Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 9

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 9

Thứ năm, 23/06/2022, 13:25 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 23.6.2022


II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 9

Duyên sự:

Bài kệ nầy được Đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện hai vị tỳ kheo bằng hữu.

Có hai vị tỳ kheo là bạn thân với nhau sau khi học lấy đề mục thiền nơi bậc Đạo Sư, họ đi vào một tịnh xá trong rừng.

Một trong hai vị ấy chểnh mãng trong việc thiền định, chỉ phí thời gian kiếm củi để ban đêm đốt sưởi ấm và đầu hôm tán gẩu với các ông sa di trẻ. Còn vị tỳ kheo kia thì chuyên cần hành sa môn pháp.

Vị tỳ kheo chuyên cần ấy bèn khuyên nhủ bạn: “Nầy hiền giả, chớ làm như vậy; vì người sống dể duôi sẽ đi vào bốn khổ cảnh; người dối trá không thể hưởng được vị giác ngộ đâu!”.

Vị tỳ kheo giải đãi không nghe lời khuyên nhủ của vị ấy. Vị tỳ kheo chuyên cần thấy bạn không nghe lời nên không nói nữa, tự mình chuyên cần hành sa môn pháp ngày đêm, chỉ nghĩ ngơi vào canh giữa của đêm. Vị ấy trú không dể duôi như vậy chẳng bao lâu đã đắc quả A la hán với tuệ đạt thông. Còn vị kia thì trải qua thời gian với đời sống phóng túng.

Khi mãn mùa an cư họ đi về yết kiến bậc Đạo Sư. Đức Phật tiếp xúc thân thiện với hai vị tỳ kheo ấy, Ngài hỏi họ có chuyên cần hành sa môn pháp chăng? có đạt được đỉnh cao sa môn hạnh chưa?

Vị tỳ kheo dể duôi đã lên tiếng trước:

“_ Bạch Ngài, từ đâu mà vị đó không dể duôi được? Kể từ lúc ra đi đến nay, vị ấy trải qua thời gian nằm rồi ngủ thôi.”

“_ Nầy tỳ kheo, còn ngươi thì sao?”

“_ Bạch Ngài, ban sớm con mang củi về tối đốt lên, canh đầu con ngồi sưởi ấm, và đã dành thời gian không ngủ như vậy.”

Lúc đó, bậc Đạo Sư đã nói với vị ấy: “Ngươi đã phí thời gian dể duôi lại nói là không dể duôi, bạn không dể duôi, ngươi lại cho rằng là dể duôi! “Rồi để nêu rõ sự tai hại sống phóng túng và lợi ích sống chuyên cần, đức Phật bảo: “Ngươi đối với vị ấy, giống như con ngựa què chậm chạp; còn vị ấy đối với ngươi giống như con tuấn mã tốc lực vậy”. Nói xong đức Phật đã nói lên bài kệ nầy: “Appamatto pamattesu, chuyên cần giữa giải đãi ..v.v..”.

*

Chánh văn:

Appamatto pamattesu

suttesu bahujāgaro

abalassaṃ’ va sīghasso

hitvā yāti sumedhaso.

(dhp 29)

*

Thích văn:

appamatto [chủ cách số ít của tính từ hợp thể appamatta (na + pamatta) người không dể duôi, người không giải đãi, người chuyên cần.

pamattesu [định sở cách số nhiều của tính từ pamatta (quá khứ phân từ của pamajjati)] giữa những nguời dể duôi, trong những người giải đãi.

suttesu [định sở cách số nhiều của quá khứ phân từ sutta (supati: căn sup)] giữa những người mê ngủ.

bahujāgaro [chủ cách số ít của danh từ hợp thể nam tính bahujāgara (bahu + jāgara)] người tỉnh thức nhiều, người thường tỉnh thức.

abalassaṃ’ va [hợp âm (abalassaṃ iva)]

abalassaṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể nam tính abalassa (abala + assa)] con ngựa yếu đuối, con ngựa què.

sīghasso [chủ cách số ít của danh từ hợp thể nam tính sīghassa (sīgha + assa)] tuấn mã, con ngựa tốc lực, con ngựa chạy nhanh.

hitvā [(hā + tvā) bất biến quá khứ phân từ của động từ jahati]

yāti [thì hiện tại ngôi III số ít của động từ yāti (yā + a)] chạy đi.

sumedhaso [chủ cách số ít của danh từ nam tánh sumedhasa (= sumedha)]

*

Việt văn:

Chuyên cần giữa buông lung

tỉnh thức giữa mê ngủ

người trí như ngựa phi

bỏ sau con ngựa yếu.

(pc 29)

*

Chuyển văn:

Pamattesu appamatto suttesu bahujāgaro sumedhaso sīghasso’ va yāti abalassaṃ hitvā.

Không dể duôi giữa những người giải đãi, luôn tỉnh thức giữa những người ngủ mê, bậc trí tiến nhanh như ngựa phi bỏ lại sau con ngựa gầy yếu.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật nói đến hai tính cách, hai vị tỳ kheo nọ cùng xuất gia cùng học đề mục thiền nhưng một vị chuyên cần hành thiền, luôn chánh niệm tỉnh giác nên tiến nhanh đến đích cứu cánh phạm hạnh; còn vị kia thì chểnh mảng, không chánh niệm tỉnh giác như kẻ mê ngủ nên bị lùi lại phía sau.

Hình ảnh con ngựa khoẻ phi nước đại bỏ lại phía sau là con ngựa què yếu đuối, là hình ảnh mô tả về một vị xuất gia chuyên cần tu tập sẽ đạt đến mục đích nhanh chóng, và một vị xuất gia nhưng giải đãi tu hành sẽ không thành tựu được gì. Trong giáo pháp nầy người nỗ lực chuyên cần sẽ tiến hoá dù là pháp học hay pháp hành, sẽ vượt bỏ người giải đãi biếng nhác, cũng như trong cuộc đua con ngựa khoẻ thuộc giống nòi sẽ phi nhanh về đích vượt bỏ con ngựa hèn yếu vậy.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc