Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha) _ BÀI 41. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha) _ Về Thập triền (dasa saṃyojanāni, saññojanāni)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha) _ BÀI 41. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha) _ Về Thập triền (dasa saṃyojanāni, saññojanāni)

Chủ nhật, 28/11/2021, 08:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 27.11.2021


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 41. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha)

Về Thập triền (dasa saṃyojanāni, saññojanāni)

Đối lập với ý nghĩa giải thoát, Phật học có nhiều từ vựng chỉ cho sự hệ luỵ mà sự cột buộc minh hoạ. Yoga là cột chung như cái ách liên kết con bò nầy với con bò kia được dịch là phối, kết, ách. Gantha là cột trói khiến tứ chi khó lay động được dịch là phược. Saṃyojana là cột vào dây như trâu, bò, chó bị cột vào dây nên sự đi lại nằm trong giới hạn. Ba từ vựng thoạt nghe mang ý nghĩa tương tự nhưng trên phương diện tinh nghĩa thì rất khác biệt. Thập triền nói lên mười phiền não mà hệ quả là khiến chúng sanh quanh quẫn trong hạn cuộc, khó vượt thoát ra ngoài. Người học phần “tương tập” nên có sự phân biệt tinh tế hơn là chỉ nhìn vào chi pháp nghĩ là đã nắm được ý rồi đi qua.


8. Thập triền (dasa saṃyojanāni, saññojanāni)

Triền _ saṃyojana, cũng dịch là kiết sử hay thằng thúc, là cột dính, buộc ràng, cột buộc. Nên hiểu phân biệt ba pháp: phối hay ách (yoga), phược (gantha), triền (saṃyojana).

Phối, hay kết, hay ách (yoga), kết dính lại với nhau, ráp lại, liên kết lại, hoặc hiểu yoga như cái ách máng cổ trâu bò.

Phược (gantha) hay thân phược (kāyagantha) là trói chặt, như người ta trói tay chân phạm nhân, hoặc thói con vật không cho chạy thoát.

Triền hay kiết sử, thằng thúc (saṃyojana, saññojana) là buộc ràng, như cột giữ con vật vào cái cọc hoặc thân cây không cho đi rong.

Triền nói theo thắng pháp tạng, có 10 thứ:

1/ Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojanaṃ), sự tham đắm dục lạc ngũ trần là dây ràng buộc chúng sanh. Chi pháp dục ái triền là tâm sở tham.

2/ Hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojanaṃ), sự ái luyến sắc hữu và vô sắc hữu, hay tham muốn tái sanh là dây ràng buộc chúng sanh khó giải thoát. Chi pháp hữu ái triền là tâm sở tham.

3/ Phẫn nộ triền (paṭighasaṃyojanaṃ), sự sân giận thù hiềm là dây ràng buộc chúng sanh khó giải toả. Chi pháp phẫn nộ triền là tâm sở sân.

4/ Mạn triền (mānasaṃyojanaṃ), sự ngạo mạn, kiêu hảnh, là dây ràng buộc tâm chúng sanh khó giải toả. Chi pháp mạn triền là tâm sở mạn.

5/ Kiến triền (diṭṭhisaṃyojanaṃ), tà kiến, chấp sai, là dây cột buộc chúng sanh khó giải toả. Chi pháp kiến triền là tâm sở tà kiến.

6/ Giới chấp triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṃ) sự chấp hành theo các giới cấm tà giáo cũng là dây cột buộc chúng sanh. Chi pháp giới chấp triền cũng là tâm sở tà kiến.

7/ Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojanaṃ), sự nghi ngờ, hoang mang, không quyết tin điều đáng tin, cũng là dây cột buộc chúng. Chi pháp hoài nghi triền là tâm sở hoài nghi.

8/ Tật triền (issāsaṃyojanaṃ), thói ganh tỵ, ghen tức với người khác, cũng là dây cột buộc chúng sanh. Chi pháp tật triền là tâm sở tật đố.

9/ Lận triền (macchariyasaṃyojanaṃ), thói keo kiết, bủn xỉn, không thích chia sẽ, cũng là dây cột buộc chúng sanh.Chi pháp lận triền là tâm sở xan lận.

10/ Vô minh triền (avijjāsaṃyojanaṃ), sự si mê ngu muội cũng là dây cột buộc chúng sanh. Chi pháp vô minh triền là tâm sở si.

Theo kinh tạng thì cũng có 10 thứ triền hay gọi là 10 kiết sử (saṃyojana), nhưng có khác hơn Thắng pháp. Kinh Tạng không có hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojana) thay vào đó là sắc ái triền (rūparāgasaṃyojana) và vô sắc ái triền (arūparāgasaṃyojana); Không có tật triền (issāsaṃyojana) và lận triền (macchariyasaṃyojana) nhưng thay vào đó có phóng dật triền (uddhaccasaṃyojana); kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) trong thắng pháp, thì trong kinh tạng là thân kiến triền (sakkāyadiṭṭhisaṃyojana).

Mười kiết sử hay thập triền theo kinh tạng như sau:

1/ Dục ái kiết sử (kāmarāgasaṃyojana).

2/ Sắc ái kiết sử (rūparāgasaṃyojana) sự tham luyến sắc hữu hay thiền hữu sắc.

3/ Vô sắc ái kiết sử (arūparāgasaṃyojana) sự tham luyến vô sắc hữu hay thiền vô sắc.

4/ Phẫn nộ kiết sử (paṭighasaṃyojana)

5/ Mạn kiết sử (mānasaṃyojana)

6/ Thân kiến kiết sử (sakkāyadiṭṭhisaṃyojana)

7/ Giới chấp kiết sử (sīlabbataparāmāsasaṃyojana) hay giới cấm thủ.

8/ Hoài nghi kiết sử (vicikicchāsaṃyojana)

9/ Phóng dật kiết sử (uddhaccasaṃyojana) sự phóng tâm, tán loạn, lao chao.

10/ Vô minh kiết sử (avijjāsaṃyojana)

Mười kiết sử trong kinh tạng phân ra hai phần:

a. 5 hạ phần kiết sử (orambhāgiyasaṃyojana) là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và phẫn nộ (sân). Những kiết sử nầy do ba thánh hữu học đoạn trừ.

b. 5 thượng phần kiết sử (uddhambhāgiyasaṃyojana) là sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh. Những kiết sử nầy do thánh vô học đoạn trừ.


Bài đã học: BÀI 40. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha) 

Về Lục cái (cha nīvaraṇāni) và Thất tiềm miên (satt'ānusayā)

Bài học tiếp theo: Bài 42. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha) “tiếp theo”

Về Thập phiền não (dosa kilesā)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc