Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | 37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (Sobhanacetasikā) - Thuộc Tánh Niệm (Saticetasika)

Thứ sáu, 16/12/2022, 19:01 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 2.12.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (Sobhanacetasikā)

Thuộc Tánh Niệm (Saticetasika)

Thuộc tánh Niệm (Saticetasika) là một trong 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành có nghĩa là có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo. Đây là một thuật ngữ phổ thông trong Phật học cũng như thường thức. Và cũng là một trong những thuật ngữ được sử dụng với nhiều ý nghĩa đôi khi trái chống nhau. Niệm (sati) là một từ vựng được dùng rất nhiều trong kinh điển. Nên phân rõ cách hiểu khác biệt giữa thường thức và Phật học. Ngay trong Phật pháp cũng cần phân rõ ý nghĩa của niệm giữa pháp học và pháp hành. Trong bài học nầy thuộc tánh niệm cần hiểu theo cách nói vĩ mô chứ không phải là cách nói đại loại.

Hiểu chính xác niệm là gì?

Muốn hiểu chính xác ý nghĩa của chữ niệm trước nhất cần tạm thời bỏ đi tất cả những gì vốn thường được hiểu một cách quen thuộc về chữ nầy.

Niệm ở đây không phải là liên tục lẩm nhẩm một danh hiệu Phật hay câu thần chú nào đó.

Niệm ở đây không phải là sự ghi nhớ như tâm niệm hay “ghi nhớ biết mình”.

Niệm ở đây không phải là sự theo dõi cái gì đó.

Mặc dù những điều vừa nói đều “có khả năng huân tập niệm lực, và niệm cũng là trọng điểm để tu tập những điều đó”.

Niệm theo cách hiểu vĩ mô

Mặc dù trong Phạn ngữ sati có nghĩa là ghi nhớ nhưng khi nói về thuộc tánh có nghĩa là “có mặt với hiện tại” (một cách thú vị, về ý nghĩa nầy lại gần với cách giải chiết tự của chữ Hán). Đó là trạng thái tỉnh táo, để tâm vào cảnh hiện tại để tâm không giao động. Nhờ chất liệu nầy tạo nên ấn tượng sâu đậm, rồi từ đó, sanh ra trí nhớ. Như vậy trong cách nói vĩ mô niệm là nhân tố tiên khởi của trí nhớ chứ không phải là trí nhớ.

Thuộc tánh niệm trong tâm tịnh hảo có thể hiểu như cái neo của thuyền được thả xuống để không bị trôi giạt. Thuộc tánh niệm có chức năng là khiến các danh pháp đồng sanh không bềnh bồng giao động mà có mặt với hiện tại. Hay cũng có thể thí dụ thuộc tánh niệm giống như vị chủ toạ trong phiên họp có bổn phận làm cho buổi hội thảo không đi lạc đề hay làm hỏng nghị trình đã quy định.

Niệm theo cách nói đại loại

Sự bám sát với thực tại khiến niệm trở nên quan trọng trong pháp tu tứ niệm xứ và các pháp tuỳ niệm (anusati). Nên lưu ý là trên phương diện thực hành niệm được hướng dẫn với nhiều cách khác nhau. Trong số những cách niệm đôi khi có cách tập trung bền bĩ trên một đề mục thì là cách tu tập định hơn là niệm. Trong phạm vi bài học về thuộc tánh niệm nên chú tâm vào cách hiểu vĩ mô hơn là cách nói đại loại. Một thí dụ là trong khi hành thiền nếu để tâm suy nghĩ về việc chuẩn bị cơm trưa cho các thiền sinh thì được xem là “thất niệm” nhưng nói theo Thắng Pháp thì thiện tâm nào cũng có thuộc tánh niệm.

Trong Kinh Tạng có nói về tà niệm đối lập với chánh niệm. Trong Thắng Pháp Tạng thuộc tánh niệm chỉ có mặt trong các tâm tịnh hảo. Chỉ riêng với điều nầy cho thấy ý nghĩa của niệm cần được hiểu rõ theo ngữ cảnh và cách dùng. Đây là điểm đặc biệt tế nhị mà người học không thể không lưu tâm.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc