Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH - Thức Duyên Danh Sắc (Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ)

Monday, 12/09/2022, 17:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 12.9.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Thức Duyên Danh Sắc (Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ)

Thức duyên danh sắc là phần khó hiểu nhất trong giáo lý duyên khởi. (Cũng có thể nói phần tiếp theo là “danh sắc duyên lục nhập” cũng có phần khó hiểu gần như vậy). Danh sắc trong ý nghĩa đại lược là tâm pháp và sắc pháp. Nói cách khác là thân và tâm. Những ý nghĩa chồng lấn của từ vựng có thể làm rối trí. Để hiểu phần nầy cần nhìn chi tiết qua cả hai phương diện đại loại và vĩ mô. Cách giải thích theo Thắng Pháp Tạng cũng có những chi tiết rất khác biệt với Kinh Tạng. Bốn trường hợp sau đây là bốn cách hiểu về thức duyên danh sắc nên tìm hiểu một cách kiên nhẫn và khách quan.

Ý nghĩa thứ nhất, thức duyên danh sắc có nghĩa là trạng thái tâm có tác động nhất định đối vối thân tâm. Điều nầy có nghĩa là tâm tác động tâm mà cũng tác động thân. Thí dụ một người có tâm hận thù thì chính lòng hiềm hận chi phối nội tâm và sắc diện cũng như sức khoẻ. Điều nầy tương tự như cách nói của người đời: “tướng tự tâm sinh”. Tác động nầy mang tính trực tiếp và luôn xẩy ra trong đời sống hằng ngày con người. Theo Thắng Pháp thì sắc trong ý nghĩa nầy thuộc về “sắc tâm”.

Ý nghĩa thứ hai, thức duyên danh sắc nghĩa là thức tái sanh tạo nên chủng loại và do chủng loại tạo nên các căn (danh sắc duyên lục nhập). Điều nầy có nghĩa là thức tái sanh có mãnh lực định hình tâm lý và sinh lý của một chủng loại chúng sanh từ đó tạo nên những giác quan. Như trường hợp thức tái sanh của loài chó tạo nên những đặc tính về tâm pháp và sắc pháp rồi từ đó cấu thành các giác quan như thị giác, thính giác ..v.v.. khác biệt với những chủng loại khác. Theo Thắng Pháp thì sắc trong ý nghĩa nầy thuộc về “sắc nghiệp”.

Ý nghĩa thứ ba, thức duyên danh sắc là một hiện tượng đồng sanh mà thức uẩn làm chủ vị. Điều nầy cần hiểu rõ theo Thắng Pháp Abhidhamma. Nói về sự hiện hữu của chúng sanh thì thức uẩn là chính và ba uẩn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn là sự gắn kết bất khả phân – và sắc pháp hay xác thân cũng liên hệ với thức uẩn. Từ ý nghĩa nầy những nhà dịch thuật Trung Hoa thời xưa gọi thức uẩn là “tâm vương”; thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn là “tâm sở”. Thí dụ như khi nói về một vương triều thì phải nói đến vị vua là chính nhưng không thể không nói đến triều thần. Có một liên hệ bất khả phân nhưng giữa các thành tố đồng sanh thì thức uẩn đóng vai trò chủ yếu. Có thể hiểu nôm na như thành ngữ “rau nào thì sâu nấy”. Theo Thắng Pháp sự liên hệ nầy không còn là “nghiệp duyên” hay “quả duyên” mà là “đồng sanh duyên”.

Ý nghĩa thứ tư, thức duyên danh sắc được hiểu một cách phổ quát là “tâm dẫn đầu các pháp”. Các pháp ở đây là các hiện tượng tâm lý và vật lý (danh và sắc). Với cách hiểu nầy thì thức là “niệm thiện” hay “niệm ác” ở mỗi chúng sanh từ đó tạo nên hành động tốt xấu dẫn đến vui khổ. Cách hiểu nầy rất giống như hai kệ ngôn đầu tiên trong kinh Pháp Cú nhưng hầu như không tìm thấy trong các bản Sớ giải truyền thống và có phần thiếu tinh xác mặc dù tương đối dễ hiểu.

Mặc dù trong duyên sinh nầy danh sắc có nghĩa là hai hiện tượng tâm lý và vật lý nhưng mấu chốt nầy không nhất thiết luôn luôn có cả hai danh và sắc. Chúng sanh trong cõi vô tưởng chỉ có sắc mà không có danh. Ngược lại chúng sanh trong cõi vô sắc chỉ có danh mà không có sắc. Dù là ở những cõi đó chỉ có một trong hai nhưng vẫn được đề cập trong cả hai mấu chốt thức duyên danh sắc và danh sắc duyên lục nhập (….)

Nên lưu ý khi nói về mười hai nhân duyên không thể giảng riêng lẻ từng chi phần mà phải giảng theo cách “liền mạch”. Nói cách khác, tuy rằng có tương tự về ý nghĩa nhưng phải đơn cử rõ ràng để thấy tại sao pháp nầy tạo thành do pháp kia và tại sao tạo hệ quả để sanh khởi pháp kế tiếp. Nếu không như vậy thì sẽ hiểu sai giáo lý duyên khởi.

Phần tiếp theo: Danh sắc duyên lục nhập

Biên soạn : Tỳ khưu Giác Đẳng