Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 44. Sự Kết Hợp Thuộc Tánh Với Tâm – Thuộc Tánh Tịnh Hảo

Thứ sáu, 07/04/2023, 18:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 7.4.2023


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 44. Sự Kết Hợp Thuộc Tánh Với Tâm – Thuộc Tánh Tịnh Hảo

1. Sobhanesu pana sobhanasādhāraṇā tāva ekūnavīsat’ime cetasikā sabbesu pi ekūnasaṭṭhi sobhanacittesu saṃvijjanti.

2. Viratiyo pana tisso pi lokuttaracittesu sabbathā pi niyatā ekato’va labbhanti. Lokiyesu pana kāmāvacarakusalesv’eva kadāci sandissanti visuṃ visuṃ.

3. Appamaññāyo pana dvādasasu pañcamajjhānavajjita mahaggatacittesu c’eva kāmāvacarakusalesu ca sahetuka kāmāvacarakiriyacittesu cā ti — aṭṭhavīsaticittesv’eva — kadāci nānā hutvā jāyanti. Upekkhāsahagatesu pan’ettha karuṇā muditā na santī ti keci vadanti.

4. Paññā pana dvādasasu ñāṇasampayutta-kāmāvacaracittesu c’eva sabbesu pañcatiṃsa mahaggata-lokuttaracittesu cā ti sattacattāḷīsa cittesu sampayogaṃ gacchatī ti.

sobhanesu = trong những (thuộc tánh) tịnh hảo. sobhanasādhāraṇā = (thuộc tánh) tịnh hảo biến hành. ekūnavīsati = 19. Sabbesu ekūnasaṭṭhi sobhanacittesu = trong tất cả 59 tâm tịnh hảo. saṃvijjanti = hiện hữu. viratiyo = giới phần, năng trừ, tiết chế. niyata= nhất định, cố định. kadāci = tùy trường hợp, tuỳ lúc. sandissanti = được thấy. visuṃ visuṃ = từng cái từng cái, riêng biệt. appamaññāyo = vô lượng phần. pañcamajjhānavajjita = trừ ra các tâm ngũ thiền. mahaggatacittesu = trong các tâm đáo đại. nāna = sai khác. jāyanti = sanh ra. keci = một vài vị. ñāṇasampayutta-kāmāvacaracittesu = trong những tâm dục giới hợp trí. sabbesu pañcatiṃsa mahaggata-lokuttaracittesu = trong tất cả tâm đáo đại và tâm siêu thế.

1. Trong những thuộc tánh tịnh hảo, trước hết 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành có mặt trong tất cả 59 tâm tịnh hảo.

2. Ba thuộc tánh tiết chế cần phải hiện hữu trong tất cả tâm siêu thế. Trong tâm hiệp thế tịnh hảo thì có mặt tuỳ trường hợp.

3. Hai thuộc tánh vô lượng phần có mặt một cách bất định trong 28 tâm gồm 12 tâm thiền (sắc giới) trừ ngũ thiền; 8 tâm thiện dục giới tịnh hảo và 8 tâm duy tác dục giới tịnh hảo. Có vài vị nói rằng bi và tuỳ hỷ không có mặt trong những tâm thọ xả.

4. Thuộc tánh tuệ quyền hiện hữu trong 47 tâm gồm có 12 tâm dục giới hợp trí, 35 tâm đáo đại và siêu thế.

(Tóm tắt)

Paññā pakāsitā sattacattāḷīsavidhesu pi

Sampayuttā catudh’evaṃ sobhanesv’eva sobhanā.

19 (thuộc tánh) có mặt trong 59 tâm (tịnh hảo). 3 có mặt trong 16 tâm. 2 có mặt trong 28 tâm. Tuệ quyền được nói là có mặt trong 47 tâm. Như vậy thuộc tánh tịnh hảo chỉ có mặt trong tâm tịnh hảo. Phối hợp trong bốn cách.

Chú Thích

Sự có mặt của 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành như tín, niệm, tàm, quý… trong trong tất cả tâm tịnh hảo nhắc cho thấy là những thuộc tánh nầy cần được hiểu theo cách vĩ mô chứ không phải có nói đại loại như Kinh Tạng. Thí dụ thuộc tánh tín không thể hiểu chỉ là niềm tin ở Tam Bảo mà còn là sự vững tin hay không nghi hoặc trong hành động. Và cũng từ sự có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo cũng cho thấy tại sao sống với tâm không phiền não bất thiện luôn có những trạng trái như tĩnh, khinh, nhu … Điểm nầy cho thấy một khía cạnh quan trọng của “tâm lành”.

3 thuộc tánh giới phần hay tiết chế gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng nhất định hiện hữu trong tất cả tâm siêu thế vì đây là ba trong 8 đạo chi. Đối … tâm hiệp thế thì 3 thuộc tánh nầy chỉ có mặt bất định trong 8 tâm thiện dục giới. Gọi là bất định vì chỉ khi nào có chủ ý ngăn trừ thì mới có mặt. 3 thuộc tánh nầy cũng không có trong 8 tâm duy tác dục giới tịnh hảo vì chư vị a la hán không còn sở hành bất thiện nên không có sự ngăn trừ. Ở đây có một điểm cần lưu ý là khi 3 thuộc tánh giới phần có mặt tron tâm hiệp thế thì mỗi lần chỉ có một trong ba chứ không thể cả ba xuất hiện đồng thời. Trong lúc ở tâm siêu thế thì 3 thuộc tánh nầy luôn luôn cùng có mặt trong vai trò “đạo chi”. Có thể hiều như sự chiết xuất tinh tuý có khả tính hỗn hợp (…)

2 thuộc tánh vô lượng phần là bi và tùy hỷ không bao giờ đồng có mặt trong một tâm vì cảnh của bi là chúng sanh đau khổ trong lúc tùy hỷ có cảnh là chúng sanh hạnh phúc. Có bốn vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả thì từ và xả là thuộc tánh vô sân và quân bình khi lấy vô lượng chúng sanh làm đối tượng. Đối với các tâm thiền thì bi và tuỳ hỷ chỉ có mặt trong trong những tâm sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Những tâm ngũ thiền vì có xả là thiền chi nên không thể có bi và tuỳ hỷ. Cũng chính điểm nầy mà ngài Anuruddha, tác giả tập Thắng Pháp Tập Yếu nầy, nêu lên điểm: “có vài vị” cho rằng bi và hỷ không thể có mặt trong những tâm dục giới tịnh hảo thọ xả. Khi ngài nói “có vài vị” hàm ý là không đồng tình.

Thuộc tánh tuệ quyền chỉ có mặt trong tất cả tâm hợp trí. Tất nhiên là chỉ có tâm tịnh hảo mới được nêu là hợp trí hay ly trí. Tâm tịnh hảo ly trí chỉ có trong tâm dục giới. Tất cả tâm thiền sắc giới và vô sắc giới cùng với tâm siêu thế luôn có đi với tuệ quyền.

Khi đề cập về sự kết hợp giữa thuộc tánh tịnh hảo và tâm ở đây hoàn toàn nói theo phương diện vĩ mô nhưng cũng cho thấy một số ý nghĩa quan trọng về bốn vô lượng tâm, năm thiền chi, và tám đạo chi đều y cứ trên pháp thực tính chứ không phải là khái niệm thi thiết như luân lý theo thường thức. Nói cách khác năng lực sát trừ phiền não của 8 đạo chi chính là cơ sở để Đức Phật dạy về con đường đưa đến diệt khổ là chánh đạo 8 chi phần chứ không phải là sự sáng tạo của Đức Thế Tôn.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc