Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật  _ Bài 16. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (V)

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 16. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (V)

Thứ hai, 29/11/2021, 15:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 29.11.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 16. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (V)

Đức Thế Tôn là Phật. Là bậc giác ngộ và khai ngộ chúng sanh hiểu rõ lẽ thật. Lãnh hội sự thật không đơn giản như phát khởi lòng tin ở thần linh hay cá nhân nào đó. Chúng sanh vốn dị biệt về căn cơ, không đồng đẳng về phúc đức, đa dạng trong khả năng nhận thức. Để chuyển hoá và khai ngộ cuộc đời, Đức Phật đã phải dùng rất nhiều phương tiện khác nhau. Bá gia thì bá tánh. Muôn người thì muôn bệnh. Trăm cái khổ không cái nào giống cái nào. Kho tàng mênh mông của ba tạng kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện, mà qua đó, cho chúng ta thấy được tâm đại bi vô lượng của Đức Thế Tôn trong sự giáo hoá chúng sanh ngộ nhập tri kiến giải thoát.


Kính Phật để cầu tự

Không phải ai lúc đầu đặt niềm tin ở Đức Phật cũng hướng cầu giác ngộ giải thoát. Có những người tin tưởng Đức Phật là phước điền vô thượng để gieo trồng thiện nghiệp, và nhờ vậy, người cúng dường được nhiều phước báu, đắc kỳ sở nguyện. Mặc dù Đức Phật hướng dẫn con đường giải thoát khổ đau, thành tựu chánh trí nhưng cũng có nhiều trường hợp Đức Phật khích lệ chúng sanh tạo phước báo nhân thiên.

Vương tử Bodhirājakumāra cung thỉnh Đức Thế Tôn và Tăng chúng cúng dường trai phạn với mục đích cầu tự. Vương tử là con vua Udena xứ Kosambi. Dù uy quyền, giàu có, và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng vẫn hiếm muộn đường con cái. Vị nầy nghĩ đến Đức Phật và cung thỉnh Ngài đến cúng dường tại biệt phủ với tấm vải trắng với ý nguyện “Nếu mình sẽ có được con trai thì Đức Thế Tôn sẽ bước đi trên vải trắng”. Đức Phật đã không đi vì Ngài thấy được vợ chồng vương tử vốn tạo ác nghiệp trong kiếp tiền thân nên không thể có con nối dõi như sự mong muốn.

Đoạn kinh sau đây ghi lại sự kiện Đức Phật không bước đi trên tấm vải mà sau đó là trả lời câu hỏi của vương tử và khiến vị nầy được khai ngộ.

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xá của vương tử Bodhi. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi chờ đón Thế Tôn đến, đang đứng ở cửa ngoài. Vương tử Bodhi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền tiến đến đón, đảnh lễ Thế Tôn, đi đầu hướng dẫn đến lâu đài Kokanada. Rồi Thế Tôn đứng sát vào tầm cấp thấp nhất. Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn im lặng. Lần thứ hai, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Lần thứ hai, Thế Tôn im lặng. Lần thứ ba, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Rồi Thế Tôn nhìn Tôn giả Ānanda. Tôn giả Ānanda thưa với vương tử Bodhi

—Thưa vương tử, hãy cho cuộn lại tấm vải, Thế Tôn không có đi bộ trên vải, Như Lai còn nghĩ đến những người thấp kém. [Hiệu đính: nguyên văn Pāli: Pacchimaṁ janataṁ Tathāgato anukampati = Đức Như Lai vì lòng bi mẫn nghĩ đến thế hệ mai hậu. Theo Sớ giải bài kinh nầy thì Tôn giả Ānanda muốn nói là Đức Phật không đi trên vải vì nghĩ đến sau nầy có những người thỉnh chư tăng với sự mong mỏi đắc kỳ sở nguyện nếu vì lý do gì đó mà sở nguyện không thành sẽ mất niềm tin. Đức Phật cũng nhân dịp nầy ban hành điều luật với vài sửa đổi sau nầy (…)]

Rồi vương tử Bodhi cho cuộn lại tấm vải, cho sửa soạn các chỗ ngồi tại tầng trên lầu Kokanada. Rồi Thế Tôn bước lên lâu đài Kokanada, và ngồi trên ghế đã soạn sẵn với chúng Tỷ-kheo. Rồi vương tử Bodhi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vương tử Bodhi, khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế thấp và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: “Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ”.

—Này Vương tử, trước khi giác ngộ, thành bậc Chánh Ðẳng Giác, khi còn là vị Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: “Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ.

Này Vương tử, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma kiệt đà) và đến tại tụ lạc Uruvela (Ưu lâu tần loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này Vương tử, rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và này Vương tử, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.

Nhưng này Vương tử, có ba ví dụ khởi lên nơi Ta, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe: Này Vương tử, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra”. Này Vương tử, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến lửa nóng hiện ra được không?

—Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì cành cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống lại bị ngâm trong nước, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

—Cũng vậy, này Vương tử, những Sa-môn hay những Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với chúng thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác, và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Vương tử, đó là ví dụ thứ nhất, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

Này Vương tử, rồi một ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Vương tử, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra”. Này Vương tử, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

—Thưa không, bạch Thế Tôn, vì khúc cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống, dầu được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

—Cũng vậy, này Vương tử, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôm ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt. Nếu những Tôn giả Sa-môn, hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Vương tử, đó là ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

Này Vương tử, rồi một ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Vương tử, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, lửa nóng sẽ hiện ra”. Này Vương tử, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến nơi nóng hiện ra được không?

—Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy khô, không nhựa, lại được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô.

[Trích Trung Bộ, Kinh số 85. Kinh Vương tử Bồ-đề (Bodhirājakumāra). Bản dịch của HT Thích Minh Châu]


Chửi Phật để hả giận

Ngay cả chính Đức Phật cũng gặp những trường hợp có những người đến gặp Ngài chỉ để tuôn ra những lời khiếm nhã chửi mắng. Trong những trường hợp như vậy Đức Phật thường ứng xử với tâm bi mẫn. Trong thái độ an nhiên và lời nói đầy trí tuệ đã chuyển hoá nhiều con người mang tâm tư hiềm hận. Không phải một vài trường hợp mà rất nhiều trường hợp được ghi nhận như vậy trong kinh điển.

Bà-la-môn Akkosaka Bharadvāja đã nổi cơn bất bình khi được biết một người có địa vị cao trọng trong gia tộc của mình xuất gia theo Đức Phật. Đây vốn là chuyện rất thường xẩy ra khi Đức Phật còn tại thế. Vô số thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe Phật Pháp nên phát tâm xuất gia. Trong nền văn hoá bà la môn của Ấn Độ có tần lớp giáo sĩ vừa lo chuyện tế tự, tín ngưỡng đồng thời cũng sống có gia đình, hưởng dụng tài sản như người thế tục. Đây là lối sống được xem là lý tưởng kết hợp đạo, đời. Vì vậy khi một người phát tâm xuất gia theo Phật đúng nghĩa là cắt ái từ sở thân, sống không tài sản tạo nên sự phản cảm của nhiều người.

Trong kinh ghi lại giai thoại sau đây về câu chuyện cảm hoá của Đức Phật với người cuồng nộ:

Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja được nghe Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ông phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja:

—Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?

—Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng, các thân hữu, bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi.

—Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?

—Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm, các loại đồ nếm.

—Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?

—Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi.

—Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây lộn, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông!

Nhà vua và vương cung, vương thần nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị A-la-hán”. Tuy vậy Tôn giả Gotama nay đã phẫn nộ.

(Thế Tôn):

Với vị không phẫn nộ,

Phẫn nộ từ đâu đến?

Sống chế ngự, chánh mạng,

Giải thoát, nhờ chánh trí.

Vị ấy sống như vậy,

Ðời sống được tịch tịnh.

Những ai bị phỉ báng,

Trở lại phỉ báng người,

Kẻ ấy làm ác mình,

Lại làm ác cho người.

Những ai bị phỉ báng,

Không phỉ báng chống lại,

Người ấy đủ thắng trận,

Thắng cho mình, cho người.

Vị ấy tìm lợi ích,

Cho cả mình và người.

Và kẻ đã phỉ báng,

Tự hiểu, lắng nguôi dần.

Bậc Y sư cả hai,

Chữa mình, chữa cho người,

Quần chúng nghĩ là ngu,

Vì không hiểu Chánh pháp.

Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja bạch Thế Tôn:

—Thật là vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia tu học với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

Ðược thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Akkosaka Bhāradvāja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí, tự mình giác ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

Và Tôn giả Akkosaka Bhāradvāja trở thành một vị A-la-hán nữa.

[Trích Tương Ưng Bộ, chương Tương Ưng Bà La Môn, Phẩm A-La-Hán, Kinh Phỉ Báng (Akkosasuttaṃ). Bản dịch của HT Thích Minh Châu]


Tranh luận với Phật để hơn thua

Tranh luận về tín ngưỡng và triết lý là bản sắc cố hữu của văn hoá Ấn từ cổ chí kim. Giáo điển Veda có cả những bộ sách dạy về lý luận. Nhiều nhân vật biện tài tìm đến Đức Phật để tranh luận. Đây là điểm thú vị. Đức Phật dạy nên tránh những hý luận phù phiếm vô ích. Đệ tử Phật quý trọng sự yên tịnh trong chánh niệm. Đức Phật từng dạy: “Thế gian tranh luận với Như Lai chứ Như Lai không tranh luận với thế gian. Thế nhưng Phật pháp không thể hoằng hoá mà thiếu cơ sở thuyết giáo vững vàng.

Saccaka là một người nổi tiếng biện tài và uyên bác nuôi ý muốn đến tranh luận hơn thua với Đức Phật. Đây là người theo đạo Jain và rất được trọng vọng vì khả năng biện luận. Một điều mà vị nầy tinh rằng sẽ đánh đổ được Đức Phật là giáo lý vô ngã. Chẳng những tin vào lập luận vững chắc của mình mà còn đoan chắc phần lớn thính chúng sẽ đồng tình với sự phủ bác những lời dạy về vô ngã.

Bài kinh sau đây ghi lại như là một trong những trường hợp ngoại giáo đến muốn “ăn thua” với Đức Thế Tôn.

Một thời Thế Tôn ở tại Vesālī, rừng Ðại Lâm, tại giảng đường Trùng Các.

Lúc bấy giờ Niganthaputta Saccaka ở tại Vesālī tánh ưa luận chiến, biện luận thiện xảo, được số đông tôn kính. Vị này thường tuyên bố cho hội chúng ở Vesālī: “Ta không thấy một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào, là vị Hội chủ, là vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, dầu tự cho là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không ai là không toát mồ hôi nách. Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường”.

Rồi Tôn giả Assaji vào buổi sáng đắp y, cầm bát vào Vesālī để khất thực. Niganthaputta Saccaka, thường hay ngao du thiên hạ, thấy Tôn giả Assaji từ xa đi lại. Sau khi thấy, Niganthaputta Saccaka liền đến gần Tôn giả Assaji, nói lên những lời hỏi thăm, chào đón, xã giao rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Niganthaputta Saccaka nói với Tôn giả Assaji

—Này Tôn giả Assaji, Sa-môn Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Và có những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử?

—Này Aggivessana, như thế này, Thế Tôn huấn luyện đệ tử. Với những bộ môn như thế này, phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã”. Như vậy này Aggivessana, Thế Tôn huấn luyện các đệ tử. Như vậy là các bộ môn mà phần lớn Thế Tôn giảng dạy được dành cho đệ tử.

—Này Tôn giả Assaji, thật sự chúng tôi đã thất vọng khi nghe Sa-môn Gotama thuyết giảng như vậy. Rất có thể chúng tôi sẽ gặp Tôn giả Gotama một thời nào đó và tại một chỗ nào đó. Rất có thể sẽ có một cuộc thảo luận. Rất có thể chúng tôi sẽ đoạn trừ ác tà kiến ấy.

Lúc bấy giờ, có khoảng độ năm trăm vị Licchavi tập hợp tai giảng đường vì một vài công vụ. Rồi Niganthaputta Saccaka đến chỗ các Licchavi ấy, sau khi đến, liền nói các vị ấy như sau

—Hãy đến, các Tôn giả Licchavi; hãy đến các Tôn giả Licchavi. Hôm nay sẽ có cuộc đàm luận giữa Sa-môn Gotama với ta. Nếu Sa-môn Gotama đứng đối thoại với ta như Tỷ-kheo Assaji, một vị đệ tử danh tiếng của ông ta đã làm, thì như một lực sĩ tay nắm chặt lông một con cừu có lông dài, có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy, ta dùng lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama. Cũng như một người lực sĩ nấu rượu, sau khi nhận chìm một thùng rượu lớn xuống hồ nước sâu, nắm một góc thùng có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy, ta dùng lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama. Và cũng như một lực sĩ nghiện rượu, sống phóng đãng, sau khi nắm góc một cái sàng, lắc qua lắc lại, lắc xoay quanh. Cũng vậy, ta sẽ dùng lời nói, lắc qua lắc lại, lắc xoay quanh Sa-môn Gotama. Và cũng như một con voi lớn sáu mươi tuổi, sau khi lặn xuống một hồ nước sâu, lại chơi trò phun nước; cũng vậy, ta nghĩ ta sẽ chơi trò chơi phun nước với Sa-môn Gotama. Hãy đến, các Tôn giả Licchavi. Hãy đến các Tôn giả Licchavi. Hôm nay sẽ có cuộc đàm luận giữa Sa-môn Gotama với ta.

Một số Licchavi nói như sau

—Làm sao Sa-môn Gotama có thể luận thắng Niganthaputta Saccaka? Niganthaputta Saccaka sẽ luận thắng Sa-môn Gotama.

Một số Licchavi lại nói như sau:

—Làm sao chỉ là Niganthaputta Saccaka lại có thể luận thắng Thế Tôn? Thế Tôn sẽ luận thắng Niganthaputta Saccaka.

Rồi Niganthaputta Saccaka với khoảng năm trăm Licchavi vây quanh, cùng đi đến Ðại Lâm, giảng đường Trùng Các.

Lúc bấy giờ một số đông các Tỷ-kheo đang đi qua lại giữa trời. Niganthaputta Saccaka đến các Tỷ-kheo, sau khi đến, liền nói với các vị ấy

—Chư Tôn giả, nay Tôn giả Gotama ở đâu? Chúng tôi muốn yết kiến Tôn giả Gotama.

—Này Aggivessana, Thế Tôn sau khi đi sâu vào rừng Ðại Lâm, đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.

Rồi Niganthaputta Saccaka cùng với đại chúng Licchavi, sau khi đi sâu vào rừng Ðại Lâm, đến tại chỗ Thế Tôn. Sau khi đến Niganthaputta Saccaka nói lên với Thế Tôn những lời chúc tụng, hỏi thăm xã giao rồi ngồi xuống một bên. Một số Licchavi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số Licchavi nói lên với Thế Tôn những lời chúc tụng, hỏi thăm xã giao rồi ngồi xuống một bên; một số Licchavi chấp tay vái Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số Licchavi xưng tên họ của mình rồi ngồi xuống một bên; một số Licchavi im lặng ngồi xuống một bên.

Niganthaputta Saccaka sau khi ngồi xuống một bên nói với Thế Tôn

—Tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama một vấn đề, nếu Tôn giả Gotama cho phép tôi được hỏi.

—Này Aggivessana, hãy hỏi như Ông muốn.

—Tôn giả Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử?

—Này Aggivessana, như thế này Ta huấn luyện đệ tử. Với những bộ môn này, phần lớn Ta giảng dạy được dành cho đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã”. Như vậy, này Aggivessana, Ta huấn luyện các đệ tử. Các bộ môn như vậy, phần lớn ta giảng dạy được dành cho đệ tử.

—Này Tôn giả Gotama, tôi có một ví dụ.

Thế Tôn nói:

—Này Aggivessana, hãy nói lên ví dụ ấy.

—Như các hột giống, các cây cỏ này được lớn lên, được trưởng thành, được hưng thịnh là vì tất cả chúng đều y cứ vào đất, nương tựa vào đất. Nhờ vậy các hột giống, các cây cỏ này được lớn lên, được trưởng thành, được hưng thịnh. Tôn giả Gotama, như các công nghiệp nặng nhọc này được tạo tác, tất cả chúng đều y cứ vào đất, nương tựa vào đất. Nhờ vậy, các công nghiệp nặng nhọc này được tạo tác. Cũng vậy, này Tôn giả Gotama, như người này mà tự ngã là sắc, nhờ nương tựa sắc làm thiện sự hay ác sự; như người này mà tự ngã là thọ, nhờ nương tựa thọ làm thiện sự hay ác sự; như người này mà tự ngã là tưởng, nhờ nương tựa tưởng làm thiện sự hay ác sự; như người này mà tự ngã là các hành, nhờ nương tựa các hành làm thiện sự hay ác sự; như người này mà tự ngã là thức, nhờ nương tựa thức làm thiện sự hay ác sự.

—Này Aggivessana, như vậy có phải ông nói: “Sắc là tự ngã của ta, thọ là tự ngã của ta, tưởng là tự ngã của ta, hành là tự ngã của ta, thức là tự ngã của ta”?

—Tôn giả Gotama, như vậy tôi nói: “Sắc là tự ngã của ta, thọ là tự ngã của ta, tưởng là tự ngã của ta, hành là tự ngã của ta, thức là tự ngã của ta”. Và như đại chúng này cũng vậy.

—Này Aggivessana, đại chúng này có quan hệ gì với Ông? Này Aggivessana, hãy giải thích lời nói của Ông.

—Tôn giả Gotama, như vậy tôi nói: “Sắc là tự ngã của ta, thọ là tự ngã của ta, tưởng là tự ngã của ta, hành là tự ngã của ta, thức là tự ngã của ta”.

—Này Aggivessana, Ta sẽ hỏi Ông trở lại về vấn đề này. Ông có thể trả lời nếu Ông muốn. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Một vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, như vua Pasenadi nước Kosala, vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, vua này có quyền hành trong quốc gia của mình, muốn giết những ai đáng bị giết, muốn tước đoạt những ai đáng bị tước đoạt, muốn tẩn xuất những ai đáng bị tẩn xuất không?

—Tôn giả Gotama, một vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, như vua Pasenadi nước Kosala, vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, vua này có quyền hành trong quốc gia của mình, muốn giết những ai đáng bị giết, muốn tước đoạt những ai đáng bị tước đoạt, muốn tẩn xuất những ai đáng bị tẩn xuất. Này Tôn giả Gotama, cho đến các giáo đoàn, các đoàn thể, như các Vajjī, các Malla, vẫn có quyền hành trong quốc gia của mình, muốn giết những ai đáng bị giết, muốn tước đoạt những ai đáng bị tước đoạt, muốn tẩn xuất những ai đáng bị tẩn xuất, còn nói gì một vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, như vua Pasenadi nước Kosala, vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha. Này Tôn giả Gotama, vị ấy có quyền hành ấy và xứng đáng có quyền hành ấy.

—Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Sắc là tự ngã của ta”, Ông có quyền hành gì đối với sắc ấy và có nói được rằng: “Sắc của tôi như thế này, sắc của tôi không phải như thế này” không?

Ðược nói vậy Niganthaputta Saccaka giữ im lặng. Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Niganthaputta Saccaka

—Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Sắc là tự ngã của ta”, Ông có quyền hành gì đối với sắc ấy và có nói được rằng: “Sắc của tôi phải như thế này, sắc của tôi không phải như thế này” không?

Lần thứ hai, Niganthaputta Saccaka vẫn giữ im lặng.

Rồi Thế Tôn nói với Niganthaputta Saccaka

—Này Aggivessana, nay Ông phải trả lời. Nay không phải lúc Ông giữ im lặng nữa. Này Aggivessana, ai được Như Lai hỏi đến lần thứ ba một câu hỏi hợp lý mà không trả lời, thời đầu của người ấy sẽ bị bể ra làm bảy mảnh tại chỗ.

Lúc bấy giờ thần Dạ xoa Vajirapani (Kim Cang Thủ) đang cầm một chùy sắt to lớn, cháy đỏ, sáng chói, đứng trên không trên đầu Niganthaputta Saccaka với ý định: “Nếu Thế Tôn hỏi đến câu hỏi thứ ba, một câu hỏi hợp lý mà Niganthaputta Saccaka không trả lời, thì ta sẽ đánh bể đầu nó ra làm bảy mảnh”. Chỉ có Thế Tôn và Niganthaputta Saccaka mới thấy thần Dạ xoa Vajirapani. Niganthaputta Saccaka sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng, ngược, chỉ tìm thấy sự che chở nơi Thế Tôn, chỉ tìm thấy sự an ổn nơi Thế Tôn, chỉ tìm thấy sự nương tựa nơi Thế Tôn, liền bạch Thế Tôn

—Tôn giả Gotama hãy hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

—Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Sắc là tự ngã của ta”, thì Ông có quyền hành gì đối với sắc ấy và có nói được rằng: “Sắc của tôi phải như thế này, sắc của tôi không phải như thế này” không?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Hãy suy nghiệm kỹ, này Aggivessana. Sau khi suy nghiệm kỹ, này Aggivessana, Ông hãy trả lời. Lời nói cuối của Ông không phù hợp lời nói đầu của Ông, lời nói đầu của Ông không phù hợp lời nói cuối của Ông. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Thọ là tự ngã của ta”, Ông có quyền hành gì đối với thọ ấy và có nói được, rằng: “Thọ của tôi phải như thế này, thọ của tôi không phải như thế này” không?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Hãy suy nghiệm kỹ, này Aggivessana. Sau khi suy nghiệm kỹ, này Aggivessana, Ông hãy trả lời. Lời nói cuối của Ông không phù hợp lời nói đầu của Ông, lời nói đầu của Ông không phù hợp lời nói cuối của Ông. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Tưởng là tự ngã của ta”, Ông có quyền hành gì đối với tưởng ấy và có nói được rằng: “Tưởng của tôi phải như thế này, tưởng của tôi không phải như thế này” không?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Hãy suy nghiệm kỹ, này Aggivessana. Sau khi suy nghiệm kỹ, này Aggivessana, Ông hãy trả lời. Lời nói cuối của Ông không phù hợp lời nói đầu của Ông, lời nói đầu của Ông không phù hợp lời nói cuối của Ông. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Các hành là tự ngã của ta”, Ông quyền hành gì đối với tự ngã ấy và có nói được rằng: “Các hành của tôi phải như thế này, các hành của tôi không phải như thế này” không?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Hãy suy nghiệm kỹ, này Aggivessana. Sau khi suy nghiệm kỹ, này Aggivessana, Ông hãy trả lời. Lời nói cuối của Ông không phù hợp lời nói đầu của Ông, lời nói đầu của Ông không phù hợp lời nói cuối của Ông. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Như Ông nói: “Thức là tự ngã của ta”, Ông quyền hành gì đối với tự ngã ấy và có nói được rằng: “Thức của tôi phải như thế này, thức của tôi không phải như thế này” không?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Hãy suy nghiệm kỹ, này Aggivessana. Sau khi suy nghiệm kỹ, này Aggivessana, Ông hãy trả lời. Lời nói cuối của Ông không phù hợp lời nói đầu của Ông, lời nói đầu của Ông không phù hợp lời nói cuối của Ông. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

—Vô thường, Tôn giả Gotama.

—Cái gì vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

—Là khổ, Tôn giả Gotama.

—Cái gì vô thường, khổ, biến hoại; có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Thọ … (như trên) … tưởng … (như trên) … các hành … (như trên) … Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Thức là thường hay vô thường?

—Vô thường, Tôn giả Gotama.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, Tôn giả Gotama.

—Cái gì vô thường, khổ, biến hoại; có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, Tôn giả Gotama.

—Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Ai ái luyến khổ, chấp trước khổ, tham đắm khổ, quán khổ và nói: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Người ấy có thể liễu tri cái khổ của tự mình hay có thể sống trừ diệt khổ không?

—Làm sao có thể được, Tôn giả Gotama? Không thể như vậy, Tôn giả Gotama.

—Này Aggivessana, như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi chỗ này chỗ kia tìm kiếm lõi cây. Người ấy cầm một cái búa sắc bén, đi vào rừng. Người ấy có thể thấy ở đây thân một cây chuối lớn thẳng đứng, còn trẻ, không có khúc đốt. Người ấy có thể chặt gốc cây ấy. Sau khi chặt gốc cây, người ấy chặt ngọn cây. Sau khi chặt ngọn cây, người ấy có thể lột ra các lá cuộn tròn. Nhưng khi lột ra các lá cuộn tròn, người ấy không tìm được giác cây, còn nói gì đến lõi cây. Cũng vậy này Aggivessana, khi được Ta hỏi, Ta cật vấn, Ta chất vấn về những lời của Ông, Ông đã tự tỏ ra trống rỗng, trống không, thất bại. Nhưng này Aggivessana, những lời nói mà Ông tuyên bố cho hội chúng ở Vesālī: “Ta không thấy một Sa-môn hay Bà-la-môn nào, là vị Hội chủ, là vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, dầu có tự cho là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khi đối thoại với Ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không ai là không bị toát mồ hôi nách. Dầu Ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường”. Nhưng chính từ nơi trán của Ông, này một người thường. Nhưng chính từ nơi trán của ông, này Aggivessana, những giọt mồ hôi đang chảy xuống, sau khi thấm qua thượng y, đang rơi xuống đất. Còn Ta, này Aggivessana, nay không có mồ hôi nào trên thân Ta.

Rồi Thế Tôn để lộ kim thân cho Hội chúng ấy thấy. Khi nghe nói vậy, Niganthaputta Saccaka im lặng, hổ thẹn, thụt vai, cúi đầu, ngồi bàng hoàng, không nói một lời.

Rồi Dummukha, một người con Licchavi, biết được Niganthaputta Saccaka im lặng, hổ thẹn, thụt vai, cúi đầu, ngồi bàng hoàng, không nói một lời, liền bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, con có một ví dụ.

Thế Tôn nói:

—Này Dummukha, hãy nói lên ví dụ ấy.

—Bạch Thế Tôn, như một hồ sen không xa làng hay thị trấn bao nhiêu, ở đây có con cua. Bạch Thế Tôn, rồi một số đông con trai hay con gái đi ra khỏi làng hay thị trấn ấy, đến tại hồ sen kia, sau khi đến, lặn xuống hồ nước ấy bắt con cua lên và đặt nó trên đất khô. Bạch Thế Tôn, khi con cua này thò ra cái càng nào, thì các đứa con trai hay con gái ấy, với cái gậy hay miếng sành, chặt, bẻ gãy và đập nát cái càng ấy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con cua ấy bị chặt, bị bẻ gãy, bị đập nát tất cả càng, không thể lội xuống hồ sen ấy như trước. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, mọi khúc thuyết, gian kế, tranh luận của Niganthaputta Saccaka đã bị Thế Tôn chặt đứt, bẻ gãy, đập tan. Và nay, bạch Thế Tôn, Niganthaputta Saccaka, không thể đến gặp Thế Tôn, chớ đừng nói là có ý định đàm luận.

Khi được nghe nói vậy, Niganthaputta Saccaka nói với Licchavi Dummukha

—Ông hãy ngừng nói, Dummukha! Ông hãy ngừng nói, Dummukha! Chúng tôi không đàm luận với Ông. Chúng tôi đang đàm luận với Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama, hãy để yên những lời nói của chúng tôi và lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Tôi nghĩ cuộc đàm luận vô bổ này thật đáng hối tiếc! Cho đến mức độ nào, một đệ tử Thanh văn của Tôn giả Gotama trở thành tuân phụng giáo điển, chấp nhận giảng huấn, nghi ngờ được đoạn trừ, do dự được diệt tận, thành tựu vô úy, sống trong giáo hội Bổn Sư, khỏi phải nương tựa vào ai?

—Ở đây, này Aggivessana, đệ tử Thanh văn của Ta, đối với mọi sắc pháp, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Ðối với mọi cảm thọ … đối với mọi tưởng … đối với mọi hành … đối với mọi thức, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Cho đến mức độ như vậy, này Aggivessana, một đệ tử Thanh văn của Ta trở thành tuân phụng giáo điển, chấp nhận giảng huấn, nghi ngờ được đoạn trừ, do dự được diệt tân, thành tựu vô úy, sống trong giáo hội Bổn sư, khỏi phải nương tựa một ai.

—Cho đến mức độ nào, này Tôn giả Gotama, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, các mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được chánh trí giải thoát?

—Ở đây, này Aggivessana, Tỷ-kheo đối với bất cứ sắc pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các sắc pháp, sau khi như thật quán sát với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, chứng được vô chấp thủ giải thoát. Ðối với bất cứ thọ nào … bất cứ tưởng nào … bất cứ hành nào … đối với bất cứ thức nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các thức, sau khi như thật quán sát với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, chứng được vô chấp thủ giải thoát. Cho đến mức độ này, này Aggivessana, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, các mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được chánh trí giải thoát.

Với tâm giải thoát như vậy, này Aggivessana, Tỷ-kheo thành tựu ba pháp vô thượng: Kiến vô thượng, Ðạo vô thượng, Giải thoát vô thượng. Ðược giải thoát như vậy, này Aggivessana, vị ấy chỉ kính lễ, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai: “Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ. Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết-bàn”.

Ðược nghe nói vậy, Niganthaputta bạch với Thế Tôn

—Tôn giả Gotama, chúng tôi thật là lỗ mãng, chúng tôi thật là khinh suất. Chúng tôi đã dám nghĩ dùng lời nói để luận chiến với Tôn giả Gotama! Này Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu với con voi điên, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống Tôn giả Gotama! Này Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu chống đám lửa hừng, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống Tôn giả Gotama! Này Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu với con rắn độc dữ tợn, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, chúng tôi thật lỗ mãng, chúng tôi thật là khinh xuất. Chúng tôi đã dám nghĩ, dùng lời nói để luận chiến với Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả Gotama nhận lời, ngày mai dùng bữa ăn của tôi cùng với chúng Tỷ-kheo!

Thế Tôn im lặng nhận lời.

[Trích Trung Bộ. Kinh số 35. Tiểu kinh Saccaka (Cūḷasaccaka). Bản dịch của HT Thích Minh Châu]


 

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

 

Ý kiến bạn đọc