Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 67 - Chương VIII - PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 67 - Chương VIII - PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo)

Chủ nhật, 13/03/2022, 09:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 13.3.2022


Bài 67.

Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)

PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo)

TỔNG QUAN

Trong Thắng pháp tạng, bộ Phân tích (Vibhaṅga) trình bày phần phân tích duyên khởi (paccayākāravibhaṅgo) như sau:

Tattha avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārāpaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ, nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṃ, upādānapaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṃ soka – parideva – dukkha – domanass’ upāyāsā sambhavanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassasamudayo hotī’ti.

Ở đấy, do duyên vô minh có hành, do duyên hành có thức, do duyên thức có danh sắc, do duyên danh sắc có lục nhập, do duyên lục nhập có xúc, do duyên xúc có thọ, do duyên thọ có ái, do duyên ái có thủ, do duyên thủ có hữu, do duyên hữu có sanh, do duyên sanh có già chết – sầu – bi – khổ – ưu – não [hoặc, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử – sầu – bi – khổ – ưu – não]. Như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Paccayākāra, điều kiện trợ sanh – Chính là Paṭiccasamuppāda, Y tương sinh hay liên quan tương sinh. Có nghĩa là do nương vào nhau mà sanh khởi, pháp này làm duyên cho pháp kia, pháp kia có mặt do liên quan pháp này. Và, duyên sinh năng trợ sanh sở theo công thức duyên hệ (paṭṭhānanayena), mặc dù chỉ trình bày nguyên nhân và hậu quả mà không đề cập nhân trợ quả bằng cách nào, chỉ lý giải thôi.

*

PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo)

1. Avijjāpaccayā saṅkhārā sambhavanti – Do duyên vô minh có hành (hay vô minh duyên hành)

Lý giải:

Vô minh (avijjā) là không hiểu pháp đáng hiểu, không biết điều đáng biết, là sự ngu si mê muội. Vô minh chính là si, tâm sở si (mohacetasika) tương ưng với tâm bất thiện (akusalacitta). Vô minh hay si là không nhận thức được đặc tính bản thể của pháp hữu vi vô thường, khổ, vô ngã, không biết khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và đạo lộ đến diệt khổ...

Hành (saṅkhāra) do vô minh trợ, là nghiệp hành (kammasaṅkhāra), hành vi xấu hay tốt.

Vì si mê không biết nhân quả, chúng sanh tạo ra những nghiệp bất thiện, thực hiện thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp. Đây gọi là vô minh trợ cho phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) phi phúc hành là tư bất thiện (akusalacetanā).

Vì mê muội, không biết luân hồi là khổ nên chúng sanh mong ước được sanh cõi vui: trời, người, hoặc thích có danh lợi, rồi làm phước bố thí, trì giới, tu chứng thiền sắc giới. Đây gọi là vô minh trợ phúc hành (puññābhisaṅkhāra). Phúc hành là tư thiện dục giới (kāmāvacarakusalacetanā) và tư thiện sắc giới (rūpāvacarakusalacetanā).

Vì mê muội, khao khát cõi phạm thiên vô sắc nên có người tu chứng thiền vô sắc giới. Đây gọi là vô minh trợ bất động hành (Āneñjābhisaṅkhāra). Bất động hành là tư thiện vô sắc giới (arūpāvacarakusalacetanā).

Xét về cách vô minh duyên hành theo duyên hệ (paṭṭhānapaccaya):

- Vô minh duyên phi phúc hành. Si tâm sở đồng sanh với tư tâm sở trong cùng sát na tâm bất thiện, thì Si trợ Tư bằng nhân duyên, Hỗ tương duyên, Tương ưng duyên, Câu sanh duyên, Câu sanh y duyên, Câu sanh hiện hữu duyên, Câu sanh bất ly duyên.

Vô minh là Si trong sát na đổng lực bất thiện kế trước và hành là tư trong sát na đổng lực bất thiện kế sau, thì Si trợ Tư bằng Vô gián duyên, Liên tiếp duyên, Vô gián cận y duyên, Vô hữu duyên, Ly khứ duyên, và Trùng dụng duyên.

Vô minh là si trong tâm bất thiện sanh lúc trước làm đối tượng cho hành là tư hợp tâm bất thiện sau đó sanh khởi thì si trợ tư bằng Cảnh duyên và Trưởng duyên.

Vô minh tiềm miên (Avijjānusaya) được xem là duyên chính cho nghiệp hành (Kammasaṅkhāra). Do đó vô minh là si, trợ cho phi phúc hành là tư bất thiện, bằng thường cận y duyên.

Nói tổng quát thì vô minh trợ phi phúc hành bằng 16 duyên.

- Vô minh duyên phúc hành. Vô minh là si pháp bất thiện không thể đồng sanh tương ưng với tư thiện (kusalacetanā), nhưng có hai trường hợp vô minh duyên phúc hành:

Vô minh tiềm miên khiến chúng sanh chìm trong bóng tối mà tạo nghiệp hành, trong đó có phúc hành là tư thiện dục giới và tư thiệ sắc giới. Trường hợp này vô minh trợ phúc hành bằng thường cận y duyên.

Vô minh là si trong tâm bất thiện sanh lúc trước có thể làm cảnh cho tư thiện dục giới sanh khởi, trường hợp này vô minh duyên phúc hành dục giới bằng cảnh duyên.

Tóm lại, vô minh duyên phúc hành chỉ bằng hai duyên là cảnh duyên và thường cận y duyên.

- Vô minh duyên bất động hành. Vô minh tiềm miên trợ tư thiện vô sắc giới chỉ bằng một cách thường cận y duyên.

*

2. Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ sambhavati – Do duyên hành có thức (hay hành duyên thức)

Lý giải:

Nhắc lại, hành (saṅkhāra) là nghiệp (kamma); tức là tâm sở tư (cetanā) phối hợp trong tâm bất thiện và tâm hiệp thế. Tư (cetanā) là nghiệp, như Phật ngôn dạy: Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi nghĩa là “Này các Tỳ kheo, ta nói Tư là nghiệp”.

Thức (viññāṇa) do duyên hành, thức ấy là quả thức (vipākaviññāṇa) hay thức uẩn quả hiệp thế (lokiyavipākaviññāṇa) gồm 32 thứ tâm.

Thật ra, nghiệp quá khứ (hành) tạo ra danh uẩn quả (thức uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn) cùng tạo ra sắc nghiệp (kammasamuṭṭhānarūpa hay kammajarūpa hay kaṭattārūpa). Như trong bộ paṭṭhāna đã nói: Kusalākusalaṃ kammaṃ vipākānaṃ khandhānaṃ kaṭattā ca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo, nghĩa là nghiệp thiện và bất thiện trợ tạo các danh uẩn quả và các sắc nghiệp bằng cách nghiệp duyên.

Tuy vậy, trong y tương sinh chỉ nói là Hành duyên thức (nghiệp trợ tạo thức uẩn quả). Vì sao không nói hành duyên danh uẩn quả và sắc nghiệp trong khi ở thời điểm tái tục danh uẩn quả và sắc nghiệp cũng đã có mặt?

Vấn đề này, được Ngài Nandamālābhivaṃsa Sayadaw giải thích:

Vấn đề thứ nhất, mặc dù bốn danh uẩn luôn đồng sanh và tương ưng với nhau nhưng chỉ nói hành duyên thức, bởi vì nêu phần chính yếu tức là tâm quả (vipākacitta). Tâm có chức năng dẫn đầu tâm sở (pubbaṅgamarasaṃcittaṃ); Tâm sở chỉ là thuộc tánh của tâm, phụ họa với tâm, các tâm sở có thể phối hợp với tâm bất thiện và tâm thiện, không riêng tâm quả. Nên khi nói nghiệp (hành) tạo quả thì chỉ cần nói hành duyên thức uẩn là đủ.

Vấn đề thứ hai, mặc dù nghiệp có thể tạo sắc nhưng sắc nghiệp không gọi là quả (vipāka), không đồng tánh chất danh pháp (nāma) với nghiệp. Nên khi nói nghiệp (hành) tạo quả (thức) thì chỉ nói hành duyên thức (danh) mà không nói duyên sắc.

Nói về hành duyên thức có 4 trường hợp:

- Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) duyên thức quả bất thiện (akusalavipākaviññāṇa), tức là 12 tư bất thiện (akusalacetanā) trợ sanh 7 tâm quả bất thiện (akusalavipākacitta). Trong 7 tâm quả ấy, có một tâm quan sát (santīraṇacitta) làm thức tái sanh cõi bất hạnh (ngoại trừ tâm quan sát quả bất thiện do tâm si phóng dật tạo ra). Thời bình nhật thì sanh khởi đủ 7 thức quả bất thiện.

- Phúc hành dục giới (kāmāvacarapuññābhisaṅkhāra) duyên thức quả thiện dục giới (kāmāvacarakusalavipākaviññāṇa), tức 8 tư thiện (kusalacetanā) dục giới trợ sanh 16 tâm quả là 8 quả thiện vô nhân (kusalavipākāhetukacitta) và 8 đại quả (mahāvipākacitta). Trong đó có 9 tâm quả là thức tái sanh cõi vui dục giới, đó là 1 tâm quan sát quả thiện thọ xả và 8 tâm đại quả. Trong thời bình nhật sanh khởi đủ 16 thức quả thiện.

- Phúc hành sắc giới (rūpāvacarapuññābhisaṅkhāra) duyên thức quả sắc giới (rūpāvacaravipākaviññāṇa), tức 5 tư thiện (kusalacetanā) sắc giới trợ sanh 5 tâm quả sắc giới (rūpāvacaravipākacitta). Tâm quả bậc thiền nào sẽ là thức tục sinh hữu phần – tử cho cõi sắc bậc thiền ấy.

- Bất động hành (āneñjābhisaṅkhāra) duyên thức quả vô sắc giới (arūpāvacaravipākaviññāṇa), tức 4 tư thiện (kusalacetanā) vô sắc giới trợ sanh 4 tâm quả vô sắc giới (arūpāvacaravipākacitta). Bốn tâm quả vô sắc làm thức tục sinh – hữu phần – tử cho cõi vô sắc, tâm nào cõi nấy.

Xét theo duyên hệ (paṭṭhānapaccaya) thì hành duyên thức (nghiệp hành trợ cho quả thức) bằng hai duyên là dị thời nghiệp duyên và thường cận y duyên.

Nói thêm, sự tục sinh cõi vô tưởng (asaññasatta). Cõi vô tưởng hay nhất uẩn hữu (ekavokārabhava) là cõi mà chúng sanh ở đó chỉ có sắc uẩn, không có danh uẩn, nên ở thời điểm tục sinh chỉ có hiện khởi bọn sắc nghiệp mạng quyền do nghiệp hành sắc giới ngũ thiền tạo ra. Gọi là Hành duyên sắc.

*

3. Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ sambhavati – Do duyên thức có danh sắc (hay thức duyên danh sắc)

Lý giải:

Thức (viññāṇa) đây là thức uẩn quả (vipākaviññāṇakkhandha).

Nghiệp hành trợ sanh 32 quả thức, trong đó có 19 tâm quả làm việc tái tục, khởi đầu một kiếp sống mới, gọi là kiết sanh thức (paṭisandhiviññāṇa).

Danh sắc có do thức làm duyên. Danh (nāma) đây là thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn, tức 35 tâm sở đồng sanh với thức uẩn quả trong trong một sát na. Sắc (rūpa) đây là 18 sắc nghiệp, gồm sắc nghiệp tứ đại và sắc nghiệp y sinh.

Thức uẩn quả cõi ngũ uẩn mới trợ danh sắc; thức uẩn quả cõi tứ uẩn, chỉ duyên danh thôi.

Thức uẩn quả dục giới có 23 thứ tâm quả, trợ danh là 33 tâm sở (trừ giới phần và vô lượng phần); trợ sắc là 18 sắc nghiệp tái tục và bình nhật.

Thức uẩn quả sắc giới có 5 thứ tâm quả, trợ danh là 35 tâm sở (trừ giới phần); trợ sắc là 13 sắc nghiệp tái tục và bình nhật (trừ tỷ, thiệt, thân, 2 sắc giới tính).

Thức uẩn quả vô sắc giới có 4 thứ tâm quả chỉ trợ danh là 30 tâm sở phối hợp (trừ tầm, tứ, hỷ, giới phần và vô lượng phần); không có trợ sắc.

Xét theo duyên hệ (paṭṭhānapaccaya):

Thức duyên danh – thức uẩn trợ các tâm sở đồng sanh bằng chín duyên là câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh hiện hữu duyên, câu sanh bất ly duyên, câu sanh quyền duyên, danh vật thực duyên, hỗ tương duyên, tương ưng duyên và quả duyên.

Thức duyên sắc – Thức uẩn quả tái tục trợ sắc nghiệp ý vật tái tục bằng chín duyên là câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh bất tương ưng duyên, câu sanh hiện hữu duyên, câu sanh bất ly duyên, câu sanh quyền duyên, hổ tương duyên, danh vật thực duyên và quả duyên.

Thức duyên sắc – thức uẩn quả tái tục trợ sắc nghiệp tái tục, ngoài sắc ý vật, bằng tám duyên là bớt ra hổ tương duyên. Bởi vào thời điểm tái tục chỉ có tâm tái tục và sắc ý vật mới trợ lẫn nhau, hổ tương duyên; Đối với các sắc nghiệp khác thì tâm tái tục trợ duyên một chiều nên không có hổ tương duyên.

Thức duyên sắc – Thức uẩn quả bình nhật trợ sắc nghiệp bình nhật bằng bốn duyên là hậu sanh duyên, hậu sanh bất tương ưng duyên, hậu sanh hiện hữu duyên và hậu sanh bất ly duyên.

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc