Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)

Thứ sáu, 02/12/2022, 18:23 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 2.12.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)

IV. (1) Saddhā, (2) sati, (3) hiri, (4) ottappaṃ, (5) alobho, (6) adoso, (7) tatramajjhattatā, (8) kāyapassaddhi, (9) cittapassaddhi, (10) kāyalahutā, (11) cittalahutā, (12) kāyamudutā, (13) cittamudutā, (14) kāyakammaññatā, (15) cittakammaññatā, (16) kāyapāguññatā, (17) cittapāguññatā, (18) kāyujjukatā, (19) cittujjukatā cā ti ekūnavīsat’ime cetasikā sobhanasādhāraṇā nāma.

19 thuộc tánh gọi là tịnh hảo biến hành gồm có: Tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, quân bình, tịnh tánh, tịnh tâm, khinh tánh, khinh tâm, nhu tánh, nhu tâm, thích tánh, thích tâm, thuần tánh, thuần tâm, chánh tâm, chánh tánh.

saddhā = tín

sati = niệm

hiri = tàm

ottappa = quý

alobho = vô tham

adoso = vô sân

tatramajjhattatā = quân bình

kāyapassaddhi = tĩnh tánh

cittapassaddhi = tĩnh tâm

kāyalahutā = khinh tánh

cittalahutā = khinh tâm

kāyamudutā = nhu tánh

cittamudutā = nhu tâm

kāyakammaññatā = thích tánh

cittakammaññatā = thích tâm

kāyapāguññatā = thuần tánh

cittapāguññatā = thuần tâm

kāyujjukatā = chánh tánh

cittujjukatā = chánh tâm

ekūnavīsati = 19

cetasikā sobhanasādhāraṇā = thuộc tánh tịnh hảo biến hành

Chú thích

TỔNG QUAN

Trong những nhóm thuộc tánh, nhóm thuộc tánh tịnh hảo biến hành dễ tạo nên nhiều ngộ nhận. Cần phân biệt rõ đây là những thuộc tánh chứ không phải là trạng thái tâm hay sở hành.

Tịnh hảo – sobhana – trong Thắng Pháp nghĩa là tốt bao gồm tốt nhưng chưa hẳn đủ để gọi là thiện; mà tốt cũng có thể là vượt trên cả cái thiện. Nói cách khác cái tốt ở đây có thể là trạng thái của một người đang làm việc với sự khéo léo của tay nghề; hay một người hảo tâm giúp đở những kẻ đau khổ; cũng có thể là cái tốt trong tâm tư một vị A la hán đã vượt khỏi thiện ác của nhân sinh. Như vậy phải hiểu tịnh hảo là cái tốt phổ quát chứ không là cái thiện thường được hiểu theo lý giải thông thường.

Thuật ngữ sobhana được Ngài Tịnh Sự dịch là Tịnh hảo và Hoà thượng Thích Minh Châu dịch là tịnh quang. Chữ tịnh hảo lấy theo nghĩa; chữ tịnh quang lấy theo ngữ. Đẹp là vì tốt gọi là tịnh hảo. Đẹp vì sáng gọi là tịnh quang. Cả hai từ vựng nầy đều mới trong thuật ngữ Phật học Hán Việt.

Tịnh hảo biến hành có nghĩa là những thuộc tánh có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo (tức là những trừ ra 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân).

Có bốn nhóm thuộc tánh tịnh hảo: nhóm tịnh hảo biến hành gồm 19 thuộc tánh, nhóm giới phần gồm 3 thuộc tánh, nhóm vô lượng phần gồm 2 thuộc tánh, “nhóm” tuệ phần chỉ có 1 thuộc tánh.

Từ định nghĩa vĩ mô đến sự biểu hiện nổi trội

Một điểm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi đề cập đến ý nghĩa các thuộc tánh là cần hiểu theo cách nói vĩ mô. Những trạng thái như tín, niệm, tàm, quý … khi được định nghĩa thường là theo cách nói đại loại nhưng tín là đức tin ở Tam Bảo, nghiệp quả nhưng khi nói tín là thuộc tánh thì đơn thuần là niềm tin có thể ở mức độ phôi thai nhất. Thí dụ trong hạt cải nhỏ đã có những yếu tố quyết định về màu sắc, hương vị, dáng dấp của cây cải sau nầy. Giai đoạn phôi thai đó rất khó tưởng tượng như một công thức bí mật cho đến sau nầy mọi thành cây cải lớn theo thời gian mới phân định rõ. Nên hiểu là những thuộc tánh khi lớn mạnh có thể là những thiện pháp nhưng khi ở giai đoạn phôi thai thì chỉ là những tố chất vi tế.

Có những phối ngẩu vượt ngoài sự tưởng tượng thông thường

Trong cách hiểu bình thường thì tín và niệm, tàm và quý, vô tham và vô sân thường được hiểu rất riêng biệt. Thế nhưng khi là thuộc tánh thì những tố chất nầy lại hoà quyện nhau tạo thành một thứ tâm đẹp. Đây là thách thức lớn cho người quen học Phật qua Kinh Tạng. Cứ lấy thí dụ đã từng đề cập nhiều lần: Màu gốc chỉ có bốn là xanh, vàng, đỏ, trắng. Nhưng lấy những màu nầy pha lại sẽ tạo nên những màu tím, màu cam ..v.v.. mà một người không học hội hoạ khó tưởng tượng được.

Cái tốt căn cội khác với cái tốt hành động

Một khía cạnh khác tương đối khó hiểu là sự khác biệt giữa hành động thiện và thuộc tánh tịnh hảo. Hành động là sự biểu lộ hay bộc phát vốn là sự kết hợp của nhiều nhân tố. Còn thuộc tánh chỉ là bản chất căn cội. Thí dụ trong hành động thì sự tu giới, tu định, tu tuệ riêng biệt nhưng khi nhìn từ gốc độ căn cội thì 8 chi đạo có thể phát sanh cùng lúc trong tâm đạo (…). Không nên hiểu những pháp trong thuộc tánh như tín, niệm, tàm, quý ..v.v.. là những thiện pháp được thể hiện qua thân, khẩu, ý vốn được nói nhiều trong Kinh Tạng.

Nên hiểu với sự phân biệt giữa tâm và thuộc tánh. Nói đến tâm là là tổng hợp của bốn danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức. Nói đến thuộc tánh thì nói riêng lẻ về thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Giống như nói nồi canh chua khác với me chua. Thuộc tánh tín nên hiểu khác với tín tâm. Không phân định tạo nên sự lầm lẫn mà ngay cả các vị giảng sư cũng thường mắc phải. Thắng pháp nếu hiểu “luông tuồng” dễ sanh ngộ nhận.

Những tố chất làm tốt nội vụ

Một khía cạnh thú vị khác về các thuộc tánh tịnh hảo là có những thuộc tánh đóng “vai trò nội vụ” tức là làm tốt cho các tâm và thuộc tánh đồng sanh. Đó là những thuộc tánh tịnh tánh, tịnh tâm, khinh tánh, khinh tâm, nhu tánh, nhu tâm, thích tánh, thích tâm, thuần tánh, thuần tâm, chánh tánh, chánh tâm. Những thuộc tánh nầy khi đào sâu sẽ cho thấy một khía cạnh rất lợi lạc về bài học của pháp tự nhiên mà ở đây được Thắng Pháp trình bày.

Lưu ý: Chánh văn của nguyên tác chỉ nêu 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành trong một bảng liệt kê rất ngắn gọn như mở đầu bài học. Phần chú thích sẽ đi sâu vào chi tiết nên tương đối dài và được giảng trong nhiều ngày.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc