Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học bổ túc _ CHUNG QUANH SỰ TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học bổ túc _ CHUNG QUANH SỰ TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

Thứ sáu, 12/11/2021, 19:41 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 12.11.2021


Bài học bổ túc

CHUNG QUANH SỰ TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

Niết bàn – Nibbāna – là cứu cánh của người tu Phật. Có rất nhiều cái nhìn dị biệt về Niết bàn, đặc biệt là dựa theo quan điểm tông phái. Có thể nói là thà không bàn tới hơn là đưa ra một lập luận sai lạc rồi dẫn đến sự nhận thức sai lạc.

Nên bắt đầu tìm hiểu Niết bàn bằng sự khiêm tốn thành thật thừa nhận giới hạn của sự hiểu biết. Chúng ta thường nghĩ rằng với lý luận và ngôn ngữ thì có thể hiểu biết mọi thức nếu được diễn tả đầy đủ. Sự thật thì có những điều không thể nói bằng ngôn từ. Trong Kinh Subha sutta, Trung Bộ, Đức Phật có đưa ra thí dụ về một người khiếm thị bẩm sinh. Vì chưa bao giờ thấy được màu sắc nên nếu có ai dùng lời nói để mô tả sự khác biệt giữa các màu xanh, vàng, đỏ, trắng …v.v... thì càng nói càng khiến hiểu sai. Tương tự như vậy đối với phàm nhân chưa tự thân chứng ngộ giải thoát thì sự mô tả về Niết bàn rất dễ dẫn đến ngộ nhận.

Hiểu Niết bàn qua vị thế nhận thức. Trong Tăng Chi Bộ, Phẩm 5 pháp, Đức Phật dạy về sự liễu chứng Niết bàn với với từ góc nhìn như sau: “Tự thân chứng ngộ, vượt ngoài thời gian, đến để thấy, tỏ ngộ từ nội tại, được cảm nhận bởi các bậc trí”. Phải hiểu rõ 5 điều nầy mới thấy được tại sao rất khó đối với người không thực tu, thực chứng có thể thấu đạt được Niết bàn là gì.

Hiểu Niết bàn qua trạng thái đối lập là dukkha. Dukkha thường được dịch là đau khổ nhưng hàm nghĩa rất rộng. Đó là cái gì bất toàn, khó chịu, rỗng không. Bản chất của dukkha là là lẩn quẩn (saṁsāra vaṭṭa) không lối thoát. Không thể hiểu Niết bàn nếu không thật sự hiểu dukkha. Dukkha là cái gì gần gũi, dễ thấy, dễ biết nhưng không có nghĩa là phần đông có thể hiểu được. Thí dụ như bầy gà được cho ăn thì vui mừng nhưng không hiểu được thân phận là người ta nuôi để làm thịt.

Hiểu Niết bàn qua từ ngữ phủ định. Một cách để nói về Niết bàn là dùng cách nói phủ định thí dụ như ái tận, diệt khổ, vô vi, vô sanh bất tử ...v.v...

Hiểu Niết bàn qua từ ngữ đồng nghĩa tương đối. Mặc dù không có từ ngữ nào tương đồng tuyệt đối nhưng cũng có thể dùng một số ý nghĩa tương tự để mô tả thí dụ như santa (an tịnh), paṇīta (cao cả), suddhi (thanh tịnh) và khema (an ổn). Tất nhiên phải dùng đúng với ngữ cảnh.

Hiểu Niết bàn qua dụ ngôn. Một cách mà Đức Phật rất thường dùng để giải thích những điều khó hiểu là dùng dụ ngôn. Nói về Niết bàn thì có nhiều hình ảnh để minh hoạ. Như một vị A la hán như con bò đầu đàn dẫn cả bầy bò qua sông an toàn. Hay một người vượt qua được trùng dương phong ba bão tố đến được bờ bến an ổn. Hay sự chấm dứt sanh tử như ngọn lửa không tiếp tục cháy vì cạn nhiên liệu Là cảnh giới an ổn. Là hòn đảo giữa biển cả ...v.v...

Một số từ ngữ mô tả về Niết bàn tìm thấy trong kinh điển:

Akaṇha-asukka bất nhị Taṇhakkhaya ái tận
Akata vô vi Tāṇa bảo vệ
Akiñcana vô ưu Dīpa hải đảo, nơi nương tựa
Akuto-bhaya vô sở uý Dukkhakkhaya diệt khổ
Accuta bất động Duddasa khó thấy
Acchariya tuyệt luân Dhuva bền vững
Ajara; ajajjara không lão hoá Nipuṇa vi tế
Ajāta không sanh Nippapañca chí thiện
Anata không giao động Nibbāna tận diệt phiền não và đau khổ
Ananta không hạn cuộc Nibbuti thanh lương
Anādāna không chấp thủ Nirodha diệt đế
Anāpara cao tột Paṇīta cao cả
Anālaya vô cầu Paramattha lợi lạc tối thượng
Anāsava vô lậu Parama-sacca chân lý tối hậu
Anidassana vô tướng Pāra bỉ ngạn
Anītika không khổ nạn Mutti khai phóng
Anuttara vô thượng Mokkha cứu rỗi
Apalokita (-na) không huỷ hoại Yogakkhema thoát ly khổ ách
Abhaya không nguy hiểm Leṇa cảnh giới an toàn
Abbhūta “chưa từng có” Vimutti giải thoát
Abyādhi vô bệnh Vimokkha vượt thoát
Abyāpajjha không bị bức bách Viraja vô lậu
Abhūta không cấu thành Virāga ly tham
Amata bất tử Visuddhi thuần tịnh
Amosa-dhamma không hư hoại Sacca chân lý
Asaṅkiliṭṭha vô nhiễm Santa an tịnh
Asaṅkuppa bất động Santi

tịnh mặc

Asaṅkhata vô vi Saraṇa nơi nương tựa
Asaṅhīra không chuyển dịch Siva vô thượng an ổn
Asoka vô ưu Suddhi tinh khiết
Ārogya

vô bệnh

Sududdasa không dễ để thấy
Issariya tự tại Khema an ổn

Khi phải nói về Niết bàn Đức Phật đã nói thế nào? Trong kinh ghi lại có những lần Đức Phật dạy về niết bàn một cách trực tiếp qua pháp thoại. Dưới đây là một số trích dẫn.

Trong Udāna, Tiểu Bộ:

“Này chư tỳ kheo, có cảnh giới không có địa đại, thuỷ đại, phong đại, hoả đại. Không có không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng. Không có đời nầy, không có đời sau. Không có nhật, nguyệt. Như Lai không nói cảnh giới đó có đến, đi, sanh, diệt. Chính là sự diệt khổ”.

“Quả thật Niết bàn không dễ thấy biết khi còn vô minh và ái chấp sanh hữu. Chỉ có nội tâm đoạn tận vô minh và ái mới có thể thật sự liễu ngộ”.

Này chư tỳ kheo, có cái không sanh (ajāta), không trở thành (abhūta), không tạo (akata), không bị tạo (asaṅkhata). Chính là sự giải thoát cái bị sanh, bị già, hữu vi.

Còn lệ thuộc là còn dao động. Không lệ thuộc thì không dao động. Không giao động thì tịch tịnh. Không thiên chấp, không đến, không đi. Không đến, không đi thì không sanh không diệt. Không sanh không diệt thì không đời nầy không đời sau. Đó là sự chấm dứt hoàn toàn khổ uẩn.

Biên soạn : Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc