- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 20.2.2022
Bài 61.
Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)
GIẢI VỀ TIẾN TRÌNH TỬ SANH (Cutipaṭisandhikkamo)
1. Bốn trường hợp xảy ra cái chết
Chết xảy ra do bốn trường hợp: do tuổi thọ tận (āyukkhayena), do nghiệp tận (kammakkhayena), do cả hai tận, tuổi thọ và nghiệp (ubhayakkhayena), do đoạn nghiệp (upacchedakakammā).
Trường hợp chết do tuổi thọ tận (āyukkhayamaraṇa) là chết đúng với thời kỳ tuổi thọ. Như thời kỳ nhơn loại tuổi thọ trung bình là 100 tuổi, người sống đến 100 tuổi thì chết…. như vậy gọi là chết do tuổi thọ tận.
Trường hợp chết do nghiệp tận (kammakkhayamaraṇa) là chết đúng lúc sanh nghiệp (janakakamma) và trì nghiệp (upatthambhakakamma) hết hiệu lực. Như thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp sản sanh mạng quyền cho một người sống chừng ấy tuổi, khi đến tuổi ấy người đó chết, gọi là trường hợp chết do nghiệp tận.
Trường hợp chết do cả hai đều tận (ubhayakkhayamaraṇa) là chết đúng thời tuổi thọ và đúng lúc sanh nghiệp hết hiệu lực. Như thời kỳ nhơn loại là 70 hay 80 tuổi và nghiệp sanh mạng quyền cũng chừng ấy tuổi, đúng thời điểm 70 hay 80 tuổi thì chết, gọi là trường hợp chết do cả hai đều tận.
Trường hợp chết do đoạn nghiệp (upacchedakakammamaraṇa) là cái chết không đúng thời, chết đột ngột, chết do một nghiệp nặng nào do xen vào đoản mạng. Như bị tai nạn bất ngờ hay tự sát … gọi là chết do đoạn nghiệp.
Bốn trường hợp chết có thể hiểu qua thí dụ bốn cách tắt của ngọn đèn dầu: tắt do cạn dầu, tắt do lụn tim, tắt do vừa cạn dầu vừa lụn tim, do bị thổi tắt dù chưa cạn dầu chưa lụn tim. Ngọn đèn tắt do cạn dầu thí dụ cho trường hợp chết do tuổi thọ tận; Ngọn đèn tắt do lụn tim thí dụ cho trường hợp chết do nghiệp tận; Ngọn đèn tắt do vừa cạn dầu vừa lụn tim thí dụ cho trường hợp chết do do cả hai (tuổi thọ và nghiệp) đều tận; Ngọn đèn tắt do bị thổi thí dụ cho trường hợp chết do đoạn nghiệp.
2. Ba cảnh hiện ra lúc sắp chết
Vào lúc sắp chết, sẽ có một trong ba cảnh hiện ra cho lộ cận tử bắt lấy và dẫn đến cõi tái sanh tương ứng: cảnh nghiệp (kamma), cảnh nghiệp tướng (kammanimitta), cảnh thú tướng (gatinimitta).
Cảnh nghiệp (kamma) là trạng lại hành động đã làm lúc bình nhật, nghiệp thiện hay bất thiện. Sự nhớ lại việc làm thiện hay ác đó thành cảnh cận tử trợ cho tâm tái tục.
Cảnh nghiệp tướng (kammanimitta) là hiện ra dấu ấn liên quan hành động thiện hay ác, như người làm thiện thì thấy nghiệp tướng là lễ phẩm cúng dường hoặc thấy tăng ni đang nhận lễ phẩm cúng dường ..vv.. Còn người ác làm đồ tể hay thợ săn thì thấy nghiệp tướng là con dao hay cung tên, lưới bắt ..vv.. Nghiệp tướng ấy làm cảnh cận tử trợ tâm thiện hay tâm bất thiện khởi lên để tạo quả tái tục.
Cảnh thú tướng (gatinimitta) là thấy điềm báo cảnh tái sanh, như người thiện thì thấy đền đài nguy nga, vườn hoa ngoạn mục, lễ hội đông vui ..v.v.. Với người ác thì thấy chổ tăm tối, ngọn lửa thiêu đốt, bãi rác bẩn thỉu ..v.v.. Thú tướng ấy dẫn tâm tái tục vào cõi tương ứng.
Ba cảnh hiện ra lúc sắp chết đều là do mãnh lực của nghiệp, chi phối tiến trình đổng lực cuối của kiếp sống hiện tại, và sẽ làm cảnh cho tâm tái tục, hữu phần và tử của kiếp sống kế tiếp ..v.v..
Cũng nên hiểu rằng, trường hợp tái tục cõi dục giới thì cảnh cận tử “nghiệp tướng”, “thú tướng” là cảnh hiện tại hay quá khứ, và được thu bắt qua sáu môn; Nhưng cảnh cận tử là “nghiệp” thì chỉ là cảnh quá khứ, và được thu bắt qua ý môn.
Trường hợp tái tục cõi sắc giới, thì cảnh cận tử chỉ là “nghiệp tướng – kammanimitta”, và là cảnh chế định (paññattibhūtaṃ), được thu bắt qua ý môn.
Trường hợp tái tục cõi vô sắc, thì cảnh cận tử cũng chỉ là “nghiệp tướng – kammanimitta”, và là cảnh chế định (paññattibhūtaṃ) hay cảnh đáo đại (mahaggatabhūtaṃ), được thu bắt qua ý môn.
3. Tâm tái tục và cảnh
Ngoài bậc lậu tận (khīnāsavo) tức là A la hán chết không còn tái sanh, những hạng thánh hữu học (sekhā) và phàm nhân (puthujjana) thì chết còn tái sanh.
Tâm sanh khởi nối tiếp với tâm tử (cuticitta) của đời sống cũ, mở đầu cho đời sống mới, gọi là tâm tái tục (paṭisandhicitta).
Tâm tái tục là quả của nghiệp hữu (bhavakamma) trong đời sống cũ tạo ra. Tâm tái tục đồng sanh với các tâm sở (cetasika) tương ưng; Nếu sự tái sanh xảy ra trong cõi ngũ uẩn (pañcavokāra) thì sắc nghiệp ý vật (hadayavatthurūpa) sẽ hiện khởi đồng thời với tâm tái tục để làm trú căn cho tâm tái tục; Còn nếu sự sống mới mà xảy ra trong cõi tứ uẩn (catuvokāra) tức là cõi vô sắc thì sẽ không có sắc ý vật.
Tâm tái tục bắt cảnh mà đổng lực cận tử (maraṇāsannajavana) của kiếp sống trước đã thu bắt, gồm cảnh nghiệp (kamma) hay cảnh nghiệp tướng (kammanimitta) hay cảnh thú tướng (gatinimitta). Và tâm hữu phần trong kiếp sống mới cũng cùng bắt cảnh ấy.
Cảnh của tâm tái tục sắc giới là cảnh nghiệp tướng (kammanimitta); Cảnh chế định là đề mục biến xứ đã xuất hiện ở lộ ý môn cận tử kiếp trước, gọi là cảnh nghiệp tướng của tâm tái tục vô sắc giới.
Cũng vậy, cảnh của tâm tái tục vô sắc giới là cảnh nghiệp tướng (kammanimitta); Cảnh chế định như đề mục “không vô biên” và đề mục “vô sở hữu”, cảnh đáo đại như đề mục “Thiện không vô biên xứ” và đề mục “Thiện vô sở hữu xứ”, những đề mục ấy xuất hiện ở lộ ý môn cận tử kiếp trước, gọi là cảnh nghiệp tướng của tâm tái tục vô sắc giới.
4. Cõi tái tục sau khi chết
+ Người lạc vô nhân cõi nhơn loại và cõi Tứ đại thiên vương chết có thể tái sanh các cõi dục giới bằng mười thức tái tục dục giới.
+ Người nhị nhân cõi vui dục giới chết có thể tái sanh cũng chỉ trong cõi dục giới bằng mười thức tái tục dục giới.
+ Người tam nhân cõi dục giới chết có thể tái sanh trong bất cứ cõi nào; vì nếu người ấy tu chứng thiền sẽ sanh vào cõi phạm thiên, nếu tạo phước sẽ sanh cõi vui dục, nếu làm các ác nghiệp sẽ sanh vào cõi bất hạnh.
+ Vị phạm thiên cõi tịnh cư nếu chưa chứng A la hán níp bàn mà chết thì sanh cõi tịnh cư cao hơn, nhưng cho đến cõi sắc cứu cánh thì nhất định phải viên tịch.
+ Phạm thiên cõi sắc giới ngoài cõi Vô tưởng và cõi Tịnh cư, vị ấy chết có thể tái tục trong bất cứ cõi nào tùy nghiệp duyên (trừ 4 cõi bất hạnh), bằng tâm tái tục nhị nhân và tam nhân, có thể bằng sắc tái tục mạng quyền nếu sanh cõi vô tưởng.
+ Sau khi tử ở cõi Không vô biên xứ, có thể tái tục cõi không vô biên xứ, hay tục sinh 3 cõi vô sắc cao hơn, hoặc sanh xuống 7 cõi vui dục giới làm người tam nhân.
+ Sau khi tử ở cõi Thức vô biên xứ, có thể tái tục cõi thức vô biên xứ, hay tục sinh cõi Vô sở hữu xứ, cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ hoặc sanh xuống 7 cõi vui dục giới làm người tam nhân.
+ Sau khi tử ở cõi Vô sở hữu xứ, có thể tái tục cõi vô sở hữu xứ, hay tục sinh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc sanh xuống 7 cõi vui dục giới làm người tam nhân.
+ Sau khi tử ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có thể tái tục cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc sanh xuống 7 cõi vui dục giới làm người tam nhân.
5. Vòng luân hồi, tử – sanh sanh – tử
Cuộc sống này như một cái vòng tròn, do nghiệp lực và sự trợ duyên không gián đoạn của tâm tử đời sống trước tạo ra tâm tục sinh (paṭisandhicitta), tâm tục sinh sanh rồi diệt, nối tiếp là tâm hữu phần (bhavaṅga) sinh diễn như một dòng chảy trong đời sống, chỉ tạm gián đoạn khi những tâm lộ (vīthicitta) sanh khởi bắt cảnh mới rồi chìm vào tâm hữu phần lại. Cứ thế trôi chảy cho đến tâm hữu phần cuối cùng của đời sống, gọi đó là tâm tử (cuticitta).
Tục sinh – hữu phần – tử; Tử rồi tục sinh lại … Như vậy là vòng luân hồi – sanh tử.
Chính do vô minh làm mờ mắt nên chúng sanh không thấy con đường thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó. Ôm ấp phiền não (kilesa), tạo nghiệp (kamma), khiến sanh quả luân hồi (vipākavaṭṭa).
6. Dứt vòng luân hồi
Người tái tục bằng tâm quả tam nhân, là người có trí (Sapañño), trong đời sống chứng kiến những cảnh khổ ải, người trí ấy nhận thức và nhàm chán. Sự nhàm chán ấy thôi thúc bậc trí tu tập, thực hành Giới – Định – Tuệ. Qua thời gian, với tuệ quán (vipassanāñaṇa) họ thấy rõ chân tướng của danh sắc hữu vi là vô thường – khổ – vô ngã, làm sanh khởi đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa), chứng ngộ níp bàn là trạng thái tịch diệt pháp hữu vi. Bậc trí ấy đã khô cạn ái (taṇhā), cắt đứt mọi triền phược (saṃyojana), chết không còn tái sanh nữa. Đó gọi là dứt vòng luân hồi.
Bài đã học:
Bài 60. Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)
Giải Về 31 Cõi (Bhūmibheda)
Bài học tiếp theo:
Bài 62. Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)
Phần I. Định Lý duyên hệ (paṭṭhānanayo)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu