Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN

Thứ năm, 24/03/2022, 15:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 24.3.2022


CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN

Trước khi đi vào giáo trình môn Thắng Pháp Phổ Thông chúng tôi, tỳ kheo Giác Đẳng, nhận thấy cần thiết để có một vài điều trình bày về những nguồn tài liệu hay những bậc thầy đã học môn Thắng Pháp.

Trong 20 năm qua nếu ai là người học Thắng Pháp trong nền Phật học Việt Nam thì dễ dàng nhận thấy bộ phận quan trọng nầy của Giáo pháp đã có những bước tiến quan trọng qua những dịch phẩm, soạn phẩm về Thắng Pháp. Có một điều rất đáng tiếc là nhiều dịch phẩm từ tiếng Anh, tiếng Thái sang tiếng Việt không ghi rõ những thuật ngữ Thắng Pháp tiếng Việt đến từ đâu. Có thể nói phần lớn, đến 90 phần trăm, là từ vựng Thắng Pháp trong tiếng Việt ngày nay do Ngài Tịnh Sự tiên phong chuyển dịch. Trong tinh thần phụng sự Phật Pháp tất nhiên không cần nói tới “bản quyền” nhưng rất nên nêu rõ để “tri ân” và có thái độ nghiêm túc trong việc nghiên cứu và hướng dẫn. Bài viết ngắn nầy mang mục đích nói rõ xuất xứ của các nguồn tư liệu được sử dụng trong giáo trình nầy.

Trước hết nói về thuật ngữ Thắng Pháp tiếng Việt cũng như nền tảng nghiên cứu chúng tôi sử dụng phần lớn những gì được học từ Ngài Tịnh Sự. Qua Ngài Tịnh Sự được biết về Ngài Saddhammajotika một vị giáo thọ sư môn Thắng Pháp người Miến Điện. Ngài Tịnh Sự đã theo học với vị nầy du học ở Thái Lan. Một người học trò của Ngài Tịnh Sự là Ngài Giác Chánh là người đã biên soạn Thắng Pháp với hình thức phổ thông hơn qua các tác phẩm Vi Diệu Pháp Giảng Giải, Vi Diệu Pháp Nhập Môn, Siêu Lý Học. Một người học trò khác của Ngài Tịnh Sự và Ngài Giác Chánh là Hoà thượng Tuệ Siêu đã đóng góp quan trọng trong việc san định bản dịch Tạng Vi Diệu Pháp của Ngài Tịnh Sự. Cũng nên nói thêm một cống hiến quan trọng khác của Ngài Tịnh Sự cho môn Thắng Pháp Abhidhamma là các đồ hoạ như “Bảng Nêu Chi Pháp”, đồ hoạ “Lộ Trình Tâm” ..v.v..

Một trong những công trình dịch thuật tiên phong của Thắng Pháp Abhidhamma trong nền Phật học Việt là tác phẩm Thắng Pháp Tập Yếu Luận của Hoà thượng Thích Minh Châu, viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh. Tác phẩm nầy chứa đựng nhiều chú thích lấy từ tư liệu của Ngài Narada và Ngài Kashyap, người Ấn, Viện Trưởng Viện Phật Học Nalanda. Ngoài một số thuật ngữ chuyên môn dựa theo bản chữ Hán, thì tác phẩm nầy đặc biệt mang hình thức trình bày chuẩn mực của một công trình biên khảo theo phương pháp hiện đại. Cũng nên nói thêm là bản thân của Hoà thượng Thích Minh Châu biên soạn trên tư cách là một dịch giả hơn là một nhà nghiên cứu về Thắng Pháp (…)

Nguồn tư liệu quan trọng bằng Anh ngữ mà chúng tôi thường tham khảo là tác phẩm A Comprehensive Manual of Abhidhamma Ngài Bodhi, một nhà học Phật người Mỹ gốc Do Thái. Tác phẩm nầy là một bản “hiệu đính và khai triển” từ tác phẩm gối đầu giường cổ điển Manual of Abhidhamma của Ngài Narada. Gọi là hiệu đính kỳ thật chỉ lấy khung sườn còn nội dung thì có hơn phân nữa được bổ túc về cả hai phương diện từ ngữ và chú thích.

Trong thời gian sống ở California chúng tôi hữu duyên được học Thắng Pháp từ Ngài Ananda Maitreya người Tích Lan, và Ngài Sīlananda người Miến Điện. Cả hai ngài đều là những bậc bác lãm về Thắng Pháp nhưng chúng tôi chỉ thường được học qua những câu hỏi trực tiếp nêu ra chứ không hẳn là một giáo trình dài hạn. Thời gian sang Thái Lan chúng tôi cũng đến tham vấn với Ngài Payutto (Dhammapitaka) tác giả bộ Buddhadhamma về một số nghi vấn liên quan tới Thắng Pháp. Tuy ngắn ngủi vài ngày nhưng cũng học được một số điều quan trọng.

Cũng nên nói thêm một số tham khảo hữu ích qua các bản dịch của Sư Toại Khanh (Giác Nguyên), A tỳ đàm Câu xá luận, Duy Thức Tam Thập Tụng ..v.v.. cho những so sánh cần thiết về từ vựng và khái niệm. Người học, nếu muốn đi xa hơn, nên lưu ý rằng không có một hệ thống nhất quán trong Luận Tạng của Phật giáo Bắc Truyền. Đây là điều rất khác biệt với Thắng Pháp Tạng trong kinh điển Pāli.

Sau cùng không thể thiếu tưởng nhớ Ngài Anuruddha tác giả quyển Thắng Pháp Tập Yếu Luận mà Hoà thượng Thích Minh Châu đã viết những dòng chữ sau:

Quyển Abhidhammatthasangaha này là quyển sách căn bản cho những ai muốn tham học tạng A-tỳ-đàm và trở thành quyển sách đầu giường cho chư Tăng Miến Ðiện, Tích Lan, Thái Lan ..v.v.. Không những tập này cho chúng ta những hiểu biết căn bản về môn học Abhidhamma, tập này có thể xem là chìa khóa độc nhất mở cửa cho chúng ta vào tham cứu bảy tập Abhidhamma chính thống, mà sự trình bày, cùng những danh từ chuyên môn khó hiểu và khô khan đã làm chán ngán thất vọng những kẻ sơ cơ muốn tìm hiểu tạng này. Ngài Anurudha đã thành công khi ngài chẩn mạch được căn bệnh cổ truyền và khéo hệ thống hóa tư tưởng và triết học Abhidhamma một cách gọn ghẽ súc tích, khiến cho tập này trở thành một quyển sách đầu giường cho các Tăng ni Phật tử muốn nghiên cứu Luận tạng A-Tỳ-đàm. Tập này đã được dịch ra tiếng Miên, Thái, Tích Lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ, Anh, Pháp ..v.v..

Nguyện cầu Phật Pháp xương minh và tất cả chúng ta đồng ân triêm lợi lạc.

Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet