Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần III _ Bài 34. Nhân sanh sắc pháp (Rūpasamuṭṭhāṇaṃ)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần III _ Bài 34. Nhân sanh sắc pháp (Rūpasamuṭṭhāṇaṃ)

Thứ năm, 04/11/2021, 09:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 4.11.2021


Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần III

Bài 34. Nhân sanh sắc pháp (Rūpasamuṭṭhāṇaṃ)

Nhân sanh sắc pháp là sự trình bày về nhân cấu thành tất cả hiện tượng vật chất. Thắng Pháp nêu đích xác bốn nhân sanh vật chất là nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng tố. Trong lúc khoa học ngày nay đề cập rất rộng rãi về vai trò của nhiệt độ và dưỡng tố thì hoàn toàn không nói về hai nhân sanh nghiệp và tâm. Vật lý học có những khám phá quan trọng về nhiệt độ hay năng lượng trong lúc hoá học cho con người có những cái nhìn rất tinh xác về vai trò của dưỡng tố trong sự tồn tại của vật chất. Tất nhiên hai nhân sanh vật chất khác là nghiệp và tâm là điều ít khi khoa học đá động tới.

Cũng cần lưu ý là mặc dù nêu bốn nhân sanh riêng biệt nhưng sự chồng lấn là điều cần ghi nhận. Nghiệp có liên hệ mật thiết tới tâm (dù ở đây sắc tâm và sắc nghiệp cần được phân biệt rõ) nhưng trong góc nhìn thuần lý thì người ta nói tất cả do tâm tạo trong lý luận tâm tạo nghiệp và quả của nghiệp tạo nên những hiện tượng vật lý khác bao gồm cả nhiệt lượng và dưỡng tố. Cách nói của Thắng Pháp là sự phân định rõ ràng bốn nhân sanh vật chất.

Phật học cũng nói tới năm nguyên lý tự nhiên (niyama) mà trong đó những định lý về nhiệt lượng, về chủng tử, về nghiệp, về pháp, về tâm, cho thấy Đức Phật dạy có sự tồn tại độc lập của hiện tượng vật chất đối với nghiệp, tâm. Nói một cách khác không phải tất cả pháp đều do tâm hay do nghiệp nhưng một số tông phái Phật giáo chủ trương sau nầy.

Cũng nên lưu ý là trên ý nghĩa tổng quát thì bốn nhân sanh sắc pháp mang ý nghĩa rộng lớn nhưng trong một số luận giải hậu thời thì mang ý nghĩa cục bộ đơn cử là giải thích về nhiệt lượng đối với vật chất. (Chữ quý tiết trong ngôn ngữ thường thức chỉ cho thời vụ mùa màng không chuyên chở chính xác ý nghĩa của của chữ utu ở đây mặc dù utu cũng có nghĩa là thời tiết. Ngày xưa Ngài Tịnh Sự dịch là “âm dương” chỉ cho nhiệt lượng nóng lạnh)


Nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu), vật thực (āhāra), là bốn nhân sanh sắc pháp.

(1) Nghiệp tạo sắc đây chỉ cho nghiệp dị thời bất thiện (phi phúc hành, tức là Tư bất thiện), và nghiệp dị thời thiện dục giới, thiện sắc giới (phúc hành, tức là Tư thiện dục giới và tư thiện sắc giới). Các nghiệp nầy thuộc đời trước tạo sắc nghiệp đời sau.

Sắc do nghiệp tạo, gọi là sắc nghiệp (kammajarūpa), gồm có 18 thứ là 8 sắc bất ly, 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền và sắc giao giới. 4 sắc tướng không cần kể.

Nghiệp quá khứ tạo ra sắc nghiệp khởi sanh vào thời điểm tái tục (paṭisandhi) trong cõi ngũ uẩn; Sắc nghiệp sanh thời bình nhật ở mỗi sát na.

Thảo luận: Tại sao nhóm sắc đặc biệt không được liệt vào sắc nghiệp?


(2) Tâm tạo sắc đây, là 107 thứ tâm trừ 5 cặp thức và 4 quả vô sắc.

Sắc do tâm tạo gọi là sắc tâm (cittajarūpa), gồm có 15 thứ là 8 sắc bất ly, cảnh thinh, sắc giao giới, 3 sắc linh hoạt, 2 sắc biểu tri. 4 sắc tướng không cần kể vì tự nhiên có theo các sắc khác.

Sắc tâm hành động do tâm khiến, có 7 cách là nói, cười, khóc, đại oai nghi, tiểu oai nghi, kềm vững oai nghi, cách bình thường (thở hô hấp).

Sắc tâm hành động:

“Nói” là do 32 tâm tạo: 29 đổng lực dục giới, 1 khai ý môn, 2 tâm thông.

“Cười” là sắc tâm do 13 tâm tạo: 4 tâm tham thọ hỷ, tâm sinh tiếu, 4 tâm đại thiện thọ hỷ và 4 tâm đại tố thọ hỷ.

“Khóc” là sắc tâm do hai tâm tạo: 2 tâm sân.

“Tiểu oai nghi” là sắc tâm do 32 tâm khiến : 29 tâm đổng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

“Đại oai nghi” là sắc tâm do 32 tâm khiến: 29 đổng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

“Kềm vững oai nghi đi” là sắc tâm do 32 tâm khiến: 29 đổng lực dục giới, 1 tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

“Kềm vững oai nghi đứng_nằm_ngồi” là sắc tâm do 90 tâm khiến: 29 đổng lực dục giới, 58 đổng lực kiên cố, 1 tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

“Cách bình thường” là sắc tâm do 107 tâm khiến, trừ ngũ song thức và 4 quả vô sắc.

Tâm trợ sắc tâm bằng câu sanh duyên, thời hiện tại. Sắc tâm khởi sanh vào sát na hữu phần sau tái tục và trong thời bình nhật khởi lên vào mỗi sát na tâm ngoại trừ vào thời điểm thức tâm (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức).

Thảo luận: Phải chăng theo Thắng Pháp thì tâm quả dị thục và sắc nghiệp không thể chuyển hoá? Nghiệp dị thục quá khứ có thể ảnh hưởng sắc tâm chăng? (Thí dụ tướng cách cao sang trong lúc đi đứng nằm ngồi có phải luôn luôn là sắc tâm mà không thể bị chi phối bởi nghiệp đời trước?)


(3) Quí tiết tạo sắc đây là lửa nóng (uṇhatejo) và lửa lạnh (sītatejo) bên trong thân và bên ngoài thân. Quí tiết trong thân trợ tạo sắc pháp sanh ở mỗi sát na tâm, bắt đầu từ sát na trụ của tâm tái tục mãi đến về sau; Còn quí tiết bên ngoài do gió nắng thì tác động sắc nhiệt hoài hoài khi nào tiếp xúc.

Sắc pháp do quí tiết tạo, gọi là sắc quí tiết (utujarūpa) gồm 13 thứ sắc là 8 sắc bất ly, 1 sắc cảnh thinh, 3 sắc linh hoạt, 1 sắc giao giới. Cũng không cần kể 4 sắc tướng.

Sắc quí tiết có 4 loại:

- Sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ (kammajapaccayautujarūpa).

- Sắc quí tiết do sắc tâm trợ (cittajapaccayautujarūpa).

- Sắc quí tiết do sắc quí tiết trợ (utujapaccayautujarūpa).

- Sắc quí tiết do sắc vật thực trợ (āhārajapaccayautujarūpa).

Do nhân nầy, trong sắc thân của nhân loại và bàng sanh đều có sắc quí tiết luôn luôn, dù khi chúng sanh đó chết đi sắc quí tiết vẫn hiện bày.

Thảo luận: Có những nhiệt lượng không do nghiệp cũng không do tâm như vậy có thể nói là có những hiện tượng vật chất tồn tại độc lập với tâm thức và nghiệp?


(4) Vật thực tạo sắc đây, là chất dinh dưỡng (oja) của các loại thức ăn đã nhai nuốt vào bụng làm phát sanh gọi là sắc vật thực (āhārajarūpa).

Sắc dinh dưỡng (oja) là một trong bọn tám sắc bất ly (avinibbhogarūpa).

Do đó có 4 thứ sắc vật thực bất ly.

- Sắc vật thực bất ly của sắc nghiệp (kammajaoja).

- Sắc vật thực bất ly của sắc tâm (cittajaoja).

- Sắc vật thực bất ly của sắc quí tiết (utujaoja).

- Sắc vật thực bất ly của sắc vật thực (āhārajaoja).

Chỉ có sắc vật thực bất ly của sắc vật thực là sắc dinh dưỡng do vật thực ăn uống tạo ra thôi; ba sắc vật thực bất ly khác là do nghiệp sanh, do tâm sanh và do quí tiết sanh.

Sắc vật thực sanh có 12 thứ là 8 sắc bất ly, 3 sắc đặc biệt, 1 sắc giao giới.

Thảo luận . Dưỡng tố có nhất thiết là vật thực ăn uống nhai nuốt vào bụng?


· Chia sắc pháp 4 loại theo chính và phụ:

1. Sắc nghiệp (kammajarūpa) có 18 thứ. Trong đó có 9 sắc là chính, có 9 sắc là phụ.

- Sắc nghiệp chính (ekantakammajarūpa) là 9 sắc: 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính, 1 sắc ý vật và 1 sắc mạng quyền.

- Sắc nghiệp phụ (anekantakammajarūpa) là 9 sắc: 8 sắc bất ly và một sắc giao giới.

2. Sắc tâm (cittajarūpa) có 15 thứ là 2 sắc biểu tri, 1 sắc cảnh thinh, 3 sắc đặc biệt, 8 sắc bất ly và 1 sắc giao giới. Trong đó chỉ có 2 sắc là chính, còn lại 13 sắc là phụ.

- Sắc tâm chính (ekantacittajarūpa) có 2 sắc là 2 sắc biểu tri; tức thân biểu tri và khẩu biểu tri chỉ do tâm tạo ra.

- Sắc tâm phụ (anekantacittajarūpa) có 13 sắc là 1 sắc cảnh thinh, 3 sắc đặc biệt, 8 sắc bất ly và 1 sắc giao giới. Sắc cảnh thinh không phải chỉ riêng do tâm tạo mà còn do quí tiết tạo nữa; Khinh, nhu, thích tánh, 3 sắc đặc biệt (linh hoạt) nầy không phải chỉ do tâm tạo mà còn do quí tiết và vật thực tạo nữa; 8 sắc bất ly (đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị và dưỡng tố), với sắc giao giới, không phải chỉ riêng do tâm tạo mà còn do nghiệp, quí tiết, vật thực tạo nữa.

3. Sắc quí tiết (utujarūpa) có 13 thứ là 1 sắc cảnh thinh, 3 sắc đặc biệt, 8 sắc bất ly và 1 sắc giao giới. Trong 13 sắc ấy không có thứ sắc nào chỉ riêng do quí tiết tạo, bởi thế sắc quí tiết không có sắc chính thức mà chỉ là sắc phụ thôi (anekanta_utujarūpa).

4. Sắc vật thực (āhāraja) có 12 thứ là 3 sắc đặc biệt, 8 sắc bất ly, 1 sắc giao giới. Trong 12 sắc ấy không có thứ sắc nào chỉ riêng do vật thực tạo, bởi thế sắc vật thực cũng không có sắc chính thức mà chỉ là sắc phụ (anekanta _ āhārajarūpa).

· Chia sắc pháp theo số lượng sở sanh:

1. Sắc một sở sanh (ekasamuṭṭhānikarūpa) có 11 sắc là 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính, 1 sắc ý vật, 1 sắc mạng quyền (9 sắc nầy do nghiệp sở sanh); 2 sắc biểu tri (2 sắc nầy do tâm sở sanh).

2. Sắc hai sở sanh (dvisamuṭṭhānikarūpa) có một sắc cảnh thinh (sắc cảnh thinh do tâm sở sanh và quí tiết sở sanh).

3. Sắc ba sở sanh (tisamuṭṭhānikarūpa) có 4 sắc đặc biệt (3 sắc nầy do tâm sở sanh, quí tiết sở sanh, vật thực sở sanh).

4. Sắc bốn sở sanh (catusamuṭṭhānikarūpa) có 9 sắc là 8 sắc bất ly (đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng tố), 1 sắc giao giới (9 sắc nầy do nghiệp, tâm, quí tiết, vật thực làm sở sanh).

5. Sắc không do gì làm sở sanh (nakutocisamuṭṭhānikarūpa) đó là 4 sắc tướng trạng. Bốn sắc nầy là hiện tượng tự nhiên của sắc thực tính (có sanh, có diễn, có già, có hoại) nên không thể nói 4 hiện tượng ấy là do nghiệp, hay do tâm, hay do quí tiết, hay do vật thực làm sở sanh.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc