Tâm quả thức vô biên xứ

3. Tâm quả vô sở hữu xứ

4. Tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ

Bốn tâm nầy được gọi là tâm quả vô sắc giới

Ākāsānañcāyatana > không vô biên xứ

Viññāṇañcāyatana > thức vô biên xứ

Ākiñcaññāyatana > vô sở hữu xứ

N’evasaññān’āsaññāyatana > phi tưởng phi phi tưởng xứ

Arūpāvacara-vipākacittāni > tâm quả vô sắc giới

Chú thích

Tâm quả vô sắc là tâm dị thục của tâm thiện vô sắc chỉ làm ba việc tục sinh, tiềm thức và mệnh chung của chư vị phạm thiên vô sắc. Cũng như tâm quả sắc giới, bốn tâm quả vô sắc chỉ sanh khởi ở kiếp kế tiếp và chỉ làm ba chức năng vừa kể không hơn không kém. Bởi vì trạng thái của tâm quả thiền rất giống với tâm thiện thiền nên đa số người dạy và người học ít khi đi sâu. Tuy vậy trong trường hợp tâm quả vô sắc rất cần để nhận ra trạng thái khác biệt giữa tâm thiện và tâm quả.

Một khía cạnh nên chú ý là các tâm thiện sắc giới và vô sắc giới sanh khời đo định lực trong lúc tâm quả sắc giới và tâm quả vô sắc giới thì do nghiệp lực. Cũng giống như các triều đại xưa một vị vua gọi là “thái tổ” vì khởi dựng một triều đại bằng tài năng nhưng cũng vị vua sau đăng quang là do thừa kế.

Bởi vì là quả của tâm thiện nên cảnh và trạng thái giống như tâm thiện chỉ khác là tương đối muội lược trong dạng tiềm thức. Trước hết nên nhớ có sự khác biệt đã đề cập về sự tu thiền, chứng thiền, nhập thiền ở những bài học trước. Tâm quả vô sắc không nằm trong ba hành trạng tu thiền, chứng thiền và nhập thiền. Thí dụ khi nói tâm thức vô biên xứ là tâm quán chiếu và phủ nhận không vô biên với khẳng định chỉ có thức là vô biên. Hành tướng đó chỉ có thể ở trạng thái tu thiền, chứng thiền nhưng ở trạng thái nhập thiền phải hiểu khác hơn. Đối với tâm quả thì phải hiểu khác hơn. Thí dụ như cây pipal được gọi là bodhi (bồ đề) vì Đức Phật thành đạo dưới cội cây đó. Đổi tên do một sự kiện lịch sử trọng đại. Kể từ đó gọi là cây bồ đề thậm chí bây giờ dân gian gọi là cây đề như trong thành ngữ “cây đa cây đề” thì cũng loại cây đó và tên gọi đó nhưng không còn đặc tính “chuyển đổi” như giây phút lịch sử. Người học Thắng Pháp Abhidhamma cần nhận rõ trạng thái tương đồng nhưng hành tướng khác biệt giữa các tâm thiện tịnh hảo và tâm quả tịnh hảo.

Có một chữ trong các tâm vô sắc cần lưu ý là chữ āyatana - xứ như không vô biên xứ, thức vô biên xứ … Một số các vị A xà lê đưa ra quan điểm là chữ xứ trong ba tầng thiền vô sắc không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ chỉ cho “thiền cảnh” trong lúc chữ xứ trong phi tưởng phi phi tưởng xứ thì chỉ cho “tâm thái”. Quan điểm nầy áp dụng cho tâm thiện vô sắc nhưng với tâm quả vô sắc thì tất cả đều là “tâm thái”

Trên lý thuyết thì nếu một chúng sanh tu thiền và chứng thiền đến lúc mệnh chung vẫn còn thiền chứng thì ngay kiếp kế tiếp tâm quả sanh khởi làm việc tục sinh. Theo Sớ Giải thì những vị chứng thiền sắc giới, kể cả có thần thông, vẫn hoại thiền nhưng đối với những vị chứng thiền vô sắc rất khó hoại thiền mặc dù không có một đoạn nào trong kinh khẳng định “sự bất thối chuyển” của trình độ thiền chứng nầy.

Chư vị bồ tát huân tu ba la mật ít khi mong muốn sanh về cõi vô sắc vì tuổi thọ quá dài. Đặc biệt là chư vị bồ tát hướng cầu quả vị toàn giác các ngài tu thiền vô sắc do sự tôi luyện tâm định hơn là hướng cầu sanh về cõi phạm thiên vô tưởng hay vô sắc vì những cảnh giới nầy không thích hợp để hành ba la mật hạnh. Dù thế nào thì cũng cần ghi nhớ là trên phương diện tâm thuật thì tâm quả là những trạng thái rất cao siêu và tế nhị mà ít chúng sanh có khả năng có được.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc