Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 60. Chương VII - Giải Về 16 Loại Nghiệp (Kammabheda)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 60. Chương VII - Giải Về 16 Loại Nghiệp (Kammabheda)

Thứ năm, 17/02/2022, 09:41 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 17.2.2022


Bài 60.

Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Giải Về 16 Loại Nghiệp (Kammabheda)

Nghiệp – Kamma, nghĩa là tạo tác, hành động; Nghiệp là nhân tố tạo quả dị thục. Nghiệp thiện tạo quả vui và nghiệp bất thiện tạo quả khổ. Trong phạm vi này chỉ đề cập đến nghiệp luân hồi (Kammavaṭṭa) tạo quả luân hồi (vipākavaṭṭa) chứ không giải rộng các khía cạnh của nghiệp duyên (Kammapaccaya) vì liên quan đến tâm ngoại lộ (tâm tục sinh, tâm hữu phần, và tâm tử của kiếp sống).

Nghiệp là hành động có thể được thực hiện bằng thân (gọi là thân nghiệp kāyakamma), thực hiện bằng khẩu (gọi là khẩu nghiệp vacīkamma), thực hiện bằng ý (gọi là ý nghiệp, manokamna). Nhưng thân và khẩu không thể tự hành động mà phải do tâm điều khiển qua sắc tâm (cittajarūpa).

Lại nữa, tâm (citta) chỉ là trạng thái biết cảnh. Tâm không ra lệnh hay chỉ đạo hành động mà chính do một hành uẩn thuộc tánh của tâm là “Tư” (cetanā) có chức năng dẫn dắt chỉ đạo tâm và các pháp đồng sanh với nó thực hiện hành động hay tạo thành nghiệp.

Do đó, nói một cách chính xác thì nghiệp (kamma) là Tư (cetanā). Như Phật ngôn rằng: Cetanā’ haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi (Tư, này các tỳ kheo, ta nói là nghiệp).

(cetanā) đồng sanh với căn tham (lobhamūla), căn sân (dosamūla) và căn si (mohamūla), gọi là Tư bất thiện (akusalacetanā). Còn Tư (cetanā) đồng sanh với căn vô tham (alobhamūla), căn vô sân (adosamūla) và căn vô si (amohamūla) tức trí tuệ (paññā), gọi là Tư thiện (kusalacetanā).

Nói cách khác, Tư (cetanā) hiện diện trong 12 tâm bất thiệt là nghiệp bất thiện (akusalakamma). Còn Tư (cetanā) hiện diện trong 8 tâm đại thiện, 5 tâm thiện sắc giới và 4 tâm thiện vô sắc giới là nghiệp thiện (kusalakamma).

Tâm bất thiện và tâm thiện do Tư chủ trương hành động bằng thân khẩu ý, sau khi hành động, tâm ấy diệt, mặc dầu vậy, Tư trong các tâm ấy có tánh chất là nghiệp dị thời (nānakkhaṇikakamma) sẽ tạo ra quả dị thục (vipāka) khi hợp duyên.

Vấn đề nghiệp trổ quả, như có sự chắt lọc. Vì trong thời gian một nháy mắt có hàng tỷ tâm sanh khởi, hàng triệu đổng lực thiện và bất thiện hành động, không thể tất cả Tư thiện và tư bất thiện ấy đều có hiệu ứng tạo quả, nên chỉ có một vài nghiệp thành tựu thôi.

Nghiệp báo là một định luật chi phối đời sống, dù Đức Phật có xuất hiện hay không có xuất hiện để tuyên bố , thì nhân quả vẫn xảy ra. Nghiệp báo nhân quả không phải là một lập thuyết của đạo Phật.

Và mặc dù chúng ta không thể biết nghiệp riêng của mỗi chúng sanh. Nghiệp quả bất khả tư nghì. Nhưng có thể phân lọai nghiệp dựa theo những gì Đức Phật đã trình bày mô tả trong kinh.


A. BỐN LOẠI NGHIỆP PHÂN THEO CHỨC NĂNG

(Kiccavasena Kammacatukkaṃ)

Janakaṃ upatthambhakaṃ upapīḷakaṃ upaghātakañc’eti kiccavasena cattāri kammāni nāma.

Sanh nghiệp, trì nghiệp, chướng nghiệp và đoạn nghiệp. Gọi là bốn loại nghiệp theo chức năng.

Giải thích:

1. Janakakamma – Sanh nghiệp. Nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện mà sản sinh ra quả thức tục sinh và sắc nghiệp nghiệp tục sinh cho một kiếp sống mới, gọi là sanh nghiệp hay nghiệp sản sinh. Chính sanh nghiệp tạo ra tâm tục sinh hữu phần và tử cho chúng sinh.

Nếu là nghiệp bất thiện sẽ sản sinh tâm quả bất thiện ý thức giới và sắc nghiệp tục sinh thành chúng sinh cõi bất hạnh: địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, Atula.

Nếu là nghiệp thiện sẽ sản sinh tâm quả thiện vô nhân ý thức giới và tâm quả dục giới hữu nhân, cùng sắc nghiệp tục sinh thành người lạc ở cõi vui dục giới.

Nếu là thiện nghiệp sắc giới sẽ sản sinh tâm quả sắc giới cùng sắc nghiệp tục sinh thành người lạc ở cõi sắc giới hữu tưởng; Lại nữa, nghiệp sắc giới ngũ thiền sản sinh sắc nghiệp mạng quyền tục sinh thành người lạc cõi vô tưởng.

Nếu là thiện nghiệp vô sắc giới sẽ sản sinh tâm quả vô sắc tục sinh thành phạm thiên cõi vô sắc.

2. Upatthambhakakamma – Trì nghiệp. Là mãnh lực thiện nghiệp hay bất thiện nghệp có chức năng ủng hộ duy trì quả do nghiệp sản sinh được kéo dài.

Sanh nghiệp thiện thì trợ cho chúng sanh được tái sanh các cõi vui như cõi người, cõi thiên tiên, cõi phạm thiên, rồi nhờ trì nghiệp thiện giữ gìn thọ mạng và đảm bảo đời sống chúng sanh ấy được khỏe mạnh, đầy đủ nhu cầu hạnh phúc ..vv..

Sanh nghiệp bất thiện thì trợ cho chúng sanh tục sinh vào các cõi bất hạnh như địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, Atula, rồi do trì nghiệp bất thiện duy trì cảm thọ khổ mãi không dứt được.

Ở cõi người cũng có trường hợp, mặc dù do sanh nghiệp thiện mới sanh làm thân nhân loại, nhưng sống bị quả xấu của ác nghiệp, bệnh tật, nghèo khổ, tai ương… và trì nghiệp bất thiện kéo dài sự sống để chịu khổ.

3. Upapīḷakakamma – Chướng nghiệp. Là thứ nghiệp khắc chế, làm trở ngại, làm yếu đi hiệu năng của nghiệp khác. Tất nhiên, cả hai loại nghiệp thiện và nghiệp bất thiện đều là chướng nghiệp, khắc chế lẫn nhau.

Trường hợp một người đã làm thiện nghiệp lẽ ra quả trổ họ sẽ được hoàn toàn hạnh phúc nhưng vì cũng đã từng tạo nghiệp bất thiện nên bất thiện nghiệp ấy cản trở, làm yếu thiện nghiệp, khiến người ấy không hạnh phúc trọn vẹn. Đây gọi là bất thiện chướng nghiệp.

Trường hợp ngược lại, một người đã tạo ác nghiệp lẻ ra quả trổ họ sẽ bị đau khổ cùng cực nhưng vì cũng có tạo thiện nghiệp nên thiện nghiệp ấy làm lực cản, khiến ác nghiệp trổ quả yếu đi, người ấy bớt đau khổ. Đây gọi là thiện chướng nghiệp.

4. Upaghātakakamma – Đoạn nghiệp. Là nghiệp có mãnh lực phá vỡ, làm vô hiệu hóa khả năng trổ quả của nghiệp khác, chẳng những thế, nghiệp này còn tạo quả ngược lại và thay thế nghiệp khác nữa. Cả hai loại thiện nghiệp và bất thiện nghiệp đều có chức năng phá trừ nghiệp đối nghịch.

Trường hợp một người lẽ ra bị chết yểu vì ác nghiệp đã làm, nhưng người này nhờ hiện tại tạo được nghiệp lành cực mạnh nên đã chuyển đổi ác nghiệp, họ được sống thọ; hoặc trường hợp có người làm ác nghiệp lẽ ra mệnh chung sẽ sanh vào địa ngục, nhưng giờ phút cuối người ấy gặp Đức Phật và khởi lên niềm tin mãnh liệt với Ngài, nên người ấy mệnh chung sanh vào cõi trời… Đây gọi là thiện đoạn nghiệp.

Ngược lại, trường hợp một người làm thiện phước lẽ ra sau khi mệnh chung sẽ sanh vào cõi trời nhưng vì cận tử nghiệp khởi lên là bất thiện nên người ấy sanh vào địa ngục khổ cảnh. Đay gọi là bất thiện đoạn nghiệp.


B. BỐN LOẠI NGHIỆP PHÂN THEO CÁCH TRÌNH TỰ TRỔ QUẢ

(Pākadānapariyānena kammacatkkaṃ)

Garukaṃ āsannaṃ āciṇṇaṃ kaṭattākammañc’eti pākadānapariyāyena cattāri kammāni nāma.

Trọng nghiệp, cận tử nghiệp, thường nghiệp, và dĩ tác nghiệp, gọi là bốn loại nghiệp theo cách trình tự trổ quả.

Giải thích:

1. Garukakamma – Trọng nghiệp

Là nghiệp nặng, nghiệp có công suất mạnh, có mảnh lực tạo quả tái tục kiếp kế tiếp không có mảnh lực nào khác có thể ngăn chận được.

Trọng nghiệp bất thiện chính là năm nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma); giết cha, giết mẹ, giết thánh A La Hán, gây thương tích vị Phật toàn giác, tạo chia rẽ tăng chúng, làm bằng tâm tà kiến và sân hận.

Trọng nghiệp thiện chính là nghiệp thiện sắc giới (rūpāvacarakusalakamma) và nghiệp thiện vô sắc giới (ārūpāvacarakusalakamma); Người chứng thiền và không bị hoại thiền, sau khi chết chắc chắn sanh vào cõi phạm thiên. Nghiệp thiện siêu thế (lokuttarakusalakamma) hay Đạo siêu thế (lokuttaramagga) cũng là một trọng nghiệp vì có mãnh lực đóng cửa bốn cõi khổ vĩnh viễn.

Tuy nhiên, một người phàm đã chứng thiền hiệp thế nhưng lại phạm những nghiệp vô gián, thì trọng nghiệp ấy sẽ làm hư hoại trọng nghiệp thiện tức là thiền chứng của người ấy, và trọng nghiệp vô gián này sẽ dẫn tái sanh cõi địa ngục. Như trường hợp của Devadatta bị hoại thiền mất thần thông do tạo trọng nghiệp ác gây thương tích cho Đức Phật và chia rẽ tăng chúng.

Lại nữa, trọng nghiệp bất thiện còn có trọng lực ngăn chận sự chứng đạt pháp siêu thế, dù một người kiếp ấy có đủ phước ba la mật để chứng đạo quả. Như trường hợp vua Ajātasattu nghe Đức Phật giảng kinh Sa Môn Quả, vua Ajātasattu đủ duyên để chứng quả thánh Nhập lưu, nhưng không đắc chứng được bởi vua ấy đã giết cha soái ngôi.

Nhưng, với người đã đắc đạo quả siêu thế dù chỉ là bậc sơ đạo sơ quả cũng vĩnh viễn không tạo trọng nghiệp vô gián, cũng như không còn tà kiến.

2. Āsannakamma – Cận tử nghiệp

Cận tử nghiệp là nghiệp được thực hiện trước khi chết. Một người trước lúc lâm chung khởi lên tâm thiện hay bất thiện do nhớ lại việc làm tốt hay việc làm xấu mà mình đã làm trong bình nhật, tâm thiện nhớ lại việc tốt ấy hay tâm bất thiện nhớ lại việc xấu ấy, gọi là cận tử nghiệp. Nếu người đó không có làm trọng nghiệp nào trong đời sống thì chính cận tử nghiệp này sẽ đóng vai trò sanh nghiệp (janakakamma) cho người đó sau khi chết.

Một người tốt nhưng trước lúc lâm chung khởi lên tâm bất thiện do ám ảnh nhớ lại việc bất thiện đã làm, thì cận tử nghiệp bất thiện ấy sẽ chi phối người ấy tái sanh vào khổ cảnh. Ngược lại, một người xấu nhưng lúc gần lâm chung chợt khởi lên tâm niệm thiện do một cảnh thiện trợ duyên thì cận tử nghiệp ấy có thể khiến người này tái sanh vào nhàn cảnh. Chính điều này nên cần có sự trợ niệm cho người thân sắp chết để khơi dậy tâm thiện cho họ.

Tuy rằng một người xấu có thể đạt một cõi vui do cận tử nghiệp thiện nhưng không có nghĩa là người ấy sẽ thoát khỏi quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã làm trong lúc bình sinh, khi tái sanh ở những kiếp sống sau họ vẫn phải thọ lãnh quả xấu tương ứng với nghiệp bất thiện. Ngược lại, một người tốt bị tái sanh khổ cảnh do cận tử nghiệp bất thiện, nhưng không phải thiện pháp họ đã làm không có quả báo, sẽ có cơ hội khác thiện nghiệp kia trổ quả cho họ hạnh phúc.

3. Āciṇṇakamma – Thường nghiệp

Thường nghiệp là nghiệp được thực hiện thường xuyên, lập đi lập lại thành tập quán hay thói quen. Thường nghiệp có thể là thiện hay bất thiện.

Thường nghiệp thiện là những hành động tốt như bố thí, trì giới, tu thiền, cung kính, phục vụ, ..vv.. mà người thường xuyên làm, đã thành thói quen.

Thường nghiệp bất thiện là những hành vi xấu được lập đi lập lại trong đời sống, như thói quen sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, ...vv...

Nếu không có trọng nghiệp hay cận tử nghiệp thì chính thường nghiệp này sẽ có vai trò trợ tái tục kiếp sống mới sau khi chết.

4. Kaṭattākamma – Dĩ tác nghiệp

Dĩ tác nghiệp là nghiệp đã làm tình cờ ở thời điểm nào đó rồi quên, nhưng cũng đủ mạnh để đảm nhận vai trò trợ tái tục kiếp sống mới; Nếu không có trọng nghiệp, cận tử nghiệp, thường nghiệp thì dĩ tác nghiệp này mới có tác dụng dẫn tái sanh.

Dĩ tác nghiệp cũng có thể là thiện, cũng có thể là bất thiện.

Trường hợp một người thỉnh thoảng có cho người ăn xin một đồng bạc hay thỉnh thoảng có lời nói chân thật ..vv.. chỉ là một điều tốt thoáng qua, không nhớ được, đây gọi là thiện dĩ tác nghiệp.

Còn trường hợp một người thỉnh thoảng làm chết côn trùng, hoặc đôi khi nói đùa không thật ..v.v.. chỉ là một điều xấu thoáng qua không nhớ được, đây gọi là bất thiện dĩ tác nghiệp.

Bốn loại nghiệp thứ hai (B) này là trọng nghiệp, cận tử nghiệp, thường nghiệp và dĩ tác nghiệp là những thư nghiệp có vai trò tạo quả dẫn đi tái sanh, nói cách khác là tạo ra sanh nghiệp (janakakamma). Bởi thế, không thể nói khẳng định là làm người thiện chắc chắn kiếp sau sẽ sanh nhàn cảnh, hay người làm ác chắc chắn kiếp sau sẽ sanh khổ cảnh... Cũng ví như chuồng bò nhốt nhiều con bò qua đêm, buổi sáng của chuồng được mở để thả bò ra đồng cỏ, có thể có con bò mạnh khỏe nhất nó sẽ chen ra trước (như trọng nghiệp); cũng có thể con bò đứng gần cửa sẽ ra trước (như cận tử nghiệp); cũng có thể có con bò theo thói quen giành đường ra cửa trước (như thường nghiệp); Khi trong chuồng không còn con bò nào thì con bò sót lại sẽ ra cửa (như dĩ tác nghiệp).


C. BỐN LOẠI NGHIỆP TRỔ QUẢ THEO THỜI GIAN

(pākakālavasena kammacatukkaṃ)

Diṭṭhadhammavedanīyaṃ upapajjavedanīyaṃ aparāpariyavedanīyaṃ ahosikammañc’eti pākakālavasena cattāri kammāni nāma.

Hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp, và vô hiệu nghiệp, gọi là bốn loại nghiệp theo thời gian trổ quả.

Giải thích:

1. Diṭṭhadhammavedanīyakamma – Hiện báo nghiệp

Hiện báo nghiệp là loại nghiệp trổ quả, có cảm thọ vui hay khổ liền trong kiếp hiện tại sau khi làm một hành động thiện hay ác.

Trong lộ trình tâm thực hiện hành vi thiện hoặc bất thiện, có bảy sát na đổng lực thiện (kusalajavana) hay bảy sát na đổng lực bất thiện (akusalajavana). Tư – cetanā của tâm đổng lực thứ nhất có vai trò hiện báo nghiệp.

Nhưng hiện báo nghiệp cũng hiếm khi thành tựu quả, bởi do yếu không có mãnh lực trùng dụng duyên (āsevanapaccaya) trợ từ tâm đổng lực trước. Hiện báo nghiệp thiện thành tựu quả trong trường hợp làm việc phước đặc biệt như phát tâm hoan hỷ cúng dường đến một vị Phật, hoặc một bậc lậu tận vừa xuất thiền diệt; Hiện báo nghiệp ác thành tựu quả trong trường hợp trực tiếp tạo năm đại nghịch tội, hay tạo ác nghiệp một cách nghiêm trọng, tán tận lương tâm.

2. Upapajjavedanīyakamma – Sanh báo nghiệp

Sanh báo nghiệp là nghiệp có mãnh lực tạo quả đời khác sau đời sống này. Nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện tạo ở đời này mà trổ quả ở kiếp kế, sau khi chết, gọi là sanh báo nghiệp.

Chính Tư thiện hay Tư bất thiện của đổng lực thứ bảy trong lộ tâm thể hiện hành vi, có vai trò sanh báo nghiệp.

Sanh báo nghiệp cũng không phải chắc chắn thành tựu vì có rất nhiều sanh báo nghiệp khác trong đời sống xen vào.

Có người làm ác nhưng cận tử nghiệp thiện mạnh nên họ tái sanh nhàn cảnh sau khi mạng chung. Cũng có người làm thiện nhưng khởi lên cận tử nghiệp bất thiện mạnh khiến họ tái sanh khổ cảnh sau khi chết.

3. Aparāpariyavedanīyakamma – Hậu báo nghiệp

Hậu báo nghiệp là thứ nghiệp trổ quả đời sau sau nữa, tức là từ kiếp thứ ba trở đi cho đến khi đắc đạo quả và níp bàn chấm dứt tái sanh.

Tư thiện hay Tư bất thiện hợp với năm tâm đổng lực giữa (đổng lực thứ hai đến đổng lực thứ sáu) là vai trò hậu báo nghiệp. Năm đổng lực giữa có vai mãnh lực trùng dụng duyên (āsevanapaccaya) mạnh hơn đổng lực đầu và cuối, vì những đổng lực giữa vừa là năng vừa là sở trong trùng dụng duyên nên thành hậu báo nghiệp có mãnh lực trổ quả ở những kiếp luân hồi bất định cho đến khi níp bàn mới hết...

Do đó, nên biết rằng đời này được hạnh phúc hay bị tai ương có thể là do hậu báo nghiệp quá khứ xa xưa, ngay cả Đức Phật và các đệ tử A La Hán của Ngài cũng bị hậu báo nghiệp quá khứ trổ quả khi các Ngài còn thân cuối cùng chưa vô dư y níp bàn.

4. Ahosikamma – Vô hiệu nghiệp

a. Vô hiệu nghiệp đối với hiện báo nghiệp: Tâm đổng lực thứ nhất trong mỗi lộ trình tâm là hiện báo nghiệp có hiệu lực trổ quả thời gian một đời sống hiện tại, vừa khi mệnh chung thì hiện báo nghiệp này hết hiệu lực, gọi là vô hiệu nghiệp.

b. Vô hiệu nghiệp đối với sanh báo nghiệp: Tâm đổng lực thứ bảy trong mỗi lộ trình tâm là sanh báo nghiệp có hiệu lực trổ quả trong thời gian kiếp sống kế tiếp đây. Hết kiếp sống đó thì sanh báo nghiệp không còn hiệu lực nữa, gọi là vô hiệu nghiệp.

c. Vô hiệu nghiệp đối với hậu báo nghiệp: Năm đổng lực giữa trongmỗi lộ trình tâm là hậu báo nghiệp có hiệu lực trổ quả suốt các kiếp sống luân hồi, kéo dài và bất định thời gian, cho đến khi viên tịch níp bàn mới hết hiệu lực. Hậu báo nghiệp hết hiệu lực khi chúng sanh ấy vô dư y níp bàn gọi là vô hiệu nghiệp.

d. Vô hiệu nghiệp đối với đổng lực tố: Diễn trình tâm của bậc A La Hán, bảy đổng lực trong lộ tâm là tâm vô ký tố (abyākatakiriyā). Tư - Cetanā hợp tâm đổng lực tố không thành nghiệp dị thời bất cứ trường hợp nào (hiện báo nghiệp, hay sanh báo nghiệp, hay hậu báo nghiệp) vì bậc A la hán đã đoạn tận ái (taṇhā) – điều kiện tích lũy quả dị thục. Nên gọi đổng lực tố của vị A la Hán là vô hiệu nghiệp.


D. BỐN LOẠI NGHIỆP THEO NƠI TRỔ QUẢ

(Pākaṭṭhānavasena kammacatukkaṃ)

Tathā akusalaṃ kāmāvacarakusalaṃ rūpāvacarakusalaṃ arūpāvacarakusalañc’eti pākaṭṭhānavasena cattāri kammāni nāma.

Nghiệp bất thiện, nghiệp thiện dục giới, nghiệp thiện sắc giới, nghiệp thiện vô sắc giới. Gọi là bốn loại nghiệp theo nơi trổ quả.

Giải thích:

1. Akusalakamma – Nghiệp bất thiện

Nghiệp bất thiện là nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý do Tư (cetana) hợp với 12 tâm bất thiện tạo thành.

Thân nghiệp bất thiện như là sát sanh, trộm cắp, tà dâm được thực hiện qua thân biểu tri (kāyaviññatti).

Khẩu nghiệp bất thiện như là nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói nhảm nhí được thực hiện qua khẩu biểu tri (vacīviññatti).

Ý nghiệp bất thiện như tham lam, sân nộ, tà kiến được thể hiện qua ý nghĩ (mana).

Nghiệp bất thiện trổ sanh danh uẩn quả (vipākanāmakkhandha) và sắc nghiệp (kammajarūpa) trong bốn cõi bất hạnh là địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, A tu la.

Danh uẩn quả do nghiệp bất thiện tạo đây là bảy quả bất thiện như nhãn thức quả bất thiện, nhĩ thức quả bất thiện, ...vv… và tâm quan sát quả bất thiện làm việc tục sinh, hữu phần, tử cho hạng người khổ trong cõi bất hạnh (apāyabhūmi).

Sắc nghiệp do nghiệp bất thiện tạo đây là năm sắc thần kinh, hai sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền hình thành thân thể của người bốn cõi bất hạnh.

2. Kāmāvacarakusalakamma – Nghiệp thiện dục giới

Nghiệp thiện dục giới là tư (cetanā) hợp với 8 tâm đại thiện, tạo thành thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện và ý nghiệp thiện.

Thân nghiệp thiện như là thân hành kiêng tránh sát sanh, kiêng tránh trộm cắp, kiêng tránh tà dâm.

Khẩu nghiệp thiện như là khẩu hành kiêng tránh nói dối, kiêng tránh nói ly gián, kiêng tránh nói thô ác, kiêng tránh nói nhảm nhí.

Ý nghiệp thiện như là tâm suy nghĩ vô tham, suy nghĩ vô sân, suy nghĩ chánh kiến.

Ngoài thập thiện nghiệp đạo (kusalakammapatha) này ra, thiện nghiệp dục giới còn thể hiện thập phước nghiệp sự hay phúc hành tông (puññakiriyavatthu) nữa, đó là: xả thí (Dāna), trì giới (Sīla), tu tiến (Bhāvanā; tu chỉ: Samathabhāvanā; tu quán: vipassanābhāvanā), cung kính (apacāyana), phục vụ (veyyāvacca), hồi hướng phước (pattidāna), tùy hỷ phước (pattānumodana), thính pháp (dhammasavana), thuyết pháp (dhammadesanā), cải chánh tri kiến (diṭṭhujukamma). Như vậy có hai mươi pháp hành thiện nghiệp dục giới.

Nghiệp thiện dục giới trổ sanh danh uẩn quả (vipākanāmakkhandha) và sắc nghiệp (kammajarūpa) trong bảy cõi vui dục giới là cõi nhơn loại và sáu cõi thiên tiên dục giới.

Danh uẩn quả do nghiệp thiện dục giới tạo đây, là 16 tâm quả, gồm 8 quả thiện vô nhân và 8 đại quả; Trong đó tâm ý thức giới quả thiện vô nhân thọ xã và 8 tâm đại quả làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho người trời cõi vui dục giới.

Sắc nghiệp do nghiệp thiện dục giới tạo đây, là sắc thần kinh, sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền hình thành thân thể của nhân loại và chư thiên cõi vui dục giới.

3. Rūpāvacarakusalakamma – Nghiệp thiện sắc giới

Nghiệp thiện sắc giới là Tư (cetanā) hợp trong năm tâm thiền thiện sắc giới; thiện sắc giới chỉ là ý nghiệp, không phải là thân nghiệp hay khẩu nghiệp.

Ý nghiệp thiện sắc giới là những tâm thiền chứng, thành tựu do tu chỉ (samathabhāvanāmaya) với đề mục sắc.

Nghiệp thiện sắc giới tạo ra danh uẩn quả và sắc nghiệp tục sinh cõi phạm thiên sắc giới.

Danh uẩn quả do nghiệp thiện sắc giới tạo đây, là năm tâm quả sắc giới cùng tâm sở phối hợp, năm tâm quả này làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho các phạm thiên cõi sắc giới hữu tưởng.

Sắc nghiệp do thiện nghiệp thiện sắc giới tạo đây, là hai sắc thần kinh nhãn – nhĩ, sắc ý vật và sắc mạng quyền hình thành thân phạm thiên cõi sắc hữu tưởng.

Nghiệp thiện sắc giới ngũ thiền còn tạo ra sắc nghiệp mạng quyền cho phạm thiên cõi vô tưởng nữa.

4. Arūpāvacarakusalakamma – Nghiệp thiện vô sắc giới

Nghiệp thiện vô sắc giới là Tư (cetanā) hợp với bốn tâm thiền thiện vô sắc giới; thiện vô sắc giới cũng chỉ là ý nghiệp, không phải là thân nghiệp hay khẩu nghiệp.

Ý nghiệp thiện vô sắc giới là những tâm thiền chứng, được thành tựu do tu chỉ (samathabhāvanāmaya) với đề mục vô sắc.

Nghiệp thiện vô sắc giới tạo ra danh uẩn quả tức bốn uẩn quả vô sắc làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi vô sắc. Nghiệp thiện vô sắc giới không tạo sắc nghiệp.

Phụ giải về quả tái tục và quả bình nhật của bốn loại nghiệp: Nghiệp bất thiện, nghiệp thiện dục giới, nghiệp thiện sắc giới, và nghiệp thiện vô sắc giới.

1. Quả của nghiệp bất thiện

Nghiệp bất thiện tạo ra 1 tâm quả tái tục và 7 tâm quả bình nhật.

Nhưng, Tư (Cetanā) trong 11 tâm bất thiện trừ tâm si phóng dật, mới tạo ra tâm quả tái tục (patisandhi) trong cõi bất hạnh. Tư trong tâm si phóng dật thì không tạo ra quả thức tục sinh vì quá yếu.

Tư (cetanā) hợp 12 tâm bất thiện đều tạo quả thời bình nhật (pavattikāle) được cả; và tâm quả bất thiện thời bình nhật hiện khởi trong 11 cõi dục (đủ 7 thứ tâm quả bất thiện), hiện khởi trong 15 cõi sắc giới hữu tưởng (nhưng chỉ có 4 thứ tâm quả bất thiện là nhãn thức, nhĩ thức, tâm tiếp thâu, và tâm quan sát).

2. Quả của nghiệp thiện dục giới

Nghiệp thiện dục giới tạo ra 9 tâm quả tái tục, và 16 tâm quả bình nhật. Phân tích chi tiết như sau:

- Nghiệp thiện dục giới hợp trí có tam tư, tạo 4 quả tái tục hợp trí sanh 7 cõi vui dục giới. Tạo 16 quả bình nhật (trong đó bảy cõi vui dục giới được 16 quả, bốn cõi bất hạnh được 8 quả thiện vô nhân, mười lăm cõi sắc giới hữu tưởng được 5 quả thiện vô nhân trừ tỷ thức, thiệt thức và thân thức).

- Nghiệp thiện dục giới hợp trí không tam tư và nghiệp thiện dục giới ly trí có tam tư, tạo 4 quả tái tục ly trí sanh 7 cõi vui dục giới; Tạo 12 quả bình nhật (trong đó bảy cõi vui dục giới được 12 quả, bốn cõi bất hạnh được 8 quả thiện vô nhân, mười lăm cõi sắc giới hữu tưởng được 5 quả thiện vô nhân trừ tỷ thức, thiệt thức và thân thức).

- Nghiệp thiện dục giới ly trí không tam tư tạo 1quả tái tục vô nhân sanh cõi nhân loại và Tứ đại thiên vương; Tạo 8 quả bình nhật là 8 quả thiện vô nhân trong 11 cõi dục giới, và 5 quả thiện vô nhân trong 15 cõi sắc giới hữu tưởng trừ tỷ thức, thiệt thức và thân thức.

3. Quả của nghiệp thiện sắc giới

- Nghiệp thiện sơ thiền sắc giới tạo 1 quả sơ thiền, là tâm tái tục, hữuphần và tử cho phạm thiên cõi phạm chúng thiên, phạm phụ thiên, đại phạm thiên (tùy theo pháp trưởng trợ lực).

- Nghiệp thiện nhị thiền sắc giới tạo 1 quả nhị thiền và nghiệp thiện tam thiền sắc giới tạo 1 quả tam thiền, hai tâm quả này làm việc tái tục, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Biến quang thiên (tùy theo pháp trưởng trợ lực).

- Nghiệp thiện tứ thiền sắc giới tạo 1 quả tứ thiền làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên (tùy theo pháp trưởng trợ lực).

- Nghiệp thiện ngũ thiền sắc giới tạo 1 quả ngũ thiền, nếu là phàm tam nhân và hai bậc thánh Nhập lưu – Nhất lai chứng ngũ thiền này sẽ có quả ngũ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử trong cõi Quãng quả thiên; Nếu là bậc thánh Bất lai chứng thiện ngũ thiền này sẽ có quả ngũ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử trong cõi ngũ tịnh cư; Nếu người phàm tam nhân chứng ngũ thiền có sự chán ghét về tưởng, người ấy sẽ sanh vào cõi vô tưởng nhờ mãnh lực ngũ thiền tạo ra sắc nghiệp mạng quyền tái tục.

Lại nữa, ngũ thiền thiện của bậc thánh Bất lai có quyền nào mạnh sẽ tùy đó mà bậc thánh Bất lai ấy sanh một trong năm cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa):

Ngũ thiền có tín quyền mạnh sẽ tục sinh cõi tịnh cư vô phiền thiên (Avihā)

Ngũ thiền có tấn quyền mạnh sẽ tục sinh cõi tịnh cư vô nhiệt thiên (Atappā)

Ngũ thiền có niệm quyền mạnh sẽ tục sinh cõi tịnh cư thiện kiến thiên (Sudassā)

Ngũ thiền có định quyền mạnh sẽ tục sinh cõi tịnh cư thiện hiện thiên (Sudassī)

Ngũ thiền có tuệ quyền mạnh sẽ tục sinh cõi tịnh cư Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭhā)

4. Quả của nghiệp thiện vô sắc giới

Nghiệp thiện vô sắc giới tạo 4 quả vô sắc tương ứng:

- Nghiệp thiện Không vô biên xứ tạo 1 tâm quả Không vô biên xứ làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi Không vô biên xứ.

- Nghiệp thiện Thức vô biên xứ tạo 1 tâm quả Thức vô biên xứ làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi Thức vô biên xứ.

- Nghiệp thiện Vô sở hữu xứ tạo 1 tâm quả Vô sở hữu xứ làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi Vô sở hữu xứ.

- Nghiệp thiện Phi tưởng phi phi tưởng xứ tạo 1 tâm quả Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho phạm thiên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.


Bài đã học:

Bài 59. Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Giải Về 31 Cõi (Bhūmibheda)

Bài học tiếp theo:

Bài 61. Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Giải Về Tiến Trình Tử Sanh (Cutipaṭisandhikkamo)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc