Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Sống Lợi Lạc

Monday, 25/09/2023, 18:07 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 25.9.2023

 

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

 

SỐNG LỢI LẠC

 

Nếp sống mà Đức Phật dạy, là sống lợi lạc cho tự thân và tha nhân. Sống vô bổ, là không nhận ra giá trị của thân làm người, và thời gian thọ mạng có được. Sống lợi lạc, cũng có nghĩa là ý thức rõ cái gì mang lại hạnh phúc, hay giảm thiểu đau khổ cho chính mình và người khác. Ý thức này cần một nội tâm trong sáng. Người sống với phiền não rất khó để nhận ra. Điều này được Đức Phật dạy qua nhiều trường hợp. Dưới đây là một dẫn chứng.

Cũng do tâm thanh tịnh làm nhân như vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời này, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này.

Ví như, này các tỷ kheo, một hồ nước uế nhớp, bị khuấy động, đục bùn. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước bị khuấy đục. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, vị Tỷ-kheo với tâm bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì cớ sao? Vì rằng tâm bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.

Tăng Chi Bộ I. 9 - bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Nói về hướng đến lợi lạc của đời sống, Phật Pháp dạy có ba phạm trù: 1. Lợi lạc hiện tại (diṭṭhadhammikattha). 2. Lợi lạc tương lai (samparāyikattha). 3. Lợi lạc tối thượng (paramattha).

  1. Lợi lạc hiện tại (diṭṭhadhammikattha) được hiểu là những gì tạo tác mang lại sự an lạc thiết thực trong kiếp này. Thí dụ sống hiền thiện, sống chánh niệm, sống với từ bi… là những pháp tạo nên nội tâm thanh thản, sáng suốt và tạo nên hiệu ứng tích cực cho mọi người chung quanh. Do khuynh hướng ảnh hưởng bởi tín ngưỡng dân gian, nhiều Phật tử thường chú trọng việc làm lành tạo phước cho kiếp sau, mà quên đi giá trị của Phật Pháp có thể được tìm thấy ngay trong cuộc sống hằng ngày. Đọc Kinh Điềm Lành (Maṅgalasutta) hay Kinh Thi Ca La Việt (Siṅgalovādasutta) sẽ dễ dàng nhận thấy, Đức Phật có rất nhiều hướng dẫn với mục đích đạt được lợi lạc trong hiện tại.

Asevanā ca bālānaṃ
Paṇḍitānañca sevanā
Pūjā ca pūjanīyānaṃ
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức
Là phúc lành cao thượng



Paṭirūpadesavāso ca
Pubbe ca katapuññatā
Attasammāpaṇidhi ca
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Hướng mình theo nẻo chánh
Là phúc lành cao thượng



Bāhusaccañ ca sippañca
Vinayo ca susikkhito
Subhāsitā ca yā vācā
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Ða văn nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Khéo sử dụng ngôn từ
Là phúc lành cao thượng



Mātāpitu upaṭṭhānaṃ
Puttadārassa saṅgaho
Anākulā ca kammantā
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương hảo
Là phúc lành cao thượng



Dānañca dhammacariyā ca
Ñātakānañca saṅgaho
Anavajjāni kammāni
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Bố thí, hành đúng Pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Hành vi không lỗi lầm
Là phúc lành cao thượng



Āratī viratī pāpā
Majjapānā ca saññamo
Appamādo ca dhammesu
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp
Là phúc lành cao thượng



Gāravo ca nivāto ca
Santuṭṭhī ca kataññutā
Kālena dhammassavanaṃ
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Biết cung kính, khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Ðúng thời nghe chánh pháp
Là phúc lành cao thượng



Khantī ca sovacassatā
Samaṇānañca dassanaṃ
Kālena dhammasākacchā
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Nhẫn nhục, tánh thuần hoá
Thường yết kiến sa môn
Tùy thời đàm luận pháp
Là phúc lành cao thượng




Tapo ca brahmacariyañca
Ariyasaccānadassanaṃ
Nibbānasacchikiriyā ca
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Thiền định, sống phạm hạnh
Thấy được lý thánh đế
Chứng ngộ quả niết bàn
Là phúc lành cao thượng



Phuṭṭhassa lokadhammehi
Cittaṃ yassa na kampati
Asokaṃ virajaṃ khemaṃ
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ


Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng



Etādisāni katvāna
Sabbatthamaparājitā
Sabbattha sotthiṃ gacchanti
Tantesaṃ maṅgalamuttamanti


Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là phúc lành cao thượng

  1. Lợi lạc tương lai (samparāyikattha) chỉ cho những hạnh nghiệp mang lại kiếp sau an lạc. Những lời dạy của Đức Phật về nghiệp báo và luân hồi, cho thấy sự hiện hữu của mỗi chúng sanh, không phải chỉ có đời này mà còn có kiếp trước và kiếp sau. Cũng có một số người quan niệm rằng, Phật Pháp đúng nghĩa chỉ chú trọng giây phút hiện tại, chứ không viễn vông đời sau. Cái nhìn đó có thể gọi là cực đoan. Vì rất nhiều lời dạy của Đức Phật, đề cập đến phúc lạc kiếp lai sinh như hai kệ ngôn sau:

Sabbe sattā marissanti
maraṇantaṃ hi jīvitaṃ
yathãkammaṃ gamissanti
puññapāpaphalūpagā
nirayaṃ pāpakammantā
puññakammā ca sugatiṃ
tasmā kareyya kaḷyānaṃ
nicayaṃ samparāyikaṃ
puññāni paralokasmiṃ

patiṭṭhā honti pāṇinaṃ

Tất cả chúng hữu tình
Phải vĩnh biệt cõi đời
Vì mạng sống vạn loại
Chung cuộc là sự chết
Ra đi với nghiệp quả
Làm thiện sanh cõi vui
Làm ác sanh khổ cảnh
Người trí năng làm thiện
Vì phúc đức tùy thân
Chính là nơi nương nhờ
Ðời này và đời sau

Upanīyati jīvitamappamāyuṃ
Jarūpanītassa na santi tāṇā
Etaṃ bhayaṃ maraṇe pekkhamāno
Puññāni kariyātha sukhāvahāni


Sự sống thật ngắn ngủi
Ðưa dần đến tử vong
Không ai làm khác được
Người lãnh hội điều này
Năng làm các việc thiện
Vì công đức đã tạo
Là cội nguồn hạnh phúc


Tương Ưng Bộ I. Phẩm Kosala

  1. Lợi lạc tối thượng (paramattha) là hành trình giác ngộ giải thoát, đoạn tận cột trói của kiết sử, hạnh phúc niết bàn. Tất nhiên đây là lãnh vực không dễ hiểu. Và sự tu tập để đạt đến cứu cánh được nói là “vượt lên trên thiện ác, chấm dứt hệ luỵ của pháp hữu vi, thành tựu hạnh phúc tối thượng là niết bàn như bốn kệ ngôn sau:



Sabbe saṅkhārā aniccãti
yadã paññāya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā


Các hành đều vô thường
Quán chiếu bằng trí tuệ
Nhờ vậy yểm ly khổ
Ấy là đường thanh tịnh



Sabbe saṅkhārā dukkhãti
yadã paññāya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā


Các hành đều khổ não
Quán chiếu bằng trí tuệ
Nhờ vậy yểm ly khổ
Ấy là đường thanh tịnh



Sabbe dhammā anattāti
yadã paññāya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā


Các pháp đều vô ngã
Quán chiếu bằng trí tuệ
Nhờ vậy yểm ly khổ
Ấy là đường thanh tịnh.

Aniccã vata saṅkhãrã
uppãdavayadhammino
uppajjitvã nirujjhanti
tesaṃ vūpasamo sukho


Pháp hành vốn vô thường
Sanh diệt là tự tánh
Có sanh hẳn phải diệt
Tịch tịnh là an lạc

Kinh Pháp Cú, Tiểu Bộ

Cả ba sự lợi lạc trên, đều được Đức Phật dạy rõ và người con Phật, cần khéo ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Nên tránh điều đáng tiếc, thường xảy ra trong các thuyết giảng, hay quan niệm của một số người, chỉ nhấn mạnh một điều và phủ nhận những điều kia. Có thể khẳng định, Đức Phật dạy nên biết rõ lợi lạc đời này và đời sau, khi còn mang thân sanh tử, đồng thời cũng nên hiểu và hướng cầu hạnh phúc tối thượng là niết bàn. Kết hợp cả ba lợi lạc này, có thể gọi là “tinh thần viên dung”.