Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 40. Thuộc Tánh Vô Si (Amoha) hay Tuệ Quyền (Paññindriya)

Thứ sáu, 03/03/2023, 18:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 3.3.2023


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

40. Thuộc Tánh Vô Si (Amoha) hay Tuệ Quyền (Paññindriya)

VII. Sabbathā pi paññindriyena saddhiṃ pañcavīsat’ime cetasikā sobhanā ti veditabbā.

Sabbathā = tất cả. Paññindriya = tuệ quyền, huệ căn. Saddhiṃ = cùng với. Pañcavīsati = 25. Ime cetasikā = những thuộc tánh này. Sobhana = tịnh hảo. Veditabbā = nên biết.

Cùng với tuệ quyền, tổng cộng là 25 thuộc tánh nên được hiểu là tịnh hảo

Ettāvatā ca:

Teras’aññasamānā ca cuddas’ākusalā tathā

Sobhanā pañcavīsā ti dvipaññāsa pavuccare.

Ettāvatā = Cho đến nay. Terasa = 13. Aññāsamānā = thuộc tánh tợ tha. Cuddasa = 14. Akusala = thuộc tánh bất thiện. Tathā = Cũng vậy. Sobhana = tịnh hảo. Pañcavīsati = 25. Dvipaññāsa = 52. Pavuccare = được gọi là.

Như vậy là 13 thuộc tánh tợ tha, 14 thuộc tánh bất thiện, và 25 thuộc tánh tịnh hảo. Tổng cộng là 52 thuộc tánh.

Chú thích

Thuộc tánh trí tuệ đứng một mình trong 4 nhóm thuộc tánh tịnh hảo. Thuộc tánh nầy được biết với nhiều tên gọi vì những lý do đặc biệt. Trong bản chánh kinh dùng hai từ là vô si (amoha) và tuệ quyền (paññindriya).

Chữ vô si (amoha) tương ứng với ba nhân thiện là vô tham, vô sân, vô si. Vô tham và vô sân là 2 trong số 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành. Vô si đồng nghĩa với trí tuệ. Nhân vô si (amoha hetu) là chủng tử khiến một chúng sanh thông minh nếu thức tái sanh có thuộc tánh nầy. Và đây cũng là yếu tố then chốt để những tâm tịnh hảo phát huy cao độ (…)

Chữ tuệ quyền hay huệ căn (paññindriya) chỉ cho ảnh hưởng dẫn đạo đối với các danh pháp đồng sanh như ngọn đèn rọi sáng giúp thấy rõ những chi tiết của vật thể. Không phải tất cả thuộc tánh đều có lực dẫn đạo các pháp đồng sanh giống nhau. Vai trò dẫn đạo của trí tuệ được xem là nổi trội cũng như trong sự vận hành của một công ty, thì đầu não sáng suốt được xem là yếu tính để quyết định thành bại.

Trong Thắng Pháp ba từ vựng trí tuệ (paññā), tri kiến (ñāṇa), và vô si (amoha) đồng nghĩa trong cách sử dụng. Trên cả hai phương diện ngữ và nghĩa trong Phật học thì trí tuệ được đề cập rất đa dạng và sâu rộng. Tất cả truyền thống chủ lưu của Đạo Phật đều xem trí tuệ là tối trọng đối với hành trình và cứu cánh của sự tu tập.

Trí tuệ đúng nghĩa là sự hiểu biết xác thực đối với sự thật (yathāsabhāvapaṭivedha). Điều nầy không đơn thuần là một định nghĩa trên phương diện văn tự mà còn là một mô tả sâu sắc của khả năng thấy biết theo thực tướng trên phương diện tu tập và giác ngộ. Tương tự như trong khoa học, sự phát minh hay phát kiến là khả năng tìm ra nguyên lý của sự vật. Không thể gọi là trí tuệ nếu hiểu sai sự thật.

Tác động gần hay trực tiếp sanh khởi trí tuệ khéo tác ý (yoniso manasikāra) hay như lý tác ý chỉ cho góc nhìn chân xác. Điều nầy được đề cập là thiết yếu cho sự an lạc và sáng suốt trong cuộc sống. Một điểm thú vị là trong cái nhìn thường thức thì đau khổ là hiện thực còn sự xoa dịu thường hiểu là “cố gắng nhìn khác hơn”. Phật pháp thì dạy rằng nếu hiểu rõ bản chất của sự việc và có thái độ “sự thật thế nào chấp nhận như vậy” thì sẽ đạt đến chỗ an lạc.

Nên phân biệt rõ cái biết của trí tuệ (paññā) với cái biết của tưởng (saññā), và thức (viññāṇa). Cái biết của trí tuệ là cái biết xuyên thấu hay cái biết có chiều sâu. Thí dụ một câu thơ đọc thì có nhiều cách nhận biết ở người nghe. Biết đó là câu thơ trích từ Truyện Kiều vì vốn từng học như vậy có thể gọi là cái biết của tưởng (saññā); biết đơn thuần đó là câu thơ vì âm vận có thể thí dụ là cái biết của thức (viññāṇa); biết đó là câu thơ với lời thơ đẹp, tứ thơ ý vị đó là cái biết có chiều sâu của trí (paññā).

Trí tuệ có một vị trí lớn trong Phật học. Từ vị thế của “một phàm phu được thân cận các bậc chân nhân, học hiểu đạo lý của các bậc thánh” cho đến sự chứng ngộ niết bàn, đoạn tận kiết sử đều nêu vai trò của trí tuệ. Trong sự thành tựu tối hậu vẫn được nhấn mạnh đến hai phương diện tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Có thể nói xuyên suốt trong quá trình tu tập của người tu Phật thì trí tuệ được đề cập qua nhiều tên gọi khác nhau như thẩm thần túc, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến… Một điểm nên lưu ý là trong lúc Kinh Tạng có nói về chánh trí và ác tuệ (hay liệt tuệ) thì Thắng Pháp Tạng nêu rõ trí tuệ luôn là tịnh hảo (….)

Một trong những ảnh hưởng đáng kể của nền Phật học Hán ngữ đối với lịch sự Phật giáo là dùng chữ “bát nhã”. Nói thuần về mặt văn tự thì bát nhã là Phạn âm của chữ paññā (trí tuệ). Từ nầy không phải không dịch được như khi các dịch giả Trung Hoa dùng cách phiên âm thay vì dịch nghĩa thì hàm ý đây là thuật ngữ có nhiều ý nghĩa sâu xa khó tìm được chữ tương đương. Bát nhã là thứ trí tuệ siêu việt như được mô tả trong “Trí Độ Luận” của ngài Long Thọ (Nāgārjuna c. 150 – c. 250 CE ). Mà trong đó mô tả chánh trí giác ngộ giải thoát qua cái nhìn của một luận sư mà sau nầy trở thành ảnh hưởng to lớn của giáo lý bát nhã. Như vậy mặc dù trên phương diện văn tự trí tuệ là bát nhã nhưng về mặt giáo nghĩa thì bát nhã không đơn giản là trí tuệ.

Trong đoạn thứ hai là tổng kết 52 thuộc tánh gồm có: 13 thuộc tánh tợ tha, 14 thuộc tánh bất thiện, và 25 thuộc tánh tịnh hảo.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc