Bài 11.  Chương II _ TÂM SỞ TOÁT YẾU (Cetasikasaṅgaha) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma  _ Bài học ngày 8.8.2021

Bài 11. Chương II _ TÂM SỞ TOÁT YẾU (Cetasikasaṅgaha) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 8.8.2021

Chủ nhật, 08/08/2021, 09:51 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 8.8.2021


Bài 11. Chương II _ TÂM SỞ TOÁT YẾU (Cetasikasaṅgaha)

- Tâm sở là những sở hữu tâm, thuộc tánh tương hợp với tâm. Có 52 thứ phân thành ba nhóm:

1. Nhóm tợ tha (aññasamānacetasika)

2. Nhóm bất thiện (akusalacetasika)

3. Nhóm tịnh hảo (sobhanacetasika)

* Nhóm tợ tha gồm những tâm sở tương hợp được với các giống tâm: tâm thiện, tâm bất thiện và tâm vô ký. Gồm 13 thứ.

* Nhóm bất thiện gồm những tâm sở chỉ tương hợp với giống tâm bất thiện. Gồm 14 thứ.

* Nhóm tịnh hảo gồm những tâm sở chỉ tương hợp với giống tâm thiện và tâm tố vô ký hữu nhân. Gồm 25 thứ.

* Nhóm nào cũng có loại tâm sở biến hành (sādhāraṇa) và tâm sở biệt cảnh (pakiṇṇaka).

Tâm sở tợ tha (Aññasamānacetasika)

Tâm sở tợ tha có 13 thứ, gồm 7 tâm sở biến hành và 6 tâm sở biệt cảnh.

· Tâm sở tợ tha biến hành (aññasamānasādhāraṇacetasika) có 7 thứ là:

1. Xúc (phassa)

2. Thọ (vedanā)

3. Tưởng (saññā)

4. Tư (cetanā)

5. Nhất hành (ekaggatā)

6. Mạng quyền (jīvitindriya)

7. Tác ý (manasikāra)

· Tâm sở tợ tha biệt cảnh (aññasamānapakiṇṇakacetasika) có 6 thứ là:

1. Tầm (vitakka)

2. Tứ (vicāra)

3. Thắng giải (adhimokkha)

4. Cần (viriya)

5. Hỷ (pīti)

6. Dục (chanda)

Giải thích:

- Tợ tha biến hành là những tâm sở phổ thông trong tất cả tâm (sabbacittasādhāraṇa), những tâm sở biến hành nầy là thành tố của tâm, một tâm khởi lên không thể thiếu bảy thành tố nầy. Tâm sở tợ tha biến hành bao gồm ba danh uẩn: thọ uẩn (tâm sở thọ), tưởng uẩn (tâm sở tưởng), hành uẩn (xúc, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý).

Có 7 thứ:

(1) Xúc (phassa) có tướng trạng chạm cảnh (phusanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là tác động (saṅghaṭṭanaraso), có biểu hiện là tập họp căn, cảnh và thức (sannipātapaccupaṭṭhāno) có nhân gần là đối tượng đi vào phạm vi (āpāthagatavisayapadaṭṭhāno). Xúc là sự chạm mặt của tâm với cảnh. Tất cả tâm đều chạm mặt với cảnh.

(2) Thọ (vedanā) là sự hứng chịu, sự cảm nhận, sự hưởng cảnh của tâm. Có năm thứ cảm thọ là lạc (sukha), khổ (dukkha), hỷ (somanassa), ưu (domanassa) và xả (upekkhā).

* Thọ lạc (sukhavedanā) có tướng trạng là hứng chịu sự xúc chạm khả ý (iṭṭhaphoṭṭhabbānubhavanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm tươi tắn các pháp tương ưng (sampayuttānaṃ upabrūhanarasaṃ), có biểu hiện là thân sung sướng (kāyika_assāda_paccupaṭṭhānaṃ), có nhân gần là thân quyền (kāyindriyapadaṭṭhāṇaṃ).

* Thọ khổ (dukkhavedanā) có tướng trạng là hứng chịu sự xúc chạm bất khả ý (aniṭṭhaphoṭṭhabbānubhavanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm héo xào các pháp tương tưng (sampayuttānaṃ milāpanarasaṃ), có biểu hiện là thân đau đớn (kāyikābādhapaccupaṭṭhānaṃ), có nhân gần là thân quyền (kāyindriyapadaṭṭhānaṃ).

* Thọ hỷ (somanassavedanā) có tướng trạng là hưởng cảnh khả ý (iṭṭhārammaṇānubhavanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là sử dụng một cách hài lòng (iṭṭhākārasambhogarasaṃ), có biểu hiện là tâm hớn hở (cetasika_assādapaccupaṭṭhānaṃ), có nhân gần là khinh an (passaddhipadaṭṭhānaṃ).

* Thọ ưu (domanassavedanā) có tướng trạng là hưởng cảnh bất khả ý (aniṭṭhārammaṇānubhavanalakkhanaṃ), có nhiệm vụ là sử dụng một cách không hài lòng (aniṭṭhākārasambhogarasaṃ), có biểu hiện là tâm bức xúc (cetasikābādhapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần duy nhất là sắc ý vật (ekanten 'eva hadayavatthupadaṭṭhānaṃ).

* Thọ xả (upekkhāvedanā) có tướng trạng là cảm giác bình thường (majjhattavedayitalakkhaṇā), có nhiệm vụ là làm cho pháp tương ưng không quá tươi không quá héo (sampayuttānaṃ n'āti upabrūhanamilāpanarasā), có biểu hiện là trạng thái trầm lặng (santabhāvapaccupaṭṭhānā), có nhân gần là tâm ly hỷ (nippītikacittapadaṭṭhānā).

(3) Tưởng (saññā) là sự nhận biết do ấn tượng. Tưởng có tướng trạng là nhớ biết (sañjānanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là tạo ấn tượng giúp nhận biết (sañjānanapaccayanimittakaraṇarasā), có biểu hiện là nhận ra nhờ có ấn tượng (yathāgahitanimittavasābhinivesapaccupaṭṭhānā), có nhân gần là cảnh tượng tái hiện (yathā upaṭṭhitāvisayapadaṭṭhānā).

(4)(cetanā) là sự cố ý, cố quyết, điều hành pháp đồng sanh. Có tướng trạng là chủ tâm (cetayitalakkhaṇā), có nhiệm vụ là đầu tư (āyūhanarasā), có biểu hiện là sự tổ chức (saṃvidahanapaccupaṭṭhānā), nhân gần là ba danh uẩn còn lại (sesakhandhattayapadaṭṭhānā).

(5) Nhứt hành (ekaggatā) là sự gom tâm vào một điểm trên đối tượng. Có tướng trạng là không phân tán (avikkhepalakkhaṇā), có nhiệm vụ là tập trung các pháp đồng sanh (sahajātānaṃ sampiṇḍanarasā), có biểu hiện là lắng đọng (upasamapaccupaṭṭhānā), có nhân là lạc (sukhapadaṭṭhāna). [Nhân gần của nhứt hành là lạc, đây là nói nhân phát sanh định (samādhi), nhứt hành chi thiền].

(6) Mạng quyền (jīvitindriya) hay mạng căn, là tính duy trì sự sống còn của danh uẩn; các pháp đồng sanh sống còn nhờ tính năng đó thì gọi đó là mạng quyền. Tâm sở mạng quyền có tướng trạng là bảo trì các pháp đồng sanh (sahajānaṃ anupālanalakkhanaṃ), có nhiệm vụ là giúp các pháp đồng sanh diễn tiến sanh trụ diệt (sahajānaṃ pavattanarasaṃ), có biểu hiện là sự tồn tại của các pháp đồng sanh (sahajānaṃ ṭhapanapaccupaṭṭhānaṃ), có nhân gần là ba uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānaṃ).

(7) Tác ý (manasikāra) là tính cách của tâm thích ứng với cảnh. Trong A tỳ đàm thì tâm sở tác ý có ý nghĩa đặc biệt. Tướng trạng của tâm sở tác ý là chú ý đối tượng (sāraṇalakkhaṇo), có nhiệm vụ là cột các pháp tương ưng vào cảnh (sampayuttānaṃ ārammaṇe saṃyojanaraso), có biểu hiện là đối diện với cảnh (ārammaṇābhimukhabhāvapaccupaṭṭhāno), có nhân gần là cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).

Bảy tợ tha biến hành nầy phối hợp với tất cả tâm.

- Tợ tha biệt cảnh là những tâm sở hành uẩn, cũng có mặt trong tâm thiện, tâm bất thiện và tâm vô ký, nhưng chúng chỉ có mặt rãi rác trong những tâm nào tương thích.

Có 6 thứ:

(1) Tầm (vitakka) là sự hướng tâm đến cảnh. Tâm sở tầm có tướng trạng là dán tâm vào cảnh (ārammaṇe cittābhiniropanalakkhaṇo), có nhiệm vụ là làm cho tâm và cảnh sáp vào nhau (āhananaparihānanaraso), có biểu hiện là tâm được dẫn đến cảnh (ārammaṇe cittānayanapaccupaṭṭhāno). Tâm sở tầm chỉ có mặt trong 55 tâm hữu tầm là 3 tâm sắc giới sơ thiền, 8 tâm siêu thế sơ thiền, 3 ý giới và 41 tâm dục ý thức giới.

(2) Tứ (vicāra) là sự bám sát tâm trên đối tượng. Tâm sở tứ có tướng trạng là chăm nom cảnh (ārammaṇānumajjanalakkhaṇo), có nhiệm vụ là tạo khắn khít giữa pháp đồng sanh với cảnh (sahajātānuyojanaraso), có biểu hiện là tâm đeo bám cảnh (cittānuppabandhanapaccupaṭṭhāno), có nhân gần là đối tượng (ārammaṇapadaṭṭhāno). Tâm sở tứ chỉ có mặt trong 66 tâm hữu tứ là 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 3 ý giới, 41 tâm dục ý thức giới.

(3) Thắng giải (adhimokkha) là sự xác định đối tượng, không do dự. Tâm sở thắng giải có tướng trạng là xác định (saniṭṭhānalakkhaṇo), có nhiệm vụ là không do dự (asaṃsappanaraso), có biểu hiện là quyết định (nicchayapaccupaṭṭhāno), có nhân gần là cảnh cần xác định (sanniṭṭheyyadhammapadaṭṭhāno). Tâm sở thắng giải chỉ có mặt trong 110 tâm trừ ngũ song thức (10) và một tâm si hoài nghi.

(4) Cần (viriya) giải theo lý pháp thực tính thuộc tánh của tâm thì cần tính năng động trong việc biết cảnh. Tâm sở cần có tướng trạng là năng nổ (ussahanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là củng cố pháp câu sanh (sahajātānaṃ upatthambhanarasaṃ), có biểu hiện là sự không chiềm lắng (asaṃsīdanabhāvapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần cho Cần sanh là điều kích động (saṃvegapadaṭṭhānaṃ). Tâm sở cần chỉ có mặt trong 105 tâm trừ 15 tâm quả vô nhân và 1 tâm khai ngũ môn.

(5) Hỷ (pīti) là hành uẩn, khác với hỷ (somanassa) thọ uẩn. Hỷ _pīti, là sự hưng phấn mừng rỡ. Tâm sở hỷ có tướng trạng là phấn khởi (sampiyāyanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là làm sung sướng thân tâm (kāyacittapīnanarasā), có biểu hiện là tâm hớn hở (odagyapaccupaṭṭhānā), nhân gần là ba danh uẩn ngoài ra Tâm sở hỷ chỉ có mặt trong 51 tâm hữu hỷ là 4 tâm tham thọ hỷ, 1 tâm thẩm tra thọ hỷ, 1 tâm sinh tiếu, 12 tâm dục giới tịnh hảo thọ hỷ, 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền.

(6) Dục (chanda) khác với phiền não dục (kāmakilesa). Dục _chanda, là sự mong muốn hành động, thúc dục tâm tìm cảnh. Tâm sở dục có tướng trạng là muốn hành động (kattukāmatālakkhaṇo), có nhiệm vụ là tiềm kiếm cảnh (ārammaṇapariyesanaraso), có biểu hiện là nhu cầu một đối tượng (ārammaṇena atthikatāpaccupaṭṭhāno), nhân gần là cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāna). Tâm sở dục chỉ có mặt trong 101 tâm trừ 2 tâm si và 18 tâm vô nhân.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc