Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 69 - Chương VIII - PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 69 - Chương VIII - PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”

Chủ nhật, 27/03/2022, 15:37 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu

Bài học ngày 27.3.2022


Bài 69.

Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)

PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”

9. Upādānapaccayā bhavo sambhavati – Do thủ có hữu (hoặc thủ duyên hữu)

Lý giải:

Thủ (upādāna) có bốn thứ là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ như đã trình bày trong pháp y tương sinh thứ tám.

Hữu (bhava) có hai là Nghiệp hữu (kammabhava) và Sanh hữu (upapattibhava). Hữu trong y tương sinh thứ chín đây chỉ lấy nghiệp hữu.

Nghiệp hữu (kammabhava) là điều kiện tác thành quả dị thục, tạo sanh hữu mới. Nghiệp hữu chi pháp là tâm sở tư (cetanā) hợp tâm bất thiện và thiện hiệp thế.

Chia theo môn (dvāra) thì có ba:

- Thân nghiệp hữu (kāyakammabhava) là nghiệp hữu nương thân môn, tức tư bất thiện và tư thiện dục giới (20 tư tâm sở).

- Khẩu nghiệp hữu (vacīkammabhava) là nghiệp hữu nương khẩu môn, tức tư bất thiện và tư thiện dục giới (20 tư tâm sở).

- Ý nghiệp hữu (manokammabhava) là nghiệp hữu nương ý môn, tức tư bất thiện và tư thiện hiệp thế (29 tư tâm sở).

Giải bốn trường hợp thủ duyên hữu:

a. Dục thủ duyên nghiệp hữu, nghĩa là do lòng tham muốn các dục lạc mà chúng sanh tạo bất thiện nghiệp như sát sanh, trộm cắp tà dâm ..vv.. Hặc do ham muốn dục lạc cõi nhân thiên nên có người làm phước bố thí, trì giới, tu thiền để tạo quả vui.

b. Kiến thủ duyên nghiệp hữu, nghĩa là do chấp tà kiến mà chúng sanh tạo nghiệp. Chấp thường kiến thì có thể tạo nghiệp bất thiện như giết sinh vật để cúng tế ..vv.. cũng có thể thực hiện các việc lành đối với người chấp thường kiến; còn như chấp đoạn kiến thì chúng sanh chỉ tạo ác nghiệp bởi không tin nghiệp quả tái sanh.

c. Giới cấm thủ duyên nghiệp hữu, nghĩa là do chấp trì một giáo điều hay giới cấm sai lạc nào đó dẫn tới hành động ác như quan niệm phụng thờ thần linh ấy thì phải tàn sát người dị giáo ..vv.. Đôi khi do chấp trì hạnh ăn rau quả hoặc uống nước lả để không sát sanh ..vv.. vô tình người ấy tạo thiện nghiệp.

d. Ngã luận thủ duyên nghiệp hữu. Ngã luận thủ chỉ có ở phàm phu, vẫn còn ngộ nhận về một cái Tôi trong ngũ uẩn, rồi để cũng cố tô điểm thêm cho bản ngã nên đã tạo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác. Đó là ngã luận thủ duyên nghiệp hữu vậy.

Thủ duyên nghiệp hữu nói theo duyên hệ (paṭṭhānapaccaya) là bằng thường cận y duyên. Có sách giải thêm thủ duyên hữu bằng câu sanh duyên ..vv.. bằng vô gián duyên ..vv..

Xét cho cùng thì lời giải ấy bị hạn chế, bởi thủ là tham và tà kiến duyên nghiệp hữu là tư đồng sanh trong tâm tham thì làm sao lý giải thủ duyên cho thiện nghiệp hữu, hoặc thủ duyên cho bất thiện nghiệp hữu, hoặc thủ duyên cho bất thiện nghiệp khác ngoài tâm tham tương ưng tà kiến được?

Hay nói thủ duyên nghiệp hữu bằng vô gián duyên, trùng dụng duyên ..vv.. cũng bị hạn chế, bởi tứ thủ trong đổng lực trước chỉ trợ đổng lực sau là tham nghiệp hữu, chứ không thể là sân nghiệp hữu, si nghiệp hữu, hoặc thiện nghiệp hữu được.

Còn khi nói thủ duyên hữu bằng thường cận y duyên thì lý giải được bốn trường hợp thủ duyên thiện và bất thiện nghiệp hữu, kiến thủ duyên thiện và bất thiện nghiệp hữu, giới cấm thủ duyên thiện và bất thiện nghiệp hữu, ngã luận thủ duyên thiện và bất thiện nghiệp hữu.

*

10. Bhavapaccayā jāti sambhavati – Do duyên hữu có sanh (hoặc hữu duyên sanh)

Lý giải:

Hữu (bhava) đây chính là nghiệp hữu (kammabhava), tức là thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, nói cách khác là tư thiện hiệp thế (lokiyakusalacetanā) và tư bất thiện (akusalacetanā).

Sanh (jāti) đây là sanh hữu (upapattibhava), sự hình thành kiếp sống mới, một cá thể mới (attabhāva) trong cuộc tái sinh luân hồi.

Một cá thể được hình thành theo một trong ba trường hợp:

- Ngũ uẩn sanh (pañcakhandhajāti), sự tái sanh hiện khởi đủ năm uẩn, tức là tái sanh trong cõi dục giới và cõi sắc giới hữu tưởng.

- Tứ uẩn sanh (catukhandhajāti) là sự tái sanh chỉ hiện khởi bốn danh uẩn không có sắc uẩn, tức là sanh trong cõi vô sắc giới.

- Nhứt uẩn sanh (ekakhandhajāti) là sự tái sinh chỉ hiện khởi sắc uẩn không có bốn danh uẩn, tức là tái sanh trong cõi sắc giới vô tưởng.

Phân tích ba trường hợp hữu duyên sanh:

a. Nghiệp hữu duyên ngũ uẩn sanh, (1) Nghiệp hữu dục giới duyên ngũ uẩn sanh dục giới, tức là tư bất thiện và tư thiện dục giới tạo ra 10 tâm tái tục cùng 33 tâm sở và sắc nghiệp tái tục cõi dục; tạo ra 23 tâm quả cùng 33 tâm sở hợp và sắc nghiệp bình nhật ở cõi dục. (2) Nghiệp hữu sắc giới duyên ngũ uẩn sanh sắc giới, tức là tư thiện sắc giới tạo 5 quả sắc giới cùng 35 tâm sở hợp và 13 sắc nghiệp thời tái tục _ bình nhật trong cõi sắc giới hữu tưởng.

b. Nghiệp hữu duyên tứ uẩn sanh, tức là tư thiện vô sắc giới tạo ra bốn tâm quả vô sắc giới cùng 30 tâm sở hợp làm việc tục sinh hữu phần và tử cho phạm thiên vô sắc.

c. Nghiệp hữu duyên nhứt uẩn sanh, tức là tư thiện ngũ thiền sắc giới ly ái tưởng (saññāvirāga) tạo bọn sắc mạng quyền tái tục cõi vô tưởng (asaññāsatta).

Nghiệp hữu (kammabhava) giống như hành (saṅkhāra) nhưng khác nhau ở vài điểm:

Nghiệp hữu là nhân hiện tại trợ sanh hữu là quả vị lai; còn Hành là nhân quá khứ, trợ thức _ danh sắc là quả hiện tại.

Nghiệp hữu là quả của duyên thủ, do tham và tà kiến trợ duyên; còn Hành là quả của vô minh, do si trợ duyên.

Nghiệp hữu duyên sanh hữu, nói theo duyên hệ thì bằng hai duyên là dị thời nghiệp duyên và thường cận y duyên.

*

11. Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti – Do duyên sanh có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não (Hoặc sanh duyên lão tử sầu bi khổ ưu ai)

Lý giải:

Mối y tương sinh cuối cùng này nên hiểu theo hai ý nghĩa: Nghĩa chơn đế (paramatthasacca) và nghĩa tục đế (sammutisacca).

Về phương diện chơn đế, mỗi pháp hữu vi (danh uẩn và sắc uẩn) đều có trạng thái sanh (uppāda), trụ (ṭhiti) và diệt (bhaṅga). Do đó, sau sanh chắc chắn là trụ và diệt. Trạng thái sanh khởi của pháp hữu vi được gọi là sanh (jāti); Trụ của pháp hữu vi gọi là lão (jarā); Diệt hay sự tan rã của pháp hữu vi gọi là tử (maraṇa). Như vậy lão và tử là hậu quả của sanh, do có sanh mới có lão tử. Vậy thì theo chơn đế, tất cả chúng sanh trong tam giới đều đang đối diện với sanh, lão, tử trong từng sát na.

Về phương diện tục đế, sanh (jāti) là sự tái sanh luân hồi. Do có sự tái sanh hình thành thân ngũ uẩn dẫn đến sự già (jāra) và chết (maraṇa). Trãi qua kiếp sống theo thời gian thân xác này tiều tụy hao mòn gọi là già, có những loài hữu tình bị già biểu hiện lông tóc bạc, da nhăn, tướng đổi khác, mất đi dáng vẻ tuổi trẻ. Rồi chết, là chấm dứt sự sống, kết thúc một đời, thức lìa khỏi xác. Lão tử là quả chánh yếu của sanh (jāti).

Chúng sanh trong cõi dục giới, đời sống hiện khởi sầu, bi, khổ, ưu, não. Năm sự kiện này là quả thứ yếu (nissandaphala) của sanh, vì không có cho tất cả loài hữu tình.

Sầu (soka) là buồn rầu khi gặp cảnh quyến thuộc phân ly, tài sản tiêu tán, sức khỏe suy sụp, sầu là tâm thọ ưu.

Bi (parideva) là khóc than, kêu thảm, thất vọng vì mất người thân, tiêu hao tài sản ..vv.. Bi cũng do tâm thọ ưu nhưng tạo ra tiếng khóc.

Khổ (dukkha) là đau đớn khó chịu bởi tật bệnh hoành hành, hay bị đánh đập, té ngã ..vv.. đây là khổ thân (kāyikadukkha).

Ưu (domanassa) là bực bội, khó chịu trong lòng vì nghĩ đến điều bất hạnh. Đây là khổ tâm (cetasikadukkha).

Não (upāyāsa) là áo não, ai oán, một trạng thái chịu khổ thân tâm tột độ.

Do sanh ra nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, gọi là sanh duyên lão tử sầu bi khổ ưu não, nói theo duyên hệ thì trợ bằng thường cận y duyên.

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc