Bài 82. DIỄN TRÌNH TÂM NHẬP THIỀN CƠ VÀ HIỆN THÔNG _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 1.7.2021

Bài 82. DIỄN TRÌNH TÂM NHẬP THIỀN CƠ VÀ HIỆN THÔNG _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 1.7.2021

Thứ năm, 01/07/2021, 18:49 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 1.7.2021


Bài 82. 

DIỄN TRÌNH TÂM NHẬP THIỀN CƠ VÀ HIỆN THÔNG

Hiện thông ở đây chỉ cho khả năng siêu nhiên từ sự vận dụng thiện xảo năng lực tam muội định. Nói như vậy có nghĩa là cũng có những khả năng siêu nhiên khác do phước báu, do chủng loại thọ sanh, thậm chí do chú thuật (mantā)…

Thiền cơ là nền tảng tam muội định cần thiết để hiển hoá thần lực. Thắng pháp ghi rõ chỉ có trình độ tam muội định của ngũ thiền (trong phân loại của Thắng Pháp. Theo Kinh Tạng là tứ thiền) mới có đủ năng lực để hiện thông. Không phải vị nào chứng ngũ thiền cũng có thần thông mà phải luyện thông nếu muốn có lực nầy. Một điều mà rất nhiều Phật tử bình thường hay ngộ nhận nghĩ rằng tất cả chư vị a la hán đệ tử Phật đều có thần thông. Thật ra chỉ có những bậc a la hán nào có tu tập thiền chỉ (samatha), chứng được ngũ thiền và luyện thông mới có mà thôi.

Trong nguyên ngữ đã có vấn đề từ ngữ

Phạn ngữ abhiññāna nếu dịch sát từ vựng có nghĩa là thắng trí. Ngài Tịnh Sự dịch là diệu trí. Từ nầy có thể bị hiểu lầm là đỉnh cao của trí tuệ hay tuệ giác. Nên hiểu đây là thứ trí tuệ thiện xảo có khả năng vận dụng năng lực của định lực tam muội. Lấy thí dụ sự hiểu biết về lượng tử thuộc khoa học (science) mà áp dụng sự hiểu biết nầy để tạo một động cơ lượng tử thuộc về công nghệ hay kỹ thuật (technology) là chuyện khác.

Chữ thần thông trong Hán Việt cũng có vấn đề. Nếu hiểu đại loại thần thông là năng lực siêu nhiên thì có phần đúng nhưng nói chính xác thì thần thông, khả năng biến hoá siêu nhiên, thì thuộc Iddhividhi - biến hoá thông là một trong sáu abhiññāna.

Tam minh và lục thông

Tam minh (tevijjā) gồm có túc mạng minh, sanh tử minh và lậu tận minh thường bị hiểu lầm tên gọi khác của 3 năng lực siêu nhiên là túc mạng thông, thiên nhãn thông và lậu tận thông. Kỳ thật thì có sự khác biệt rất lớn cần phân biệt rõ.

Tam minh là một tiến trình đắc chứng đạo quả vô sanh ứng cúng của những bậc dày công tu tập ba la mật trong quá khứ trong đó có Đức Phật. Trong đêm thành đạo Ngài nhớ biết nhiều đời quá khứ (túc mạng minh) từ đó thấy biết được những đầu mối nhân duyên sanh tử (sanh tử minh) để rồi thấu triệt chân tướng vạn pháp với sự đoạn tận hoàn toàn phiền não (lậu tận minh). Ba minh nầy rất khác với túc mạng thông, thiên nhãn thông và lậu tận thông được hiển hoá sau khi đắc chứng đạo quả.

Một vị A la hán có thể vận dụng lậu tận thông chứ không dùng lậu tận minh vì đã đoạn tận phiền não. Lậu tận thông của vị a la hán là khả năng vận dụng tuệ giác để thể nhập không tướng từ đó tạo nên hiệu ứng đặc biệt như sự an lạc hoàn toàn khi thân xác đau bệnh (….)

Tâm định và tâm lực

Tam muội định có năng lực đặc biệt là khả năng biến mãn y cứ tên một thuộc tánh của vật chất. Có thể hiểu điều nầy qua bài kinh sau đây:

Kinh Ðống Gỗ, Tăng Chi Bộ (XI) (41)

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Tôn giả Sāriputta trú ở Rājagaha, tại núi Gijjhakūta. Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát cùng với số đông Tỷ-kheo, từ núi Gijjhakūta đi xuống. Tôn giả thấy tại một chỗ nọ, một đống gỗ to lớn, thấy vậy liền nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Hiền giả, các Hiền giả có thấy đống gỗ to lớn ấy không?

- Thưa Hiền giả, có thấy.

2. - Nếu muốn, này các Hiền giả, một Tỷ-kheo có thần không, đạt được tâm tự tại có thể quán (Tập Sớ Sallakkheyya: Thắng giải, thiên về, hướng về) đống gỗ ấy thành địa đại. Vì cớ sao? Vì rằng có địa giới trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại có thể quán đống gỗ ấy thành địa đại.

3. Nếu muốn, này các Hiền giả, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại, có thể quán đống gỗ lớn ấy thành nước... thành lửa... thành gió... thành tịnh... thành bất tịnh. Vì cớ sao? Vì rằng có bất tịnh trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại, có thể quán đống gỗ ấy thành bất tịnh.

(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Lục thông (Chaḷabhiññā)

Có 6 năng lực siêu nhiên hay lục thông là:

1. Biến hóa thông (Iddhividhi)

2. Thiên nhĩ thông (Dibbasota)

3. Tha tâm thông (Cetopariyañāṇa)

4. Túc mạng thông (Pubbenivāsānussati)

5. Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu)

6. Lậu tận thông (Āsavakkhayañāṇa)

Sau đây là Phật ngôn mô tả lục thông trích từ Kinh Ước Nguyện, Trung Bộ, Bài 7:

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta chứng được các loại thần thông! Một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân; ta hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua thành, qua núi như đi ngang hư không, ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền; ta ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; ta có thể, thân ta có thần thông bay cho đến Phạm Thiên!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật... (như trên)...các trú xứ không tịnh.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, ta có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật... (như trên)... các trú xứ không tịnh.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng với tâm của ta, ta biết được tâm của các chúng sanh và loài Người. Tâm có tham, ta biết tâm có tham. Tâm không tham, ta biết tâm không tham. Tâm có sân, ta biết tâm có sân. Tâm không sân, ta biết tâm không sân. Tâm có si, ta biết tâm có si. Tâm không si, ta biết tâm không si. Tâm chuyên chú, ta biết tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, ta biết tâm tán loạn. Tâm đại hành, ta biết tâm đại hành. Tâm không đại hành, ta biết tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, ta biết tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, ta biết tâm vô thượng. Tâm Thiền định, ta biết tâm Thiền định. Tâm không Thiền định, ta biết tâm không Thiền định. Tâm giải thoát, ta biết tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, ta biết tâm không giải thoát!" Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật... (như trên)... các trú xứ không tịnh.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp, ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này, Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật... (như trên)... các trú xứ không tịnh.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng. Các Tôn giả, chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn các Tôn giả, chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh, ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự tri tự chứng, ta chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.

(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Diễn trình tâm nhập thiền cơ (pādakajhānavīthi)

Một vị muốn hiện thông trước nhất phải nhập thiền để có nền tãng tam muội định. Diễn trình tâm được ghi nhận như sau:

1.Tiềm thức cố hữu

2. Tiềm thức dao động

3. Tiềm thức gián đoạn

4. Tâm khai ý môn

5. Sát na chuẩn bị (với một vị tuệ căn mạnh thì không có sát na nầy)

6. Sát na cận hành

7. Sát na thuận thứ

8. Sát na chuyển tánh

9. Những sát na tâm ngũ thiền (bất định số)

10.Tiềm thức cố hữu

Diễn trình tâm hiện thông (abhiññāvīthi)

Trước khi hiện thông hành giả cần nhập thiền cơ và tác ý (thường gọi là phát nguyện) về năng lực siêu nhiên muốn sử dụng rồi chú tâm vào thiền cảnh kasina sau đó nhập thiền cơ lần nữa trước khi hiện thông.

Diễn trình tâm hiện thông được ghi nhận như sau:

1. Tiềm thức cố hữu

2. Tiềm thức dao động

3. Tiềm thức gián đoạn

4. Tâm khai ý môn

5. Sát na chuẩn bị (với một vị tuệ căn mạnh thì không có sát na nầy)

6. Sát na cận hành

7. Sát na thuận thứ

8. Sát na chuyển tánh

9. Sát na tâm diệu trí (còn được gọi là tâm thông)

10.Tiềm thức cố hữu

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc