- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 5.12.2021
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 43. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha)
Về Lục nhân (cha hetū) và Thất chi thiền (satta jhānaṅgāni)
Một trong những đặc điểm của Thắng Pháp nói riêng và Phật học nói chung là có những đề tài bao gồm cả thiện, bất thiện hay nằm ngoài cả hai. Điều nầy vượt khỏi tín lý tôn giáo và mở ra cánh cửa của tri thức vốn là nền tảng của khoa học ngày nay.
Riêng hai đề tài trong bài học nầy: mội nói về 6 căn cội của bất thiện và tịnh hảo; hai là 7 chi thiền có thể lạ lẫm với một số người không quen với cách nói về bản thể pháp. Mặc dù hai thiền chi cuối thường không nằm trong bản liệt kê của 5 chi thiền nhưng được đề cập nhiều qua những kinh văn liên hệ (…)
Tập hợp những pháp có lẫn lộn tính chất thiện, bất thiện và vô ký, gọi là toát yếu hỗn hợp.
Có bảy pháp như sau:
1. Lục nhân (cha hetū)
2. Thất chi thiền (satta jhānaṅgāni)
3. Thập nhị chi đạo (dvādasa maggaṅgāni)
4. Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)
5. Cửu lực (nava balāni)
6. Tứ trưởng (cattāro adhipatī)
7. Tứ thực (cattāro āhārā)
Giải thích:
1. Lục nhân (cha hetū) là sáu nhân tương ưng của tâm.
Nhân _ hetu, là yếu tố làm cho tâm sanh mạnh mẽ, vững vàng, ví như cây mọc cứng cáp, vững mạnh do rễ khoẻ vậy. Sáu nhân là:
1/ Nhân tham (lobhahetu) là căn bất thiện có tính chất đeo dính cảnh; Nhân tham tương ưng với tâm nào thì gọi đó tâm tham. Đây chính là tâm sở tham.
2/ Nhân sân (dosahetu) là căn bất thiện có tính chất nóng nãy dị ứng với cảnh; Nhân sân tương ưng với tâm nào thì tâm đó gọi là tâm sân. Đây chính là tâm sở sân.
3/ Nhân si (mohahetu) là căn bất thiện có tính chất tối tăm, che đậy trí tuệ; Nhân si tương ưng với tâm nào thì tâm đó gọi là tâm bất thiện; Nhân si đi cùng nhân tham tạo ra tâm tham; Nhân si đi cùng nhân sân tạo ra tâm sân; Nhân si đi đơn lẻ tạo ra tâm si.
4/ Nhân vô tham (alobhahetu) là căn tịnh hảo có tính chất tốt đẹp, đặc tính của vô tham là không nhiễm cảnh, không luyến cảnh. Nhân vô tham tương ưng với những tâm tịnh hảo (tâm thiện và tâm vô ký tịnh hảo). Đây chính là tâm sở vô tham.
5/ Nhân vô sân (adosahetu) là căn tịnh hảo có tính chất tốt đẹp, đặc tính của vô sân là không nóng bức, không đối kháng cảnh. Nhân vô sân tương ứng với các tâm tịnh hảo, đồng sanh với nhân vô tham, hai nhân nầy là tịnh hảo biến hành. Nhân vô sân chính là tâm sở vô sân.
6/ Nhân vô si (amohahetu) chính là tâm sở trí tuệ, là căn tịnh hảo có tính chất tốt đẹp, đặc tính của vô si là sáng suốt, hiểu biết. Nhân vô si có mặt trong các tâm tịnh hảo tương ưng trí. Nhân vô si nhất định đi chung với vô tham và vô sân.
2. Thất chi thiền (satta jhānaṅgāni)
Thiền _ jhāna có hai ý nghĩa, chú ý vào đối tượng (ārammaṇupanijjhānaṃ) và thiêu huỷ nghịch pháp (paccanikajhāpanaṃ). Bảy chi thiền là:
1/ Tầm (vitakka) hướng tâm vào cảnh. Chi pháp là tâm sở tầm hiệp 55 tâm hữu tầm.
2/ Tứ (vicāra) khắn khít với cảnh. Chi pháp là tâm sở tứ hiệp 61 tâm hữu tứ.
3/ Hỷ (pīti) phấn khích với cảnh. Chi pháp là tâm sở hỷ hiệp 51 tâm hữu hỷ.
4/ Nhất hành (ekaggatā) nhứt tâm trên đối tượng. Thiền chi nầy chi pháp là tâm sở nhất hành hiệp 111 tâm trừ ngũ song thức; Tâm sở nhất hành trong ngũ song thức không thành chi thiền.
5/ Hỷ thọ (somanassa) cảm giác vui trong cảnh. Thiền chi nầy chi pháp là tâm sở thọ hỷ hiệp 61 tâm hỷ thọ.
6/ Ưu thọ (domanassa) cảm giác buồn phiền với cảnh. Thiền chi nầy chi pháp là tâm sở thọ ưu hiệp 2 tâm sân.
7/ Xả thọ (upekkhā) cảm giác bình thản với cảnh. Thiền chi nầy chi pháp là tâm sở thọ xả hiệp trong 45 tâm xả thọ trừ 8 tâm xả thọ ngũ song thức; tâm sở thọ xả trong ngũ song thức không thành chi thiền.
Bảy chi thiền hợp với tâm dục giới có ý nghĩa là chú ý vào đối tượng, chớ không có nghĩa thiêu đốt pháp nghịch, nghĩa thứ nhất rõ hơn.
Sáu chi thiền (trừ ưu) hợp với các tâm thiền (jhānacitta) thì có hai nghĩa:
Chú tâm trên đối tượng và thiêu đốt nghịch pháp. Thiêu đốt ở đây có nghĩa là làm suy yếu sức mạnh của nghịch pháp hoặc làm cho nghịch pháp không phát sanh.
Nghịch pháp của thiền chi là:
- Hôn thuỵ (thīnamiddha) đối nghịch với chi tầm (vitakka).
- Hoài nghi (vicikicchā) đối nghịch với chi tứ (vicāra).
- Sân độc (paṭigha) đối nghịch với chi hỷ (pīti).
- Dục dục (kāmachanda) đối nghịch với chi nhất hành (ekaggatā).
- Trạo hối và ưu (uddhaccakukkuccadomanassa) đối nghịch với chi hỷ thọ (somanassa) và chi xả thọ (upekkhā).
Thất chi thiền xuất xứ từ 6 chi pháp là tâm sở tầm, tâm sở tứ, tâm sở hỷ, tâm sở nhất hành và tâm sở thọ.
Bài đã học: Bài 42. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha)
Về Thập phiền não (dosa kilesā)
Bài học tiếp theo: Bài 44. Toát yếu hỗn hợp (Missakasaṅgaha)
Về Thập nhị chi đạo (dvādasa maggaṅgāni)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng