Bài 77. DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN THÔNG THƯỜNG _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 6.6.2021

Bài 77. DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN THÔNG THƯỜNG _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 6.6.2021

Chủ nhật, 06/06/2021, 19:24 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 6.6.2021


Bài 77. DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN THÔNG THƯỜNG

Diễn trình tâm ý môn thông thường là dòng tâm thức sanh khởi nhiều nhất trong đời sống so với những diễn trình tâm khác. Tuy vậy khi học về diễn trình tâm thì phần nầy thường không được chú ý nhiều bởi vì phần lớn những công đoạn đã được nói tới trong diễn trình tâm ngũ môn và không có những điểm mới lạ như các diễn trình tâm đặc biệt (chiêm bao, cận tử…)

Cảnh thật thì ít mà diễn dịch thì nhiều

Thắng Pháp Abhidhamma cho chúng ta biết một điều là dòng tâm thức thường khi nhận thức cảnh chân đế với khoảnh khắc ngắn ngủi tiếp theo đó là những phản ứng biết cảnh thi thiết. Thí dụ khi nhìn một đoá hoa thì cảnh tượng chân thực như kích cở, hình dạng, màu sắc là cảnh thật được biết với tâm nhãn thức trong lộ ngũ môn. Nối tiếp theo những khái niệm như là tên gọi hoa sen rồi đẹp xấu, giá trị đặt biệt thế nào… đều thuộc về thi thiết. Tất cả diễn trình tâm theo sau đó đều thuộc ý môn. Thứ nầy chiếm ngự phần lớn cuộc sống của chúng ta. Không hoàn toàn tách rời khởi thực tại như y cứ trên thực tại để diễn dịch.

Sát na xác định trở thành khai ý môn

Trong lộ ngũ môn thì sau những công đoạn hoạt thức khai ngũ môn, ngũ song thức, tiếp nhận, kiểm tra thì tới xác định trước khi qua công đoạn xử lý. Trong lộ ý môn thì công đoạn xác định là hoạt thức tiên khởi đưọc gọi là khai ý môn – cùng là một thứ tâm với công đoạn xác định của diễn trình tâm ngũ môn. Tuy tên gọi có khác như không nên hiểu là cách làm việc khác. Lấy thí dụ vai trò trợ tá cho vị giám đốc là chuẩn bị hồ sơ cần thiết để giám đốc xử lý công việc cho dù đó là việc liên quan đến nội vụ hay ngoại vụ.

Nên bắt đầu với diễn trình ý môn ấn tượng rất rõ

Cũng giống như trong diễn trình ngũ môn người học nên tập trung vào phân loại đầu tiên là ấn tượng rất rõ rồi từ đó sẽ hiểu về những phân loại còn lại.

Diễn trình ý môn ấn tượng rất rõ có thể xảy ra với một trong ba trường hợp:

a. Kết thúc với công đoạn dư hưởng vì ấn tượng quá mạnh.

b. Kết thúc với tiềm thức trung hoà vì có sự sai biệt lớn giữa hoạt thức thọ ưu và tiềm thức thọ hỷ

c. Kết thúc với công đoạn xử lý (javana).

Ấn tượng rõ, không rõ, mơ hồ

Ba phân loại tiếp theo của diễn trình ý môn thông thường là:

Diễn trình ý môn cảnh rõ kết thúc bằng công đoạn xử lý và không bao giờ có công đoạn dư hưởng. Phân loại diễn trình tâm nầy có thể xảy ra trong hai trường hợp: kết thúc đơn thuần là công đoạn xử lý hay chuyển tiếp qua tiềm thức với tiềm thức trung hoà (hộ kiếp khách)

Diễn trình ý môn cảnh không rõ kết thúc ở khai ý môn như hồ sơ không đáng kể chỉ đến tay trợ lý mà không bao giờ đến giám đốc.

Diễn trình ý môn cảnh mơ hồ thật sự chỉ có có tiềm thức giao động chưa bao giờ có hoạt thức sanh khởi. Nếu gọi là diễn trình tâm thì chỉ là tạm gọi. Trường hợp nầy thường xẩy ra trong giấc ngủ.

Có những trùng lập nên lưu ý

Sớ giải của Thắng Pháp cũng ghi nhận một số trường hợp ngoài công đoạn xử lý (javana) có nhiều sát na thì còn có hai trường hợp khác:

Tiềm thức dịch chuyển (hộ kiếp vừa qua) có thể từ 1 tới 7 sát na.

Công đoạn khai ý môn có thể từ 1 tới 3 sát na như trong trường hợp cảnh không rõ không có công đoạn xử lý.

(Sẽ bổ sung hình minh hoạ) ở bài học kế tiếp

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc