Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 62 - Chương VIII - TỔNG QUAN - PHẦN I : ĐỊNH LÝ DUYÊN HỆ (Paṭṭhānanayo)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 62 - Chương VIII - TỔNG QUAN - PHẦN I : ĐỊNH LÝ DUYÊN HỆ (Paṭṭhānanayo)

Thứ năm, 24/02/2022, 09:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 24.2.2022


Bài 62. 

Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)

TỔNG QUAN

Quy luật về điều kiện trợ sanh và ủng hộ, gọi là duyên (paccaya). Pháp nào trợ giúp pháp khác sanh ra, gọi pháp ấy là năng duyên (paccaya); pháp nào sanh ra nhờ pháp khác trợ giúp, gọi pháp ấy là sở duyên (paccayuppanna). Pháp năng duyên trợ pháp sở duyên bằng mãnh lực trợ sanh (janakasatti), hoặc mãnh lực ủng hộ (upatthambhakasatti), hoặc bằng cả hai mãnh lực.

Đề cập đến duyên trợ (paccaya) Abhidhammatthasaṅgaha trình bày 2 loại:

1. Paṭiccasamuppāda – Y tương sinh

2. Paṭṭhāna – duyên hệ

Y tương sinh là định luật nhân quả luân hồi. Những yếu tố luân hồi trợ sanh

phụ thuộc vào nhau có trình tự như già chết do sanh làm duyên, sanh do hữu làm duyên, Hữu do thủ làm duyên, Thủ do ái làm duyên, Ái do thọ làm duyên, Thọ do xúc làm duyên, Xúc do lục nhập làm duyên, Lục nhập do danh sắc làm duyên, Danh sắc do thức làm duyên, Thức do hành làm duyên, Hành do vô minh làm duyên, đó làm tập khởi của toàn bộ ngũ uẩn nầy.

Duyên hệ là định lý về điều kiện trợ sanh pháp hữu vi. Pháp này duyên cho pháp kia sanh khởi; Một pháp sanh lên có nhiều điều kiện trợ sanh. Đó là qui luật tạo tác của hữu vi. Duyên hệ là công thức của duyên sinh.

Trong Visuddhimagga, phần Tuệ, khi nói đến 12 y tương sinh (paṭiccasamuppāda), Ngài Buddhaghosa đã dùng 24 duyên hệ để làm sáng tỏ mối liên quan giữa những cặp duyên sinh. Bởi lý do nầy nên ở đây sẽ trình bày trước 24 duyên hệ (paṭṭhāna) sau đó mới trình bày 12 duyên sinh.

*

PHẦN I: ĐỊNH LÝ DUYÊN HỆ

(Paṭṭhānanayo)

Trong bộ Paṭṭhāna (bộ vị trí) của tạng Abhidhamma (vi diệu pháp hay thắng pháp) trình bày duyên hệ, là những điều kiện trợ sanh các pháp hữu vi, gồm có 24 duyên:

1. Hetupaccayo – Nhân duyên

2. Ārammaṇapaccayo – Cảnh duyên

3. Adhipatipaccayo – Trưởng duyên

4. Anantarapaccayo – Vô gián duyên

5. Samanantarapaccayo – Liên tiếp duyên

6. Sahajātapaccayo – Câu sanh duyên

7. Aññamaññapaccayo – Hỗ tương duyên

8. Nissayapaccayo – Y chỉ duyên

9. Upanissayapaccayo – Cận y duyên

10.Purejātapaccayo – Tiền sanh duyên

11.Pacchājātapaccayo – Hậu sanh duyên

12.Āsevanapaccayo – Trùng dụng duyên

13.Kammapaccayo – Nghiệp duyên

14.Vipākapaccayo – Quả duyên

15.Āhārapaccayo – Vật thực duyên

16.Indriyapaccayo – Quyền duyên

17.Jhānapaccayo – Thiền na duyên

18.Maggapaccayo – Đồ đạo duyên

19.Sampayuttapaccayo – Tương ưng duyên

20.Vippayuttapaccayo – Bất tương ưng duyên

21.Atthipaccayo – Hiện hữu duyên

22.Natthipaccayo – Vô hữu duyên

23.Vigatapaccayo – Ly khứ duyên

24.Avigatapaccayo – Bất ly duyên

Lược giải 24 duyên theo ý nghĩa và chi pháp:

1. Nhân duyên (Hetupaccayo)

Nhân duyên, là sự trợ giúp bằng cách làm gốc rễ vững chắc. Như rễ giúp thân cây.

Chánh tạng giải thích:

Hetū hetusampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānam hetupaccayena paccayo’ti hetupaccayo.

Các nhân trợ các pháp tương ưng nhân và các sắc có nhân làm sở sanh bằng nhân duyên, như thế gọi là nhân duyên.

Chú giải:

Nhân (hetū) tức là nhân tương ưng, có 6 nhân tương ưng là tham (lobha), sân (dosa), si (moha), vô tham (alobha), vô sân (adosa), và vô si (amoha). Tham, sân, si là ba nhân bất thiện (akusalahetu) hay căn bất thiện (akusalamūla); Vô tham, vô sân, vô si là ba nhân thiện (kusalahetu) hay căn thiện (kusalamūha); vô tham, vô sân, vô si cũng là ba nhân vô ký (abyākatahetu) hay căn vô ký (abyākatamūla).

Các pháp tương ưng nhân (hetusampayuttakadhamma) là 103 tâm hữu nhân với 52 tâm sở phối hợp tâm hữu nhân.

Các sắc có nhân làm sở sanh (taṃsamuṭṭhānarūpa) là 17 sắc tâm hữu nhân, những sắc do các nhân tương ưng tâm trợ tạo.

Phân tích lời giải này, có ba trường hợp nhân duyên:

a. Ba nhân bất thiện trợ 12 tâm bất thiện với 27 tâm sở hợp tâm bất thiện, và trợ 17 sắc tâm hữu nhân bất thiện, bằng nhân duyên.

b. Ba nhân thiện trợ 37 tâm thiện cùng 38 tâm sở hợp tâm thiện, và trợ 17 sắc tâm hữu nhân thiện, bằng nhân duyên.

c. Ba nhân vô ký trợ 54 tâm vô ký hữu nhân cùng 38 tâm sở hợp tâm vô ký hữu nhân, và trợ 17 sắc tâm hữu nhân vô ký, bằng nhân duyên.

*

2. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo)

Cảnh duyên là sự trợ giúp bằng cách làm đối tượng tác động. Như ánh sáng cuối đường hầm giúp người đi tới, men theo lối ấy.

Chánh tạng giải thích:

Ārammaṇapaccayo’ti-rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo Saddāyatanaṃ sotaviññānadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo – Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo – Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo – Sabbe dhammā manoviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo – Yaṃ yaṃ dhammaṃ ārabbha ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā te te dhammā tesaṃ tesaṃ dhammānaṃ ārammaṇapaccayena paccayo.

Gọi là cảnh duyên như sắc xứ trợ nhãn thức giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Thinh xứ trợ nhĩ thức giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Khí xứ trợ tỷ thức giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Vị xứ trợ thiệt thức giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Xúc xứ trợ thân thức giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Sắc xứ, Thinh xứ, Khí xứ, vị xứ, xúc xứ trợ ý giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Tất cả pháp trợ ý thức giới và các pháp tương ưng bằng cảnh duyên – Những pháp nào sanh khởi, tức tâm và tâm sở, do bắt lấy pháp chi chi, thì pháp chi chi ấy trợ pháp tâm và tâm sở ấy bằng cảnh duyên.

Chú giải:

Sắc xứ (rūpāyatanaṃ) tức là sắc cảnh sắc.

Nhãn thức giới và các pháp tương ưng (cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 2 tâm nhãn thức và 7 tâm sở tợ tha biến hành phối hợp tâm nhãn thức.

Thinh xứ (saddāyatanaṃ) tức là sắc cảnh thinh.

Nhĩ thức giới và các pháp tương ưng (sotaviññāṇathātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 2 tâm nhĩ thức và 7 tâm sở tợ tha biến hành phối hợp tâm nhĩ thức.

Khí xứ (gandhāyatanaṃ) tức là sắc cảnh khí.

Tỷ thức giới và các pháp tương ưng (ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 2 tâm tỷ thức và 7 tâm sở tợ tha biến hành phối hợp tâm tỷ thức.

Vị xứ (rasāyatanaṃ) tức là sức cảnh vị.

Thiệt thức giới và các pháp tương ưng (jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 2 tâm thiệt thức và 7 tâm sở tợ tha biến hành phối hợp tâm thiệt thức.

Xúc xứ (phoṭṭhabbāyatanaṃ) tức là sắc cảnh xúc (đất, lửa, gió).

Thân thức giới và các pháp tương ưng (kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 2 tâm thân thức và 7 tâm sở tợ tha biến hành phối hợp tâm thân thức.

Sắc, thinh, khí, vị, xúc xứ gom lại thành cảnh ngũ (pañcārammaṇaṃ)

Ý giới và các pháp tương ưng (manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 2 tâm tiếp thu, 1 tâm khai ngũ môn, và 10 tâm sở tợ tha (trừ cần, hỷ, dục) phối hợp tâm ý giới.

Tất cả pháp (sabbe dhammā) ở đây nói đến cảnh pháp (dhammārammana) tức là tất cả tâm, tâm sở, sắc thần kinh, sắc tế, níp bàn và pháp chế định.

Ý thức giới và các pháp tương ưng (manoviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ) tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và 3 ý giới) và 52 tâm sở phối hợp ý thức giới.

Những pháp nào sanh khởi, tức tâm và tâm sở (ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhamma) là 121 tâm và 52 tâm sở nói chung.

Do bắt lấy pháp chi chi (yaṃ yaṃ dhammaṃ ārabbha) tức là nói đến sáu cảnh mà tâm biết, đó là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp.

Chi pháp tổng quát cảnh duyên là:

Năng duyên tức cảnh danh pháp, cảnh sắc pháp, cảnh níp bàn, cảnh chế định, trợ sở duyên sanh tức là 121 tâm và 52 tâm sở phối hợp.

*

3. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)

Trưởng duyên là sự trợ giúp bằng sức mạnh vượt trội, thế chủ lực, trọng điểm thu hút. Như trong bầy thú rừng, con đầu đàn mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn sẽ dẫn dắt đàn sinh tồn.

Chánh tạng giải thích:

Adhipatipaccayo’ti – chandādhipati chandasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamutthānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Viriyādhipati viriyasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Cittādhipati cittasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Vimaṃlādhipati vimaṃsasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Yaṃ yaṃ dhammaṃ garuṃ katvā ye ye dhammā upajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṃ tesaṃ dhammānaṃ adhipaccayena paccayo.

Gọi là trưởng duyên , như dục trưởng trợ các pháp tương ưng dục và các sắc tâm hữu dục trưởng bằng trưởng duyên – Cần trưởng trợ các pháp tương ưng cần và các sắc tâm hữu cần trưởng bằng trưởng duyên – Tâm trưởng trợ các pháp tương ưng tâm và các sắc tâm hữu trưởng bằng trưởng duyên – Thẩm trưởng trợ các pháp tương ưng thẩm và các sắc tâm hữu thẩm trưởng bằng trưởng duyên – các pháp nào như tâm và tâm sở sanh khởi do lấy pháp chi chi làm trọng, thì pháp chi chi ấy trợ pháp tâm và tâm sở ấy bằng trưởng duyên.

Chú giải:

Dục trưởng (chandādhipati) là tâm sở dục trong đổng lực đa nhân.

Pháp tương ưng dục (chandasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 84 tâm đổng lực đa nhân và 50 tâm sở (trừ hoài nghi và dục).

Các sắc tâm hữu dục trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ) là 17 sắc tâm có dục trưởng làm duyên.

Cần trưởng (viriyādhipati) là tâm sở cần trong đổng lực đa nhân.

Pháp tương ưng cần (viriyasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 84 tâm đổng lực đa nhân và 50 tâm sở (trừ hoài nghi và cần).

Các sắc tâm hữu cần trưởng (taṃsamuṭṭhānā nañca rūpaṃ) là 17 sắc tâm có cần trưởng làm duyên.

Tâm trưởng (cittādhipati) là 84 tâm đổng lực đa nhân (nhị nhân, tam nhân) gồm 8 tâm tham, 2 tâm sân, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm tố đáo đại và 40 tâm siêu thế.

Các pháp tương ưng tâm (cittasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 51 tâm sở hợp đổng lực đa nhân (trừ tâm sở hoài nghi).

Các sắc tâm hữu trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ) là 17 sắc tâm đổng lực đa nhân làm trưởng.

Thẩm trưởng (vimaṃsādhipati) là tâm sở trí tuệ trong đổng lực tam nhân (hợp trí).

Các pháp tương ưng thẩm (vimaṃsasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 66 tâm đổng lực hợp trí và 37 tâm sở phối hợp các đổng lực ấy (trừ trí).

Các sắc tâm hữu thẩm trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ) là 17 sắc tâm có thẩm trưởng làm duyên.

Các pháp nào như tâm và tâm sở sanh khởi (ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā) trong pháp duyên này là 8 tâm tham, 8 tâm đại thiện, 4 tâm đại tố hợp trí, 40 tâm siêu thế (cả thảy 60 tâm), cùng 45 tâm sở phối hợp các tâm ấy.

Do lấy pháp chi chi làm trọng (yaṃ yaṃ dhammaṃ garuṃ katvā) tức là pháp cảnh trưởng như tâm (trừ 2 tâm sân, 2 tâm si, thân thức thọ khổ) và tâm sở (trừ 4 sân phần, 1 hoàn nghi) 18 sắc rõ thành cảnh tốt và níp bàn.

Theo lời giải thích trên, nên biết có 3 cách trưởng duyên:

a. Câu sanh trưởng duyên. Chi pháp: năng duyên là dục trưởng, cần trưởng, tâm trưởng và thẩm trưởng trợ sở duyên đồng sanh là 84 tâm đổng lực đa nhân cùng 51 tâm sở hợp đổng lực đa nhân, và 17 sắc tâm hữu trưởng.

b. Cảnh trưởng duyên. Chi pháp: Năng duyên là 116 tâm và 47 tâm sở thành cảnh trưởng, 18 sắc rõ thành cảnh tốt, níp bàn, trợ cho sở duyên là 8 tâm tham, 8 tâm đại thiện, 4 tâm đại tố hợp trí, và 40 tâm siêu thế cùng 45 tâm sở hợp.

c. Vật cảnh tiền sanh trưởng duyên. Chi pháp: Năng duyên là sắc ý vật cận tử thành cảnh trưởng trợ sở duyên là đổng lực lộ cận tử 8 tâm tham cùng 22 tâm sở tương ưng.

*

4. Vô gián duyên (Anantarapaccayo)

Vô gián duyên là mãnh lực trợ sanh tiếp nối, liên tục, không cho gián đoạn. Như Vua cha băng hà, Thái tử kế vị ngai vàng để truyền thừa dòng dõi vậy. Dòng tâm thức, sát na tâm trước diệt trợ cho sát na tâm sau sanh không gián đoạn, gọi là vô gián duyên.

Chánh tạng giải thích:

Anantarapaccayo’ti – Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ anantarapaccayena paccayo – Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ anantarapaccayena paccayo – Purimā purimā akusalā dhammā akusalānaṃ dhammānaṃ anantarapaccayena paccayo – Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ anantara paccayena paccayo – Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ anantarapaccayena paccayo – Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ anantarapaccayena paccayo – Purimā purimā abyākatā dhammā akusalānaṃ dhammānaṃ anantarapaccayena paccayo – Yesaṃ yesaṃ dhammānaṃ anantarā ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā te te dhammā tesaṃ tesaṃ dhammānaṃ anatarapaccayena paccayo.

Gọi là vô gián duyên, như các pháp thiện kế trước trợ các pháp thiện kế sau bằng vô gián duyên – Các pháp thiện kế trước trợ các pháp vô ký kế sau bằng vô gián duyên – Các pháp bất thiện kế trước trợ các pháp bất thiện kế sau bằng vô gián duyên – Các pháp bất thiện kế trước trợ các pháp vô ký kế sau bằng vô gián duyên – Các pháp vô ký kế trước trợ pháp vô ký kế sau bằng vô gián duyên – Các pháp vô ký kế trước trợ các pháp thiện kế sau bằng vô gián duyên – Các pháp vô ký kế trước trợ pháp bất thiện kế sau bằng vô gián duyên – Những pháp nào như tâm và tâm sở sanh khởi tiếp theo những pháp nào, thì những pháp ấy trợ các pháp tâm và tâm sở đó bằng vô gián duyên.

Chú giải:

Pháp tâm và tâm sở (cittacetasikā dhammā) là bốn danh uẩn đồng sanh trong một sát na. Sát na trước diệt đi trợ cho sát na sau sanh nối tiếp gọi là vô gián duyên.

Pháp thiện kế trước trợ pháp thiện kế sau bằng vô gián duyên, tức là trong lộ trình tâm có đổng lực thiện diễn tiến, sát na đổng lực thiện sanh trước trợ cho sát na đổng lực thiện sanh tiếp theo, gọi là thiện trợ thiện bằng vô gián duyên.

Pháp thiện kế trước trợ pháp vô ký kế sau bằng vô gián duyên. Pháp thiện đây là sát na đổng lực thiện trợ pháp vô ký là sát na tâm mót cảnh hoặc sát na hữu phần sanh tiếp nối đổng lực thiện; trong lộ đắc đạo sát na tâm đạo trợ sát na tâm quả siêu thế cũng gọi là pháp thiện trợ pháp vô ký bằng vô gián duyên; Trong lộ nhập thiền diệt của bậc A na hàm, sát na tâm thiền thiện phi tưởng phi phi tưởng trợ sát na tâm tam quả khởi lên khi xuất thiền diệt, cũng gọi là pháp thiện trợ pháp vô ký bằng vô gián duyên.

Pháp bất thiện kế trước trợ pháp bất thiện kế sau bằng vô gián duyên là sát na đổng lực bất thiện vừa diệt trợ cho sát na đổng lực bất thiện sanh nối tiếp bằng vô gián duyên.

Pháp bất thiện kế trước trợ pháp vô ký kế sau bằng vô gián duyên. Tức là sát na đổng lực bất thiện vừa diệt trợ cho sát na tâm mót cảnh, hoặc tâm hữu phần, bằng vô gián duyên.

Pháp vô ký kế trước trợ pháp vô ký kế sau bằng vô gián duyên, như là tâm hữu phần trợ tâm hữu phần, tâm hữu phần dứt dòng trợ tâm khai ngũ môn, tâm khai ngũ môn trợ tâm nhãn thức hoặc nhĩ thức hoặc tỷ thức hoặc thiệt thức hoặc thân thức, tâm nhãn thức ..v.v.. trợ tâm tiếp thâu, tâm tiếp thâu trợ tâm quan sát, tâm quan sát trợ tâm xác định, tâm xác định trợ tâm đổng lực tố, tâm khai ý môn trợ tâm đổng lực tố, đổng lực tố trước trợ đổng lực tố sau, tâm đổng lực tố trợ tâm mót cảnh, tâm mót cảnh trợ tâm hữu phần; tâm tố phi tưởng phi phi tưởng trợ tâm tứ quả khởi lên khi xuất thiền diệt; Tâm tử trợ tâm tái tục đời sống mới, gọi là vô ký trợ vô ký bằng vô gián duyên.

Pháp vô ký kế trước trợ pháp thiện kế sau bằng vô gián duyên, như là sát na tâm xác định trợ tâm đổng lực thiện, hoặc sát na tâm khai ý môn trợ tâm đổng lực thiện trong lộ ý môn.

Pháp vô ký kế trước trợ pháp bất thiện kế sau bằng vô gián duyên, như là sát na tâm xác định trợ tâm đổng lực bất thiện trong lộ ngũ môn, sát na tâm khai ý môn trợ tâm đổng lực bất thiện trong lộ ý môn.

*

5. Liên tiếp duyên (Samanantarapaccayo)

Liên tiếp duyên giống như vô gián duyên, chỉ khác tên gọi. Liên tiếp duyên cũng có nghĩa là sự trợ duyên tâm sanh nối tiếp của dòng tư tưởng.

Khi Đức Phật thuyết vô gián duyên (Anantarapaccaya) có một số chư thiên không hiểu kịp nên Ngài thuyết lập lại nhưng dùng từ khác cũng đồng nghĩa: Liên tiếp duyên hay Đẳng vô gián duyên (Samanantarapaccaya) theo chú giải đã giải thích.

*

6. Câu sanh duyên (Sahajātapaccayo)

Câu sanh duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách sanh cùng thời điểm. Như ngọn đèn được thắp lên thì ánh sáng đồng thời bừng tỏa.

Chánh tạng giải thích:

Sahajātapaccayo’ti – Cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo – cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo – Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo – Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ sahajātapaccayena paccayo – Māhābhūtā upādārūpānaṃ sahajātapaccayena paccayo.

Gọi là câu sanh duyên, như bốn uẩn phi sắc trợ lẫn nhau bằng câu sanh duyên – Bốn đại hiển trợ lẫn nhau bằng câu sanh duyên – Vào thời điểm tục sinh, danh sắc trợ lẫn nhau bằng câu sanh duyên – Các pháp tâm và tâm sở trợ sắc tâm bằng câu sanh duyên – sắc đại hiển trợ sắc y sinh bằng câu sanh duyên.

Chú giải:

Bốn uẩn phi sắc (cattro khandhā arūpino) tức là 4 danh uẩn – thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn. Bốn danh uẩn này đồng sanh trong một sát na trợ giúp lẫn nhau, một trợ ba, ba trợ một, hai trợ hai. Như thế gọi là câu sanh duyên.

Bốn đại hiển (cattāro mahābhūtā) tức là 4 nguyên tố đất, nước, lửa, gió. Bốn nguyên tố này đồng sanh trong một đơn vị vật chất, chúng trợ lẫn nhau, một trợ ba, ba trợ một, hai trợ hai. Như thế gọi là câu sanh duyên.

Vào thời điểm tục sinh danh và sắc trợ lẫn nhau. Tâm quả tái tục gọi là danh, sắc ý vật tái tục cõi ngũ uẩn gọi là sắc. Danh và sắc tái tục đồng sanh vào sát na tục sinh, tâm tái tục trợ sắc ý vật tái tục, sắc ý vật tái tục là trú căn cho tâm tái tục. Như thế gọi là câu sanh duyên.

Các pháp tâm và tâm sở trợ sắc tâm, tức là sát na tâm tạo sắc tâm (cittājarūpa) bằng câu sanh duyên.

Sắc đại hiển trợ sắc y sinh, tức là sắc tứ đại trợ sắc y sinh đồng sanh một bọn như bọn sắc nghiệp, bọn sắc tâm, bọn sắc quí tiết, bọn sắc vật thực bằng câu sanh duyên.

*

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc