Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | 37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (Sobhanacetasikā) - Thuộc Tánh Tín (Saddhācetasika)

Thứ sáu, 09/12/2022, 18:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 9.12.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (Sobhanacetasikā)

Thuộc Tánh Tín (Saddhācetasika)

Thuộc tánh tín (Saddhācetasika) là một trong 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành có nghĩa là có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo. Khi nói về hai loại thuộc tánh tợ tha và bất thiện tương đối ít gây ngộ nhận như thuộc tánh tịnh hảo. Bởi vì khi đề cập đến những thuộc tánh nầy chúng ta thường hiểu theo góc nhìn Phật pháp hơn là bản chất tự nhiên và cũng hiểu theo cách nói đại loại hơn là vĩ mô. Để tránh ngộ nhận phần nầy sẽ được đào sâu theo từng một hoặc hai thuộc tánh.

Hiểu chính xác tín là gì

Chữ saddhā được dịch sang Hán Việt là tín. Tín được hiểu là tin. Vấn đề chỗ nầy chữ “tin” trong tiếng Việt mang nhiều nghĩa và vài nghĩa trong số đó đi ngược với ý nghĩa của chữ saddhā.

Tin hay niềm tin đôi khi có nghĩa là được thuyết phục bởi điều gì đó mà không có lý tính như trong câu “chánh pháp đến để thấy chứ không phải đến để tin”. Saddhā ở đây không mang ý nghĩa như vậy. Trong tiếng Việt chữ “tin” thường được xài thông dụng ít khi rõ ràng như trong Anh ngữ với những chữ faith, belief, confidence, trust, fidelity … Mặc dù có nhiều cách dịch như đức tin, niềm tin, lòng tin, tín tâm ..v.v.. nhưng tương đối mơ hồ. Phải rất cẩn trọng khi định nghĩa chữ tín theo thuộc tánh tín.

Trong cách nói gần nhất thì tín – Saddhā là “chọn”. Trong nhiều cái để lựa thì chọn cái tốt nhất. Ngài Silananda cũng nói là Saddhā giống như sự quyết đoán (adhimokkha) tịnh hảo nhưng khác với thuộc tánh thắng giải về phương diện công năng như được đề cập trong phần tiếp theo. Trong Kinh Milindapañha Ngài Nāgasena dùng thí dụ như một người đứng trước dòng suối phân vân chưa biết có thể băng ngang được hay không chợt thấy có người băng qua. Từ sự quan sát nầy dẫn đến kết luận là mình có thể băng qua được. Quyết định đó là tín.

Tín theo cách hiểu vĩ mô

Trong cách nói vĩ mô thì khi đề cập đến mỗi thuộc tánh thường nói đến bốn phương diện: đặc tính, chức năng, biểu hiện, và điều kiện. Chức năng của thuộc tánh tín là xoá tan đi những mù mờ, chập chờn được thí dụ như ngày nay những người đi rừng mang theo các viên thuốc lọc nước (water purifier pill). Khi múc nước suối, nước hồ vào bình người ta cho một viên thuốc lọc vào. Viên thuốc khiến nước trong và an toàn để uống. Công năng của tín cũng như vậy. Sự chọn lấy một cái gì đó thì xua tan những lao xao.

Tín theo cách nói đại loại

Trong lúc tín theo cách nói vĩ mô không thể là đức tin mù quáng thì theo cách nói đại loại tín có thể là niềm tin dựa trên một cơ sở vững vàng hay thiếu cơ sở. Theo cách nói đại loại từ niềm tin đối với bản thân (tự tin) đến đạo giáo (tín ngưỡng) hay mơ hồ (mê tín) đều nằm trong tín. Sự khác biệt giữa hai cách nói là tín theo vĩ mô phải mang tính cách lựa chọn thí dụ như câu kinh “Phật là nơi nương nhờ tối thượng” trong lúc theo cách nói đại loại thì không hẳn như vậy thí dụ sự cả tin cũng là tin.

Vai trò của tín trong các tâm tịnh hảo

Một đặc tính của các tâm tịnh hảo là sự ổn định danh pháp. Nói theo ngôn ngữ thường thức là sự trật tự, ổn định. Vai trò của thuộc tánh tín là làm cho các danh pháp đồng sanh không bị lao xao bởi thiếu quyết đoán giống như kết quả sau cùng của cuộc bầu cử là chấm dứt tranh cử đưa xã hội trở về sự bình thường trước đó. Phải hiểu rõ điều nầy mới thấy tại sao ngay cả một người không có tín tâm ở Tam Bảo, nghiệp báo ... vẫn có thuộc tánh tín trong đời sống hằng ngày. (Đa số các giáo trình Thắng Pháp đều định nghĩa thuộc tánh tín trong cách nói đại loại có thể tạo ngộ nhận)

Lưu ý: Chánh văn của nguyên tác chỉ nêu 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành trong một bảng liệt kê rất ngắn gọn như mở đầu bài học. Phần chú thích sẽ đi sâu vào chi tiết nên tương đối dài và được giảng trong nhiều ngày.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc