Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - NGHIỆP LỰC VÀ XÃ HỘI

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - NGHIỆP LỰC VÀ XÃ HỘI

Thứ hai, 13/03/2023, 19:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 13.3.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

NGHIỆP LỰC VÀ XÃ HỘI

Chủ tâm tạo tác không hẳn nằm trong phạm vi cá nhân. Đối với quan niệm của phần đông thì nghiệp và nghiệp lực nằm trong lãnh vực cá nhân như câu: ai ăn nấy no. Điều nầy không hoàn toàn sai nhưng có thể nói cũng không hoàn toàn đúng. Như định nghĩa ban đầu điểm chính yếu của nghiệp là chủ trương tạo tác. Từ đó dẫn đến hành động và hệ quả. Ngày nay người ta càng ngày càng thấy rõ khuynh hướng, tư duy của xã hội tạo nên hiện tượng chung như xả rác bừa bãi, nạn trộm cướp, thảm sát ..v.v..

Nói đến chủ tâm tạo tác thì phải nói là có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là sự tạo tác riêng lẻ của mỗi cá nhân. Cộng nghiệp là sự tạo tác với câu kết bởi một nhóm người, một trào lưu, một xã hội, quốc gia, một thế hệ. Thí dụ phá rừng là sự huỷ hoại môi trường sống của nhiều sinh vật tạo nên nhiều hệ quả nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp. Phá rừng chắc chắn là hành động của những cá nhân nhưng cũng là hậu quả của chính sách bất cập của giới cầm quyền, khuynh hướng tiêu thụ với nhu cầu quá nhiều về gỗ, giấy, xây dựng ..v.v.. Như vậy trong sự huỷ hoại môi trường sinh thái rõ ràng vừa biệt nghiệp vừa cộng nghiệp.

Dân trí là trình độ của cả một quốc gia có ảnh hướng lớn tới xu thế chung không thể nói là cá nhân. Người ta cũng thấy là ngay cả tại các quốc gia độc tài toàn trị thì sự ủng hộ chiến tranh của dân chúng luôn cần thiết để tạo ra chiến tranh mặc dù sự ủng hộ nầy tác động bởi guồng máy tuyên truyền một chiều. Cho dù bị nhồi nhét thế nào về tư duy nhưng nếu hầu hết dân chúng đều yêu hoà bình, chống chiến tranh thì thảm cảnh bom đạn không tạo ra từ những xứ ấy. Chủ nghĩa phát xít không đơn thuần của riêng Hitler mà đã là một cái nhìn của cả một thế hệ trong một giai đoạn tuy ngắn nhưng gây bao nhiêu đau thương của thế chiến thứ hai.

Hiện tượng cộng nghiệp đôi khi là hình ảnh quá lớn để có thể nhận biết. Trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật cũng dạy về ảnh hưởng của xã hội loài người với những nhà cai trị và dân chúng có ảnh hưởng đến trào lưu thiện, ác từ đó khiến chư thiên hoan hỷ hay không hoan hỷ, rồi ảnh hưởng đến sự vận hành đúng hay lệch quỹ đạo của các tinh cầu, rồi ảnh hưởng đến thời tiết, rồi ảnh hưởng tới mùa màng, rồi ành hưởng tới chất lượng thực phẩm, rồi ảnh hưởng tới sức khoẻ con người ..v.v.. (AN III. 267). Điều nầy cho thấy khuynh hướng của đa số quần chúng, hay cộng nghiệp, không thể phủ nhận khi nói về nghiệp lực.

Sự liên hệ giữa cá nhân và xã hội trong cái nhìn và chủ kiến là điều thường xẩy ra. Trong một bài kinh khác, Đức Phật dạy: Này chư Tỳ Khưu, có một người xuất hiện ở đời mang lại bất hạnh cho đa số, mang lại đau khổ cho đa số, mang lại hệ luỵ cho đa số kể cả chư thiên và nhân loại đó là người tà kiến, chấp thủ sai lạc. Người ấy khiến nhiều người rời xa chánh pháp, rơi vào tà pháp. Nầy chư Tỳ Khưu, có một người xuất hiện ở đời đem lại hạnh phúc cho đa số, lợi lạc cho đa số, thăng tiến cho đa số đó là người có chánh kiến, với sở hành thuận theo chánh pháp. (Tăng Chi Bộ I. 33). Như vậy thì một số cá nhân có ảnh hưởng lớn tác động đến xã hội và từ đó ảnh hưởng lớn đến thiện ác, khổ vui của phần đông. Rất khó tách biệt hoàn toàn giữa cá nhân và xã hội khi nói về nghiệp lực.

Bài tiếp theo: Nghiệp Báo và Luật Pháp

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc