Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV (tiếp theo) _ Phần 2 _ Bài 33. Phân loại sắc pháp (Rūpavibhāgo)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV (tiếp theo) _ Phần 2 _ Bài 33. Phân loại sắc pháp (Rūpavibhāgo)

Chủ nhật, 31/10/2021, 18:32 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 31.10.2021


Chương IV (tiếp theo) _ Phần 2

Bài 33. Phân loại sắc pháp (Rūpavibhāgo)

Phần phân loại sắc pháp được Ngài Anuruddha liệt kê trong quyển Abhidhammasangaha là một sưu tập tìm thấy đó đây trong Thắng Pháp Tạng. Sau nầy trong Giáo Trình Siêu Lý Học Ngài Saddhammajotika có nêu chi tiết hơn với nhiều chú thích.

Sự phân chia sắc pháp thành từng nhóm - giống như sự phân chia các loại tâm - rất cần thiết để trình bày trong những phần khác sau nầy như diễn trình sắc pháp hay duyên hệ. Người học cần thuộc lòng để khi nói tới có thể nắm vững chi pháp. Sắc Pháp thường được đề cập theo nhóm.

Phần A. Sắc pháp một loại (Ekavidhaṃ) là cách nói chung về sắc pháp chứ không phải là phân loại tuy vậy cũng được liệt kê ở đây. Đây là cách trình bày như pháp số truyền thống.

Có một số chi tiết trong sự phân loại cần được lưu ý qua các câu thảo luận của từng phần.


A. Sắc pháp một loại (Ekavidhaṃ)

Tất cả sắc pháp đều gọi là vô nhân (ahetukaṃ) vì sắc pháp không có nhân tương ưng.

Tất cả sắc pháp đều gọi là hữu duyên (sappaccayaṃ) vì sắc pháp do duyên trợ sanh.

Tất cả sắc pháp đều gọi là cảnh lậu (sāsavaṃ) vì sắc pháp là cảnh của lậu hoặc.

Tất cả sắc pháp đều gọi là hữu vi (saṅkhataṃ) vì sắc pháp còn bị tạo tác bởi bốn sở sanh là nghiệp, tâm, quí tiết và vật thực.

Tất cả sắc pháp đều gọi là hiệp thế (lokiyaṃ) vì sắc pháp thuộc phạm trù luân hồi, thuộc về đời.

Tất cả cả sắc pháp đều gọi là dục giới (kāmāvacaraṃ) vì sắc pháp là đối tượng của dục ái.

Tất cả sắc pháp đều gọi là vô cảnh (anārammaṇaṃ) vì sắc pháp là vô tri, không biết cảnh.

Tất cả sắc pháp đều gọi là phi ưng trừ (appahātabbaṃ) vì sắc pháp không phải phiền não, không đáng bị thánh đạo sát trừ.

Thảo luận 1. Tại sao nói “Tất cả cả sắc pháp đều gọi là dục giới (kāmāvacaraṃ)” vậy sắc thuộc sắc giới (rūpāvacaraṃ) thì sao?

Thảo luận 2. Có một số thực vật dường như có “cảm tính” như biết vươn cao khi chen chúc trong rừng; biết nghiêng theo thế huyền nhai khi gần dòng nước; virus biết thích nghi và biến thể theo vaccine; hay thậm chí phản ứng theo âm nhạc, thổ nhưỡng … thì có nên nói sắc pháp hoàn toàn vô tri?


B. Sắc pháp hai loại (Duvidhaṃ)

· Sắc pháp hai loại thứ nhất là sắc nội phần (ajjhattikarūpaṃ) và sắc ngoại phần (bāhirarūpaṃ).

1. Sắc nội phần là sắc cơ quan bắt cảnh, gồm 5 sắc thanh triệt hay thần kinh.

2. Sắc ngoại phần là sắc không phải cơ quan bắt cảnh, gồm 23 sắc ngoài 5 sắc thần kinh.

· Sắc pháp hai loại thứ hai là sắc vật (vatthurūpaṃ) và sắc phi vật (avatthurūpaṃ).

1. Sắc vật là sắc làm trú căn của tâm và tâm sở, có 6 sắc là 5 sắc thần kinh và sắc ý vật.

2. Sắc phi vật là sắc không phải trú căn của tâm pháp, gồm 22 sắc ngoài ra 6 vật.

· Sắc pháp hai loại thứ ba là sắc môn (dvārarūpaṃ) và sắc phi môn (advārarūpaṃ).

1. Sắc môn là sắc như cửa ngõ cho tâm nương sanh và nghiệp tác thành. Gồm 7 thứ sắc là 5 sắc thần kinh (cửa sanh lộ tâm ngũ môn), 2 sắc biểu tri (cửa sanh thân nghiệp và khẩu nghiệp).

2. Sắc phi môn là sắc pháp không thành cửa ngõ cho tâm sanh và nghiệp sanh. Gồm 21 sắc ngoài 7 sắc môn.

· Sắc pháp hai loại thứ tư là sắc quyền (indriyarūpaṃ) và sắc phi quyền (anindriyarūpaṃ).

1. Sắc quyền là sắc cai quản sự thấy, sự nghe …v.v… có 8 thứ sắc là 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính, 1 sắc mạng.

2. Sắc phi quyền là sắc không có chức năng cai quản. Gồm 20 sắc ngoài 8 sắc quyền.

· Sắc pháp hai loại thứ năm là sắc thô (oḷārikarūpaṃ) và sắc tế (sukhumarūpaṃ).

1. Sắc thô là sắc hiện bày rõ. Gồm 12 thứ sắc là 5 sắc thần kinh và 7 sắc cảnh giới (sắc, thinh, khí, vị, xúc đất_lửa_gió).

2. Sắc tế là sắc không hiện bày rõ. Gồm 16 thứ sắc ngoài 12 sắc thô.

· Sắc pháp hai loại thứ sáu là sắc cận (santike rūpaṃ) và sắc viễn (dūre rūpaṃ).

1. Sắc cận là sắc gần, dễ biết. Chính là 12 sắc thô.

2. Sắc viễn là sắc xa, khó biết. Chính là 16 sắc tế.

· Sắc pháp hai loại thứ bảy là sắc hữu đối chiếu (sappaṭigharūpaṃ) và sắc vô đối chiếu (appaṭigharūpaṃ).

1. Sắc hữu đối chiếu là sắc đối chiếu nhau như thần kinh nhãn đối chiếu cảnh sắc …v.v… Chính là 12 sắc thô (5 sắc thần kinh và 7 sắc cảnh giới).

2. Sắc vô đối chiếu là sắc không đối chiếu với nhau. Chính là 16 sắc tế.

· Sắc pháp hai loại thứ tám là sắc thủ (upādinnarūpaṃ) và sắc phi thủ (anupādinnarūpaṃ).

1. Sắc thủ là sắc được nghiệp thủ tạo thành, tức là sắc sanh từ nghiệp bất thiện và thiện hiệp thế. Gồm 18 thứ sắc nghiệp (8 sắc bất ly, 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc giao giới).

2. Sắc phi thủ là sắc không do nghiệp thủ tạo thành, tức là sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực tạo.

· Sắc pháp hai loại thứ chín là sắc hữu kiến (sanidassanarūpaṃ) và sắc vô kiến (anidassanarūpaṃ).

1. Sắc hữu kiến là sắc thấy được bằng mắt, đó là sắc cảnh sắc hay sắc xứ (rūpāyatanaṃ).

2. Sắc vô kiến là sắc không thấy được bằng mắt. Gồm 27 sắc ngoài cảnh sắc.

· Sắc pháp hai loại thứ mười là sắc bắt cảnh (gocaraggāhakarūpaṃ) và sắc không bắt cảnh (agocaraggāhakarūpaṃ).

1. Sắc bắt cảnh là sắc có vai trò thu bắt cảnh ngũ (sắc, thinh …v.v…). Đây là 5 sắc thần kinh. Nhưng thần kinh nhãn sắc thần kinh nhĩ là sắc bắt cảnh không chạm (asampattavasena); Còn 3 sắc thần kinh tỷ, thần kinh thiệt và thần kinh thân là những sắc bắt cảnh có chạm (sampattavasena).

2. Sắc không bắt cảnh là sắc không có chức năng thu bắt cảnh ngũ. Đây là 23 sắc ngoài ra 5 thần kinh.

· Sắc pháp hai loại thứ mười một là sắc bất ly (avinibbhogarūpaṃ) và sắc khả ly (vinibbhogarūpaṃ).

1. Sắc bất ly là sắc sanh chung nhau, không thể tách rời nhau. Có 8 thứ sắc bất ly là màu, mùi, vị, dưỡng tố và 4 sắc đại hiển.

2. Sắc khả ly là sắc sanh riêng lẻ, có thể tách rời nhau. Ngoài 8 sắc bất ly, 20 sắc còn lại gọi là sắc khả ly.

Thảo luận 3. Theo Thắng Pháp thì phải chăng có những thứ vật chất sanh khởi và tồn tại hoàn toàn độc lập với nghiệp chúng sanh hay không liên hệ gì tới tâm thức (như quan niệm nhất thế pháp duy tâm tạo)?

Thảo luận 4. Ngày nay hình ảnh và âm thanh được số hoá và gởi đi rất xa để được nhận biết (như sinh hoạt trong paltalk chẳng hạn). Hiện tượng âm thanh và hình ảnh nầy có thể hiểu giống như cảnh sắc, cảnh thinh trong Thắng Pháp truyền thống chăng?


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc