Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha) _ BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) _ Tứ Niệm Xứ (cattāro satipaṭṭhāna)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha) _ BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) _ Tứ Niệm Xứ (cattāro satipaṭṭhāna)

Chủ nhật, 19/12/2021, 11:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 19.12.2021


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Tứ Niệm Xứ (cattāro satipaṭṭhāna)

Phật Pháp không phải chỉ dạy về thiện, ác mà còn nhấn mạnh con đường vượt thoát khổ đau, thành tựu chánh trí. Mặc dù căn tánh tu tập của chúng sanh có dị biệt nhưng không phải vì vậy mà sự tu không có phương pháp cụ thể. Cũng như đi đường cần có bản đồ nhưng chọn đi đường nào tuỳ thuộc vào kỷ năng của mỗi cá nhân. Ba mươi bảy pháp trợ bồ đề được giảng trong Thắng Pháp với “toát yếu giác phần Một lần nữa khi đi vào những đề tài nầy cần lưu ý về pháp bản thể của mỗi đề tài.

Tứ niệm xứ ở đây có pháp bản thể là sở hữu niệm. Từ trạng thái vĩ mô của tâm sở được huân tu trở thành chánh niệm của hành giả là chìa khoá quan trọng cho sự học và thực hành Phật pháp.


Tập hợp những pháp có tính chất tốt đẹp, thuộc thành phần pháp đưa đến sự giác ngộ, gọi là toát yếu giác phần. Giác phần _ bodhipakkhiya, cũng còn gọi là “bồ đề phần” hay “đảng giác”.

Giác phần có 37 pháp, gồm 7 nhóm:

1. Tứ niệm xứ (cattāro satipaṭṭhānā) gồm 4 pháp là Thân quán niệm xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhānaṃ), Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanāsatipaṭṭhānaṃ), Tâm quán niệm xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhānaṃ) và Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanāsatipaṭṭhānaṃ).

2. Tứ chánh cần (cattāri sammappadhānāni) gồm 4 pháp là thận cần (saṃvārapadhānaṃ), trừ cần (pahānapadhānaṃ), tu cần (bhāvanāpadhānaṃ) và bảo cần (anurakkhāpadhānaṃ).

3. Tứ như ý túc (cattāro iddhipādā) gồm 4 pháp là dục như ý túc (chandiddhipādo), cần như ý túc (viriyiddhipādo), tâm như ý túc (cittiddhipādo) và thẩm như ý túc (vīmaṃsiddhipādo).

4. Ngũ quyền (pañc' indriyāni) gồm 5 pháp là tín quyền (saddhindriyaṃ), tấn quyền (viriyindriyaṃ), niệm quyền (satindriyaṃ), định quyền (samādhindriyaṃ) và tuệ quyền (paññindriyaṃ).

5. Ngũ lực (pañca balāni) gồm 5 pháp là tín lực (saddhābalaṃ), tấn lực (viriyabalaṃ), niệm lực (satibalaṃ), định lực (samādhibalaṃ) và tuệ lực (paññābalaṃ).

6. Thất giác chi (satta bojjhaṅgā) gồm 7 pháp là niệm giác chi (satisambojjhaṅgo), trạch pháp giác chi (satisambojjhaṅgo), cần giác chi (viriyasambojjhaṅgo), hỷ giác chi (pītisambojjhaṅgo), định giác chi (samādhisambojjhaṅgo) và xả giác chi (upekkhāsambojjhaṅgo).

7. Bát chi đạo (aṭṭha maggaṅgāni) gồm 8 pháp là chánh kiến (sammādiṭṭhi), chánh tư duy (sammāsaṅkappo), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanto), chánh mạng (sammā_ājīvo), chánh tinh tấn (sammāvāyāmo), chánh niệm (sammāsati) và chánh định (sammāsamādhi).

Ba mươi bảy pháp Giác phần nầy tính chi pháp thì có 15 chi là tâm thiện, tâm sở nhất hành, tâm sở tầm, tâm sở cần, tâm sở hỷ, tâm sở dục, tâm sở tín, tâm sở niệm, tâm sở trung hoà, tâm sở tịnh thân, tâm sở tịnh tâm, tâm sở chánh ngữ, tâm sở chánh nghiệp, tâm sở chánh mạng và tâm sở trí tuệ. Những chi pháp thuộc giác phần nầy vì là yếu tố giác ngộ nên chỉ là pháp hiệp thế.

Chia 15 chi pháp theo vai trò giác phần:

· Tâm sở cần giữ 9 vai trò trong giác phần là 4 chánh cần, cần như ý túc, tấn quyền, tấn lực, cần giác chi, chánh tinh tấn chi đạo.

· Tâm sở niệm giữ 8 vai trò trong giác phần là 4 niệm xứ, niệm quyền, niệm lực, niệm giác chi, chánh niệm chi đạo.

· Tâm sở trí tuệ, giữ 5 vai trò trong giác phần là thẩm như ý túc, tuệ quyền, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến chi đạo

· Tâm sở nhất hành giữ 4 vai trò trong giác phần là định quyền, định lực, định giác chi, chánh định chi đạo.

· Tâm sở tín giữ 2 vai trò trong giác phần là tín quyền, tín lực.

· Tâm đổng lực thiện giữ 1 vai trò trong giác phần là tâm như ý túc.

· Tâm sở tầm giữ 1 vai trò trong giác phần là chánh tư duy chi đạo.

· Tâm sở hỷ giữ 1 vai trò trong giác phần là hỷ giác chi.

· Tâm sở dục giữ 1 vai trò trong giác phần là dục như ý túc.

· Tâm sở trung hoà giữ 1 vai trò trong giác phần là xả giác chi.

· Tâm sở tịnh thân và tâm sở tịnh tâm giữ chung 1 vai trò trong giác phần là tịnh giác chi.

· Tâm sở chánh ngữ giữ 1 vai trò trong giác phần là chánh ngữ chi đạo.

· Tâm sở chánh nghiệp giữ 1 vai trò trong giác phần là chánh nghiệp chi đạo.

· Tâm sở chánh mạng giữ 1 vài vai trò trong giác phần là chánh mạng chi đạo.

Giải ý nghĩa bảy nhóm giác phần:

1. Tứ niệm xứ, danh từ satipaṭṭhāna nghĩa là niệm có cơ sở, một chánh niệm hoàn thiện, một cách chánh niệm để phát triển minh sát (vipassanā). Có 4 niệm xứ:

1/ Thân quán niệm xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng sắc thân (kāya), là sắc uẩn; ghi nhận sự hiện hữu của sắc uẩn như hơi thở, đại oai nghi, tiểu oai nghi, thể trược, bốn nguyên tố, tử thi. Quán niệm thân để thấy tính chất vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh của thân nầy.

2/ Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng cảm thọ (vedanā), tức là thọ uẩn; ghi nhận sự sanh khởi của thọ uẩn: đây là thọ khổ, đây là thọ lạc, đây là thọ ưu, đây là thọ hỷ, đây là thọ xả, đây là thọ liên hệ vật chất, đây là thọ không liên hệ vật chất. Niệm cảm thọ để thấy tính chất vô thường, khổ, vô ngã của thọ uẩn.

3/ Tâm quán niệm xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng tâm sanh (cittuppāda); ghi nhận sự sanh khởi của thức uẩn, như tâm có tham biết đây là tâm có tham, tâm không tham biết đây là tâm không tham, tâm có sân biết đây là tâm có sân …v.v… Quán niệm tâm để thấy rõ tính chất vô thường, khổ, vô ngã của thức uẩn (bao gồm cả bốn danh uẩn vì là tâm sanh).

4/ Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng pháp thực tính (dhamma); Pháp trong pháp quán thường được cho là tưởng uẩn (saññā) và hành uẩn (saṅkhāra), là hai uẩn còn lại, vì thân quán là sắc uẩn, thọ quán là thọ uẩn, tâm quán là thức uẩn, tổng cộng là năm uẩn quá rõ ! Tuy nhiên nếu xét theo kinh niệm xứ thì pháp quán niệm xứ còn nhiều hơn tưởng uẩn và hành uẩn. Trong kinh niệm xứ, pháp quán được đức Phật dạy là quán niệm năm triền cái, năm thủ uẩn, mười hai xứ, bảy giác chi, bốn thánh đế; Như vậy sự quán niệm danh sắc hay bất kỳ pháp thực tính nào thuộc năm đề tài trên đều gọi là pháp quán niệm xứ. Quán niệm Pháp để thấy rõ tam tướng, không phải chỉ tỏ ngộ tính vô ngã như thường được nói bởi vài vị tiền bối.

Lại nữa, các Ngài nói sở dĩ có bốn (4) niệm xứ vì để từ bỏ bốn kiến điên đảo (vipallāsadiṭṭhi) là chấp thường, lạc, ngã, tịnh … Điều nầy cần phải xét lại !!!

Chi pháp của bốn niệm xứ là tâm sở niệm trong tâm đại thiện khi tu tập thiền quán.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc