Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 56. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha) - Tứ Thánh Đế

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 56. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha) - Tứ Thánh Đế

Chủ nhật, 30/01/2022, 19:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 30.1.2022


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 56. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Tứ Thánh Đế

Giáo nghĩa tứ diệu đế trong cái nhìn tổng quan thì bao phủ tất cả lời Phật dạy. Riêng trong Thắng Pháp thì tứ đế có pháp bản thể bao gồm tất cả pháp chân đế hữu vi và vô vi - một đề tài hàm tận đúng nghĩa. Mặc dù thể tài và tên gọi giống với Kinh Tạng nhưng tứ thánh đế ở đây cho thấy những ý nghĩa tế nhị khác. Quan niệm về khổ đau và hạnh phúc trong cái nhìn thường thức hoàn toàn không thể áp dụng ở đây khi nói về sự khổ và con đường thoát khổ. Chính điểm nầy cho chúng ta sự nhận thức rất đặc thù của Phật học nói chung và Thắng Pháp nói riêng.


5. Tứ thánh đế (cattāri ariyasaccāni) hay tứ diệu đế. Danh từ ariyasacca gồm hai từ tố: ariya _ cao thượng; bậc cao quý, bậc thánh; sacca _ sự thật, chân lý. Ariyasacca dịch là thánh đế hay diệu đế, có nghĩa là chân lý chỉ có bậc thượng nhân mới thắng tri được, hay là chân lý khi liễu tri được sẽ trở thành bậc thánh, hoặc có nghĩa là chân lý do đức Phật khám phá và giảng dạy … Ở đây không có nghĩa là những chân lý cao thượng như một vài người dịch, bởi chân lý về sự khổ, chân lý về nhân sanh khổ … đâu có gì là cao thượng !!!

Có 4 chân lý được đức Phật giác ngộ:

1/ Khổ thánh đế (dukkhaṃ ariyasaccaṃ), gọi tắt là khổ đế (dukkhasacca), là chân lý về sự khổ, chính năm thủ uẩn là khổ. Chi pháp của khổ đế là 81 tâm hiệp thế, 51 tâm sở ngoài tham và 28 sắc pháp, đó là năm thủ uẩn.

2/ Khổ tập thánh đế (dukkhasamudayo ariyasaccaṃ), gọi tắt là tập đế (samudayasacca), là chân lý về nguyên nhân sanh khổ, đó là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Chi pháp của tập đế là tâm sở tham hợp tâm tham.

3/ Khổ diệt thánh đế (dukkhanirodho ariyasaccaṃ), gọi tắt là diệt đế (nirodhasacca), là chân lý về sự diệt khổ, tức là sự đoạn diệt hoàn toàn tham ái khổ tập, chấm dứt khổ đau luân hồi. Chi pháp của diệt đế là níp bàn, vô vi giới.

4/ Khổ diệt hành lộ thánh đế (dukkhanirodhagāminīpaṭipadā ariyasaccaṃ), gọi tắt là đạo đế (maggasacca), là chân lý về đạo lộ dẫn đến khổ diệt, tức là phương pháp tu tập đưa đến níp bàn diệt khổ, đó. là thánh đạo tám nhánh. Chi pháp của đạo đế là 8 chi đạo (trí, tầm, ba giới phần, cần, niệm, nhất hành) hiệp trong tâm thiện dục giới và thiện siêu thế.

Trong bốn thánh đế, khổ đế cần phải biến tri (pariññeyyaṃ), tập đế cần phải đoạn trừ (pahātabbaṃ), diệt đế cần phải chứng ngộ (sacchikātabbaṃ), đạo đế cần phải tu tập (bhāvetabbaṃ).

Bát chi đạo trong tâm thiện dục giới là pháp cần phải tu tập; do tu tập như vậy mới đắc chứng thiện siêu thế (tâm đạo); thiện siêu thế mới thành tựu quả siêu thế giải thoát. Bởi thế, đạo đế gồm bát chi đạo trong thiện dục giới và thiện siêu thế

Một vấn đề khác, nói rằng trong tứ đế có hai phạm trù nhân quả, (1) Tập đế là nhân khổ đế là quả, (2) Đạo đế là nhân, diệt đế là quả.

Phạm trù thứ hai (2) không chấp nhận được. Tại sao? Vì níp bàn không là sở duyên, không phải do năng duyên trợ tạo, níp bàn là vô vi (asaṅkhata), là vô duyên (appaccaya). Níp bàn hay diệt đế chỉ là đích điểm mà sự tu tập bát chánh đạo là con đường dẫn tới đích điểm ấy thôi. Như con đường đi lên đỉnh núi, không có nghĩa con đường ấy là nhân, đỉnh núi là quả. Cần phải hiểu như vậy.


Bài đã học: 56. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Thập Bát Giới

Bài học tiếp theo: Bài 58. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Tổng Quan


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc