Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - PHÂN LOẠI QUẢ CỦA NGHIỆP

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - PHÂN LOẠI QUẢ CỦA NGHIỆP

Thứ hai, 30/01/2023, 19:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 30.1.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

PHÂN LOẠI QUẢ CỦA NGHIỆP

Như đã đề cập nhiều lần, quả của nghiệp là một trong bốn điều “bất khả tư nghì”. Rất khó để có thể nói hết tất cả chiều kích của nghiệp quả. Tuy vậy qua một số phân loại có thể giúp để chiêm nghiệm phần nào về quả của nghiệp trong sự hết sức phức tạp của lãnh vực nầy. Những liệt kê sau đây nói về nghiệp (kamma) nhưng cũng nói về quả (kamma vipāka). Nói cách khác đây là phần nêu lên nghiệp nào cho quả ra sao nên được đưa vào phần quả của nghiệp.

Quả nghiệp phân loại theo thời gian (pākakāla)

Thuật ngữ “quả dị thục (vipāka)” tự nó đã nói lên yếu tính thời gian (dị thời nhi thục hay khác thời mà trỗ quả). Trong phạm trù nầy có bốn thứ được nêu lên:

1. Hiện báo nghiệp (diṭṭhadhammavedanīya kamma) là nghiệp trỗ sanh ngay trong kiếp hiện tại.

2. Sanh báo nghiệp (uppajjavedanīya kamma) là nghiệp dẫn đi tái sanh trong kiếp kế tiếp. Nói chính xác thì quả của nghiệp nầy tạo nên kiết sanh thức và tiềm thức cho ngay kiếp sau của hiện kiếp.

3. Hậu báo nghiệp (aparāpariyavedanīya kamma) là nghiệp trỗ quả từ kiếp sau - ngoại trừ kiết sanh thức và tiềm thức – cho đến khi không còn khả năng trỗ quả (….)

4. Vô hiệu nghiệp (ahosi kamma) đúng ra thì đây không phải là một thứ nghiệp hay quả nghiệp riêng biệt mà khi ba thứ nghiệp trên không có khả năng sanh quả gọi là vô hiệu nghiệp. Theo Thắng Pháp những diễn trình tâm thức bình thường có 7 sát na xử lý (javana). Đây là phân đoạn tạo nghiệp trong diễn trình tâm thức. Sát na đầu tiên của phân đoạn xử lý có khả tính tạo thành hiện báo nghiệp. Sát na thứ bảy của phân đoạn xử lý có khả tính tạo thành sanh báo nghiệp. Sát na thứ hai đến sát na thứ sáu có khả năng tạo thành hậu báo nghiệp. Gọi là “có khả tính” nghĩa là có thể tạo nên quả nếu gặp điều kiện thích hợp. Nếu không gặp điều kiện thích hợp trỗ quả thì trở thành vô hiệu nghiệp. (nên phân rõ sự khác biệt giữa chữ khả tính (possibility) và chữ khả năng (capability). Tất cả tâm xữ lý (javana) đều có khả năng nhưng không hẳn có khả tính trỗ quả.

Quả nghiệp phân loại theo chức năng (kicca)

Không phải tất cả quả của nghiệp có vai trò giống nhau. Điều nầy tạo nên sự khác biệt lớn trong sự chiêu cảm nghiệp đối với cuộc sống. Có bốn chức năng của nghiệp quả được ghi nhận.

1. Sanh nghiệp (janaka kamma) nghiệp có quả với vai trò sản sinh ra kiếp sống mới. Chính loại quả nghiệp nầy tạo nên kiết sanh thức (hay tâm tục sinh), và do vậy, tạo nên thứ tiềm thức cho trọn kiếp sống. Tâm tục sinh vô nhân quả bất thiện, tâm tục sinh vô nhân quả thiện, tâm quả nhị nhân, tâm quả tam nhân là những thức tâm tục sinh quyết định về sanh loại, cá tính và tiềm năng đắc chứng thiền định, đạo quả của chúng sanh.

2. Trì nghiệp (upatthambhaka kamma) là quả nghiệp hỗ trợ sanh nghiệp. Sự mạnh yếu của trì nghiệp khiến cho đời sống hạnh phúc hay đau khổ. Sanh làm người là sanh nghiệp tốt nhưng nếu trì nghiệp không đủ để an lạc. Trì nghiệp chi phối cuộc sống với tánh dài hạn.

3. Chướng nghiệp (upapīḷaka kamma) là quả nghiệp đối lập với sanh nghiệp và tri nghiệp. Chướng nghiệp có thể là tốt hoặc xấu tuỳ theo sanh nghiệp và trì nghiệp. Thí dụ sanh nghiệp là xấu thì chướng nghiệp là tốt. Chướng nghiệp thường chi phối cuộc sống trong ngắn hạn.

4. Đoạn nghiệp (upaghātaka kamma) là nghiệp chi phối và cắt đứt tất cả những mãnh lực nghiệp khác trong một kiếp sống. Thí dụ một người sanh ra với thân thể bệnh cùi do tạo một phước lành to lớn nào đó thì mạng sống chung cuộc chóng vánh để sanh vào cảnh giới an lạc hơn.

Quả nghiệp phân loại theo mạnh yếu (ākadāna pariyāya)

Một khía cạnh rất quan trọng trong sự liên quan giữa nghiệp và quả là sức mạnh của nghiệp hay nghiệp lực. Có bốn nghiệp lực được ghi nhận.

1. Trọng nghiệp (garuka kamma) là nghiệp có mãnh lực vượt trội hơn những thứ nghiệp khác như sự chứng đắc các tầng thiền sắc giới, vô sắc giới hay ngũ nghịch đại tội (anantariya kamma).

2. Thường nghiệp (bahula kamma hay āciṇṇa kamma) đây là nghiệp lực tạo nên bởi hành động thường làm hay thói quen. Nếu không có trọng nghiệp thì thường nghiệp là mãnh lực dẫn đi tái sanh.

3. Cận tử nghiệp (āsanna kamma) là nghiệp vì lý do gì đó xẩy ra ngay trong giờ phút lâm chung có thể tạo nên sự khác biệt nếu không có trọng nghiệp. Cận tử nghiệp có thể khiến thường nghiệp không trỗ quả thành kiết sanh thức.

4. Khinh thiểu nghiệp (katattā kamma hay katattāvāpana kamma) là thứ nghiệp nhỏ nhặt, gián tiếp, vô tình. Nghiệp nầy chỉ trỗ quả vắng mặt cả ba nghiệp lực nêu trên.

Bài tiếp theo: .....

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc