Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ THẢO LUẬN VỀ SẮC Y SINH

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ THẢO LUẬN VỀ SẮC Y SINH

Thứ năm, 28/10/2021, 18:40 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 28.10.2021


THẢO LUẬN VỀ SẮC Y SINH

Tổng quát: Sắc y sinh (Upādāyarūpa) là những sắc pháp sanh do nương bốn nguyên tố (đất, nước, lửa, gió) như các đồ trang sức được làm từ kim loại quý vậy.

Sắc y sinh gồm 24 thứ phân thành 10 nhóm:

(1) Sắc thanh triệt 5 thứ. (2) Sắc cảnh giới 4 hoặc 7 thứ. (3) Sắc tính 2 thứ. (4) Sắc tâm cơ 1 thứ. (5) Sắc mạng 1 thứ. (6) Sắc vật thực 1 thứ. (7) Sắc giao giới 1 thứ. (8) Sắc biểu tri 2 thứ. (9) Sắc linh hoạt 3 thứ. (10) Sắc tướng trạng 4 thứ.

Thảo luận. Có nên phân biệt sắc pháp thuộc sinh vật có sự sống và vật chất không thuộc sinh vật?


Nhóm I. Sắc thanh triệt (pasādarūpa) hay còn gọi là sắc thần kinh là những sắc tinh tuý của bốn đại thu bắt ngoại cảnh. Đây là những giác quan của loài sinh vật. Có 5 thứ sắc thanh triệt:

Nhãn thanh triệt hay thần kinh nhãn (cakkhupasāda) chính là nhãn giác quan (thị giác) nhãn vật, trú căn của nhãn thức, cơ quan bắt cảnh sắc. Có đặc tính là tính chất tứ đại nhạy cảm với cảnh sắc (rūpābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ), có chức năng là thu bắt cảnh sắc (rūpesu āviñchanarasaṃ), có biểu hiện là thành chỗ nương cho nhãn thức (cakkhuviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ), có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại từ nhân duyên thích thấy (daṭṭhukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Nhĩ thanh triệt hay thần kinh nhĩ (sotapasāda) chính là nhĩ giác quan (thính giác), nhĩ vật, trú căn của nhĩ thức, cơ quan bắt cảnh thinh. Có đặc tính là tính chất tứ đại nhạy cảm với âm thanh (saddābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ). Có chức năng là thu bắt cảnh thinh (saddesu āviñchananarasaṃ). Có biểu hiện là thành chỗ nương cho nhĩ thức (sotaviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ). Có biểu hiện thành chỗ nương cho nhĩ thức (sotaviññāṇassa ādhāranhāvapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại từ nhân duyên thích nghe (sotukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Tỷ thanh triệt hay thần kinh tỷ (ghānapasāda) chính là tỷ giác quan (khứu giác), tỷ vật, trú căn của tỷ thức, cơ quan bắt cảnh khí. Có đặc tính là tính chất tứ đại nhạy cảm với mùi hơi (gandhābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ). Có chức năng là thu bắt cảnh khí (gandhesu āviñchanarasaṃ). Có biểu hiện là thành chỗ nương cho tỷ thức (ghānaviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại từ nhân duyên thích ngửi (ghāyitukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Thiệt thanh triệt hay thần kinh thiệt (jvhāpasāda) chính là thiệt giác quan (vị giác), thiệt vật, trú căn của thiệt thức, cơ quan bắt cảnh vị. Có đặc tính là tính chất tứ đại nhạy cảm với vị chất (rasābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ). Có chức năng là thu bắt cảnh vị (Rasesu āviñchanarasaṃ). Có biểu hiện là chỗ nương cho thiệt thức (jivhāviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại từ nhân duyên thích nếm (sāyitukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Thân thanh triệt hay thần kinh thân (kāyapasāda) chính là thân giác quan (xúc giác), thân vật, trú căn của thân thức, cơ quan bắt cảnh xúc. Có đặc tính là tính chất tứ đại nhạy cảm với sự xúc chạm (phoṭṭhabbābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ). Có chức năng là thu bắt cảnh xức (phoṭṭhabbesu āviñchanarasaṃ). Có biểu hiện là thành chỗ nương cho thân thức (kāyaviññaṇassa ādhārabhāvapaccupatthānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại từ nhân duyên thích đụng (phusitukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Thảo luận. Chữ thanh triệt mang nghĩa là trong suốt để dịch chữ pasāda. Chữ “thần kinh” có nên được dùng để sáng nghĩa hơn chăng?


Nhóm II. Sắc cảnh giới (gocararūpa hay visayarūpa). Gocara nghĩa đen là cánh đồng cỏ, nơi mà trâu bò lui tới (gāvo carantī 'ti gocaraṃ); nghĩa bóng là “cảnh giới”, phạm vi là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc.

Gocaravisaya có nghĩa giống nhau và đều chỉ cho ārammaṇa (cảnh).

Sắc cảnh giới có 5 thứ, trong đó 4 cảnh thuộc sắc y sinh: cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị và cảnh xúc thuộc sắc đại hiển.

Cảnh sắc (rūpārammaṇa) là các hình thể màu sắc mắt thấy được, bị nhãn thức biết. Có đặc tính là đối chiếu với thần kinh nhãn (cakkhupaṭihananalakkhaṇaṃ). Có chức năng làm đối tượng cho nhãn thức (cakkhuviññāṇassa visayabhāvarasaṃ). Có biểu hiện là thành cảnh của tâm ấy (tasseva gocarapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là bốn đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

Cảnh thinh (saddārammaṇa) là các tiếng âm thanh mà tai nghe được, bị nhĩ thức biết. Có đặc tính là đối chiếu với thần kinh nhĩ (sotapaṭihananalakkhaṇaṃ). Có chức năng làm đối tượng cho nhãn thức (sotaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ). Có biểu hiện là thành cảnh của tâm ấy (tasseva gocarapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là bốn đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

Cảnh khí (gandhārammaṇa) là các hơi mùi mà mũi ngửi được, bị tỷ thức biết. Có đặc tính là đối chiếu với thần kinh tỷ (ghānapaṭihananalakkhaṇaṃ). Có chức năng làm đối tượng cho tỷ thức (ghānaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ). Có biểu hiện là thành cảnh của tâm ấy (tasseva gocarapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là bốn đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

Cảnh vị (rasārammaṇa) là các vị mặn ngọt …v.v… mà lưỡi nếm được, bị thiệt thức biết. Có đặc tính là đối chiếu với thần kinh thiệt (jivhāpaṭihananalakkhaṇaṃ). Có chức năng làm đối tượng cho thiệt thức (jivhāviññāṇassa visayabhāvarasaṃ). Có biểu hiện là thành cảnh của tâm ấy (tasseva gocarapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là bốn đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

Cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) thuộc ba sắc đại hiển: đất (tính cứng hay mềm), lửa (tính nóng hay lạnh), gió (tính căn hay dùn), trạng thái cứng, mềm, nóng, lạnh, căn, dùn mà thân chạm được, bị thân thức biết. Có đặc tính là đối chiếu với thần kinh thân (kāyapaṭihananalakkhaṇaṃ). Có chức năng làm đối tượng cho thân thức (kāyaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ). Có biểu hiện là thành cảnh của tâm ấy (tasseva paccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là bốn đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ). Nếu kể 24 sắc y sinh thì sắc cảnh giới chỉ có 4, không kể cảnh xúc vì cảnh xúc là 3 trong bốn sắc đại hiển đã được liệt kê rồi. Ở đây chi nói ra cho đủ 5 đối tượng giác quan.

Thảo luận. Ánh sáng là hiện tượng vật chất được nói nhiều trong môn vật lý ngày nay như trong môn quang học. Thắng Pháp nói gì về ánh sáng.


Nhóm III. Sắc tính (bhāvarūpa) là thứ sắc nghiệp biểu hiện giới tính của nam nữ, đực cái, trống mái, phân biệt theo bốn khía cạnh là liṅga (căn_tức là bộ phận sinh dục), nimitta (tướng_tức là hình dạng tiêu biểu), kutta (nết_tức là tánh thói cư xử), ākappa (hành vi_tức là cách sinh hoạt). Sắc tính có 2 thứ: nữ quyền (ithindriya) và nam quyền (purisindriya).

Sắc nữ quyền (ithindriya) là sắc nghiệp biểu hiện giới tính của nữ, giống cái, giống mái. Sắc nữ quyền có đặc tính là trạng thái nữ (itthibhāvalakkhanaṃ), có chức năng là biểu thị nữ tính (itthī 'ti pakāsanarasaṃ). Có biểu hiện là thành nhân tố cho căn nữ, tướng nữ, hành vi nữ (itthiliṅganimittakuttākappānaṃ kāraṇabhāvapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại (kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Sắc Nam quyền (purisindriya) là sắc nghiệp biểu hiện giới tính của nam, giống đực trống. Sắc nam quyền có đặc tính là trạng thái nam (purisabhāvalakkhanaṃ). Có chức năng là biểu thị nam tính tính (puriso 'ti pakāsanarasaṃ). Có biểu hiện là thành nhân tố cho căn nam, tướng nam, nết nam, hành vi nam (purisaliṅganimittakuttākappānaṃ kāraṇabhāvapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại (kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Thảo luận: Có chăng trường hợp cả hai sắc giới tính cùng hiện hữu ở một người?


Nhóm IV. Sắc tâm cơ (hadayarūpa) là sắc ý vật (hadayavatthu). Mặc dù, chữ hadaya nghĩa tự điển là “trái tim” (tâm cơ) và “hadayarūpa” dịch là sắc tái tim, sắc tâm cơ; Nhưng chữ “hadaya” còn có nghĩa khác là “tâm”, như trong bộ Dhammasaṅganī, dùng một loạt từ để giải thích Tâm: “Yaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ mano mānasaṃ hadayaṃ paṇḍaraṃ … cittaṃ hoti, cái gì là tâm, ý, tư tưởng, tâm tạng, bạch tịnh … có trong khi ấy, đây gọi là “tâm”. Hadayavatthu (ý vật) chỉ là cơ sở vật lý cho tâm trú sanh, trú căn của ý giới và ý thức giới; cũng như cakkhuvatthu (nhãn vật) là trú căn của nhãn thức giới …v.v…

Lại nữa, trong bộ paṭṭhāna khi trình bày sáu trú căn (vatthu) trợ cho bảy tâm giới bằng vật tiền sanh duyên, đến trú căn thứ sáu, đức Phật không nói là trái tim mà Ngài chỉ nói: “… Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññānadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviñnnāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo _ Ý giới và ý thức giới sinh diễn nương vào sắc nào thì sắc ấy (yaṃ rūpaṃ nissāya … taṃ rūpaṃ) trợ cho ý giới và ý thức giới, cùng các pháp tương ưng, bằng tiền sanh duyên”.

Do đó, từ Hadayavatthu (ý vật) mà cho rằng là “sắc trái tim” có lẽ dựa theo cổ thư upanishad thời xưa. Và có chỗ cho là “não bộ” thì đó là ý kiến của các nhà khoa học hiện đại.

Sắc ý vật có đặc tính là chỗ nương của ý giới và ý thức giới (Manodhātumanoviññāṇadhātūnaṃ nissayalakkhaṇaṃ). Có chức năng là làm điểm tựa cho hai tâm giới ấy (tāsaññeva dhātūnaṃ ādhāraṇarasaṃ). Có biểu hiện là thành căn cứ (ubbahanapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc nghiệp tứ đại (kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Thảo luận: Chữ hadaya trong Phạm ngữ có phải luôn luôn là trái tim? Sắc ý vật có thật sự cần thiết làm chỗ nương cho ý giới và ý thức giới?


Nhóm V. Sắc mạng (jīvitarūpa) là mạng quyền (jīvitindriya). Các sắc nghiệp được sống còn là nhờ sắc nầy. Sắc mạng quyền có đặc tính là bảo trì các sắc nghiệp đồng sanh (sahajātarūpānupālanalakkhaṇaṃ). Có chức năng là làm cho các sắc nghiệp ấy tồn tại (tesaṃ pavattanarasaṃ). Có biểu hiện là giữ lại các sắc nghiệp ấy (tesaññevaṭhapanapaccupaṭṭhānaṃ). Có nhân gần là sắc tứ đại cần phải bảo dưỡng (yāpayitabbabhūtapadaṭṭhānaṃ).

Thảo luận: Sắc mạng có được xem là có mặt trong tất cả sự tồn tại của vật chất hay chỉ ở thân xác chúng sanh có sự sống?


Nhóm VI. Sắc vật thực (āhārarūpa) là dưỡng tố (oja) từ đoàn thực (kabaliṅkārāhāra). Sắc vật thực có đặc tính là chất bổ (ojalakkhaṇo). Có chức năng là nuôi các sắc (rūpāharaṇaraso). Có biểu hiện là thân được trợ lực (kāyupatthambhanapaccupaṭṭhāno). Có nhân gần là một thân căn cần được nuôi dưỡng (āharitabbavatthupadaṭṭhāno).

Thảo luận. Khí ô xy (oxygen) được xem là một chất liệu quan trọng của sự sống của các sinh vật trong khoa học ngày nay. Như vậy ô xy có thể được xem là một trong những dưỡng tố chăng?


Nhóm VII. Sắc giao giới (paricchedarūpa) là sắc hư không, hư không giới (ākāsadhātu). Sắc hư không đây có nghĩa là khoảng trống, kẽ hở giữa các sắc pháp. Sắc hư không chính là sắc giao giới vì đặc tính của nó là giới hạn cho mỗi bọn sắc (rūpaparicchedalakkhaṇā). Hư không giới có chức năng là biểu thị ranh giới của bọn sắc (rūpapariyantappakāsanarasā). Có biểu hiện là sắc pháp tiếp giáp (rūpamariyādāpaccupaṭṭhānā). Có nhân gần là sắc được phân cách (paricchinnarūpapadaṭṭhānā).

Thảo luận: Sắc giao giới nên hiểu là một thứ sắc hay chỉ là khoảng không giữa các đơn vị vật chất? Sư tương quan giữa sắc giao giới và sắc pháp khác có giống khái niệm hiện tượng và bản chất theo cách nói thường thức?


Nhóm VIII. Sắc biểu tri (viññattirūpa) là sắc do tâm sanh (cittajarūpa), biểu đạt bằng cử chỉ và lời nói làm cho người khác hiểu ý mình. Sắc biểu tri có 2 thứ là thân biểu tri và khẩu biểu tri.

Thân biểu tri (kāyaviññatti) là sắc biểu đạt cho hiểu bằng cử chỉ thân. Tất cả thân hành (kāyasamācāra) có dụng ý hay không dụng ý cũng đều gọi là Thân biểu tri. Như cử chỉ gật đầu đồng ý, lắc đầu không đồng ý …v.v… gọi là thân hành có dụng ý; Oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, đánh đồng xa …v.v… gọi là thân hành không dụng ý. Thân biểu tri có dụng ý là thân hành “làm cho người khác hiểu” (viññāpetī 'ti viññatti); Thân biểu tri không dụng ý, gọi là thân hành “được người khác hiểu” (viññāyatī 'ti viññatti). Thân biểu tri có đặc tính là làm cho hiểu (viññāpanalakkhaṇā). Có nhiệm vụ là biểu đạt ý tưởng (adhippāyapakāsanarasā). Có biểu hiện là nhân tạo sự chuyển động của thân (kāyavipphandanahetubhāvapaccupaṭṭhānā). Có nhân gần là chất gió do tâm sanh (cittasamuṭṭhānavāyodhātupadaṭṭhānā).

Khẩu biểu tri (vācīviññatti) là sắc tâm biểu đạt cho hiểu bằng âm thanh miệng; cũng có hai cách khẩu biểu tri: khẩu hành (vacīsamācāra) có dụng ý và khẩu hành không dụng ý. Khẩu hành có dụng ý là nói cho người khác hiểu ý, như đàm thoại, phát biểu …v.v… gọi là viññāpetī 'ti viññatti (biểu tri làm cho hiểu). Khẩu hành không dụng ý như: đọc, tụng, ca hát, ngân nga …v.v… gọi là viññāyatī 'ti viññatti (biểu tri được người khác hiểu). Khẩu biểu tri cũng có đặc tính là làm cho hiểu (viññāpanalakkhaṇā). Có nhiệm vụ là biểu đạt ý tưởng (adhippāyapakāsanarasā). Có biểu hiện là nhân tạo khẩu thinh (vacīghosasahetubhāvapaccupaṭṭhānā). Có nhân gần là chất đất do tâm sanh (cittasamuṭṭhānapathavīdhātupadaṭṭhānā).

Thảo luận: Cười, khóc, ngáp, ho, nhảy mũi có kể là thân biểu tri hay khẩu biểu tri?


Nhóm IX. Sắc linh hoạt (vikārarūpa). Gọi là “linh hoạt” vì đặc tính làm cho các sắc thực tính được uyển chuyển, thích hợp, đặc biệt. Chiết tự vikāro “viseso ākāro” ti, nên cũng còn gọi là “sắc đặc biệt”. Sắc linh hoạt có 3 thứ là khinh (lahutā), nhu (mudutā), thích sự (kammaññatā).

Khinh tánh (lahutā) là trạng thái nhẹ nhàng của sắc thực tính. Khinh tánh có đặc tính là không chậm chập (adandhatālakkhaṇā). Có nhiệm vụ là dẹp bỏ tình trạng nặng nề. của sắc pháp (rūpānaṃ garubhāvavinodanarasā). Có biểu hiện là hoạt động lẹ làng (lahuparivattitāpaccupaṭṭhānā) vì có sắc nhẹ mới tạo ra khinh tánh của bọn sắc (rūpassa lahutā).

Nhu tánh (mudutā) là trạng thái mềm mại của sắc thực tính. Nhu tánh có đặc tính là không thô cứng (athaddhatālakkhaṇā). Có nhiệm vụ là tiêu trừ trình trạng cứng ngắt của sắc pháp (rūpānaṃ thaddhabhāvavinodanarasā). Có biểu hiện là không đối chọi với mọi hoạt động (sabbakiriyāsu avirodhitāpaccupaṭṭhānā). Có nhân gần là sắc mềm (mudurūpapadaṭṭhānā) vì có sắc mềm mới tạo ra nhu tánh của bọn sắc (rūpassa mudutā).

Thích tánh (kammaññatā) là trạng thái tương thích của sắc thực tính. Thích tánh có đặc tính là cách thích hợp trong hoạt động của thân (sarīrakiriyānukūlakammaññabhāvalakkhaṇā). Có nhiệm vụ là tiêu trừ tính không tương thích (akammaññatāvinodanarasā). Có biểu hiện là tính không yếu ớt (adubbalabhāvapaccupaṭṭhānā). Có nhân gần là sắc thích hợp (kammaññarūpapadaṭṭhānā) vì có sắc tương thích mới tạo ra thích tánh của bọn sắc (rūpassa kammaññatā).

Thảo luận. Ngoài bầu khí quyển không có có sức hút của trái đất (hay các tinh cầu) thì không có trọng lượng như vậy sự nặng nhẹ có nên xem là một thứ sắc đặc biệt?


Nhóm X. Sắc tướng trạng (lakkhaṇarūpa) là những đặc tướng, đặc tánh, hiện trạng của các sắc để nhận định “đây là khởi sanh, đây là diễn biến, đây là già cũ, đây là sự biến mất” … Sắc tướng trạng chỉ là tình trạng của sắc thực tính, sắc tướng trạng không phải là pháp thực tính. Có 4 hiện trạng sắc: sinh (upacaya), diễn (santati), dị (jāratā), diệt (aniccatā).

Sinh (upacaya) là sự bắt đầu xuất hiện của bọn sắc. Thuật ngữ upacaya nghĩa là khởi sự chất chứa (ādito cayo), nên có chỗ dịch là sắc tích tập. Một bọn sắc sống còn kéo dài 17 sát na, mỗi sát na là 3 sát na tiểu sanh_trụ_diệt, như vậy tuổi thọ của một bọn sắc là 51 sát na tiểu (= 17 sát na đại); Bọn sắc bắt đầu khởi lên vào sát na tiểu thứ 1 gọi là sinh (hay tích tập); diễn tiến từ sát na tiểu thứ 2 đến sát na tiểu thứ 50 gọi là sắc diễn (hay kế thừa); Trong giai đoạn diễn tiến là hiện tượng sắc già (hay lão mại) tức là sắc dị; Đến sát na tiểu thứ 51 bọn sắc hoại mất gọi là sắc diệt (hay vô thường). Đặc tính của sắc sinh là sắc sơ sanh (ācayalakkhaṇo). Nhiệm vụ là làm cho sắc pháp nỗi dậy trước tiên (pubbantato rūpānaṃ ummujjāpanaraso). Có biểu hiện là tình trạng hoàn thành (paripuṇṇabhāvapaccupaṭṭhāno). Có nhân gần là sắc tập khởi (upacitarūpapadaṭṭhāno).

Diễn (santati) hay còn gọi là tiến, thừa kế …v.v… là hiện tượng tiếp diễn của sắc sau khi khởi sanh, là giai đoạn từ sát na tiểu thứ hai đến sát na tiểu thứ 50. Đặc tính của sắc diễn là tiếp tục sanh (pavattilakkhaṇā). Nhiệm vụ là kế tục (anuppabandhanarasā). Biểu hiện là không gián đoạn (anupacchedapaccupaṭṭhānā). Nhân gần là có sắc nối tiếp nhau (anuppabandhakarūpapadaṭṭhānā).

Dị (jaratā) hay lão mại, là tình trạng già nua của sắc. Sắc diễn tiến càng lúc càng già cỗi để đến điểm diệt mất, trong giai đoạn diễn tiến của sắc đã có hiện tượng già theo mỗi sát na. Sắc dị có đặc tính là sự chín muồi của sắc pháp (rūpaparipākalakkhaṇā). Nhiệm vụ là dẫn đến (upanayanarasā). Có biểu hiện là mất tính cách mới mẻ (navabhāvāpagamapaccupaṭṭhānā). Nhân gần là sắc đang hao mòn (paripaccamārarūpapadaṭṭhānā).

Diệt (aniccatā) hay vô thường tánh, là tình trạng hư hoại của sắc pháp, vào thời điểm sát na tiểu thứ 51 bọn sắc đã đủ tuổi nên diệt đi. Đặc tính của sắc diệt là tan rã (paribhedalakkhaṇā). Nhiệm vụ là chìm xuống (saṃsīdanarasā). Biểu hiện là hoại diệt (khayavayapaccupaṭṭhānā). Nhân gần là sắc đang tiêu hoại (paribhijjamānarūpapadaṭṭhānā).

Thảo luận: Có chăng một thứ sắc tạo nên sự lão hoá hay lão hoá chỉ là biến đổi tự nhiên của sắc?


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet