Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 4

Chủ nhật, 10/07/2022, 09:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 10.7.2022


III. Phẩm Tâm_ Kệ số 4

Duyên sự:

Bài kệ nầy, đức Phật thuyết cho vị tỳ kheo chán nản cuộc tu, khi Ngài trú ở Jetavana thành Sāvatthi.

Câu chuyện rằng, có vị công tử con ông trưởng giả trong thành Sāvatthi muốn thoát khổ nên cầu pháp với một vị trưởng lão thân quen. Vị trưởng lão dạy cho công tử hành pháp tuần tự: Trước là hành thiện bố thí, kế đến là hành trì giới, rồi thọ giới sa di, sau cùng là xuất gia tỳ kheo.

Công tử ấy xuất gia tỳ kheo với thầy tế độ là vị Luật sư, và có thầy giáo thọ là vị Luận sư. Sau khi xuất gia, tỳ kheo ấy phải học quá nhiều từ hai vị thầy, gặp thầy tế độ dạy các điều giới luật, gặp thầy giáo thọ dạy những pháp uẩn, xứ, giới, đế … vị tỳ kheo đệ tử ngao ngán, nghĩ rằng: “Ta xuất gia cầu mong thoát khổ, mà bây giờ phải học bù đầu, không có lúc nào được thảnh thơi. Thật là phiền toái! Nếu biết trước như vầy, thà ở tại gia tu tập sướng hơn”.

Vị tỳ kheo ấy sống với tâm trạng chán nãn, không vui, bỏ hết việc học việc hành, tinh thần suy sụp, thân thể phờ phạc.

Các bạn đồng tu thấy vậy bèn hỏi thăm sức khoẻ. Tỳ kheo ấy mới bày tỏ tâm sự của mình. Chư tỳ kheo đem chuyện ấy nói với các vị trưởng lão.

Thầy tế độ và thầy giáo thọ của tỳ kheo ấy bèn dẫn đến đức Thế Tôn. Đức Phật sau khi hỏi rõ sự tình mới khuyên giải: “Nếu thế thì ngươi chỉ cần giữ tâm của ngươi cũng thoát khổ được”. Rồi Ngài thuyết bài kệ: “Sududdasaṃ sunipuṇaṃ …”. Khi dứt bài kệ, vị tỳ kheo chán nãn ấy chứng đắc quả Dự lưu.

*

Chánh văn:

Sududdasaṃ sunipuṇaṃ

yatthakāmanipātinaṃ

cittaṃ rakkhetha medhāvī

cittaṃ guttaṃ sukhāvahaṃ.

(dhp 36)

*

Thích văn:

sududdasaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể sududdasa ( su + du + dasa)] rất khó thấy, thật khó nhận ra.

sunipuṇaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể supipuṇa (su + nipuṇa)] rất tinh tế, rất tinh vi.

yatthakāmanipātinaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể yatthakāmanipātī (yatthakāma + nipātī)] phóng đi bất cứ chỗ nào, bám theo bất cứ cảnh nào.

cittaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

rakkhetha [khả năng cách attanopada, ngôi III số ít của động từ rakkhati] phải canh giữ, phải bảo hộ.

medhāvī [chủ cách số ít của danh từ nam tính medhāvī] người trí, bậc trí tuệ.

guttaṃ [chủ cách số ít trung tính của quá khứ phân từ gutta (căn gup + ta)] được phòng hộ, được canh giữ.

*

Việt văn:

Rất khó thấy, tinh vi,

bắt cảnh bất cứ đâu

Người trí canh giữ tâm

tâm giữ, mang đến lạc.

(pc 36)

*

Chuyển văn:

Medhāvī sududdasaṃ sunipuṇaṃ yatthakāmanipātinaṃ cittaṃ rakkhetha. Guttaṃ cittaṃ sukhāvahaṃ.

Người trí nên canh giữ tâm vốn rất khó thấy, vô cùng tinh tế, chạy theo cảnh bất cứ chổ nào. Tâm được canh phòng sẽ mang đến lạc.

*

Lý giải:

Trong bài kệ nầy, tâm được mô tả là thứ rất khó thấy vì tâm là thứ rất khó thấy vì tâm là phi vật thể; Tâm vô cùng tinh tế vì tâm sanh diệt nhanh vô cùng; Tâm bắt cảnh bất cứ ở đâu, dù gần hay xa, tốt hay xấu.

Người trí đây là hành giả tu tập, bất luận là vị xuất gia hay người tại gia.

Nên canh giữ tâm, là khi biết rằng tâm phan duyên theo trần cảnh sẽ khiến sanh phiền não nên phải giữ tâm an trú trong đề mục thiền, luôn chánh niệm tỉnh giác. Ví như người chăn bò hay trâu luôn canh chừng không để trâu bò đi vào ruộng lúa hoặc không để chúng đi lạc vậy.

Tâm được canh phòng sẽ mang đến an lạc, nghĩa là tâm được phòng hộ như vậy sẽ chứng đắc đạo quả, hưởng được lạc tối thượng là lạc níp bàn (nibbānasukha) hay lạc giải thoát (vimuttisukha).

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc