- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 18.11.2021
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
Bài 38. TỔNG QUAN
Tương tập là sự liệt kê các pháp thành từng thể loại do có cùng đặc tính. Sau khi đã đi qua các chương nói về tâm, tâm sở, sắc pháp, níp bàn thì chương tương tập sẽ cho thấy rõ hơn về vai trò, tác động và sự liên hệ của từng pháp đối với các pháp khác. Điều nầy giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các pháp tương tự như khi nói về một người nào đó không phải chỉ nói về tên họ, chiều cao, màu tóc …v.v… mà có nói về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, lợi tức …v.v… như vậy có thể hình dung chính xác hơn về người đó.
Liệt kê để hiểu phân loại
Không có sự phân loại nào nói lên đầy đủ mọi ý nghĩa mà cần rất nhiều bảng liệt kê khác nhau. Thí dụ: tâm sở cần có thể là chi pháp của tà tinh tấn mà cũng là chi pháp của chánh tinh tấn, cần giác chi …v.v… Điều nầy cho thấy rõ hơn bản chất “tợ tha”. Điều nầy tương tự như cách người ta làm thống kê dân số. Sự phân loại về tuổi tác, giới tính, lợi tức của dân chúng giúp chính quyền cũng như các công ty thương mại có định hướng chính xác hơn để phù hợp với tương lai.
Từ vĩ mô đến quy mô
Có lẽ một trong những khái niệm khó hiểu nhất của Thắng Pháp đối người mới học là sự trình bày vĩ mô của các pháp. Thí dụ: như những tâm sở tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân …v.v… trong cách nói đại loại thì là những trạng thái riêng biệt nhưng trong cách nói vĩ mô thì lại có hỗn hợp cùng có mặt trong một sát na tâm tịnh hảo. Trong chương tương tập các pháp được trình bày với vai trò đặc biệt cho thấy ý nghĩa liên hệ giữa khái niệm vĩ mô và quy mô như tâm sở định trong bát chi đạo chính là chánh định.
Đề pháp và chi pháp
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc học Thắng Pháp là nêu rõ chi pháp của đề pháp. Thí dụ: như khi nói về dục ái tiềm miên hay hữu ái tiềm miên mặc dù là hai thứ ái có ý nghĩa rất khác biệt khi nói về thất tiềm miên nhưng chi pháp đều là tâm sở tham. Tương tự như một dược sĩ khi nói về thuốc không phải chỉ nói về hiệu thuốc mà xem dược tánh của thứ thuốc đó để biết đích xác về công năng hay phản ứng nếu có.
Nhịp cầu giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng
Khi học những chương đầu của giáo trình nầy người học có thể cảm thấy đang đi vào một thế giới xa lạ với những từ vựng không quen, khái niệm chưa từng nghe. Nhưng trong chương nầy khi đề cập đến những đề tài như năm uẩn, tứ thủ, thất tiềm miên thì là những đề tài quen thuộc được nói nhiều ở Kinh Tạng mà ở đây được trình bày với chi pháp cụ thể. Có thể nói chương Tương Tập bắc nhịp cầu giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Chính điểm nầy cho thấy sự lợi ích đặc biệt của việc học Thắng Pháp khi nghiên cứu Phật học.
Thắng Pháp và đời sống hằng ngày
Một cảm giác mà người mới học Thắng Pháp thường có là môn học nầy dường như nói đến những điều không có liên hệ thực dụng trong đời sống hằng ngày. Trên thực tế thì những nơi Thắng Pháp được nghiên cứu sâu rộng thì thiền quán tứ niệm xứ cũng thịnh hành. Lý do dễ hiểu là Thắng Pháp có những phân tích rõ ràng về cảm thọ; về uẩn, xứ, giới, đế là những lãnh vực thiết yếu cho người tu tập thiền quán. Ngay cả với người bình thường nếu học kỹ chương tương tập nầy sẽ hiểu được vai trò của các pháp trong đời sống hằng ngày ra sao.
Những gì được đề cập trong phần Tương Tập
Tổng cộng 28 chủ đề phân thành bốn nhóm như sau:
A. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha)
B. Toát yếu hổn hợp (Missakasaṅgaha)
C. Toát yếu giác phần (Bodhipakkhiyasaṅgaha)
D. Toát yếu hàm tận (Sabbasaṅgaha)
A. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha)
1. Tứ lậu (cattāro āsavā)
2. Tứ bộc (cattāro oghā)
3. Tứ phối (cattāro yogā)
4. Tứ phược (cattāro ganthā)
5. Tứ thủ (cattāro upādānā)
6. Lục cái (cha nīvaraṇāni)
7. Thất tiềm miên (satta anusayā)
8. Thập triền (dasa saṃyojanā)
9. Thập phiền não (dasa kilesā)
B. Toát yếu hỗn hợp (Missakasaṅgaha)
1. Lục nhân (cha hetu)
2. Thất chi thiền (satta jhānaṅgāni)
3. Thập nhị chi đạo (dvādasa maggaṅgāni)
4. Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)
5. Cửu lực (nava balāni)
6. Tứ trưởng (cattāro adhipatī)
7. Tứ thực (cattāro āhārā)
C. Toát yếu giác phần (Bodhipakkhiyasaṅgaha)
1. Tứ niệm xứ (cattāro satipaṭṭhānā)
2. Tứ chánh cần (cattāri sammappadhānāni)
3. Tứ như ý túc (cattāro iddhipādā)
4. Ngũ quyền (pañc' indriyāni)
5. Ngũ lực (pañca balāni)
6. Thất giác chi (satta bojjhaṅgā)
7. Bát chi đạo (aṭṭha maggaṅgāni)
D. Toát yếu hàm tận (Sabbasaṅgaha)
1. Ngũ uẩn (pañcakkhandhā)
2. Ngũ thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā)
3. Thập nhị xứ (dvādas'āyatanāni)
4. Thập bát giới (aṭṭhārasa dhātuyo)
5. Tứ thánh đế (cattāri ariyasaccāni)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng