Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - Bài 26. Tâm Thiện Siêu Thế (lokuttara-kusalacittāni) "tiếp theo"

Thứ sáu, 16/09/2022, 18:53 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 9.9.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

25. Tóm Lược Tâm Vô Sắc Giới

(arūpāvacara-kriyācittāni)

Chánh văn

25. Ālambanappabhedena catudh’āruppamānasaṃ

Puññapākakriyābhedā puna dvādasadhā ṭhitaṃ.

Tâm vô sắc giới được phân loại theo thiền án gồm có bốn. Khi chia những tâm nầy theo thiện, quả, và duy tác thành 12 thứ tâm.

26. Tâm Thiện Siêu Thế

(lokuttara-kusalacittāni)

1. Sotāpatti-maggacittaṃ.

2. Sakadāgāmi-maggacittaṃ.

3. Anāgāmi-maggacittaṃ.

4. Arahatta-maggacittañ cā ti.

Imāni cattāri pi lokuttara-kusalacittāni nāma.

1. Tâm đạo nhập lưu

2. Tâm đạo nhất lai

3. Tâm đạo bất lai

4. Tâm đạo vô sanh ứng cúng

Maggacittaṃ > tâm đạo

Sotāpatti > nhập lưu, vào giòng thánh vức

Sakadāgāmi > nhất lai

Anāgāmi > bất lai

Arahatta > vô sanh ứng cúng, đoạn tận phiền não

lokuttara-kusalacittāni > những tâm thiện siêu thế

Chú thích

Tâm siêu thế là tâm biết cảnh niết bàn  cảnh giới xuất thế gian. Có những tâm hiệp thế cũng biết cảnh niết bàn nhưng không chuyên nhất và không đóng vai trò đặc biệt như tâm siêu thế. Những giải thích về tâm siêu thế trong Thắng Pháp là mô tả chi tiết nhất về hiện tượng “đắc chứng đạo quả” thường được nghe. Hiện tượng nầy cần hiểu theo phạm trù vĩ mô vì có sự khác biệt lớn giữa sát na nầy đối với sát na khác.

Gọi là tâm thiện siêu thế vì tạo ra tâm quả siêu thế. Chữ thiện ở đây phải hiểu tương đối khác với quan niệm bình thường. Trong cách nói chuẩn xác thì niết bàn không nằm trong đối đãi của thiện ác. Thắng Pháp đòi hỏi sự quy định chính xác về cách dùng và hiểu thuật ngữ. Không thể dùng cách hiểu về thiện trong tâm hiệp thế áp dụng với tâm siêu thế.

Chữ đạo trong tâm đạo mang ý nghĩa “nẻo vào cảnh giới niết bàn”. Nói cách khác là niết bàn không phải là thành quả của bất cứ duyên sanh nào. Con đường dẫn tới hòn núi không tạo ra hòn núi. Chữ đạo ở đây vốn là gốc của nhiều cách dùng về “đạo” hiện nay nhưng phải có định nghĩa “rất riêng”.

Một đặc điểm chỉ có ở tâm đạo là sự hợp nhất nhuần nhuyễn của tám đạo chi. Tám đạo chi đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Sự đồng sanh của các đạo chi phải được nhìn trong phạm trù vĩ mô. Điều nầy hoàn toàn không thể xẩy ra trong các tâm hiệp thế.

Tất cả tâm siêu thế đều có sự có mặt các thiền chi tối thiểu ở mức độ sơ thiền. Nhưng nên nhớ là trong tâm sắc giới và tâm vô sắc giới lấy định lực làm tâm điểm trong lúc tâm siêu thế lấy tuệ lực làm lực chính yếu. Phải hiểu chính xác theo Phật học thì trong chỉ (samatha) không nhất thiết có quán (vipassanā) nhưng trong quán luôn có chỉ.

Những tâm đạo chứng tri niết bàn trong trường hợp đặc biệt là cùng lúc có niết bàn là cảnh đồng thời cũng đoạn tận hay vĩnh viễn giảm thiểu các kiết sử. Cũng giống như ánh sáng xuất hiện đồng thời cũng làn tan biến bóng tối. Nghe như hai sự việc nhưng kỳ thật là một. Không có sự thối thất hay trở lui trong đạo quả siêu thế. Đây là điều khác biệt lớn so với thiền sắc giới và vô sắc giới.

Về ý nghĩa của những thuật ngữ nhập lưu, nhất lai, bất lai, vô sanh ứng cúng sẽ nói rõ trong phần tâm quả siêu thế. Những thuật ngữ nầy được dịch và phiên âm thường tìm thấy rất phổ biến trong Hán Tạng. Trong phần “tâm siêu thế” những thuật ngữ nầy cần được định nghĩa rõ.


Bài học ngày 16.9.2022

Để hiểu rõ về tâm thiện siêu thế cần hiểu rõ 10 kiết sử (saṃyojana). Kiết sử có nghĩa là sự cột trói khiến chúng sanh không thể tách rời ra khỏi sự đau khổ và cuộc trầm luân. Giống như một tội nhân bị gông cùm xiềng xích không thể đi lại tự tại. Những kiết sử nầy là các phiền não nhưng những phiền não ở đây đóng vai trò trói buộc. Chỉ có tuệ giác trong tâm thiện siêu thế mới có khả năng đoạn diệt hay giảm thiểu vĩnh viễn những kiết sử nầy. Ý nghĩa của 10 kiết sử cần được hiểu rõ để thấy tại sao là sự cột trói.

1. Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) là chấp thủ về cái tôi và liên hệ tới cái tôi. Nói một cách chuyên môn thì chấp “ta là sắc uẩn, sắc uẩn là ta, trong ta có sắc uẩn, trong sắc uẩn có ta”; đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng vậy. Nói theo cách thông thường thì đây là một cách tự nhận về bản thân (self identification) như nói “tôi giỏi”, tôi đẹp, tôi là thế đó ..v.v.. Nhưng không phải chỉ là cách nói phô trương với người khác mà một thứ ngã chấp miên mật trong mọi lúc, mọi nơi.

2. Nghi hoặc (vicikicchā) là sự không trọn tin ở sự giác ngộ giải thoát (đạo quả, niết bàn) vì còn bám víu thế gian pháp. Đây không phải chỉ là thái độ nghi nan bày tỏ bằng lời mà tiềm ẩn qua thái độ không dứt khoát với các sở y. Ví dụ như tuy rằng đi tu nhưng không đủ can đảm để từ bỏ cả.

3. Giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là chấp trì những thứ không cần thiết cho sự giác ngộ giải thoát, nói cách khác là sự hành trì vô ích mà tiêu biểu là những lễ nghi cúng kiến tuy kết quả mơ hồ như lại đặt để niềm tin mạnh mẽ. Đây là điều thường dễ thấy ở những tu sĩ nặng về tín ngưỡng dân gian. Khi người ta nghiêng về siêu hình, tín ngưỡng thì luôn tìm về những giải pháp mơ hồ như cầu nguyện, phong thuỷ, bói toán, cúng kiếng ..v.v.. Nên lưu ý không phải chỉ có “người mê tín” mới có thái độ như vậy mà tất cả chúng sanh khi đối diện với những khổ ải, bế tắc đều như vậy.

4. Dục ái (kāmacchando) là sự ưa thích đối với sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Thí dụ như một người thường tu tập nhưng khi đi máy bay hạng nhất với những chiêu đãi sang trọng thì tâm vẫn đặc biệt ưa thích.

5. Sân (vyāpādo hay byāpādo) là phản ứng bất bình với điều không vừa ý. Sự bực bội không đơn thuần do ngoại cảnh mà còn do thiếu sự bình ổn của định lực. Còn dục ái thì con sân. Còn ưa thích với những điều như ý thì còn bị chi phối bởi những điều bất như ý.

6. Sắc ái (rūparāgo) là ái chấp đối với cảnh thiền sắc giới và cõi phạm thiên sắc giới. Khi tâm không tham luyến đối với năm dục trưởng dưỡng thì sắc ái sanh khởi để “lấp vào khoảng trống” nếu không chứng tri niết bàn.

7. Vô sắc ái (arūparāgo) là ái chấp đối với cảnh thiền vô sắc giới và cõi phạm thiên vô sắc giới. Cũng là một thứ ái chấp sau khi rời thiền sắc giới.

8. Mạn (māna) là ngã chấp tạo nên cái nhìn khác biệt giữa bản thân và chúng sanh khác. Trong sự tế nhị nhất vẫn thấy năm uẩn là một cá thể chứ không là nhất thể đối với tất cả chúng sanh. Thí dụ cũng thời đi học bằng lớp nhưng một học sinh có thể tự thị là minh hơn những bạn học khác do ngoại hình, gia thế ..v.v..

9. Phóng dật (uddhacca) là sự giao động đối với chi phối của cảnh. Đây là trạng thái đối lập với sự an nhiên. Chỉ có bậc đoạn tận lậu hoặc thì tâm mới đạt tới cảnh giới trạm nhiên.

10. Vô minh (avijjā) là sự không thật sự biết, thật sự thấy đối lập với sự tỉnh thức trong mọi phản ứng của tâm đối với cảnh. Giống như một người gặp những bài toán có khi giải đáp đúng hay sai nhưng với một giáo sư toán thật sự giỏi thì luôn tránh được những sai lầm.

Năm kiết sử đầu tiên gọi là hạ phần kiết sử (orambhāgiyāni saṃyojanāni) và năm kiết sử còn lại gọi là thượng phần kiết sử (uddhambhāgiyāni saṃyojanāni). Sự phân biệt nầy do có sự cao thấp, thô tế.

Vị chứng sơ đạo đoạn tận thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. Do thật sự chứng tri niết bàn, sơ khởi, nhưng do đã thấy nên không còn ba tà kiến. Được gọi là nhập lưu – âm là tu đà huờn – có nghĩa là người đã vào dòng thánh vức chắc chắn sẽ đạt đến sự giải thoát hoàn toàn trong tương lai. Vị nầy còn gọi là thánh thất lai nghĩa là nếu còn luân hồi trong cõi dục giới thì tối đa là bảy lần.

Vị chứng nhị đạo làm giảm thiểu vĩnh viễn dục ái và sân. Đây là hai kiết sử nặng về tập tánh nhiều đời. Sự ham muốn đối với năm dục trưỡng dưỡng, và tự nhiên, có ham muốn thì có bất mãn. Dục ái giảm thì sân cũng giảm. Được gọi là nhất lai – âm là tư đà hàm – có nghĩa là nếu còn tái sanh lại cõi dục giới thì chỉ một lần nữa thôi.

Vị chứng tam đạo đoạn tận hoàn toàn dục ái và sân. Đây là một sự chuyển hoá lớn khi một chúng sanh không còn tham luyến và bất mãn với ngoại cảnh. Điều nầy có nghĩa là vượt khỏi tập tánh từ nhiều đời. Được gọi là bất lai – âm là a na hàm – là vị không còn sanh trở lại cõi dục giới.

Vị chứng tứ đạo đoạn tận năm kiết sử còn lại (hay thượng phần kiết sử). Không còn phiền não thô tế nên cũng gọi là bậc sát tặc; là bậc vô nhiễm nên gọi là bậc trọn lành; là bậc hoàn toàn xứng đáng được cúng dường trong ý nghĩa tuyệt đối nên gọi là bậc ứng cúng. Được gọi là bậc viên giác vô sanh – âm là a la hán – vì đoạn tận lậu hoặc chấm dứt sanh tử.

Bốn thánh đạo trên không phải là bốn quả chứng riêng biệt mà là bốn công đoạn. Tất cả chư vị viên giác, kể cả Đức Phật, đều trãi qua cả bốn công đoạn nầy nhưng có những vị chứng đắc rất nhanh nên chỉ nói đến quả vị cuối cùng.

Nên lưu ý có một thí dụ khiến người học dễ hiểu nhưng thường gây hiểu làm là dụ ngôn người đi trong đêm nhờ trời chớp thấy được đường đi (…). Các bậc đã chứng sơ đạo, nhị đạo, tam đạo sau khi chứng đắc vẫn có thể quán chiếu niết bàn bằng thiền quả hoặc tâm đại thiện dục giới tịnh hảo chứ không phải như trời chớp rồi sau đó chỉ là đêm đen. Nên nhớ là khi tâm đạo khởi lên ba lần đầu (sơ đạo, nhị đạo, tam đạo) chư đủ khả năng đoạn diệt tất cả kiết sử. Do còn kiết sử nên sự chứng tri niết bàn vẫn còn hạn cuộc bởi kiết sử.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc