- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 5.1.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)
Thuộc Tánh Vô Tham (alobhacetasika)
Vô tham ở đây không chỉ đơn giản là không có tham. Có những tâm không có thuộc tánh tham nhưng không gọi là tâm tịnh hảo vì thiếu thuộc tánh vô tham như các tâm vô nhân. Vô tham là một trong sáu căn cội tâm lý tạo nên hiện tượng bất thiện và tịnh hảo. Sáu căn cội nầy – hay gọi chính xác là 6 nhân – có ảnh hưởng lớn đối với tâm ý. Cách dùng từ vô tham – alobha – rất tốt để không nói quá nhưng lại nói thiếu. Không phải khi có tâm vô tham có nghĩa là không bám víu mà còn có nghĩa xa hơn là từ bỏ, xả ly. Cũng như những thuộc tánh tịnh hảo khác, thuộc tánh vô tham cần hiểu theo nhiều khía cạnh.
Trên phương diện vĩ mô vô tham là chất liệu khiến tâm không vướng mắc. Thử dùng hai thí dụ sau để hiểu về ý nghĩa của vô tham. Có lúc người ta chế tạo điện thoại cầm tay tuy mẫu mã đẹp nhưng lại bị lỗi là thường lưu lại vân tay hay các vết bẩn. Giữ lại vết bẩn được thí dụ cho thuộc tánh tham. Có những kim loại không lưu lại vết bẩn. Không vướng mắc chưa hẳn là vô tham. Thí dụ như lá sen gặp sương sớm hay mưa chiều không bị thấm ướt vì có lớp bao trơn láng (waxy coat). Lớp bao đó có thể thí dụ cho thuộc tánh vô tham. Như vậy vô tham ở đây không đơn thuần là không dính mắc mà là chất liệu khiến tâm không dính mắc.
Trong cách nói đại loại, nếu vô tham được tu tập hay biểu hiện rõ nét thì trở thành quảng đại, hào phóng, xả tài, bố thí. Một người không lấy của phi nghĩa cũng là vô tham. Chia sẻ những gì mình có cũng là vô tham. Một bậc quân vương từ bỏ ngai vàng đi xuất gia cũng là vô tham. Một thiền giả chứng sơ thiền rồi có thể tiếp tục bỏ trạng thái sơ thiền để tiến lên nhị thiền cũng là vô tham. Một bậc tu chứng tuệ giác nhìn thấy tất cả sở đắc, sở chứng “không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta” cũng là vô tham. Với cuộc đời sống hằng ngày, thuộc tánh vô tham trong những tâm tịnh hảo thường đơn giản là trạng thái không vướng mắc. Nếu có vướng mắc thì không thể đi tới một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Có thể hiểu là trạng thái “không nặng lòng”.
Có thể hiểu thuộc tánh vô tham khiến cho tâm ý tiếp tục đi tới một cách trơn tru mà không bị vướng mắc. Thí dụ như một nhóm học sinh đi du ngoạn có một người đi theo chịu trách nhiệm nhắc cả nhóm đi đến nơi về tới chốn chứ không vì một vài nơi quá đẹp quá vui mà quên cả đường về.
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn