Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm ngàn (sahassavagga) _ Kệ số 2 (dhp 101)

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm ngàn (sahassavagga) _ Kệ số 2 (dhp 101)

Thứ năm, 12/01/2023, 11:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 12.1.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

VIII. Phẩm ngàn _ Kệ số 2 (dhp 101)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Thế Tôn thuyết khi Ngài trú tại Jetavana gần thành Sāvatthi, nhân câu chuyện của du sĩ áo vỏ cây Bāhiya.

Tương truyền, du sĩ Bāhiya là một thương nhân buôn hàng hoá bằng thuyền.

Ngày kia thuyền ra khơi bị giông bão đánh chìm, tất cả đều chết chỉ trừ Bāhiya may mắn thoát chết nhờ bám được một tấm gỗ lội mãi trôi dạt vào đất liền, địa danh Suppāraka.

Khi vào được đất liền, y phục của Bāhiya rách tã tơi, ông liền tước vỏ cây kết lại thành mảnh y phục khoác lên người để che thân khỏi loã lồ, rồi nhặt vỏ sò lớn làm cái bát, đi vào xóm suppāraka khất thực.

Dân chúng thấy vị khất sĩ ăn mặc lạ lùng, cho là vị khổ hạnh A la hán nên tỏ ra tôn kính và cúng dường cơm cháo vật thực đầy đủ. Ông Bāhiya được nghe người ta tôn vinh là vị A la hán, lúc đầu cũng ngượng nhưng vẫn làm ra vẻ tu hành an tịnh. Dần dần quen đi và ông khởi lên tư tưởng có lẽ mình cũng là một trong những vị A la hán.

Một vị phạm thiên sắc giới vốn là bạn đồng phạm hạnh với ông Bāhiya trong thời đức Phật Kassapa, tu hành đắc A na hàm sanh về cõi phạm thiên.

Vị phạm thiên ấy thấy người bạn có tư tưởng sai lạc bèn hiện xuống cảnh báo: “Này bạn Bāhiya, bạn không phải là A la hán, vì bạn chưa biết và chưa hành pháp để chứng đắc quả A la hán”.

Khất sĩ Bāhiyadārucīriya nhìn thấy vị phạm thiên hiện ra và bảo như thế thì bối rối và hổ thẹn. Lúc ấy Bāhiya hỏi vị phạm thiên: “Thưa tôn chủ, hiện nay trong thế gian có ai là bậc A la hán? Hay có thể dạy pháp hành đắc A la hán chăng?”.

Vị phạm thiên đáp: “Nầy bạn Bāhiya, thế gian hiện có vị Chánh đẳng Giác, Ngài là bậc A la hán và thuyết pháp dạy con đường thực hành để chứng đắc A la hán. Ngài đang ngự tại miền bắc nơi thành Sāvatthi”.

Khất sĩ Bāhiya đang đêm nghe được lời mách bảo của vị thiên nhân bạn cũ, thì phát tâm kinh cảm liền lập tức rời Suppāraka đi suốt đêm đến thành Sāvatthi. Đoạn đường dài một trăm hai mươi do tuần mà Bāhiya chỉ đi trong một đêm là đến nơi do uy lực của chư thiên trợ giúp.

Khi Bāhiya vừa đến nơi vào chùa Jetavana gặp các vị tỳ kheo hỏi ra được biết đức Phật vừa đi vào thành Sāvatthi khất thực.

Bāhiya vội vả đi luôn vào thành và tìm thấy đức Thế Tôn đang đi khất thực với tướng hảo quang minh. Bāhiya biết là đã gặp đức Chánh đẳng giác bèn đến gần gieo mình xuống đất đảnh lễ Ngài và nói: “Bạch Thế tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện thệ, hãy thuyết pháp! con sẽ thực hành”.

Khi ấy, đức Thế tôn biết Bāhiya từ xa đến, mệt mõi, tâm chưa ổn định, nên Ngài bảo: “Nầy Bāhiya, ta đang khất thực giữa đường, nay chưa phải thời để thuyết pháp”.

Bāhiya khẩn thỉnh đức thế tôn ba lần. Đức Thế Tôn biết tâm của Bāhiya đã sẵn sàng lãnh hội pháp, Ngài thuyết cho Bāhiya một bài kệ.

Diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati

sute sutamattaṃ bhavissati

mute mutamattaṃ bhavissati

viññāte viññātamattaṃ bhavissati.

Khi thấy chỉ là thấy

Khi nghe chỉ là nghe

Khi cảm nhận chỉ là cảm nhận

Khi thức tri chỉ là thức tri.

Bài kệ nầy có ý nghĩa các căn tiếp xúc các cảnh sanh các thức, do duyên mà có, không nên chấp ngã. Đức Thế Tôn nói dứt bài kệ, Bāhiya đắc quả A la hán với tuệ đạt thông.

Tôn giả Bāhiya xin thọ đại giới với đức Thế tôn. Nhưng vì không có duyên thiện lai tỳ kheo nên đức Phật không thể cho vị ấy thọ cụ túc với cách Ehibhikkhu. Ngài bảo hãy tìm y bát, rồi Ngài tiếp tục đi khất thực.

Tôn giả Bāhiya trở ra thành tìm y và bát để xuất gia, ngay lúc đó một nữ dạ xoa dưới hình thể một con bò, chạy đến húc vào hông của tôn giả và chấm dứt mạng sống vị ấy.

Khi đức Thế tôn cùng nhiều vị tỳ kheo khất thực trong thành trở ra, Ngài thấy xác tôn giả Bāhiya nằm sóng soài trên đất bèn dạy các tỳ kheo gọi dân chúng đến hoả táng xác ấy và dựng tháp thờ xá lợi.

Chư tỳ kheo về chùa bạch hỏi đức Phật về sanh y của Bāhiya. Đức Phật cho biết Bāhiya đã vô dư y níp bàn, vị ấy đã đắc quả A la hán ngay khi ta đi khất thực dừng chân nói lên bài kệ.

Đức Thế tôn dạy thêm: Dù chỉ một câu kệ có ý nghĩa, nghe xong được tịnh lạc, tốt hơn cả ngàn câu kệ vô nghĩa. Và bậc Đạo sư kết luận bằng bài kệ: “Sahassamapi ce gāthā … yaṃ sutvā upasammatī ’ti”.

*

Chánh văn:

Sahassamapi ce gāthā

anatthapadasaṃhitā

ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo

yaṃ sutvā upasammati.

(dhp 101)

*

Thích văn:

gāthā [chủ cách số nhiều của danh từ nữ tính gāthā] những vần kệ, những kệ ngôn.

gāthāpadaṃ [chủ cách số ít của hợp thể danh từ trung tính gāthāpada (gāthā + pada)] một câu của bài kệ.

*

Việt văn:

Cho dù ngàn kệ ngôn

chỉ gồm câu vô nghĩa

một câu kệ tốt hơn

vì nghe được an tịnh.

(pc 101)

*

Chuyển văn:

Anatthapadasaṃhitā gāthā sahassaṃ api ce ekaṃ gāthāpadaṃ yaṃ sutvā upasammati seyyo.

Dù cho cả ngàn kệ ngôn toàn những câu vô nghĩa, chỉ một câu của kệ ngôn mà nghe xong được an tịnh vẫn tốt hơn.

*

Lý giải:

Trong văn học của nhân loại rất phong phú về thơ ca, thi kệ. Nhưng không phải bài thơ nào, vần kệ nào cũng có ý nghĩa thâm sâu, cũng có nội dung bổ ích cho người nghe.

Một vần kệ bốn câu mà đức Phật nói lên khiến chuyển hoá được tâm của khất sĩ Bāhiya, nghe xong chứng quả A la hán. Một vần kệ như thế tốt hơn nói lên cả ngàn vần kệ không có ý nghĩa gì, nghe chẳng được lợi ích gì.

Những vị tỳ kheo trong giáo pháp nầy nên học những kệ ngôn có ý nghĩa, thuộc về Phật ngôn như trong kinh pháp cú hoặc kinh tương ưng … để khi giảng pháp, thuyết pháp cho chúng cư sĩ, nói lên một câu kệ Phật ngôn đem lại lợi lạc cho người phật tử. Một bài kệ kinh điển quí hơn cả ngàn bài thơ nhảm nhí.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc