Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 17 (dhp 399)

Thứ hai, 03/02/2025, 19:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày thứ hai 3.2.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 17 (dhp 399)

Chánh văn:

17. Akkosaṃ vadhabandhañca

aduṭṭho yo titikkhati

khantibalaṃ balānīkaṃ

tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 399)

Thích văn:

Akkosaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ akkosa] sự mắng nhiếc, sự lăng mạ.

Vadhabandhañca [hợp âm vadhabandhaṃ ca]

Vadhabandhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể vadhabandha (vadhañca bandhañcā’ ti vadhabandhaṃ)] sự đánh đập và sự giam cầm.

Aduṭṭho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ aduṭṭha (na + duṭṭha quá khứ phân từ của động từ dussati_dus + ta)] không nóng giận, không thịnh nộ.

Titikkhati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “tij + kha + ti”. Căn tij trước động từ tướng kha đổi thành tik và tăng cường titikkha”] chịu đựng, nhẫn nại, kham nhẫn.

Khantibalaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể khatibala (khandhi + bala)] có sức mạnh là kham nhẫn, có sức mạnh là chịu đựng.

Balānīkaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ hợp thể balānīka (bala + anīka)] có sức mạnh như quân đội.

Việt văn:

17. Ai không giận, nhẫn chịu

lời chửi, đánh, giam cầm

nhẫn lực làm quân lực

ta gọi ấy Phạm chí.

(pc 399)

Chuyển văn:

17. Yo aduṭṭho akkosaṃ vadhaṃ bandhaṃ ca titikkhati khantibalaṃ balānīkaṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Người nào không sân giận, nhẫn chịu lời chửi mắng, sự đánh đập và giam cầm, có sức mạnh kham nhẫn làm quân lực, người ấy, ta gọi là bà la môn.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha, do chuyện bốn anh em người bà la môn Bhāradvāja mắng chửi Ngài.

Một gia tộc Bhāradvāja, có bốn anh em. Bhāradvāja anh cả có vợ là nữ bà la môn tên Dhanañjānī là bậc thánh Dự lưu, đệ tử Phật. Mỗi khi hắc hơi hoặc làm rơi đồ hoặc trượt ngã, cận sự nữ ấy thốt lên: Namo sammāsambuddhassa (Kính lễ bậc Chánh Giác). Một ngày kia lúc đang dọn ba ăn cho ông chồng, bà vợ bị trượt chân, bà thốt lên rõ to câu niệm Phật. Bà la môn Bhāradvāja ni tâm thịnh nộ: Ả tiện nữ này lúc nào ở đâu hễ trượt chân cũng thốt lời tán thán Sa môn đầu trọc ấy. Ông ta bảo: “Tiện nữ kia, nay ta sẽ đến chất vấn đạo sư của ngươi”. Bà vợ ông ta bèn nói: “Hãy đi, bà la môn, tôi không thấy ai có thể chất vấn làm khó đức Thế Tôn được; ông hãy đến đó chất vấn Ngài với những câu hỏi đi!”

Bà la môn đi đến đức Phật và nói lên bài kệ này hỏi Ngài:

Sát trừ gì được lạc

 sát trừ gì không sầu

 hỡi Sa môn Cồ Đàm

 ông thích trừ pháp gì?

Đức Phật đã nói lên bài kệ để trả lời câu hỏi của bà la môn:

 sát phẫn nộ được lạc

 sát phẫn nộ không sầu

 phẫn nộ, bà la môn,

 ngon ngọt mà rễ độc

 bậc thánh khen sát trừ,

 sát trừ sân không sầu.

Bà la môn Bhāradvāja nghe xong sanh niềm tịnh tín nơi bậc Đạo sư, đã xin xuất gia và chứng đắc A la hán.

Thế rồi, người em của tôn giả Bhātakabhāradvāja là bà la môn akkosakabhāradvāja nghe tin huynh trưởng đã xuất gia đầu Phật, y nổi giận đi đến lăng mạ đức Thế Tôn bằng những lời cay độc khiếm nhã. Đức Phật hỏi y nếu có khách đến nhà, ông có thết đãi thức ăn thức uống không? Y đáp có. Ngài hỏi, nếu khách không dùng thì ông sẽ làm gì? Y đáp bản thân ông và vợ con sẽ dùng. Đức Phật bảo: Nay ngươi dùng lời mắng chửi ta, ta không nhận đâu, ngươi hãy nhận lại đi! Nghe xong người bà la môn ấy đã kính ngưỡng Phật, xin xuất gia và cũng đắc được quả vị A la hán.

Hai người em út của tôn giả Bhātakabhāradvāja là Sundarikabhāradvāja và Biliṅgakabhāradvāja cũng đến lăng mạ đức Thế Tôn, Ngài kham nhẫn và hai người đã được cảm hóa, xin xuất gia, đắc quả A la hán như hai anh của họ. Thế là cả bốn anh em nhà Bhāradvāja, lúc đầu công kích đức Phật nhưng sau đều thành đệ tử Phật.

Tại giảng đường, chư tỳ kheo hội họp bình luận: “Thật kỳ diệu, này chư hiền, là ân đức của Phật, Ngài đã không nói gì khi bốn anh em Bhāradvāja mắng nhiếc Ngài, chính Ngài lại thành ch nương cho họ”.

Bậc Đạo sư đi đến giảng đường nghe được đề tài bình luận ấy, Ngài dạy: “Này chư tỳ kheo, ta hội đủ sức mạnh nhẫn nại, không sân giận giữa những sân giận, nên ta thành ch nương tựa cho quần chúng”.

Rồi Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ này: Akkosaṃ vadhabandhañca…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc quả thánh.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật dạy về sức mạnh của sự nhẫn.

Ai không gin (yo aduṭṭho), nghĩa là người nào nhiếp phục được sân tâm, người ấy không còn giận hờn, nổi nóng.

Nhẫn chịu lời chửi mắng (akkosaṃ titikkhati), nghĩa là chịu đựng không phản ứng với những lời nói cay cú, ác độc, khiếm nhã mà người khác lăng mạ.

Nhẫn chịu sự đánh đập (vadhaṃ titikkhati) nghĩa là chịu đựng không đánh trả người đã đánh mình bằng tay hay bằng gậy gộc.

Nhẫn chịu sự giam cầm (bandhaṃ titikkhati) nghĩa là chịu đựng không kháng cự khi bị bắt nhốt trong nhà tù, khám đường.

Nhẫn lực (khantibaḷaṃ) là có sức mạnh nhẫn nại làm sức mạnh, có sức mạnh nội tâm là đức kham nhẫn.

Nhẫn là quân lực (khantibalānīkaṃ), như một vương quốc nhờ có sức mạnh quân đội chống lại kẻ thù địch, bảo vệ vua và đất nước. Cùng thế ấy, người tu tập có quân lực là sự nhẫn nại, nhờ sự nhẫn nại đó chống lại kẻ thù phiền não.

Ta gọi người ấy là bà la môn (taṃ ahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ), đức Phật gọi người có sức mạnh nhẫn nại ấy là vị phạm chí đích thực./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc