Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương V _ Bài 37. TOÁT YẾU NÍP BÀN (Nibbāna)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương V _ Bài 37. TOÁT YẾU NÍP BÀN (Nibbāna)

Chủ nhật, 14/11/2021, 09:14 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 14.11.2021


Chương V _ Bài 37. TOÁT YẾU NÍP BÀN (Nibbāna)

Niết Bàn là đề tài quan trọng trong Phật học nhưng lại được trình bày rất hạn chế trong kinh điển. Tất nhiên có những lý do mà Đức Phật và các bậc thánh đệ tử không dùng nhiều ngôn ngữ để nói về Niết bàn mà chỉ đạy nhiều về sự khổ và sự diệt khổ. Mặc dù trong giáo lý Tứ Đế sự diệt khổ chính là Niết bàn nhưng ý nghĩa thật sự của Niết bàn không đơn thuần chỉ là sự diệt khổ. Thắng pháp dạy rõ Niết bàn là một trong bốn pháp chân đế. Cho dù muốn dù không thì người học Phật rất cần để có một sự hiểu biết tương đối về Niết bàn qua tứ đế, giáo lý duyên khởi và cứu cánh tối hậu của hành trình tu tập.

Có kệ ngôn pāli trình bày năm danh gọi níp bàn:

Padamaccutamaccantaṃ

asaṅkhatamanuttaraṃ

nibbānam_iti bhāsanti

vānamuttā mahesayo

Bậc Đại sĩ thoát ái

Nói níp bàn Riêng biệt,

Bất tử và Tuyệt đối,

Vô vi và Vô Thượng.

Níp bàn đọc âm tiếng pāli "nibbāna". Như Niết bàn đọc âm từ tiếng Saṃskrit "nirvāna". Cả hai "nibbāna và nirvāna" đều do cấu trúc "nir + vāna"; "nir" giản lược ni, nghĩa là "không", "vāna" một tên gọi của ái tham, nguồn cội hay tập khởi sanh khổ. Như vậy "nibbāna (níp bàn)" có nghĩa là không tham ái, hay "diệt tham ái", hay "tách khỏi tham ái". Như câu pāli giải thích: Vānasaṅkhātāya taṇhāya nikkhantattā nibbānaṃ 'ti pavuccati _ trạng thái tách rời tham ái xem như rừng rậm (vānasaṅkhata), được gọi là níp bàn.

 

Lại nữa, níp bàn gọi là pháp siêu thế (lokuttarasaṅkhānaṃ nibbānaṃ); Níp bàn cần được chứng ngộ do bốn Đạo tuệ (catumaggañāṇena sacchikātabbaṃ nibbānaṃ); Níp bàn thành cảnh cho Đạo và Quả (maggaphalānaṃ ārammaṇabhūtaṃ nibbānaṃ).


Phân loại níp bàn

· Níp bàn có một, là nói theo thực tính (sabhāvato ekavidhaṃpi) tức là trạng thái an tịnh (santilakkhanaṃ). Níp bàn là trạng thái an tịnh, bình yên bởi không có sự khuấy động của phiền não, không còn liên quan đến ngũ uẩn luân hồi.

· Níp bàn có hai, là nói theo trình tự (duvidhaṃ hoti kāraṇapariyāyena) tức là hữu dư y níp bàn (sa_upādisesanibbānaṃ) và vô dư y níp bàn (anupādisesanibbānaṃ).

Nói theo trình tự (kāraṇapariyāyena) là có trước có sau, có hữu dư y níp bàn rồi mới có vô dư y níp bàn.

Upādi (y) là cái gì chấp thủ bởi nghiệp phiền não mà thành, tức là tứ uẩn quả hiệp thế và sắc nghiệp (ngũ thủ uẩn). Sesa (dư sót). Sa (có, còn). Sa upādisesa (hữu dư y) còn sót lại ngũ thủ uẩn. Gọi là hữu dư y níp bàn (sa_upādisesanibbānaṃ), nghĩa là níp bàn mà được đắc chứng bởi bậc Dự lưu, bậc Nhất lai, bậc bất lai và bậc A la hán (Bậc hữu học chứng níp bàn nhưng còn tái diễn thân ngũ uẩn vài kiếp sống; Bậc A la hán chứng níp bàn không còn tái diễn thân ngũ uẩn mới nhưng hiện tại vẫn còn thân ngũ uẩn khi chưa viên tịch).

Vô dư y níp bàn (anupādisesanibbāna) là nói đến sự viên tịch của vị A la hán, không còn dư y tương lai, không còn dư y hiện tại, thân ngũ uẩn nầy hoàn toàn tịch diệt.

· Níp bàn có ba, là nói theo án xứ (tividhaṃ hoti ākārabhedena), tức là không tánh níp bàn (suññatānibbānaṃ), vô tướng níp bàn (animittanibbānaṃ), vô nguyện níp bàn (appaṇihitanibbāṇaṃ).

Nói theo án xứ (ākārabhedena) là đề tài tu quán để chứng níp bàn.

Không tánh níp bàn (suññatānibbānaṃ) là níp bàn được tỏ ngộ bởi hành giả tu tuỳ quán vô ngã, nhận thấy các pháp là rỗng không, không có thực ngã, dù là pháp hữu vi hay vô vi.

Vô tướng níp bàn (animittanibbānaṃ) là níp bàn được tỏ ngộ bởi hành giả tu tuỳ quán vô thường, nhận thấy các hành, pháp hữu vi có tướng sanh diệt, có hiện tượng sanh rồi diệt, khi chứng níp bàn thấy pháp vô vi không có tướng sanh diệt đó.

Vô nguyện níp bàn (appaṇihitanibbānaṃ) là níp bàn được tỏ ngộ bởi hành giả tu tuỳ quán khổ, nhận thấy các pháp hữu vi luôn bị bức xúc do diễn biến sanh diệt giới hạn, bị phong toả, khi chứng níp bàn thấy pháp vô vi không còn là tình trạng bị bao vây, bị phong toả nữa.


Danh nghĩa níp bàn

Dù có nói níp bàn một loại hay hai loại hay ba loại do theo khía cạnh nầy, khía cạnh khác… Níp bàn cũng chỉ là trạng thái an tịnh tinh lương. Để ám chỉ trạng thái đặc thù nầy, có năm tên gọi:

1. Padaṃ, riêng biệt. Níp bàn có tên gọi là Riêng biệt, vì không có liên hệ với thế gian.

2. Accutaṃ, bất tử. Níp bàn có tên gọi là Bất tử, vì không có sanh nên không có diệt.

3. Accantaṃ, tuyệt đối. Níp bàn có tên gọi là Tuyệt đối, vì níp bàn là ngoại uẩn; Ngũ uẩn là tương đối vì có quá khứ, hiện tại, vị lai, tốt, xấu, thô, tế, xa, gần …v.v… níp bàn không có pháp tương đối như vậy.

4. Asaṅkhataṃ, vô vi. Níp bàn có tên gọi là Vô vi, vì không bị tạo tác bởi duyên trợ; Pháp hữu vi còn bị duyên trợ sanh, níp bàn không có nhân sanh.

5. Anuttaraṃ, vô thượng. Níp bàn có tên gọi là Vô thượng, vì không thể đem so sánh, cũng như không thể đem cái vật thể so sánh với cái phi vật thể được.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc