Bài 73. DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN - Phần II _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 20.5.2021

Bài 73. DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN - Phần II _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 20.5.2021

Thứ năm, 20/05/2021, 19:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 20.5.2021

Bài 73

DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN - Phần II

Một trong những vấn đề khiến người học Thắng Pháp Abhidhamma bỏ cuộc khi học môn nầy là do cách trình bày. Giống như chuyện xưa kể người bị mất con dê đi tìm đi từ ngã tư nầy đến ngã tư khác, rồi ngã tư khác nữa. Thật ra thì Thắng Pháp không khó như vậy chỉ do trong sự trình bày thường “kéo quá xa vào những nhánh rẽ” khiến sự tập trung bị phân tán. Diễn trình tâm thức nếu liệt kê đầy đủ có hằng trăm trường hợp khác nhau. Tạm thời đừng bận tâm sự đa dạng, khúc chiết mà nắm vững căn bản trước.

Đơn cử một diễn trình tâm đầy đủ nhất

Giòng tâm thức là sự tiếp nối sanh diệt của những sát na tâm. Thắng pháp dạy rằng mỗi tích tắc tâm sanh diệt 100 tỷ sát na. trong dòng tâm thức ấy là những “phân khúc hoạt thức trong tiến trình tâm” (Ngài Tịnh Sự gọi là lộ tâm) xen vào giữa những tiềm thức. (Dịch giả Phạm Kim Khánh dùng một từ khá thú vị là những “chập tư tưởng”). Có nhiều diễn trình của hoạt thức. Ở đây lấy một đơn cử diễn trình dài nhất do sung mãn cả bốn yếu tố (căn, cảnh, môi sinh, sự chú ý).

Diễn trình tâm thức hằng ngày - thuộc ngũ quan - ấn tượng mạnh (Ngài Tịnh Sự gọi là lộ tâm ngũ môn bình nhật cảnh rất lớn) có 17 sát na:

  •  Sát na dịch chuyển (atītabhavaṅga)
  • Sát na dao động (bhavaṅgacalana)
  • Sát na gián đoạn (bhavaṅgupaccheda)
  • Sát na khai ngũ môn (pañcadvāravajjana)
  • Sát na ngũ quan (pañcaviññāṇa) có thể là một trong năm thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân tùy cảnh.
  • Sát na tiếp nhận (sampaṭicchana)
  • Sát na kiểm tra (santīrana)
  • Sát na xác định (voṭṭhapana)
  • Bảy sát na xử lý (javana)
  • Hai sát na dư hưởng (tadālambana)
  • Trở về những sát na tiềm thức. Đây là điều luôn xẩy ra không có ngoại lệ khi những sát na tiềm thức sanh khởi làm “trái độn”. Nên nhơ là phần nầy không tính vào số 17 sát na của một diễn trình tâm.

3 sát na đầu: sát na dịch chuyển (atītabhavaṅga), sát na giao động (bhavaṅgacalana), sát na gián đoạn (bhavaṅgupaccheda) vẫn thuộc tiềm thức (bhavaṅga) chỉ là hiện tượng sắp chuyển đổi.

Sát na ngũ quan (pañcadvāravajjana) bắt cảnh trực tiếp, chiêu cảm nghiệp lực quá khứ.

Những sát na khai ngũ môn (pañcadvāravajjana), tiếp nhận (sampaṭicchana), kiểm tra (santīrana), xác định (voṭṭhapana) làm công việc có tánh cách máy móc.

7 sát na xử lý (javana) không thuộc quả nghiệp mà nằm trong “ý chí tạo nghiệp (cetanā)”

2 sát na dư hưởng chỉ là hiện tượng tồn đọng của ấn tượng mạnh. Không tạo nghiệp. Cùng cảnh nhưng không xử lý.

THẮNG PHÁP ABHIDHAMMA _ MỘT DƠN CỬ DIỄN TRÌNH TÂM

Hai thí dụ xưa và nay

Hai thí dụ sau đây giúp người học hiểu được ý nghĩa của mỗi sát na được nói tới trong diễn trình tâm thức và sự liên hệ giữa sát na nầy tới sát na khác. Nhưng hai thí dụ nầy có thể tạo nên ngộ nhận đây là một quy trình hoàn tất. Kỳ thật thì đa phần khi một cảnh gì đó xuất hiện thì hằng triệu diễn trình sanh khởi “săm soi” vào một cảnh.

Thí dụ cổ điển người ngủ dưới gốc xoài

Có người đang nằm ngũ dưới gốc cây xoài, gió thổi qua làm trái xoài rụng, người ấy bị âm thanh do trái xoài rơi xuống kích thích, ngồi dậy đưa mắt hướng về tiếng động, nhìn thấy trái xoài, bước đến nhặt lấy, xem xét trái xoài như thế nào, thấy xoài chín không bị hư, người ấy ăn trái xoài, ăn xong lại chép miệng nếm hương vị xoài còn dư sót. Rồi nằm xuống ngũ tiếp.

Nằm ngũ dưới gốc xoài ví như tiềm thức.

Trái xoài rụng ví như tiềm thức dịch chuyển.

Bị âm thanh kích thích ví như tiềm thức dao động.

Giật mình thức giấc, ngồi dậy ví như tiềm thức gián đoạn.

Đưa mắt hướng về tiếng động ví như khai ngũ môn.

Nhìn thấy trái xoài ví như nhãn thức trong ngũ song thức.

Bước đến nhặt ví như tiếp nhận.

Săm soi xem xét ví như kiểm tra.

Thấy xoài chín lại không bị hư ví như xác định.

Ăn trái xoài ví như xử lý.

Ăn xong còn chép miệng ví như dư hưởng.

Nằm xuống ngũ tiếp ví như sự trở lại của tiềm thức.

Thí dụ ngày nay về hoạt động của một văn phòng làm việc

Lấy một thí dụ về một công ty bất động sản có phạm vi kinh doanh lớn với đầy đủ nhân sự.

Trong lúc thời gian không có khách hằng ngày hoạt động như tiềm thức cố hữu.

Khi có tiếng chuông có một trạng thái thay đổi, chuyển động, phản ứng như tiềm thức chuyển thể, giao động, gián đoạn.

Người mở cỗng ví dụ cho tâm khai ngũ môn.

Người ra nhận biết xem đó là nhân viên bưu điện hay khách mua nhà đất ... như tâm ngũ quan.

Một người chào hỏi đón tiếp như tâm tiếp nhận.

Một người lấy những chi tiết như tên họ, giờ hẹn như tâm kiểm tra.

Một người quyết định xem gởi người khách tới bộ phận nào trong công ty như tâm xác định.

Người trực tiếp giải quyết nhu cầu của khách như tâm xử lý.

Nếu khách là một khách lớn thân quen thì có người ra thăm hỏi vui vẻ sau khi xong việc như tâm dư hưởng.

Tình trạng sau khi khách rời công ty như trở lại tiềm thức cố hữu.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc