Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 59. Chương VII - Giải Về 31 Cõi (Bhūmibheda)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 59. Chương VII - Giải Về 31 Cõi (Bhūmibheda)

Chủ nhật, 13/02/2022, 14:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 13.2.2022


Bài 59.

Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Giải Về 31 Cõi (Bhūmibheda)

Tổng quát có bốn cõi: cõi bất hạnh (āpāyabhūmi), cõi vui dục giới (kāmasugatibhūmi), cõi sắc giới (rūpāvacarabhūmi), cõi vô sắc giới (arūpāvacarabhūmi). Hoặc có ba cõi: cõi dục giới (kāmāvacarabhūmi), cõi sắc giới (rūpāvacarabhūmi) và cõi vô sắc giới (arūpāvacarabhūmi).

· Cõi bất hạnh (āpāyabhūmi) hay cõi khổ (duggati) có 4 là:

1. Địa ngục (nirayo)

2. Bàng sanh (tiracchānayoni)

3. Ngạ quỉ (pettivisayo)

4. A tu la (Asurakāyo)

· Cõi vui dục giới (kāmāsugatibhūmi) có 7 cõi là:

1. Nhân loại (manussā)

2. Tứ đại thiên vương (Cātummahārāgikā)

3. Tam thập tam thiên (Tāvatiṃsā)

4. Dạ ma thiên (yāmā)

5. Đâu suất đà thiên (Tusitā)

6. Hóa lạc thiên (Nimmānarati)

7. Tha hóa tự tại thiên (Paranimmitavasavattī)

Bốn cõi bất hạnh và bảy cõi vui dục giới, gom chung là mười một cõi dục giới.


· Cõi sắc giới (rūpāvacarabhūmi) có 16 cõi gồm 3 cõi sơ thiền, ba cõi nhị thiền, ba cõi tam thiền và bảy cõi tứ thiền.

- Ba cõi Sơ thiền (paṭhamajjhābhūmi)

1. Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjā)

2. Phạm phụ thiên (Brahmapurohitā)

3. Đại phạm thiên (Mahābrahmā)

- Ba cõi Nhị thiền (dutiyajjhānabhūmi)

1. Thiểu quang thiên (parittābhā)

2. Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhā)

3. Quang âm thiên (Ābhassarā)

- Ba cõi Tam thiền (tatiyajjhānabhūmi)

1. Thiểu tịnh thiên (parittasubhā)

2. Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇasubhā)

3. Biến tịnh thiên (Subhakiṇhā)

- Bảy cõi Tứ thiền (catutthajjhānabhūmi)

1. Quảng quả thiên (Vehapphalā)

2. Vô tưởng thiên (Asaññasattā)

3. Vô Phiền thiên (Avihā)

4. Vô Nhiệt thiên (Atappā)

5. Thiện hiện thiên (Sudassā)

6. Thiện kiến thiên (Sudassī)

7. Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭhā)

Năm cõi tứ thiền: Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến và sắc cứu cánh, gọi chung là ngũ tịnh cư thiên (pañcasuddhāvāsabhūmi).

· Cõi vô sắc giới (Arūpāvacarabhūmi) có 4 cõi là:

1. Cõi không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatanabhūmi)

2. Cõi Thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatanabhūmi)

3. Cõi vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatanabhūmi)

4. Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi)

5. Như vậy 11 cõi dục giới; 11 cõi dục giới, với 16 cõi sắc giới, với 4 cõi vô sắc giới, gồm có 31 cõi.


· Giải mười một cõi dục giới (kāmāvacarabhūmi)

- Bốn cõi bất hạnh:

Apāyabhūmi, cõi bất hạnh. “Apa + aya = apāya” mất đi hạnh phúc trời, người và hạnh phúc níp bàn, nên gọi là cõi bất hạnh; cõi bất hạnh cũng còn gọi là duggati “du + gati = duggati” khổ cảnh, khổ thú.

Niraya, địa ngục: “nir + aya = niraya - chổ không bao giờ có an vui, gọi là địa ngục” (Nhưng chữ “địa ngục” – ngục giam dưới lòng đất – từ này mượn xài chứ không phải nghĩa của chữ niraya). Có rất nhiều cõi địa ngục được mô tả trong kinh, chúng sanh tùy theo ác nghiệp kiểu gì sẽ sanh trong cõi địa ngục tương xứng.

Tiracchānayoni, chủng loại bàng sanh. Gồm hai từ: Tiracchāna “đi ngang” (tiro añjantī’ti tirachānā); yoni “sanh loại, chủng loại”. Hợp từ tiracchāna yoni nghĩa là sanh loại thân nằm ngang khi di chuyển, thú vật, côn trùng. Có bốn loài bàng sanh: (1) bàng sanh không chân (apadaticchāna), (2) bàng sanh hai chân (dvipadatiracchāna), (3) bàng sanh bốn chân (catuppadatiracchāna), (4) bàng sanh nhiều chân (bahuppadatiracchāna). Hoặc, có hai loài bàng sanh: loài sanh trên đất (thalajatiracchāna), loài sanh trong nước (odakatiracchāna).

Pettivisayo, gồm 2 từ petti và visaya. “Petti hay petānaṃ samūho: bọn ma đói, ngạ quỉ”; “visaya: cảnh giới, phạm vi”. Hợp từ pettivisāya có nghĩa là cảnh giới của bọn ngạ quỉ. Những chúng sanh trong cảnh giới này lãnh chịu quả ác nghiệp dư sót sống đói khát trôi nổi ở những nơi tăm tối dơ bẩn, có rất nhiều lọai ngạ quỉ được mô tả trong kinh. Chú giải Petavatthu đề cập tiêu biểu có bốn loại ngạ quỉ: (1) Ngạ quỉ sống nhờ người khác hồi hướng (paradattūpajīvikapeta), (2) Ngạ quỉ bị hành hạ bởi đói khát (khuppipāsikapeta), (3) Ngạ quỉ bị lửa thiêu đốt mọi lúc (nijjhāmataṇhikapeta), (4) Ngạ quỉ có tên của Atula (Kālakañcikapeta).

Asurakāyo, gồm hai từ asurakāya. Asura được giải rằng Na suranti issariyakīlādīhī’ti asurā, hạng phi nhân không tươi sáng về sự tự do, lạc thú ..vv.. gọi là Atula. Kāya là nhóm, bọn. Vậy hợp từ asurakāyo nghĩa là chúng Atula. Chúng Atula khổ cảnh này là một loài ngạ quỉ có tên Kālakañcikapeta thường di chuyển ở những nơi hoang vắng như rừng, núi, vực thẳm, biển, hải đảo ..vv.. Chúng Atula khổ cảnh này không phải là hạng Atula đối địch với chư thiên.

Chúng sanh trong bốn cõi bất hạnh là hạng người khổ vô nhân (duggati ahetukapuggala) tục sinh bằng tâm quả bất thiện ý thức giới (tâm quan sát quả bất thiện).

- Bảy cõi vui dục giới (Kāmasugatibhūmi)

Sugatibhūmi – cõi vui: bao gồm cõi dục giới, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới; nên mới gọi cõi vui dục giới để phân biệt, và cũng để tách biệt với cõi khổ, vì dục giới có cõi vui và cõi khổ.

Kāmasugatibhūmi – cõi vui dục giới, là những cõi mà chúng sanh thường thấy sắc đẹp, nghe tiếng hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon, xúc lạc thọ. Có bảy cõi vui dục giới là cõi nhơn loại và sáu cõi thiên tiên. Bảy cõi này chúng sanh được sanh ra do quả của tâm đại thiện, do đời trước làm việc lành như bố thí, trì giới, tu tiến ..vv..

Manussā hay manussabhūmi, cõi nhơn loại. Manussa: loài người; bhūmi: cõi, phạm vi; Manussānaṃ bhūmī’ti manussabhūmi, địa hạt của loài người gọi là cõi nhơn loại; hoặc manussānaṃ nivāsā’ti manussā, chổ ở của loài người gọi là cõi nhơn loại. Giải tiếng manussa – nhơn loại nghĩa là loài có tâm ý phong phú (mano ussannaṃ etesan’ti manussā); Loài suy nghĩ, hiểu biết điều lợi ích và không lợi ích, gọi là nhơn loại (atthānatthaṃ manati jānātī’ti manusso); Loài suy nghĩ, hiểu biết điều thiện và bất thiện, gọi là nhơn loại (kusalākusalaṃ manati jānātī’ti manusso); loài suy nghĩ, hiểu biết nguyên nhân và không phải nguyên nhân gọi là nhơn loại (kāraṇākāraṇaṃ manati jānātī’ti manusso).

Cõi nhơn loại có 11 hạng người nương ở (trừ người khổ) gồm ba hạng phàm nhân và 8 hạng thánh nhân, các hạng người này tục sinh bằng 9 tâm quả là: 8 tâm đại quả và 1 tâm quả thiện vô nhân ý thức giới thọ xả (tâm quan sát quả thiện thọ xả).

Sáu cõi thiên tiên (devabhūmi). Gọi là thiên tiên (deva), là những chúng sanh chỉ vui chơi với năm dục lạc (pañcahi kāmaguṇehi dibbanti kilantī’ti devā).

Cātummahārājikabhūmi – có tứ đại thiên vương, cõi do bốn vị đại thiên vương cai quản. Bốn vị đại Thiên vương là: Trì Quốc Thiên Vương (Dhataraṭṭha), Tăng Trưởng Thiên Vương (Viruḷhaka), Quảng Mục Thiên Vương (Virūpakkha), Đa Văn Thiên Vương (Kuvera).

- Thiên vương Dhataraṭṭha cai quản chúng càn thát bà (gandhabba).

- Thiên vương Viruḷhaka cai quản chúng Cưu bàn trà (Kumbhaṇḍa).

- Thiên vương Virūpakkha cai quản loài rồng, rắn (nāga).

- Thiên vương Kuvera cai quản loài dạ xoa (yakkha).

Cõi Tứ đại thiên vương cũng có 11 hạng người nương (trừ người khổ) và chúng sanh ở đây tục sinh bằng 9 tâm quả là: 8 tâm đại quả và 1 tâm quả thiện vô nhân ý thức giới thọ xả.

Tāvatiṃsā – cõi Tam thập tam thiên hay Đạo lợi.

Tāvatiṃsā đọc âm là Đạo lợi, biến dạng từ chữ tettiṃsā dịch nghĩa là tam thập tam, ba mươi ba. Cõi trời này có tên như vậy vì là nơi mà ba mươi ba vị thiên tử uy lực ngự trị, đứng đầu là Thiên chủ Đế Thích (sakko devindo). Chính tại cõi trời này là nơi Đức Phật đã thuyết tạng Vi Diệu Pháp; Thiên chủ Đế Thích là vị thánh đệ tử của Đức Phật, đã chứng Sơ quả khi Đế Thích đến hỏi pháp và được Đức Phật trả lời (kinh Trường Bộ - Đế Thích sở vấn – Sakkapañhāsutta). Tại cõi trời Đạo lợi có bảo tháp ngọc bích tên Cūḷamaṇī tôn trí thờ xá lợi răng nhọn của Đức Phật và tóc của Ngài đã cắt bỏ lúc xuất gia.

Yāmā – Cõi Dạ ma thiên. Yāmā là đọc âm Yāma.

Cõi Dạ ma là trú xứ của những vị trời Yāma (Yāmānaṃ nivāsā’ti yāmā). Trời Yāma là những chúng sanh tách biệt sự đau khổ (Dukkhato yātā apagatā’ti yāma); Chư thiên cõi Yāma chỉ có thiên lạc thôi, không có những phiền toái như chư thiên cõi Đạo lợi và cõi Tứ Đại thiên vương. Thiên tử cai quản cõi trời Dạ ma là thiên tử Sugāma.

Tusitā – Cõi Đâu Suất thiên. Đâu suất là đọc âm của chữ Tusita.

Cõi Đâu Suất là trú xứ của những vị trời Tusita (Tusitānaṃ nivāsā’ti tusitā). Vị trời Tusita là những chúng sanh thường có tâm hoan hỷ thỏa mãn không hề có sự thất vọng (niccaṃ tusanti ettha nibbattā devā’ti Tusitā). Cõi Đâu Suất luôn có sự tươi vui hoan hỷ; Chư vị bồ tát trước khi giáng sanh cõi nhơn loại để chứng ngộ quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, kiếp áp chót đều sanh vào cõi Đâu Suất chờ đúng thời giáng trần. Đây là lý do mà cõi Đâu Suất được gọi là cõi siêu việt hơn các cõi trời khác.

Nimmānaratī – cõi Hóa lạc thiên

Cõi Hóa lạc thiên là trú xứ của các vị trời hóa lạc (Nimmānaratīnaṃ nivāsā’ti nimmānaratī). Chư thiên hóa lạc là những vị trời có khả năng tự biến hóa ngũ dục theo ý thích rồi vui hưởng (yathā rucite bhoge sayameva nimminitvā ramanti etthā’ti nimimmānaratī); Ở cõi Hóa lạc thiên không có sẵn thiên lạc, không có sẵn thiên nữ hay thiên nam để hoan lạc, mà vị trời ấy muốn hưởng lạc gì thì tự biến hóa ra mà thỏa mãn.

Paranimmitavasavattī – Cõi Tha hóa tự tại thiên.

Cõi Tha hóa tự tại thiên là trú xứ của các thiên tiên tha hóa tự tại (paranimmitavasavattīnaṃ nivāsā’ti paranimmitavasavattī). Chư thiên tha hóa là những vị trời có uy lực đặc biệt, vừa khởi ý thích thiên lạc gì thì tức khắc có các thiên tiên khác biến hóa cho hưởng thụ, thích gì được nấy (Attano ruciṃ ñatvā parehi nimmitesu bhogesu vasaṃ vattanti etthā’ti paranimmitavasavattī); Ở cõi Tha hóa tự tại thiên, không có sẵn thiên lạc bày ra đó, cũng như ở cõi Hóa lạc thiên, mà các thiên nam hay thiên nữ cõi này khởi lên ý thích muốn hưởng lạc gì thì có người khác hiện hóa ra cho thỏa mãn.

Năm cõi trời dục giới cao: Tam thập tam thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên đều có 10 hạng người nương trú là phàm nhị nhân, phàm tam nhân, và 8 hạng thánh. Tâm tái tục của chư thiên trong các cõi này là 8 tâm đại quả.


· Giải mười sáu cõi sắc giới (rūpāvacarabhūmi)

Rūpāvacarabhūmi – cõi sắc giới. Có hai nghĩa:

- Rūpāvacarānaṃ bhūmī’ti rūpāvacarabhūmi, địa vức của các tâm quả sắc giới sanh khởi làm việc tục sinh, hữu phần và tử, gọi là cõi sắc giới

- Rūpabrahmānaṃ bhūmī’ti Rūpāvacarabhūmi, nơi cư trú của các phạm thiên hữu sắc gọi là cõi sắc giới.

Tiếng brahma – phạm thiên, có pāli chú giải rằng: Brūhanti vaddhanti atipaṇītehi jhānādiguṇehī’ti brahmāno - những chúng sanh tu tiến tăng trưởng với các đức tính tuyệt hảo, như thiền định ..v.v.. gọi là những phạm thiên.

Những chúng sanh tục sinh do quả của thiền chứng sắc giới, gọi là phạm thiên hữu sắc. Cõi sống của các phạm thiên ấy, gọi là cõi sắc giới.

Cõi phạm thiên tất nhiên rực rỡ huy hoàng hơn cõi thiên tiên dục giới về thiên cung, về dung sắc, về tuổi thọ.

Mười sáu cõi sắc giới gồm có ba cõi sơ thiền, ba cõi nhị thiền, ba cõi tam thiền, bảy cõi tứ thiền.

Ba cõi sơ thiền (paṭhamajjhānabhūmi) là ba cõi phạm thiên tục sinh bằng tâm quả sắc giới sơ thiền; do sự tu chứng sơ thiền thiện đắc chủng khác nhau nên sanh lên cõi sơ thiền có 3 bậc:

1. Cõi Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjabhūmi) là địa hạt của những vị phạm thiên hội chúng của Đại phạm thiên. Những vị trước đây tu tiến sơ thiền đắc chủng hy thiểu (parittaṃ bhāveti) nên sanh tương xứng vào hạng phạm chúng thiên (Vbh. 603).

2. Cõi Phạm phụ thiên (Brahmapurohitabhūmi) là địa hạt của những vị phạm thiên phò tá cho Đại phạm thiên. Những người trước đây tu tiến sơ thiền đắc chủng trung bình (majjhimaṃ bhāveti) nên sanh tương xứng vào hạng phạm phụ thiên (Vbn 603).

3. Cõi Đại phạm thiên (Mahābrahmabhūmi), là địa hạt của vị phạm thiên quyền lực nhất, cai quản cõi sơ thiền. Những người trước đây tu tiến sơ thiền đắc chủng tuyệt hảo (paṇītaṃ bhāveti) nên sanh tương xứng vào hạng Đại phạm thiên.

Ba cõi sơ thiền thực ra không phải là ba địa phận nằm theo thứ tự, mà cùng một khu vực nhưng các phạm thiên do uy lực nên ở địa hạt nào thì gọi là cõi ấy, như phạm thiên ở địa hạt hội chúng thì gọi là cõi phạm chúng thiên… Cũng như trong xã hội loài người, phân ra có giới thượng lưu, trung lưu, hạ lưu nhưng cũng cùng trong một lãnh thổ.

Cõi sơ thiền xuất hiện 9 hạng người đều là hạng tam nhân, gồm 1 hạng phàm tam nhân và hạng thánh.

Ba cõi nhị thiền (dutiyayajjhānabhūmi) là ba cõi phạm thiên tục sinh bằng tâm quả sắc giới nhị thiền và quả sắc giới tam thiền; Do sự tu chứng nhị thiền thiện và tam thiền thiện đắc chủng khác nhau nên sanh lên cõi nhị thiền có 3 bậc:

1. Cõi Thiểu quang thiên (parittābhābhūmi) là địa hạt của những vị phạm thiên có hào quang kém hơn các vị phạm thiên địa vị cận thần và địa vị phạm chủ trong cõi nhị thiền. Đó là những phạm thiên do trước đây tu tiến nhị thiền, tam thiền đắc chủng hy thiểu nên sanh tương xứng vào cõi Thiểu quang thiên có địa vị như dân chúng trong cõi nhị thiền.

2. Cõi Vô lượng quang thiên (appamāṇābhābhūmi) là địa hạt của những vị phạm thiên có hào quang thù diệu hơn các vị thiểu quang thiên, các phạm thiên này có địa vị cận thần trong cõi nhị thiền, gọi là phạm phụ vô lượng quang thiên; Do trước đây những vị ấy tu tiến nhị tam thiền đắc chủng trung bình nên sanh tương xứng và vô lượng quang thiên.

3. Cõi Quang âm thiên (Ābhassarābhūmi) là địa hạt của vị phạm chủ trong cõi nhị thiền, phạm thiên này có hào quang chói lòa rực rỡ hơn các phạm thiên thiểu quang và vô lượng quang; Do trước đây tu tiến nhị-tam thiền đắc chủng tuyệt hảo nên sanh tương xứng vào địa hạt Quang âm thiên.

Ba cõi nhị thiền là cõi sanh của những vị đắc nhị thiền (định vô tầm vô tứ) theo kinh tạng; của những vị đắc nhị thiền (định vô tầm hữu tứ) và đắc tam thiền (định vô tầm vô tứ) theo thắng pháp. Chính vì vậy mà nói cõi nhị thiền tái tục bằng tâm quả nhị thiền và quả tam thiền sắc giới.

Ba cõi nhị thiền cũng chung một địa phận nhưng khác địa vị thôi, các vị Thiểu quang thiên là phạm chúng, các vị Vô lượng quang thiên là phạm phụ, Vị Quang âm thiên là phạm chủ.

Cõi nhị thiền cũng xuất hiện 9 hạng người là phàm tam nhân và 8 bậc thánh.

Ba cõi tam thiền (tatiyajjhānabhūmi) là cõi phạm thiên tục sinh bằng tâm quả tứ thiền sắc giới (theo thắng pháp), còn theo kinh tạng thì cõi tam thiền do đắc tam thiền sắc giới mà sanh lên. Do sự tu chứng thiền đẳng cấp khác nhau nên sanh lên cõi tam thiền có 3 địa vị:

1. Cõi Thiểu tịnh thiên (parittasubhābhūmi) là địa hạt của các phạm thiên có vầng hào quang trong sáng trong ngần bao khắp châu thân, nhưng còn kém xa phạm thiên vô lượng tịnh và Biến tịnh; Bậc tu tiến tứ thiền đắc chủng thông thường nên sanh vào cõi Thiểu tịnh thiên với địa vị phạm chúng.

2. Cõi Vô lượng tịnh thiên (Appamānasubhābhūmi) là địa hạt của các phạm thiên có vầng hào quang trong suốt thắng xa các vị Thiểu tịnh thiên; Bậc tu tiến tứ thiền đắc chủng trung bình nên sanh vào cõi Vô lượng tịnh thiên với địa vị phạm phụ cõi tam thiền.

3. Cõi Biến tịnh thiên (Subhakiṇhābhūmi) là địa hạt của phạm thiên có vầng hào quang trong ngần đẹp lạ, tỏa khắp châu thân, suốt ngày đêm; Bậc tu tiến tứ thiền đắc chủng tuyệt hảo nên sanh lên cõi Biến tịnh thiên với địa vị phạm chủ cõi tam thiền.

Các phạm thiên cõi tam thiền do năng lực chứng đắc thiền có yếu mạnh khác nhau nên sanh vào cõi này mới có vị trí khác nhau như là phạm chúng, phạm phụ và phạm chủ.

Chữ Subhā (tịnh hảo, tốt đẹp, lộng lẫy) là nói đến “ánh sáng đẹp, hào quang rực rỡ”, tiếp đầu ngữ “su” (tốt, đẹp) và danh từ “Bhā” (ánh sáng, hào quang) thành “Subhā” (tịnh quang, ánh sáng rực rỡ).

Cõi tam thiền cũng xuất hiện 9 hạng người là phàm tam nhân và 8 bậc thánh.

Bảy cõi tứ thiền (catutthajjhānabhūmi) là cõi của các phạm thiên mà tục sinh do mãnh lực của ngũ thiền sắc giới nói theo hệ thống năm thiền, tương đương với tứ thiền nói theo hệ thống bốn thiền.

Có ba trường hợp:

a. Hạng phàm tam nhân đắc ngũ thiền sắc giới vô nhiễm tưởng (saññāvirāga) nguyện đời sau không có danh uẩn, hạng này chết sanh vào cõi vô tưởng [Gọi là Vô tưởng, là không có bốn danh uẩn. Như có chú giải: Natthi saññāmukhena cattāro arūpakkhandhā etesan’ti Asaññā – Bốn danh uẩn với tưởng đại diện không có cho những người nào thì người đó gọi là bậc vô tưởng].

b. Hạng phàm tam nhân, hạng thánh Nhập lưu, hạng thánh Nhất lai đắc ngũ thiền sắc giới, sau khi mạng chung sanh vào cõi Quảng quả.

c. Hạng thánh quả Bất lai đắc ngũ thiền sắc giới, sau khi mạng chung sẽ sanh vào cõi Tịnh cư, cõi Tịnh cư phân ra có 5 cõi, gọi là ngũ tịnh cư.

Giải bảy cõi tứ thiền:

1. Cõi Quảng quả thiên (Vehapphalabhūmi) là cõi của những phạm thiên có quả thiền rộng lớn, không thể bị hoại diệt. Dù thế giới này có bị hoại do lửa, do nước, do gió; Thế giới hoại do lửa thì ba cõi sơ thiền bị ảnh hưởng hoại theo; Thế giới hoại do nước thì ảnh hưởng tới ba cõi nhị thiền cũng hoại theo; Thế giới hoại do gió thì ảnh hưởng tới ba cõi tam thiền cũng hoại theo; Từ cõi Quảng quả tứ thiền trở lên không bị hoại do cách gì cả nên gọi là cõi quảng quả, quả thiền rộng lớn.

Cõi tứ thiền Quảng quả xuất hiện 9 hạng người là: phàm tam nhân và 8 bậc thánh. Phàm tam nhân sanh vào cõi này rồi có thể đắc quả thánh; Vị Nhập lưu sanh vào cõi này rồi có thể đắc quả thánh cao hơn; vị Nhất lai sanh vào cõi này rồi có thể tiến bậc đến Bất lai và Ứng cúng, vì thế nói rằng cõi quảng quả xuất hiện 9 hạng người.

2. Cõi Vô tưởng (Asaññasattabhūmi) là cõi của những chúng sanh không có tâm thức, chỉ có sắc nghiệp thôi, do nguyện lực thiền. Một câu hỏi đặt ra là loại chỉ có sắc vô tri giác sao gọi là chúng sanh? Đáp: vì có sắc nghiệp mạng quyền (Kammajajīvitindriyarūpa) bảo trì thân xác nên gọi là chúng sanh vô tưởng (Asaññasatta).

Nếu tính theo mười hai hạng người thì người vô tưởng cũng kể là người lạc vô nhân vì không có tâm, cũng như là không có nhân tương ưng vậy. Nhưng gọi chính xác thì gọi là người lạc vô tâm (acittakasugatipuggalo).


Năm cõi tịnh cư (Suddhāvāsabhūmi)

Cõi Tịnh cư là nơi nương trú của Bậc thánh Bất lai (tam quả) và bậc thánh Ứng cúng (tứ đạo, tứ quả). Đó là những chúng sanh thanh tịnh. Có pāli chú giải rằng: Suddhānaṃ anāgāmi-ara-hantānameva āvāsā’ti suddhāvāsā, nơi ở của các bậc Bất lai và ưng cúng thanh tịnh, gọi là cõi tịnh cư. Bậc A na hàm ở cõi khác đắc ngũ thiền sắc giới sau khi chết sẽ tái sanh vào cõi tịnh cư chứ không sanh vào cõi quảng quả mặc dù cũng là cõi tứ thiền; Và khi bậc A na hàm đã sanh vào cõi tịnh cư sẽ đắc A la hán đạo – A la hán quả, níp bàn tại đấy. Bởi thế cõi ngũ tịnh cư chỉ xuất hiện ba hạng người là người Tam quả, và người Tứ quả.

Năm cõi tịnh cư trong bảy cõi tứ thiền là:

1. Cõi vô phiền thiên (Avihābhūmi) là nơi sanh trú của các phạm thiên vô phiền. Gọi là phạm thiên vô phiền (Avihabrahma) là những phạm thiên không thất thoát mất mát sự thành đạt của mình, như lời giải thích: Attano sampattiyā na hāyantī’ti Avihā. Hoặc, phạm thiên vô phiền là những phạm thiên không khi nào rời bỏ vị trí của mình trước thời hạn, như lời giải thích: Appakena Kālena attano ṭhānaṃ na vijahantī’ti Avihā. Câu giải thích thứ hai có nghĩa là chư phạm thiên vô phiền luôn sống hết thọ mạng của mình, không bao giờ mạng chung khi chưa hết tuổi thọ cõi ấy, không như các phạm thiên cõi tịnh cư khác có thể chết trước hạn lượng tuổi thọ ấn định. Lại nữa, thiên lạc cõi vô phiền không bao giờ cạn kiệt cho đến khi nào các phạm thiên ấy còn sống.

2. Cõi vô nhiệt thiên (Atappābhūmi) là nơi sanh trú của các phạm thiên vô nhiệt. Gọi là phạm thiên vô nhiệt (Atappabrahma) là những phạm thiên không có sự bức nhiệt trong nội tâm, lời giải rằng: Na tappantī’ti atappā. Có nghĩa là các phạm thiên vô nhiệt thường xuyên nhập thiền quả (phalasamāpatti) nên những pháp triền cái (nīvaraṇa) không có cơ hội khởi lên để gây nóng nảy, nhờ vậy nội tâm các phạm thiên này luôn mát mẻ an tịnh.

3. Cõi Thiện kiến thiên (Sudassābhūmi) là nơi sanh trú của các phạm thiên Thiện kiến (Sudassabrahnma) là vị phạm thiên có thân tướng hoàn hảo, ai nhìn thấy phạm thiên ấy cũng hoan hỷ an lạc. Hoặc nghĩa khác, vị phạm thiên mà nhìn cái gì cũng dễ dàng do thành tựu tứ nhãn thanh tịnh là nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn và tuệ nhãn, như pāli chú giải: parisuddhehi pāsādadibbadhammapaññācakkhūhi sampannattā suṭṭhu passantī’ti suṭṭhu passantī’ti sudassā.

4. Cõi Thiện hiện thiên (Sudassībhūmi) là nơi sanh trú của các phạm thiên Thiện hiện (Sudassībrahma). Gọi là phạm thiên Thiện hiện là vị phạm thiên có nhãn lực tinh tường hơn cả phạm thiên Thiện kiến và nhìn thấy mọi thứ dễ dàng thoải mái, như pāli chú giải: Tato atisayena suṭṭhu dassanabhāvena samannāgatā sukhena ca passantī’ti sudassī. Cả hai hạng phạm thiên Thiện kiến và Thiện hiện thì có pháp nhãn (dhammacakkhu) giống nhau nhưng về nhục nhãn (pāsādacakkhu), thiên nhãn (dibbacakkhu) và tuệ nhãn (paññācakkhu) thì ba nhãn lực này của phạm thiên Thiện hiện thì thù thắng hơn phạm thiên Thiện kiến.

5. Cõi sắc cứu cánh (Akaniṭṭhabhūmi). Thật ra đây là sanh trú của phạm thiên Akaniṭṭha. Gọi là phạm thiên Akaniṭṭha nghĩa là phạm thiên đạt được những cái không nhỏ nhoi tầm thường, có pāli chú giải: Natthi kaniṭṭho etesan’ti Akaniṭṭhā; Hay là, giữa những chúng sanh hữu sắc có trạng thái ân đức kém cỏi nhỏ bé, những ân đức nhỏ ấy không có đối với phạm thiên sắc cứu cánh nên gọi là Akaniṭṭha.

Danh từ “sắc cứu cánh” không phải là đọc âm hay nghĩa dịch của chữ Akaniṭṭha, mà đó chỉ là từ diễn tả tính cách của cõi tịnh cư thư năm thôi.

“Sắc” tức là cõi phạm thiên hữu sắc.

“Cứu cánh” tức là rốt ráo, đích điểm cuối cùng.

Gọi là cõi “Sắc cứu cánh” nghĩa là cõi sắc giới rốt ráo. Chư phạm thiên cõi này thành tựu ân đức lớn lao như giới đức, định đức và tuệ đức, những ân đức ấy vượt trội hơn bất cứ phạm thiên hữu sắc nào kể cả phạm thiên bốn cõi Tịnh cư thấp. Phạm thiên ở bốn cõi Tịnh cư thấp nếu chưa chứng quả A la hán thĩ vẫn phải tái sanh vào cõi cao hơn, nhưng đến cõi sắc cứu cánh thì nhất định sẽ chứng quả A la hán và níp bàn tại đấy, không có tái sanh nữa. Vì lý do đó mà cõi Akaniṭṭha được gọi là sắc cứu cánh.

Nói về người sẽ sanh vào năm cõi Tịnh cư này, dù là nhân loại, chư thiên hay phạm thiên sơ thiền, phạm thiên nhị thiền, phạm thiên tam thiền những vị ấy phải chứng đắc ngũ thiền và phải là bậc thánh Bất lai mới sanh lên cõi Tịnh cư được. Hơn nữa, sanh lên năm cõi Tịnh Cư bởi do mãnh lực của ngũ quyền (pañcindriya), tức là:

- Nếu bậc A na hàm ngũ thiền có Tín quyền mạnh hơn các quyền khác sẽ sanh vào cõi Vô phiền thiên.

- Nếu bậc A na hàm ngũ thiền có Tấn quyền mạnh hơn các quyền khác sẽ sanh vào cõi Vô nhiệt thiên.

- Nếu bậc A na hàm ngũ thiền có Niệm quyền mạnh hơn các quyền khác sẽ sanh vào cõi Thiện kiến thiên.

- Nếu bậc A na hàm ngũ thiền có Định quyền mạnh hơn các quyền khác sẽ sanh vào cõi Thiện hiện thiên.

- Nếu bậc A na hàm ngũ thiền có Tuệ quyền mạnh hơn các quyền khác sẽ sanh vào cõi sắc cứu cánh.

Điều này được trình bày trong hậu sớ giải Vibhāvinīṭikā về các cõi tịnh cư: “Saddhādiindriyavemattakānukkamena pañcasu suddhā-vāsesu uppajjanti - Họ sanh vào năm cõi Tịnh cư do trình tự khác biệt về ngũ quyền như tín quyền ..vv..

Một vấn đề khác về tên gọi 16 cõi sắc giới:

Trong ba cõi sơ thiền, ba cõi nhị thiền, ba cõi tam thiền, mỗi tầng đều có 3 cõi do địa vị khác nhau là phạm chú, phạm phụ và phạm chủ; Nhưng chỉ có cõi sơ thiền là gọi tên đúng với địa vị: phạm chúng thiện, phạm phụ thiên, và đại phạm thiên (tức phạm chủ cõi sơ thiền); Riêng về tầng nhị thiền ba cõi, tầng tam thiền ba cõi, mặc dù cũng có ba địa vị nhưng gọi tên theo hào quang hoặc tịnh quang của phạm thiên cõi ấy; cõi nhị thiền: Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên; Cõi tam thiền: Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên.

Còn về bảy cõi tứ thiền thì gọi theo phẩm chất của chủ phạm thiên trong cõi ấy: Quảng quả thiên, Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên và cõi Sắc cứu cánh thiên. Bảy cõi tứ thiền vị trí ở riêng nhau từng tầng, không phải cùng một mặt bằng như các cõi phạm thiên sơ thiền, nhị thiền và tam thiền, nên không có ba địa vị phạm chúng, phạm phụ và phạm chủng.


· Giải bốn cõi vô sắc giới (Ārūpāvacarabhūmi)

Arūpāvacarabhūmi – cõi vô sắc giới. có hai nghĩa:

- Arūpāvacarānaṃ bhūmī’ti Arūpāvacarabhūmi, địa vức của tâm quả vô sắc sanh lên làm việc tục sinh, hữu phần và tử gọi là tâm vô sắc giới.

- Arūpabrahmānaṃ bhūmī’ti Arūpāvacarabhūmi, nơi sanh của chư phạm thiên vô sắc, gọi là cõi vô sắc.

Bốn cõi vô sắc giới:

1. Cõi Không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatanabhūmi) là địa vức của phạm thiên đắc thiền không vô biên xứ sanh lên.

2. Cõi Thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatanabhūmi) là địa vức của phạm thiên đắc thiền thức vô biên xứ sanh lên.

3. Cõi vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatanabhūmi) là địa vức của phạm thiên đắc thiền vô sở hữu xứ sanh lên.

4. Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi) là địa vức của phạm thiên đắc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh lên.

Gọi là cõi vô sắc, đây chỉ là một lãnh vực, một phạm trù của dòng tâm thức nối tiếp sanh diệt thôi, vì cõi vô sắc chỉ có bốn danh uẩn, không có sắc pháp, nên không có địa phận ranh giới chi cả; cũng không có thiên cung, vườn hoa, hồ sen,… như các cõi phạm thiên, chư thiên hữu sắc đâu.

Bốn cõi vô sắc, mỗi cõi có một tâm quả vô sắc tương ứng làm việc tái tục, hữu phần, tử cho các phạm thiên cõi ấy.

Bốn cõi vô sắc chỉ có xuất hiện 8 hạng người là: phàm tam nhân và 7 bậc thánh (trừ người sơ đạo). Vì ở cõi vô sắc phàm tam nhân không thể đắc sơ đạo; chỉ có hạng sơ quả sanh lên cõi vô sắc rồi lần lượt chứng đắc đạo quả cao hơn… Nếu là phàm tam nhân sanh lên cõi vô sắc thì suốt kiếp sống ấy vẫn là phàm tam nhân thôi, bởi không có thêm sắc uẩn để nghe pháp và hành thiền quán.


· Cõi phân theo chín hữu tình cư (sattāvāsa)

Chín hữu tình cư là chổ nương sống của chúng sanh:

1. Cõi thân dị tưởng dị (Nānattakāyanānattasaññībhūmi) là cõi chúng sanh có hình tướng khác nhau và tâm tục sinh khác nhau, tức là 7 cõi vui dục giới.

2. Cõi thân dị tưởng đồng (Nānattakāya ekattasañnībhūmi) là chúng sanh có hình tương khác nhau nhưng tâm tục sinh giống nhau, tức là 4 cõi khổ và 3 cõi sơ thiền.

3. Cõi thân đồng tưởng dị (ekattakāyanānatthasaññībhūmi) là cõi chúng sanh có hình tướng giống nhau nhưng tâm tục sinh khác nhau, tức là 3 cõi nhị thiền.

4. Cõi thân đồng tưởng đồng (ekattakāyekattasañībhūmi) là cõi chúng sanh có hình tướng giống nhau và tâm tục sinh cũng giống nhau, tức là 3 cõi tam thiền, 1 cõi quảng quả và 5 cõi tịnh cư.

5. Cõi Vô tưởng (Asaññībhūmi) là cõi chúng sanh không có tâm thức (không có 4 danh uẩn).

6. Cõi không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatanabhūmi), thuộc cõi vô sắc.

7. Cõi thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatanabhūmi), cũng thuộc cõi vô sắc.

8. Cõi Vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatanabhūmi), cũng là cõi vô sắc.

9. Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi), cũng là cõi vô sắc.

Chú thích: cõi vô tưởng và 4 cõi vô sắc không xếp vào cõi thân dị tưởng dị, thân dị tưởng đồng, thân đồng tưởng dị, hay thân đồng tưởng đồng, bởi vì cõi vô tưởng có thân không có tưởng, còn bốn cõi vô sắc thì có tưởng khong có thân.


· Chín hữu tình cư phân bảy thức trú (Viññāṇaṭṭhiti)

Chín cõi sống của chúng sanh chỉ có bả cõi hiển lộ tâm thức rõ rệt, gọi là bảy thức trú:

1. Cõi thân dị tưởng dị (Nānattakāyanānattasaññī)

2. Cõi thân dị tưởng đồng (nānattakāy’ekattasaññī)

3. Cõi thân đồng tưởng dị (Ekattakāyanānattasaññī)

4. Cõi thân đồng tưởng đồng (ekattakāy’ekattasaññī)

5. Cõi không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatanā)

6. Cõi thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatanā)

7. Cõi vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatanā)

Chú thích: cõi vô tưởng vì không có danh uẩn sanh nên không gọi là chổ thức trú; Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ dù có danh uẩn sanh nhưng không hiển lộ rõ rệt, nên cũng không gọi là chổ thức trú.


· Cõi có bao nhiêu tâm?

Bốn cõi bất hạnh có 37 tâm là 8 tâm thiện dục giới, 12 tâm bất thiện và 17 tâm vô nhân (trừ tâm sinh tiếu).

Bảy cõi vui dục giới có 80 hoặc 112 tâm là trừ 9 tâm quả đáo đại.

Ba cõi sơ thiền có 65 hoặc 97 tâm là: 22 tâm vô tịnh hảo (trừ 2 tâm sân, 2 tỷ thức, 2 thiệt thức, và 2 thân thức), 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 1 tâm quả sắc giới sơ thiền, và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Ba cõi nhị thiền có 93 tâm là 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 nhãn thức, 2 nhĩ thức, 3 ý giới, 3 tâm quan sát, 1 tâm khai ý môn, 1 tâm sinh tiếu, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 1 tâm quả sắc giới nhị thiền, 1 tâm quả sắc giới tam thiền, 35 tâm siêu thế (trừ 4 tâm đạo sơ thiền và tâm tứ quả sơ thiền).

Ba cõi tam thiền có 82 tâm là 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 nhãn thức, 2 nhĩ thức, 3 ý giới, 3 tâm quan sát, 1 tâm khai ý môn, 1 tâm sinh tiếu, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 1 tâm quả sắc giới tứ thiền, 25 tâm siêu thế (4 tâm đạo tứ thiền, 4 tâm đạo ngũ thiền, 5 tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả, 5 tâm tam quả, 1 tâm tứ quả tứ thiền và 1 tâm tứ quả ngũ thiền).

Cõi tứ thiền Quảng quả có 77 tâm là 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 nhãn thức, 2 nhĩ thức, 3 ý giới, 3 tâm quan sát, 1 tâm khai ý môn, 1 tâm sinh tiếu, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 1tâm quả sắc giới ngũ thiền, 20 tâm siêu thế (4 tâm đạo ngũ thiền, 5 tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả, 5 tâm tam quả, và 1 tâm tứ quả ngũ thiền).

Cõi tứ thiền ngũ tịnh cư có 59 tâm là 4 tâm tham bất tương ưng, 1 tâm si phóng dật, 12 tâm vô nhân (trừ cặp tỷ thức, cặp thiệt thức, cặp thân thức), 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 1 tâm quả sắc giới ngũ thiền, 5 tâm tam quả, 1 tâm tứ đạo ngũ thiền và 1 tâm tứ quả ngũ thiền.

Cõi Không vô biên xứ có 55 tâm là 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân), 1 tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 8 tâm đổng lực vô sắc, 3 tâm nhị - tam - tứ đạo ngũ thiền, 15 tâm quả hữu học, 1 tâm tứ quả ngũ thiền, và 1 tâm quả không vô biên xứ.

Cõi thức vô biên xứ có 53 tâm là 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân), 1 tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 6 tâm đổng lực vô sắc giới (trừ 2 đổng lực không vô biên xứ), 1 tâm quả thức vô biên xứ, 3 tâm nhị - tam - tứ đạo ngũ thiền, 15 tâm quả hữu học, 1 tâm tứ quả ngũ thiền.

Cõi vô sở hữu xứ có 51 tâm là 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân), 1 tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 2 đổng lực vô sở hữu xứ, 2 đổng lực phi tưởng phi phi tưởng xứ, 1 tâm quả vô sở hữu xứ, 3 tâm nhị - tam - tứ đạo ngũ thiền, 15 tâm quả hữu học, 1 tâm quả ngũ thiền.

Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ có 49 tâm là 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân), 1 tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 2 đổng lực phi tưởng phi phi tưởng xứ, 1 tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ, 3 tâm nhị - tam – tứ đạo ngũ thiền, 15 tâm quả hữu học, 1 tâm tứ quả ngũ thiền.


· Tâm sanh bao nhiêu cõi?

Tâm bất thiện sanh theo cõi:

- 4 tâm tham tương ưng, 1 tâm si hoài nghi sanh theo 25 cõi phàm hữu tâm (tức là trừ 5 cõi tịnh cư và 1 cõi vô tưởng).

- 4 tâm tham bất tương ưng, 1 tâm si phóng dật sanh theo 30 cõi hữu tâm (tức là trừ 1 cõi vô tưởng)

- 2 tâm sân chỉ sanh theo 11 cõi dục giới.


Tâm vô nhân sanh theo cõi:

- 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm quan sát sanh theo 26 cõi ngũ uẩn (là trừ 4 cõi vô sắc và 1 cõi vô tưởng).

- 2 tâm tỷ thức, 2 tâm thiệt thức, 2 tâm thân thức chỉ sanh theo 11 cõi dục giới.

- Tâm kai ý môn sanh theo 30 cõi hữu tâm.

- Tâm sinh tiếu sanh theo 22 cõi vui ngũ uẩn (trừ 4 cõi khổ, 4 cõi vô sắc, và 1 cõi vô tưởng).


Tâm dục giới tịnh hảo sanh theo cõi:

- 8 tâm đại thiện sanh theo 30 cõi hữu tâm.

- 8 tâm đại quả sanh theo 7 cõi vui dục giới.

- 8 tâm đại tố sanh theo 26 cõi vui hữu tâm (trừ 4 cõi khổ và 1 cõi vô tưởng).


Tâm sắc giới sanh theo cõi:

- 10 tâm đổng lực sắc giới sanh theo 22 cõi vui ngũ uẩn (trừ 4 cõi khổ, 4 cõi vô sắc, và 1 cõi vô tưởng).

- Tâm quả sắc giới sơ thiền chỉ sanh theo 3 cõi sơ thiền.

- Tâm quả sắc giới nhị thiền và quả sắc giới tam thiền sanh theo 3 cõi nhị thiền.

- Tâm quả sắc giới tứ thiền sanh theo 3 cõi tam thiền.

- Tâm quả sắc giới ngũ thiền sanh theo 6 cõi tứ thiền là cõi Quảng quả và 5 cõi tịnh cư.


Tâm vô sắc giới sanh theo cõi:

- 2 tâm đổng lực không vô biên xứ sanh theo 23 cõi là 22 cõi vui ngũ uẩn và 1 cõi không vô biên xứ.

- 2 tâm đổng lực Thức vô biên xứ sanh theo 24 cõi là 22 cõi vui ngũ uẩn, cõi không vô biên xứ, và cõi thức vô biên xứ.

- 2 tâm đổng lực Vô sở hữu xứ sanh theo 25 cõi là 22 cõi vui ngũ uẩn, cõi Không vô biên, cõi Thức vô biên, và cõi Vô sở hữu xứ.

- 2 tâm đổng lực Phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh theo 26 cõi vui hữu tâm.

- Tâm quả Không vô biên xứ sanh theo 1 cõi Không vô biên xứ.

- Tâm quả Thức vô biên xứ sanh theo 1 cõi Thức vô biên xứ.

- Tâm quả Phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh theo 1 cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ.


Tâm siêu thế sanh theo cõi:

- 4 tâm đạo sơ thiền, 1 tâm tứ quả sơ thiền sanh theo 10 cõi là 7 cõi vui dục giới và 3 cõi sơ thiền.

- 4 tâm đạo nhị thiền, 4 tâm đạo tam thiền, tâm tứ quả nhị tiền và tâm tứ quả tam thiền sanh theo 13 cõi là 7 cõi vui dục giới, 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền.

- 4 tâm đạo tứ thiền, tâm tứ quả tứ thiền sanh theo 16 cõi là 7 cõi vui dục giới, 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền và 3 cõi tam thiền.

- Tâm sơ đạo ngũ thiền sanh theo 17 cõi là 7 cõi vui dục giới, 10 cõi sắc giới phàm hữu tưởng (trừ 5 cõi tịnh cư và cõi vô tưởng).

- Tâm nhị đạo ngũ thiền, tâm tam đạo ngũ thiền, 5 tâm sơ quả, và 5 tâm nhị quả sanh theo 21 cõi phàm vui hữu tâm (trừ 4 cõi khổ, 5 cõi tịnh cư, cõi vô tưởng).

- Tâm tứ đạo ngũ thiền, tâm tứ quả ngũ thiền, và 5 tâm tam quả sanh theo 26 cõi vui hữu tâm (trừ 4 cõi khổ và cõi vô tưởng).


· Cõi có hạng người nào?

- Bốn cõi bất hạnh: địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, A tu la chỉ có 1 hạng người khổ.

- Cõi nhơn loại và cõi tứ đại thiên vương có đến 11 hạng người (trừ người khổ).

- Năm cõi trời dục giới: Đạo lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên có 10 hạng người (trừ người khổ và người lạc vô nhân).

- Mười cõi phạm thiên phàm hữu tưởng là ba cõi sơ thiền, ba cõi nhị thiền, ba cõi tam thiền, và cõi tứ thiền Quảng quả có được 9 hạng người (trừ người khổ, người lạc vô nhân và người nhị nhân).

- Cõi phạm thiên vô tưởng chỉ có 1 hạng người là người lạc vô nhân. Người lạc vô nhân trong cõi vô tưởng là người cõi vui không có tâm nên gọi là lạc vô nhân. Khác với người lạc vô nhân trong cõi nhân loại và cõi Tứ đại thiên vương; Người lạc vô nhân có tâm nhưng tục sinh bằng tâm quả không nhân tương ưng nên gọi là lạc vô nhân.

- Năm cõi Tịnh cư chỉ có 3 hạng người là người Tam quả, người Tứ đạo và người Tứ quả.

- Bốn cõi vô sắc có được 8 hạng người là trừ người khổ, người lạc vô nhân, người nhị nhân, và người sơ đạo.


· Người có mặt cõi nào?

- Người khổ vô nhân có mặt trong 4 cõi bất hạnh: địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ và A tu la.

- Người lạc vô nhân có mặt trong ba cõi là cõi nhơn loại, cõi Tứ đại thiên vương, và cõi vô tưởng.

- Người nhị nhân có mặt trong bảy cõi vui dục giới.

- Người phàm tam nhân có mặt trong 21 cõi phàm vui hữu tâm là 7 cõi vui dục giới, cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam thiền, 1 cõi tứ thiền quảng quả, và 4 cõi vô sắc.

- Người sơ đạo có mặt trong 17 cõi là 7 cõi vui dục giới, 10 cõi sắc giới phàm hữu tưởng.

- Người nhị đạo, người tam đạo, người sơ quả, và người nhị quả có mặt trong 21 cõi phàm vui hữu tâm.

- Người tứ đạo, người tam quả và người tứ quả có mặt trong 26 cõi vui hữu tâm (trừ 4 cõi khổ và 1 cõi vô tưởng)


Bài đã học:

Bài 58. Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Giải Về 12 Hạng Người (Puggalabheda)

Bài học tiếp theo:

Bài 60. Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Giải Về 16 Loại Nghiệp (Kammabheda)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc