Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 10. Tâm Duy Tác Vô Nhân (ahetukakiriyacittāni)

Thứ bảy, 25/06/2022, 14:35 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 25.6.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHA SANGAHA)

10. Tâm Duy Tác Vô Nhân (ahetukakiriyacittāni)

Chánh văn

16. Upekkhāsahagataṁ pañcadvārāvajjanacittaṁ; tathā

17. Manodvārāvajjanacittaṁ;

18. Somanassasahagataṁ hasituppādacittañ cā ti.

Imāni tīṇi pi ahetukakiriyacittāni nāma.

Icc’evaṃ sabbathā pi aṭṭhāras’āhetukacittāni samattāni.

16. Tâm khai ngũ môn đi với xả, như thế

17. Tâm khai ý môn

18. Tâm sinh tiếu đi với hỷ

Ba thứ tâm nầy gọi là tâm duy tác vô nhân

Như vậy, tổng cộng cả thảy, có 18 tâm vô nhân

Upekkhāsahagataṃ = đi với xả

pañcadvārāvajjanacittaṁ= tâm khai ngũ môn

tathā = cũng vậy

Manodvārāvajjanacittaṁ = tâm khai ý môn

somanassasahagataṃ = đi với thọ hỷ

hasituppādacittañ = tâm sinh tiếu

Imāni tīṇi pi ahetukakiriyacittāni = ba thứ tâm duy tác vô nhân

Nāma = gọi là

Icc’evaṁ sabbathā pi = như vậy tổng cộng

aṭṭhāras’āhetukacittāni = 18 tâm vô nhân

samattāni = gồm tất cả

Chú Thích

Tâm khai ngũ môn (Pañcadvārāvajjanacitta)

Tâm khai ngũ môn là thứ tâm hoạt thức đầu tiên khi tiềm thức gián đoạn. Tâm nầy giống như người mở cổng để các tâm ngũ quan nhận biết năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc.

Tâm khai ý môn (Manodvārāvajjanacitta)

Tâm khai ý môn có thể hiểu như trợ tá của giám đốc: sắp xếp hồ sơ, phân định công việc như không quyết định như giám đốc. Là ý giới trong mười tám giới và mang chức năng phân định (votthapana) trong diễn trình tâm, tâm khai ý môn là một cơ phận quan trọng nhưng thuần tánh cách máy móc. Không nên hiểu vai trò phân định trong tánh cách phản ứng như các tâm xử lý (javana).

Tâm sinh tiếu (Hasituppāda)

Không giống như những tâm kể trên, tâm sinh tiếu không đóng vai trò cơ năng mà là tâm xử lý (javana). Tâm nầy là việc cười của các bậc hoàn toàn đoạn tận phiền não. Vị trí của tâm nầy tương đối “lẻ loi” trong biểu đồ chư pháp (…)

Kinh điển ghi lại có sáu cách cười từ thô đến tế và ba bậc hoàn toàn giải thoát là toàn giác, độc giác và thinh văn giác. Có vài luận giải sai biệt về điểm nầy (…) nhưng căn bản có thể hiểu là bậc toàn giác như Đức Phật Gotama chỉ cười nhẹ bằng hai tâm duy tác dục giới tịnh hảo thọ hỳ hợp trí hữu trợ hoặc vô trợ; chư Phật độc giác có thể cười bằng bốn tâm duy tác dục giới tịnh hảo thọ hỷ; chư vị thinh văn có thể cười 5 tâm: bốn tâm tịnh hảo duy tác thọ hỷ và tâm sinh tiếu. Hiểu theo cách nầy thì tâm sinh tiếu là tâm làm việc cười do ảnh hưởng của thói quen, một thứ hoàn toàn không có ở chư Phật toàn giác.

Việc tâm sanh tiếu được nêu ra trong Thắng Pháp Abhidhamma cho thấy giáo lý nầy thuần tuý y cứ trên hiện tượng được Phật dạy không phải là sản phẩm của triết học hay suy diễn.

*

Tìm hiểu thêm về những Tâm Cơ Năng

Tâm cơ năng là những thứ tâm làm việc máy móc trong diễn trình tâm thức bên cạnh các tâm ngũ quan và các tâm xử lý cảnh. Trong Thắng Pháp Abhidhamma truyền thống không có từ vựng nào tương đương với “tâm cơ năng hay tâm làm việc máy móc”. Những tâm nầy có thể hiểu như những chức năng mở cổng, gác cổng, tiếp tân… của một công ty lớn khi có khách hàng đến trước khi dẫn người khách đến văn phòng của một giám đốc. Những phần hành máy móc nầy không mang tánh quyết định như phần hành xử lý nhưng cũng không có nghĩa là không ảnh hưởng gì tới sự vận hành của một công ty. Để hiểu những tâm cơ năng cần biết qua bốn điểm sau:

Tâm hữu nhân và tâm vô nhân

Có sáu gốc rễ tạo nên bản chất xấu hay tốt của các loại tâm: nhân tham, nhân sân, nhânsi , nhân vô tham, nhân vô sân, nhânvô si. Những tâm làm việc máy móc là những tâm vô nhân. (lưu ý: chữ vô nhân ở đây không phải là bất nhân)

Tiềm thức và hoạt thức

Một kiếp sống khởi đầu với sát na thức tái sanh (nói chính xác là kiết sanh thức). Ngay sau đó những sát na tiếp nối là tiềm thức cũng mang trạng thái giống y hệt nhưng không còn gọi là kiết sanh thức. Tiềm thức, cũng như kiết sanh thức, là quả của nghiệp. Tiềm thức tuy tiềm tàng nhưng có ảnh hưởng lớn về tư chất và cá tánh của một chúng sanh. Thí dụ kiết sanh thức và tàng thức có thuộc tánh thọ hỷ, trí tuệ thì con người tính vui vẻ và mẫn tiệp. Vì tiềm thức là những sát na giống nhau và tiềm tàng nên khó nhận biết. Khi đang ngũ là lúc tiềm thức diễn ra nhiều nhất. Chữ tiềm thức tương đối phổ thông trong lúc Phật học Hán ngữ dùng chữ tàng thức. Chữ tiềm thức có thể dùng để dịch cho thuật ngữ bhavanga mà Ngài Tịnh Sự dịch là tâm hộ kiếp (duy trì kiếp sống) và HT Thích Minh Châu dịch là là tâm hữu phần (thành tố của hiện hữu).

Đối ngược với tiềm thức là những tâm hoạt thức là những tâm hoạt động nổi bật khi có cảnh “mới” xuất hiện để rồi sau đó trở lại trạng thái của tiềm thức. Không có thuật ngữ nào trong Thắng Pháp Abhidhamma truyền thống tương đương với chữ “hoạt thức”. Các vị giảng sư thường tạm dùng chữ “tâm chủ quan” chỉ cho tiềm thức và “tâm khách quan” chỉ cho hoạt thức. (Ở đây tránh dùng hai từ chủ quan và khách quan vì rất dễ nhầm lẫn)

Tâm tạo nghiệp, tâm quả, và tâm phi nghiệp phi quả

Theo cách nói đại loại thì một người đang tát ao bắt cá là đang tạo nghiệp và một người đang đi nghĩ hè ở nơi sang đẹp là đang hưởng quả phước. Trong cách nói vĩ mô thì không phải vậy. Trong từng khoảnh khắc của cuộc sống luôn là sự hoà quyện của nghiệp, quả nghiệp và những tâm phi nghiệp phi quả. Phải hiểu rõ sự pha trộn vô cùng tế nhị nầy mới hiểu những khía cạnh quan trọng của giòng tâm thức theo Thắng Pháp.

Những tâm bất thiện và tâm thiện trong phần hành xử lý cảnh là tâm tạo nghiệp.

Tiềm thức, tâm ngũ quan và một số tâm cơ năng là tâm quả.

Có một số tâm cơ năng và tâm xử lý thuộc tâm phi nghiệp phi quả (Ngài Tịnh Sự có khi gọi là tâm tố hay tâm duy tác).

Khái niệm sơ khởi về tiến trình của tâm thức

Giòng tâm thức là sự tiếp nối sanh diệt của những sát na tâm. Thắng pháp dạy rằng mỗi tích tắc tâm sanh diệt 100 tỷ sát na. trong dòng tâm thức ấy là những “phân đoạn hoạt thức trong tiến trình tâm” (Ngài Tịnh Sự gọi là lộ tâm) xen vào giữa những tiềm thức. (Dịch giả Phạm Kim Khánh dùng một từ khá thú vị là những “chập tư tưởng”). Có nhiều diễn trình của hoạt thức. Ở đây lấy một đơn cử để hiểu về những tâm cơ năng:

Diễn trình hoạt thức thông thường - thuộc ngũ quan - ấn tượng mạnh (Ngài Tịnh Sự gọi là lộ tâm ngũ môn bình nhật cảnh rất lớn) có 17 sát na:

Tiềm thức chuyển thể (Atītabhavaṅga)

Tiềm thức giao động (Bhavaṅgacalana)

Tiềm thức gián đoạn (Bhavaṅgupaccheda)

Tâm khán ngũ môn (Pañcadvāravajjana)

Tâm ngũ quan (pañcaviññāṇa)

Tâm tiếp nhận (Sampaṭicchana)

Tâm quan sát (Santīrana)

Tâm phân định (Voṭṭhapana)

Tâm xử lý (Javana)

Tâm dư hưởng (Tadālambana)

Lấy một thí dụ về một công ty bất động sản có phạm vi kinh doanh lớn với đầy đủ nhân sự.

Trong lúc thời gian không có khách hằng ngày hoạt động như tiềm thức cố hữu.

Khi có tiếng chuông có một trạng thái thay đổi, chuyển động, phản ứng như tiềm thức chuyển thể, giao động, gián đoạn.

Người mở cỗng ví dụ cho tâm khai ngũ môn.

Người ra nhận biết xem đó là nhân viên bưu điện hay khách mua nhà đất .. như tâm ngũ quan.

Một người chào hỏi đón tiếp như tâm tiếp nhận.

Một người lấy những chi tiết như tên họ, giờ hẹn như tâm quan sát.

Một người quyết định xem gởi người khách tới bộ phận nào trong công ty như tâm phân định.

Người trực tiếp giải quyết nhu cầu của khách như tâm xử lý.

Nếu khách là một khách lớn thân quen thì có người ra thăm hỏi vui vẻ sau khi xong việc như tâm dư hưởng.

Tình trạng sau khi khách rời công ty như trở lại tiềm thức cố hữu.

Trong những công đoạn trên ngoài tâm xử lý tất cả đều là tâm cơ năng hay làm việc có tánh cách máy móc.

Câu nói mà các vị giảng sư thường dùng là “mỗi khảy móng tay tâm sanh diệt triệu triệu sát na”. Cụm từ triệu triệu ở đây không phải là cách nói ví von chỉ cho thật nhiều như câu “triệu triệu con tim hoà trong cảm xúc dâng trào” mà triệu triệu ở đây là cho số 1 theo sau là 12 con số 0 có nghĩa là một ngàn tỷ. (12 trillion trong tiếng Anh). Cũng nên nói thêm là theo Thắng Pháp một sát na vật chất tồn tại bằng thời gian 17 sát na tâm pháp. Điều nầy chỉ mới được ngành vật lý của nhân loại biết tới trong hơn một thế kỷ qua.

Trong sinh học có từ vô cơ và hữu cơ. Trong Phật học thì tâm không phải thứ tâm nào cũng giống nhau. Có những thứ tâm làm việc máy móc sanh rồi diệt không để lại hệ quả gì. Có những thứ tâm tạo nên những tâm quả ở tương lai.

Tâm cơ năng bao gồm những tâm làm việc máy móc vốn vô căn có thể là tâm quả hay tâm phi nghiệp phi quả.

Những đặc tính vô căn, hữu căn, tâm quả, tâm phi nghiệp phi quả mang ý nghĩa đặc biệt đối với các tâm cơ năng mà người học Thắng Pháp cần lưu ý.

Để hiểu rõ vai trò của các tâm cơ năng cần có khái niệm về diễn trình tâm thức.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng 

Ý kiến bạn đọc