Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 13&14

Thứ năm, 12/05/2022, 13:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 12.5.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 13&14

Duyên sự:

Hai bài kệ 13 và 14 nầy được đức Phật thuyết tại Jetavana ở Sāvatthi, do câu chuyện của tỳ kheo Nanda người em cùng cha khác mẹ với Ngài.

Hoàng tử Nanda là con của vua Suddhodana và thứ hậu Mahāpajāpati Gotamī.

Khi đức Phật trở về Kapilavatthu để tiếp độ quyến thuộc. Trong thời gian đức Phật còn lưu trú ở Kapilavatthu, đức vua Suddhodana truyền ngôi và cưới vợ cho hoàng tử Nanda. Vào ngày lễ đăng quang và thành hôn của hoàng tử Nanda, Tộc Thích Ca đã làm lễ cúng dường trai phạn đến đức Phật và chúng tỳ kheo.

Sau bữa ăn, đức Phật và chư Tăng ra về. Đức Phật trao cái bát của Ngài cho tân Vương Nanda cầm hộ và Nanda cầm cái bát đi theo đức Phật về đến chùa Nigrodhārāma ở ngoại thành. Đến chùa đức Phật hỏi Nanda có muốn xuất gia không, Nanda vì kính trọng đức Phật nên ưng thuận không dám cãi lời. Đức Phật bảo chư Tăng làm lễ xuất gia cho Nanda.

Hôm sau, đức Thế Tôn cùng chúng tỳ kheo dẫn tỳ kheo Nanda du hành đến thành Sāvatthi để tiếp nhận ngôi đại tự Jetavana do Trưởng giả Anāthapiṇḍika kiến tạo.

Từ ngày xuất gia, tỳ kheo Nanda không một ngày an vui tụ tập, lúc nào cũng buồn thảm vì nhớ nhung nương tử Kalyānī. Thế rồi một ngày kia tỳ kheo Nanda than thở với các vị tỳ kheo rằng mình không thể vui đời sống xuất gia, sẽ hoàn tục. Các vị tỳ kheo đã bạch trình sự việc đến đức Phật.

Đức Phật cho gọi tỳ kheo Nanda vào và hỏi duyên cớ Nanda muốn hoàn tục. Nanda trả lời đức Phật vì ông thương nhớ nương tử Kalyānī.

Đức Phật muốn chuyển hoá tâm của tỷ kheo Nanda, Ngài dùng thần thông đưa Nanda lên tham quan cõi trời Đao Lợi, cho Nanda mục kích vẻ đẹp thần tiên của các Thiên nữ. Ngài hỏi Nanda thấy sao về dung sắc của các thiên nữ với dung sắc của công nương Kalyānī? Nanda thưa rằng, dung sắc của nàng Kalyānī không sánh được với dung sắc của các thiên nữ nầy. Đức Phật bảo Nanda nếu ngươi tinh tấn tu tập sẽ có được cả ngàn thiên nữ hầu hạ.

Đức Phật đưa Nanda trở lại nhân gian. Từ ngày ấy tỳ kheo quên hình bóng nương tử Kalyānī, phấn chấn tu hành, ước mong được làm chủ nhân của các vị thiên nữ.

Sự việc tỳ kheo Nanda tu tinh tấn vì mục đích có được các Thiên nữ, đã được chư tỳ kheo biết do chư thiên thông tin. Rồi các vị tỳ kheo khi gặp tỳ kheo Nanda họ chế nhạo, châm biếm bằng nhiều lời lẽ khiến tỳ kheo Nanda xấu hổ, khó chịu, phiền toái nên đã lánh tìm chổ xa vắng sống độc cư thiền tịnh. Với sự nổ lực đó, tôn giả đã chứng đắc đạo quả A la hán.

Tôn giả Nanda đã đi đến đức Thế Tôn đảnh lễ Ngài và xin huỷ bỏ lời giao ước lúc trước. Đức Phật bảo rằng lời giao ước đã vô hiệu từ lúc Nanda chứng đạt chánh trí.

Hôm sau giữa hội chúng tỳ kheo, đức Phật xác chứng quả vị của Tôn giả Nanda, và Ngài đã thuyết hai bài kệ pháp cú số 13 và 14.

*

Chánh văn:

Yathā agāraṃ ducchannaṃ

vuṭṭhi samativijjhati

evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ

rāgo samativijjhati.

(dhp 13)

Yathā agāraṃ succhannaṃ

vuṭṭhi na samativijjhati

evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ

rāgo na samativijjhati.

(dhp 14)

*

Thích văn:

yathā [trạng từ] cũng như, như là

agāraṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính agāra] ngôi nhà, mái nhà.

ducchannaṃ [đối cách số ít của tính từ ducchanna (du + channa) _ quá khứ phân từ của động từ chādeti)] che sơ xài, vụng lợp.

vuṭṭhi [chủ cách số ít của danh từ nữ tính vuṭṭhi] mưa, nước mưa.

samativijjhati [thì hiện tại ngôi III, số ít của động từ samativijjhati (saṃ + ati + căn vidh + ya)] xuyên thấu, xâm nhập, thấm dột.

evaṃ [trạng từ] như vậy, cũng vậy, cùng thế ấy.

abhāvitaṃ [đối cách số ít của tính từ abhāvita (na + bhāvita) _ quá khứ phân từ của động từ bhāveti)] không tu tập, không rèn luyện.

cittaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tâm thức.

rāgo [chủ cách số ít của danh từ nam tính rāga] tham ái, ái tình, sự tham luyến.

succhannaṃ [đối cách số ít của tính từ succhanna (su + channa) _ quá khứ phân từ của động từ chādeti)] khéo lợp, che đậy kỹ, lợp kín đáo.

subhāvitaṃ [đối cách số ít của tính từ subhāvita (su + bhāvita) _ quá khứ phân từ của động từ bhāveti)] khéo tu tập, khéo huấn luyện, được rèn luyện tốt.

*

Việt văn:

Như mái nhà vụng lợp

nước mưa thấm dột được

cũng vậy, tâm không tu

tham ái tất xâm nhập.

(pc 13)

Như mái nhà khéo lợp

nước mưa không thấm dột

cũng vậy, tâm khéo tu

tham ái không xâm nhập.

(pc 14)

*

Chuyển văn:

Yathā vuṭṭhi ducchannaṃ agāraṃ samativijjhati. Evaṃ rāgo abhāvitaṃ cittaṃ samativijjhati.

Như nước mưa sẽ thấm dột mái nhà lợp vụng về. Cùng thế ấy, tham ái sẽ xâm nhập tâm không có tu tập.

Yathā vuṭṭhi succhannaṃ agāraṃ na samativijjhati. Evaṃ rāgo subhāvitaṃ cittaṃ na samativijjhati.

Như nước mưa sẽ không thấm dột mái nhà lợp khéo léo. Cùng thế ấy, tham ái sẽ không xâm nhập tâm khéo tu tập.

*

Lý giải:

Gọi là tâm không tu tập (abhāvitaṃ cittaṃ) tức là một người sống giải đãi, không huấn luyện tâm, để tâm chạy theo cảnh trần sắc, thinh, hương, vị, xúc.

Gọi là tâm khéo tu tập (subhāvitaṃ cittaṃ) là tâm được huấn luyện tốt đẹp bằng sự tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, an trú giới, định, tuệ.

Sở dĩ trong hai bài kệ đức Phật dạy: Ái tham sẽ xâm nhập tâm không tu tập, và ái tham sẽ không xâm nhập tâm khéo tu tập, vì rằng đức Phật mô tả tâm trạng của tỳ kheo Nanda, trước không tu tập nên ái tình (rāga) dày vò tâm mãi, đến sau đã huấn luyện tâm thành tựu đạo quả nên không còn bị ái tình chi phối tâm nữa.

Ở đây nên hiểu rằng: không riêng gì ái tham (rāgo) mà mọi thứ phiền não (kileso) sẽ xâm nhập một người tâm không tu tập; cũng như, không riêng gì ái tham (rāgo) mà mọi thứ phiền não sẽ không xâm nhập một người tâm khéo tu tập.

Tâm khéo tu tập có ba cấp độ:

Tâm thiện dục giới nơi một phàm nhân đang nỗ lực tu tiến đề mục chỉ quán. Tâm thiện nầy tạm thời ngăn chận phiền não.

Tâm thiện đáo đại nơi vị hành giả chứng thiền sắc và vô sắc. Tâm thiện nầy khống chế phiền não cho đến khi nào tâm thiền chưa bị hoại.

Tâm thiện siêu thế nơi vị thánh đã đắc đạo quả. Tâm thiện nầy tuyệt trừ phiền não theo tuần tự cho đến hoàn toàn thanh tịnh phiền não.

Đó gọi là tâm khéo tu tập và có hiệu năng như thế.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc