Bài 70. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:  6. VẬT (VATTHU) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 9.5.2021

Bài 70. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 6. VẬT (VATTHU) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 9.5.2021

Chủ nhật, 09/05/2021, 17:43 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 9.5.2021

Bài 70

Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:

6. VẬT (VATTHU)

Vật – vatthu- là phần vật chất của thân làm chỗ nương cho tâm thức thí dụ nhãn vật là mắt là chỗ nương của nhãn thức, nhĩ vật là tai là chỗ nương của của tai…. Tâm nương gá vật là một trong những điểm của Thắng Pháp mới nghe thì rất đơn giản nhưng thực tế thì tương đối phức tạp vì trong sự giải thích liên quan tới nhiều khía cạnh rộng lớn khác như về cõi, chúng sanh, sự đắc chứng thiền định đạo quả…

Có 6 vật là nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật, ý vật.

Năm vật đầu là nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật tương đương với năm căn hoặc năm môn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Nhãn vật là chỗ nương của tâm nhãn thức. Cũng gọi là sắc thần kinh nhãn. Có hình dạng như “đầu con chí” nằm bên trong con ngươi của mắt.

Nhĩ vật là chỗ nương của tâm nhĩ thức. Cũng gọi là sắc thần kinh nhĩ. Có hình dạng như “lông con cừu” nằm ở màng nhĩ của tai.

Tỷ vật là chỗ nương của của tâm tỷ thức. Cũng gọi là sắc thần kinh tỷ. Có hình dạng như “móng chân con dê” nằm bên trong khoan mũi.

Thiệt vật là chỗ nương của tâm thiệt thức. Cũng gọi là sắc thần kinh thiệt. Có hình dạng như “đầu lông con nhím” có thể thấy ở lưỡi.

Thân vật là chỗ nương của tâm thân thức. Cũng gọi là sắc thần kinh thân. Thân vật hiện hữu khắp châu thân không có hình thể nhất định.

Năm vật kể trên liên quan trực tiếp đến năm thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức (nói theo ngôn ngữ thường thức là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác). Năm vật nầy sanh có sự khác biệt tuỵ theo chủng loại của chúng sanh do nghiệp lực quá khứ. Thí dụ cũng thời lưỡi nếm vị nhưng vị giác của loài người và loài vật không giống nhau. Ngay cả giữa loài người thì sự bén nhạy của vị giác cũng không đồng nhất.

Khi nói về chi pháp thì năm vật nầy cũng là tương đồng với xứ, giới, môn, căn. Thí dụ nhãn vật cũng là nhãn căn, nhãn xứ, nhãn giới, nhãn môn. Trong lúc ý vật thì hoàn toàn khác biệt so với năm vật trên. Người học phải đặc biệt lưu ý về điểm nầy.

Ý vật là “sắc nương của ý” trong định nghĩa bất định. Ý vật thuộc sắc pháp (vật chất) của thân không giống như ý giới là 2 tâm tiếp nhận và khai ngũ môn. Và cũng không hẳn là chỗ nương của ý thức giới như nhãn vật chắc chắn là nơi nương nương của nhãn thức giới. Rắc rối hơn nữa là trong Thắng Pháp Tạng không xác định là ý vật là phần nào, ở đâu, hình dạng ra sao trong châu thân. Tất cả những đề quyết về ý vật là trái tim, hay máu trong tim, hay não bộ đều là ý kiến của người đời sau.

6 vật và các cõi

Người học Thắng Pháp cần làm quen với một số cụm từ nói về cảnh giới sanh tử của chúng sanh: Cõi nhất uẩn tức cõi vô tưởng không có vật nào trong 6 vật; cõi tứ uẩn tức 4 cõi vô sắc cũng không có vật nào; cõi ngũ uẩn thì có thể chia là hai là các cõi phạm thiên sắc giới, trừ cõi vô tưởng, không có tỷ vật, thiệt vật, thân vật (nói cách khác là không có khứu giác, vị giác, xúc giác mặc dù theo Sớ giải thì cũng có ngoại hình với mũi, miệng, thân) trong lúc tất cả cõi dục giới đều có đủ 6 vật tất nhiên có những ngoại lệ như người khiếm thị bẩm sinh (…)

Một điểm khác cũng nên lưu ý là trong các cõi thiền sắc giới và vô sắc giới không có tâm sân do năng lực của thiền định. Tâm sân chỉ có trong cõi dục giới. trong lúc tâm tham và tâm si có mặt trong 30 cõi hữu tâm. Chính điểm nầy nên trong 12 tâm bất thiện thì tâm sân nương ý vật nhất định còn tâm tham và tâm si thì bất định.

6 vật và thiền định, đạo quả

15 tâm thiền sắc giới luôn nương ý vật vì gián tiếp liên quan tới sắc pháp. Chư vị phạm thiên ở cõi vô sắc không thể nhập các thiền chứng sắc giới sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền (Một chúng sanh cõi người đắc thiền vô sắc có thể nhập xuất tất cả tầng thiền sắc giới tuỳ theo ý muốn). Những tâm thiền vô sắc của người chứng thiền trong các cõi ngũ uẩn đều nương vật.

Tâm sơ đạo (tu đà huờn đạo) phải nương ý vật và chỉ có thể sanh khởi trong những cõi vui ngũ uẩn. Chư vị phạm thiên cõi vô sắc không thể từ phàm nhân chuyển sang thánh quả mà chỉ có thể từ thánh quả nầy sang thánh quả khác. Sớ giải ghi rằng một người chứng sơ quả thinh văn phải được khai thị từ sự nghe pháp mà điều nầy không thể xẩy ra đối với chư phạm thiên cõi vô sắc. (Cũng nên nói thêm là chư Phật độc giác và toàn giác mặc dù tự thân giác ngộ, không cần khai thị, nhưng chỉ xuất hiện trong cõi nhân loại)

Tương quan giữa danh pháp và sắc pháp

Thắng Pháp Abhidhamma nêu rõ sự liên hệ mật thiết giữa danh pháp (tâm thức) và sắc pháp (vật chất) với những điểm sau:

a. Tâm nương gá vật nhất định.

Gồm ngũ song thức, 2 tâm sân, 3 tâm ý giới, 3 tâm kiểm tra, tâm sinh tiếu, 15 tâm sắc giới, tâm sơ đạo. Tổng cộng là 25 tâm.

b. Tâm nương gá vật bất định

Gồm 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 8 tâm thiện dục giới tịnh hảo, 8 tâm duy tác dục giới tịnh hảo, 4 tâm thiện vô sắc, 4 tâm duy tác vô sắc, 35 tâm siêu thế [trừ 5 tâm sơ đạo]. Tổng cộng 70 tâm.

c. Tâm không nương gá vật

Gồm 4 tâm quả vô sắc giới vì 4 tâm nầy chỉ có ở cõi vô sắc trong chức năng kiết sanh thức, tiềm thức, tử thức của chư vị phạm thiên vô sắc.

Nhìn chung thì tâm nương gá vật là điều tất yếu trong sự hiện hữu của chúng sanh. Nếu muốn tách tâm ra khỏi vật chất như để sanh vào cõi vô sắc cần năng lực siêu nhiên của ngũ thiền. Nói đến khía cạnh nầy phải kể luôn chư vị phạm thiên cõi vô tưởng.

Có nhiều điểm khi nói về 6 vật liên quan mật thiết đến phần nói về người, cõi và nghiệp. Khi nói đến 3 đề tài đó sẽ có nhiều điểm tương quan mật thiết tới 6 vật.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc