Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 21. TOÁT YẾU LỘ TRÌNH TÂM  (Cittavīthisaṅgaha)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 21. TOÁT YẾU LỘ TRÌNH TÂM (Cittavīthisaṅgaha)

Thứ năm, 16/09/2021, 08:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 16.9.2021


Chương III (tiếp theo) _ Phần II

Bài 21. TOÁT YẾU LỘ TRÌNH TÂM

(Cittavīthisaṅgaha)

Khi thấy cảnh sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, xúc chạm, suy nghĩ thì tâm sanh khởi để biết cảnh; Tâm sinh diễn thứ lớp theo chức năng, sát na trước trợ sát na sau nối tiếp không gián đoạn. Đó gọi là lộ trình tâm, hay diễn trình tâm thức.

Trước khi phân tích lộ trình tâm, phải biết qua tám vấn đề: sáu vật (vatthu), sáu môn (dvāra), sáu cảnh (ārammaṇa), sáu thức (viññāṇa), sáu lộ trình (vīthi), sáu diễn cảnh (visayappavatti), bốn trường hợp (vāra), tâm lộ (vīthicitta).

· Sáu vật (vatthu) đã nói trong phần trước.

· Sáu môn (dvāra) cũng đã nói ở phần trước

· Sáu cảnh (ārammaṇa) cũng đã nói ở phần trước


· Sáu thức (viññāṇa) là:

1. Nhãn thức (cakkhuviññāṇaṃ) tức 2 tâm nhãn thức.

2. Nhĩ thức (sotaviññāṇaṃ) tức 2 tâm nhĩ thức.

3. Tỷ thức (ghānaviññāṇaṃ) tức 2 tâm tỷ thức.

4. Thiệt thức (jivhāviññāṇaṃ) thức 2 tâm thiệt thức.

5. Thân thức (kāyaviññāṇaṃ) tức 2 tâm thân thức.

6. Ý thức (manoviññāṇaṃ) tức 111 tâm ngoài ngũ song thức. Nhưng ý thức sinh diễn trong lộ trình tâm chỉ có 102 tâm trừ 9 tâm quả đáo đại, vì 9 tâm quả nầy không làm việc gì trong lộ trình tâm.


· Sáu lộ trình (vīthi) là:

1. Lộ nhãn môn (cakkhudvāravīthi), lộ trình tâm sinh diễn qua nhãn môn.

2. Lộ nhĩ môn (sotadvāravīthi), lộ trình tâm sinh diễn qua nhĩ môn.

3. Lộ tỷ môn (ghānadvāravīthi), lộ trình tâm sinh diễn qua tỷ môn.

4. Lộ thiệt môn (jivhādvāravīthi), lộ trình tâm sinh diễn qua thiệt môn.

5. Lộ thân môn (kāyadvāravīthi), lộ trình tâm sinh diễn qua thân môn.

6. Lộ ý môn (manodvāravīthi), lộ trình tâm sinh diễn qua ý môn.

Hoặc sáu lộ trình là:

1. Lộ nhãn thức (cakkhuviññāṇavīthi)

2. Lộ nhĩ thức (sotaviññāṇavīthi)

3. Lộ tỷ thức (ghānaviññāṇavīthi)

4. Lộ thiệt thức (jivhāviññāṇavīthi)

5. Lộ thân thức (kāyaviññāṇavīthi)

6. Lộ ý thức (manoviññāṇavīthi)

Lộ nhãn môn, lộ nhĩ môn, lộ tỷ môn, lộ thiệt môn và lộ thân môn gọi chung là lộ ngũ môn (pañcadvāravīthi) vì đều giống nhau có bảy sở tâm (cittaṭhāna) trong lộ trình, chỉ khác là ở sở ngũ, vị trí ấy nhãn thức khởi lên, hoặc nhĩ thức …v.v… Như vậy, lộ trình tâm tóm tắt chỉ có hai lộ là lộ ngũ môn (pañcadvāravīthi) và lộ ý môn (manodvāravīthi).


· Sáu diễn cảnh (visayappavatti) là:

1. Diễn cảnh rất lớn (atimahantaṃ)

2. Diễn cảnh lớn (mahantaṃ)

3. Diễn cảnh nhỏ (parittaṃ)

4. Diễn cảnh rất nhỏ (atiparittaṃ)

5. Diễn cảnh rõ (vibhūtaṃ)

6. Diễn cảnh mờ (avibhūtaṃ)

Hậu sớ giải nói thêm 2 diễn cảnh là cảnh rất rõ (ativibhūtaṃ) và cảnh rất mờ (ati_avibhūtaṃ).

- Cảnh rất lớn, cảnh lớn, cảnh nhỏ, cảnh rất nhỏ, là diễn cảnh đối với lộ ngũ môn.

- Cảnh rất rõ, cảnh rõ, cảnh mờ và cảnh rất mờ, là diễn cảnh đối với lộ ý môn.

- Cảnh rất lớn, tức là năm cảnh hiện ra có sức ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lộ sanh khởi đầy đủ.

- Cảnh lớn, tức là năm cảnh hiện ra đủ mạnh là ảnh hưởng đến tâm lộ sanh khởi không đầy đủ lắm, thiếu sở tâm mót cảnh.

- Cảnh nhỏ, tức là năm cảnh hiện ra yếu ớt không đủ mạnh để ảnh hưởng đến tâm lộ đổng lực (xử lý cảnh) sanh khởi.

- Cảnh rất nhỏ, tức là năm cảnh hiện ra quá yếu ớt, không thể ảnh hưởng làm sanh khởi tâm lộ, mà chỉ làm dao động hữu phần.

- Cảnh rất rõ, tức là cảnh pháp hiện ra rất rõ nét đủ ảnh hưởng khiến lộ tâm ý môn diễn ra ba sở tâm.

- Cảnh rõ, tức là cảnh pháp hiện ra tương đối rõ nét vừa đủ khiến lộ tâm ý môn diễn ra sở tâm đổng lực.

- Cảnh mờ, tức là cảnh pháp hiện ra mờ nhạt không đủ mạnh để ảnh hưởng cho lộ tâm ý môn diễn ra đầy dủ, chỉ diễn ra đến sở tâm khai môn thôi

- Cảnh rất mờ, tức là cảnh pháp hiện ra quá mờ nhạt không đủ ảnh hưởng cho lộ tâm ý môn diễn ra, hoặc chỉ khiến hữu phần rung động vài chập.


· Bốn trường hợp (vāra) là:

1. Trường hợp chót tâm mót cảnh (tadālambanavāra)

2. Trường hợp chót tâm đổng lực (javanavāra)

3. Trường hợp chót tâm xác định (voṭṭhapanavāra)

4. Trường hợp chót không (moghavāra)

- Trường hợp chót tâm mót cảnh là lộ tâm kết thúc ở tâm ở tâm mót cảnh (tadālambanāvasāna).

Nếu là lộ ngũ môn chót tâm mót cảnh, đấy là trường hợp được tác động bởi diễn cảnh rất lớn (ati_mahantaṃ); lộ tâm nầy diễn ra đủ bảy sở tâm là khai môn, ngũ thức, tiếp thâu, quan sát, xác định, đổng lực và mót cảnh.

Nếu là lộ ý môn chót tâm mót cảnh thì đây là trường hợp được tác động bởi diễn cảnh rất rõ (ati_vibhūtaṃ); Lộ tâm nầy diễn ra đủ ba sở tâm là khai môn, đổng lực và mót cảnh.

- Trường hợp chót tâm đổng lực là lộ tâm kết thúc ở tâm đổng lực (javanāvasāna).

Nếu là lộ ngũ môn chót tâm đổng lực, đấy là trường hợp được tác động bởi hai diễn cảnh, rất lớn (atimahantaṃ) với 1 hữu phần vừa qua, lớn (mahantaṃ) với 2 và 3 hữu phần vừa qua; Lộ tâm nầy diễn ra bảy sở tâm là khai môn, ngũ thức, tiếp thâu, quan sát, xác định và đổng lực.

Nếu là lộ ý môn chót tâm đổng lực thì cũng là trường hợp được tác động bởi diễn cảnh rõ (vibhūtaṃ); Lộ tâm nầy diễn ra hai sở tâm là khai môn và đổng lực.

- Trường hợp chót tâm xác định hay chót khai ý môn là lộ tâm kết thúc ở chập xác định hay chập khai ý môn.

Nếu là lộ ngũ môn chót tâm xác định, đấy là trường hợp được tác động bởi diễn cảnh nhỏ (parittaṃ); Lộ tâm nầy diễn ra năm sở tâm là khai môn, ngũ thức, tiếp thâu, quan sát và xác định.

Nếu là lộ ý môn thì đây gọi là chót khai môn, trường hợp được tác động bởi diễn cảnh mờ (avibhūtaṃ). Trong lộ ý môn cảnh mờ thì chỉ diễn ra vài chập khai môn, còn trong lộ ngũ môn cảnh nhỏ thì diễn ra vài chập xác định. Tâm khai ý môn trong lộ ý làm việc khai môn, trong lộ ngũ thì nó làm việc xác định.

- Trường hợp chót không (moghavāra) là không sanh tâm lộ khách quan, không diễn ra lộ tâm. Trường hợp nầy do diễn cảnh rất nhỏ (atiparittaṃ) đối với cảnh ngũ, hoặc do diễn cảnh rất mờ (ati_avibhūtaṃ) đối với cảnh pháp; Cảnh quá yếu ớt hay quá mờ nhạt chỉ ảnh hưởng làm cho hữu phần dao động thôi.


· Tâm lộ (vīthicitta)

Tâm lộ là sát na tâm sinh diễn trong lộ trình tâm, sát na (khaṇa) là đơn vị thời gian cực ngắn, thường gọi là chập tâm; Tên sát na gọi theo công việc của tâm.

Trước khi nói đến tâm lộ trong lộ trình tâm nên biết đến tâm hữu phần (bhavaṅga) khi có cảnh xuất hiện:

1. Hữu phần vừa qua (atītabhavaṅga) là sát na hữu phần rung động đầu tiên khi có cảnh; từ hữu phần bình thường chuyển qua hữu phần rung động. Hữu phần chuyển qua ấy gọi là “hữu phần vừa qua”. Có thể sanh một chập hay nhiều chập.

2. Hữu phần rung động (bhavaṅgacalana). Sau hữu phần vừa qua là sát na hữu phần rung động. Thông thường sanh một chập, nhưng trong trường hợp diễn cảnh quá yếu quá mờ thì hữu phần rung động khởi lên ba chập.

3. Hữu phần dứt dòng (bhavaṅgupaccheda) là sát na hữu phần kết thúc để trợ sanh tâm lộ khách quan khai ngũ môn hay khai ý môn. Hữu phần dứt dòng chỉ có một chập.

Sau hữu phần dứt dòng các tâm lộ khách quan sanh khởi với tên gọi như sau:

1. Chập khai môn (āvajjanakhaṇa) là tâm hướng cảnh mới, khai mở một lộ tâm khách quan biết cảnh ấy. Chập khai môn là tâm khai ngũ môn nếu mở lộ ngũ, là tâm khai ý môn nếu mở lộ ý. Chập khai môn chỉ khởi một lần rồi diệt.

2. Chập ngũ thức (pañcaviññānakhaṇa) sanh tiếp nối sát na khai môn, có nhiệm vụ thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, đây chính là ngũ song thức; nhưng trong lộ tâm, sở ngũ chỉ sanh khởi một trong mười thức (nhãn thức quả thiện hoặc nhãn thức quả bất thiện …v.v…)

3. Chập tiếp thâu (sampaṭicchanakhaṇa) sanh tiếp nối sát na ngũ thức, nhiệm vụ tiếp nhận cảnh sắc …v.v… Đây chính là một trong hai tâm tiếp thâu. Chập tiếp thâu trong lộ tâm chỉ khởi một lần rồi diệt và chỉ khởi trong lộ ngũ môn.

4. Chập quan sát (santīraṇakhaṇa) sanh tiếp nối sát na tiếp thâu, nhiệm vụ quan sát cảnh sắc …v.v… Đây chính là một trong ba tâm quan sát. Chập quan sát trong lộ tâm chỉ khởi một lần rồi diệt và chỉ khởi trong lộ ngũ môn.

5. Chập xác định (voṭṭhapanakhaṇa) sanh tiếp nối sát na quan sát, nhiệm vụ xác định cảnh sắc …v.v… Đây chính là tâm tố ý thức giới vô nhân thọ xả (khai ý môn). Chập xác định trong lộ tâm chỉ khởi một lần rồi diệt và chỉ khởi trong lộ ngũ môn.

6. Chập đổng lực (javanakhaṇa) có chức năng quan trọng nhất định trong lộ trình tâm. Đổng lực (javana) là tâm “hưởng cảnh”, “xử lý cảnh” …v.v… Tâm làm đổng lực là tâm bất thiện, tâm thiện, tâm tố ưng cúng và tâm quả siêu thế. Đổng lực bất thiện và đổng lực thiện có thể tạo quả dị thục, đổng lực tố ưng cúng và đổng lực quả siêu thế thì không tạo quả.

Tâm lộ đổng lực đều có trong lộ tâm ngũ môn và lộ tâm ý môn.

Đổng lực trong lộ ngũ môn thời bình nhật sanh bảy chập, thời cận tử sanh năm chập. Đổng lực trong lộ ý môn thông thường thời bình nhật sanh bảy chập, thời cận tử sanh năm chập; Đổng lực trong lộ ý môn đặc biệt thời bình nhật có nhiều trường hợp sanh sáu chập, hoặc bảy chập, hoặc vô số chập.

Đổng lực trong lộ ngũ môn và lộ ý môn thông thường là 29 tâm: 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện, 9 tâm tố ưng cúng. Đổng lực trong lộ ý môn đặc biệt là 66 tâm: 4 tâm đại thiện hợp trí, 4 tâm đại tố hợp trí, 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm tố đáo đại, 20 tâm thiện siêu thế và 20 tâm quả siêu thế.

Đổng lực trong lộ ý môn đặc biệt luôn luôn diễn trình hai chặng: chặng đổng lực dục giới (kāmajavana), tiếp nối là chặng đổng lực an chỉ (appanājavana) hay đổng lực kiên cố.


Trong lộ ý môn đặc biệt, chặng đổng lực dục giới là một trong tám tâm: 4 đại thiện hợp trí và 4 đại tố hợp trí, khởi lên 4 chập với tên gọi:

1. Sát na chuẩn bị (parikamma)

2. Sát na cận hành (upacāra)

3. Sát na thuận thứ (anuloma)

4. Sát na chuyển tộc (gotrabhū)

Trong lộ ý môn đặc biệt, chặng đổng lực an chỉ là 9 thiện đáo đại, 9 tố đáo đại, 20 tâm đạo và 20 tâm quả siêu thế.

Tâm thiện đáo đại và tâm tố đáo đại khởi lên một chập với tên gọi là sát na thiền (jhānakhaṇa).

Tâm đạo khởi lên một chập với tên gọi là sát na đạo (maggakhaṇa).

Tâm quả khởi lên một chập với tên gọi là sát na quả (phalakhaṇa).

7. Chập mót cảnh (tadālambanakhaṇa) là tâm lộ sanh nối tiếp đổng lực lộ ngũ môn và lộ ý môn thông thường, khi đối tượng là diễn cảnh rất lớn và rất rõ. Tâm mót cảnh, gọi vậy vì tâm nầy đồng đối tượng với đổng lực đã diệt, nó hưởng cảnh dư của đổng lực đã diệt

Tâm mót cảnh luôn luôn khởi hai sát na.

Tâm làm việc mót cảnh là 11 tâm: 3 tâm quả vô nhân ý thức giới (tâm quan sát) và 8 tâm quả dục giới hữu nhân (tâm đại quả).

Tóm lại, lộ ngũ môn có bảy loại tâm lộ, còn lộ ý môn chỉ có ba loại tâm lộ (vīthicitta).

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu


PHẢI VẬN DỤNG TƯỞNG TƯỢNG ĐỂ HIỂU ĐIỀU KHÓ TƯỞNG TƯỢNG

Diễn trình tâm là khái niệm chỉ có thể tìm thấy trong Thắng Pháp Tạng của Tam Tạng Pāli. Ngay cả Luận Tạng của Phật Giáo Bắc Truyền như Câu Xá Luận, Duy Thức Học … cũng không đề cập đến phần nầy. Một vài đặc điểm sau đây nên được hiểu khi học về diễn trình tâm.

Linh hồn không bất biến. Phật học dùng chữ tâm thức thay vì linh hồn. Đa số tôn giáo cũng như những quan niệm thường thức chủ trương là thân xác thì thay đổi theo thời gian nhưng linh hồn thì bất biến. Trong Phật Pháp thì tâm thức được kết cấu bời bốn danh uẩn là thọ, tưởng, hành, thức. Cả bốn thành tố nầy luôn dịch chuyển. Cảm thọ có lúc vui, lúc buồn. Hành xử có khi thiện khi bất thiện. Nói cách khác dòng tâm thức luôn sinh động, chuyển đổi.

Diễn trình tâm thức như cuốn phim của đời sống. Một trong những phát kiến quan trọng của nhân loại là ghi lại hình ảnh di động. Phương cách có thể hiểu là chiếu nhiều hình ảnh bất động (still picture) trong một khoảnh khắc nhất định thí dụ 30 tấm ảnh trong một giây sẽ tạo nên cuốn phim sống động. Diễn trình tâm thức theo Thắng Pháp Tạng được mô tả tương tự như vậy. Nhiều đơn vị cực vi – hay sát na (khana)- sanh diệt thật nhanh tiếp nối nhau tạo nên sự sinh động. Đây là điều khó tưởng tượng với nhiều người.

Dòng tâm thức luôn là sự hỗn hợp của nhân quả và những thứ máy móc. Nếu dòng tâm thức là linh hồn bất biến thì không có sự gieo nhân, gặt quả. Diễn trình của tâm thức dù trong diễn trình ngắn nhất cũng là sự kết cấu của quả của nghiệp nhân, nghiệp quả và những tâm máy móc (phi nhân phi quả). Học diễn trình tâm sẽ thấy rằng tất cả không do nghiệp quá khứ mà cũng không hoàn toàn do ý chí trong hiện tại. Đây là đặc điểm rất cần lưu ý trong Phật học.

Tốc độ và kết cấu của dòng tâm thức không nằm trong sự quán sát thường tình. Khó tưởng tượng tốc độ nhanh của tâm thức khi được nói “tâm sanh diệt triệu triệu sát na trong một giây”. Khó tưởng tượng hơn là trong khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy mà có khả năng cảm nhận, phản ứng như được học.

Thử lấy thí dụ khả năng đọc QR của camera.

Với một người bình thường thì khó tưởng tượng là trong tích tắc camera có thể đọc hiểu mã nhị phân như vậy nhưng vẫn có thể xấy ra dựa trên những nguyên lý cố định. Điều nên biết không nên dùng trí tưởng tượng thông thường để khẳng định điều gì đó.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc