Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 39 (dhp 421)

Thứ sáu, 18/04/2025, 01:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

 Bài học thứ năm 17.4.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 39 (dhp 421)

Chánh văn:

39. Yassa pure ca pacchā ca

majjhe ca natthi kiñcanaṃ

akiñcanaṃ anādānaṃ

tamahaṃ brūmi brāmaṇaṃ.

(dhp 421)

Thích văn:

Yassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] đối với ai, người nào.

Pure [trạng từ] trước đây, quá khứ.

Pacchā [trạng từ] sau này, vị lai.

Majjhe [định sở cách, số ít, trung tính, tính từ majjha] ở gia, hiện tại.

Natthi [động từ hiện tại, ngôi III, số ít, “na + atthi do căn as”] không có.

Kiñcanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ kiñcana] sự vướng bận, sự dính mắc, sự quyến luyến.

Akiñcanaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ akiñcana (a + kiñcana)] vô sở hữu, không quyến luyến.

Anādānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể anādāna (a + ādāna)] không chấp gi, vô thủ.

Việt văn:

39. Ai quá khứ, vị lai,

hiện tại, không dính mắc

người không luyến, không chấp

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 421)

Chuyển văn:

39. Yassa pure ca pacchā ca majjhe ca kiñcanaṃ natthi akiñcanaṃ anādānaṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Đối với người nào không có bám bíu ở quá khứ, vị lai và hiện tại, người không quyến luyến, không chấp thủ _ Người ấy, ta gọi là vị Bà la môn.

A person meditating in the woods

AI-generated content may be incorrect.

Duyên sự:

Bài kệ này, được đức Phật thuyết Rājagha, khi Ngài trú tại chùa Veḷuvana vì chuyện tỳ kheo ni Dhammadinnā.

Tỳ kheo ni Dhammadinnā là vị thánh ni A la hán.

Khi còn là nữ cư sĩ đã có gia đình. Chồng nàng là cận sự nam sau khi nghe bậc Đạo sư thuyết pháp đã đắc quả A na hàm.

Hôm ấy đi nghe pháp trở về nhà, cận sự nam Visākha sống tách biệt thế tục và ủy thác tất cả tài sản cho vợ là nàng Dhammadinnā. Nàng cảm nhận được sự viễn ly của chồng nên đã không nhận lời ủy thác mà xin phép được xuất gia.

Cận sự nam Visākha đồng ý và đưa nàng đến trú xứ chư tỳ kheo ni làm lễ xuất gia cho nàng. Nàng Dhammadinnā được thọ cụ túc giới, với danh gọi là trưởng lão ni Dhammadinnā.

Trưởng lão ni Dhammadinnā đã đi du phương hành đạo cùng với chúng tỳ kheo ni. Nhờ sự tinh tấn nổ lực, chẳng bao lâu ni sư đã đắc quả A la hán tứ tuệ phân tích.

Rồi trưởng lão ni Dhammadinnā sau thời gian du phương đã quay về kinh thành Rājagaha. Cận sự nam Visākha nghe tin trưởng lão ni đã về Rājagaha liền đi đến trú xứ tỳ kheo ni thăm viếng và muốn trắc nghiệm sự tu hành của trưởng lão ni Dhammadinnā nên đã nêu ra những câu hỏi về đạo lộ của bậc Tu đà hườn, tuần tự hỏi về đạo lộ của các quả vị cao hơn. Trưởng lão ni đã trả lời thông suốt các câu hỏi đó. Cuối cùng cận sự nam Visākha đặt một câu hỏi vượt qua giới hạn. Trưởng lão ni đã nói với cận sự nam rằng: “Đạo hữu Visākha! Câu hỏi này đã vượt quá xa. Nếu muốn, đạo hữu hãy đi đến đức Thế Tôn và hỏi câu hỏi này”.

Cận sự nam Visākha đảnh lễ trưởng lão ni rồi đi đến bậc Đạo sư thuật lại toàn bộ cuộc đối thoại ấy. Đức Thế Tôn nghe xong đã bảo: “Câu hỏi đã được Dhammadinnā con gái ta khéo trả lời. Vấn đề đó nếu hỏi ta, ta cũng trả lời như vậy”. Rồi Ngài đã thuyết lên bài kệ này: Yassa pure ca pacchā ca…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt kệ ngôn, nhiều người đã chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Trong bài kệ này, gọi là pure (trước đây) có nghĩa là đối với các uẩn quá khứ (pure’ ti atītesu khandhesu).

Gọi là pacchā (sau này) có nghĩa là đối với các uẩn vị lai (pacchā’ ti anāgatesu khandhesu).

Gọi là majjhe (ở giửa) có nghĩa là giữa quá khứ và vị lai, tức hiện tại; Đối với các uẩn hiện tại (majjhe’ ti paccuppannesu khandhesu).

Câu nói “Ai quá khứ, vị lai, hiện tại không còn dính mắc” (pure ca pacchā ca majjhe ca natthi kiñcanaṃ), nghĩa là đối với người nào không có ái chấp (taṃhāgāhasaṅkhātaṃ kiñcanaṃ) về uẩn trong quá khứ, uẩn sẽ có ở tương lai và uẩn đang có trong hiện tại.

Câu nói: “người không luyến, không chấp” (akiñcanaṃ anādānaṃ) nghĩa là người ấy_người mà đức Phật gọi là vị bà la môn. Người không luyến (akiñcanaṃ) là người không còn sự luyến tham. Người không chấp (anādānaṃ) là người không còn nắm lấy bất cứ cái gì.

Người không luyến, không chấp, đó là bậc A la hán, bậc bà la môn lậu tận (khīṇasavabrāhmaṇaṃ)./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc