Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 18 (dhp 400)

Monday, 03/02/2025, 19:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ hai 3.2.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 18 (dhp 400)

Chánh văn:

18. Akkodhanaṃ vatavantaṃ

sīlavantaṃ anussadaṃ

dantaṃ antimasārīraṃ

tamahaṃ brūmi brāhmanaṃ.

(dhp 400)

Thích văn:

Akkodhanaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ akkodhana (na + kodhana)] không phẫn nộ, không nóng giận.

Vatavataṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vatavantu] có hạnh tu, có đạo hạnh.

Sīlavantaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ sīlavantu] có giới hạnh.

Anussadaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ anussada (an + ussada)] không khát ái.

Dantaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ danta (quá khứ phân từ của động từ dameti (dam + ta)] đã điều phục, đã tự điều.

Antimasārīraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể antimasarīra (antima + sarīra)] có thân tối hậu, có thân cuối cùng.

Việt văn:

18. Không giận, có hạnh tu,

có giới, không ái tham,

từ điều, mang thân cuối.

ta gọi ấy Phạm chí.

(pc 400)

Chuyển văn:

18. Akkodhanaṃ anussadaṃ vatavantaṃ sīlavantaṃ dantaṃ antimasārīraṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Người không còn phẫn nộ, không còn luyến tham, có đạo hạnh, có giới, tự điều phục, mang thân cuối cùng, người ấy, ta gọi là Bà la môn.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Veḷuvana, gần thành Rājagaha, do câu chuyện về trưởng lão Sāriputta.

Lúc bấy giờ, Trưởng lão Sāriputta đi khất thực cùng với năm trăm vị tỳ kheo, đã đến trước cửa nhà của thân mẫu tại làng Nālaka.

Rồi, bà thân mẫu bảo Ngài cùng các tỳ kheo vào nhà ngồi. Khi đãi cơm, bà mắng nhiếc: “Này ông con, ông bỏ gia sản tám trăm triệu tiền vàng đi tu, để ăn thứ cơm thừa canh cặn nhà người khác, tài sản này bởi ông mà tiêu tan. Thôi hãy ăn đi!”.

Rồi khi bố thí vật thực đến chư tỳ kheo, bà cũng mắng nhiếc: “Bởi các ông mà con trai ta thành kẻ nô dịch. Bây giờ hãy ăn đi”.

Trưởng lão Sāriputta im lặng, nhận thức ăn rồi cùng chư tăng trở về Tịnh xá Trúc Lâm.

Tôn giả Rāhula xin dâng thực phẩm đến bậc Đạo sư.

Bậc Đạo sư hỏi: “Này Rāhula, hôm nay con đi đâu?” _ “Bạch Thế Tôn, con đi đến làng Bà của con” _ “Thế thầy tế độ của con được bà nói gì?” _ “Bạch Thế Tôn, thầy tế độ của bị bà mắng nhiếc” _ “Nói sao?” _ “Bạch Thế Tôn, bà mắng như vậy, như vậy” _ “Thế thầy tế độ của con có nói chi không” _ “Không nói chi hết, bạch Thế Tôn”.

Sau khi nghe chuyện ấy, chư tỳ kheo tại giảng đường đã khởi lên cuộc bình luận: “Này chư hiền, thật tuyệt diệu, đức hạnh của trưởng lão Sāriputta, bị mẹ mắng nhiếc như vậy Ngài cũng không chút sân giận”.

Bậc Đạo sư đi đến nghe câu chuyện của các tỳ kheo, Ngài bảo: “Này chư tỳ kheo, các bậc lậu tận tất nhiên không còn sân giận”.

Rồi đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ này: Akkodhanaṃ vatavantaṃ…v.v…taṃ ahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều vị đã chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Trong bài kệ này, đức Phật dùng từ Brāhmaṇa (bà la môn) cũng ám chỉ vị A la hán, bậc Phạm chí Lậu tận (khīnāsavabrāhmaṇa).

Nói rằng: bậc A la hán không có sân giận (Akkodhanaṃ), điều đó tất nhiên, bởi sân tâm đã được tuyệt trừ t lúc vị ấy chứng tam đạo (tatiyamagga), tức A na hàm đạo (Anāgāmimagga) rồi.

Nói rằng: bậc A la hán có hạnh tu (vatavantaṃ) tức là có hạnh đầu đà (dhutavatena samannāgataṃ). Ở đây, nói về đức tính của hạnh đầu đà (dhutavata) là thiểu dục, tri túc và tinh tấn, mà các bậc A la hán đều có ba đức tính này nên mới nói bậc A la hán đều có hạnh tu đầu đà.

Nói rằng: bậc A la hán có giới (sīlavantaṃ) tức là thành tựu tứ thanh tịnh giới (catupārisuddhisīlena samannāgataṃ). Ở đây, bậc A la hán viên mãn giới thu thúc là nơi vị ấy có đủ sự thu thúc giới bổn, thu thúc lục căn, giác sát khi thọ dụng và sống chánh mạng.

Nói rằng: Bậc A la hán không ái tham (anussadaṃ), tức là không ái luyến bất cứ gì, tài sản, quyến thuộc, ngay cả xác thân này.

Nói rằng: Bậc A la hán đã tự điều phục (dantaṃ), tức là các bậc lậu tận đã kiểm soát được hành vi thân khẩu ý, đã khéo điều phục bản thân.

Nói rằng: Mang thân cuối cùng (antimasārīraṃ), tức là vị A la hán có thân này là thân cuối cùng, kiếp sống này là kiếp chót, không còn tái sanh nữa./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.