Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMA SANGAHA) - 1. Xưng Tán (thutivacana)

Thứ năm, 31/03/2022, 18:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 31.3.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMA SANGAHA)

1. Xưng Tán (Thutivacana)

Chánh văn

Sammāsambuddhamatulaṃ, 

Sasaddhammagaṇuttamaṃ.

Abhivādiya bhāsissaṃ, 

Abhidhammatthasaṅgahaṃ.

Lễ Chánh Giác Vô Tỷ

Cùng Vi Diệu Pháp Bảo

Và Vô thượng Tăng chúng

Xin yếu lược Thắng Pháp.

Cung kính đảnh lễ Đấng Chánh biến tri vô tỷ, cùng Diệu Pháp, và Vô thượng Tăng chúng. Tôi sẽ trình bày Thắng Pháp Tập Yếu.

Sammāsambuddha Chánh biến tri, Tam miệu tam bồ đề, Chánh đẳng chánh giác
Atula vô tỷ, vô song
Sasaddhamma = sa + saddhamma cùng với Diệu Pháp
Gaṇuttamaṃ = gana + uttamaṃ Vô thượng Tăng chúng
Abhivādiya sau khi thành tâm đảnh lễ
bhāsissaṃ tôi sẽ nói
Abhidhammattha Saṅgaha Yếu lược Thắng Pháp (cũng là tên tập sách nầy)

*

Chú Thích

Đây là kệ xưng tán mở đầu cho quyển Thắng Pháp Tập Yếu. Về hình thức thì quyển kinh quan trọng nầy bao gồm cả hai văn xuôi và thi kệ.

Đấng Chánh Biến Tri (sammāsambuddha) mang hai ý nghĩa: bậc tự mình giác ngộ không thầy chỉ dạy; và là bậc toàn tri. Chữ atula – vô song hay vô tỷ là sự xưng tán chỉ riêng cho chư Phật toàn giác. Mặc dù tất cả chư vị A la hán đều chứng đạt cứu cánh giải thoát niết bàn nhưng chỉ có Đức Phật là vô song với Phật trí không giới hạn. Cũng vì thuật ngữ mang nhiều ý nghĩa không thể chuyển tải trọn vẹn trong một từ vựng nên trong Hán tạng cũng chọn cách phiên âm là “Tam miệu tam bồ đề”.

Diệu Pháp (saddhamma) là lời dạy của Đức Phật bao gồm Pháp học (pariyatti), Pháp hành (paṭipatti) và Pháp thành (paṭivedha). Pháp học Tam Tạng giáo điển với Luật tạng (vinayapitaka), Kinh tạng (suttapitaka) và Thắng pháp Tạng (abhidhammapitaka). Pháp hành là sự tu tập giới (sīla), định (samādhi), và tuệ (paññā). Pháp thành chì cho bốn đạo (magga) và bốn quả (phala).

Vô thượng Tăng chúng (gaṇuttama) chỉ cho đệ tử của Đức Phật bao gồm Tăng theo quy ước (sammuttisaṅgha) và Tăng theo quả chứng (ariyasaṅgha). Chữ gaṇa có nghĩa là nhóm người hay cộng đồng ở đây đồng nghĩa với chữ saṅgha (tăng già). Tăng theo quy ước là đơn vị gồm bốn tỳ kheo hay tỳ kheo ni trở lên thọ giới pháp theo truyền thống. Tăng theo quả chứng hay thánh chúng gồm những vị chứng đạo và chứng quả: đạo quả thất lai, đạo quả nhất lai, đạo quả bất lai, đạo quả vô sanh.

Thắng pháp (abhidhamma) ở đây là một thuật ngữ chỉ riêng cho một bộ phận giáo pháp không phải là từ ngữ mang tánh cách xưng tán như chữ diệu pháp (saddhamma) ở trên. Thắng pháp là pháp được trình bày mang tính chính xác chứ không phải nói theo đại loại thí dụ một người khen pho tượng cân đối. Chữ “cân đối” là chỉ mới là một khái niệm tổng quát nhưng nói chính xác thì phải nêu rõ tỷ lệ chiều cao và chiều ngang tương xứng thế nào. Nói đến tỷ lệ phải nói đến mực thước cụ thể. Thắng pháp là bộ phận giáo pháp được trình bày theo cách vĩ mô thí dụ trong một hạt bụi hay giọt nước đều có cả bốn đại đất, nước, lửa, gió chứ không phải cách nói thường thức trong lửa không có nước, trong nước không có lửa. Thắng pháp là pháp được trình bày theo hệ thống chứ phải tuỳ vào căn tánh người nghe hay duyên sự thí dụ như thuốc kê toa tuỳ theo bệnh nhân khác với thuốc được bào chế từ công ty dược phẩm.

Chữ sangaha [saṃ + grah] dịch là yếu lược hay toát yếu ở đây có thể hiểu như cẩm nang mang ý nghĩa đặc biệt về sự tương quan giữa quyển sách nầy và Thắng Pháp Tạng. Thông thường những toát yếu là cách trình bày cô đọng, ngắn gọn cho mục đích dễ nhớ. Nhưng riêng quyển sách nầy thì thì sự yếu lược mang mục đích là giúp người học có cái nhìn tổng quan về bố cục của Thắng Pháp Tạng và để nắm được những điểm chính mà từ đó đi vào thế giới bao la của Thắng Pháp. Khác với Kinh Tạng, không ai có thể đọc thẳng vào Thắng Pháp Tạng như đọc một quyển sách. Quyển sách nầy giống một sổ tay hướng dẫn (manual) cho một bộ máy tinh vi to lớn được mua về chứ không phải chỉ là tóm lược (summary) cho một bài học dài.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc