- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 27.1.2022
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 55. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)
Thập Bát Giới
Cũng như ngũ uẩn, thập nhị xứ, đề tài nầy - thập bát giới - gồm trọn (hàm tận) pháp chân đế hữu vi nhưng lại nhìn từ phạm trù khác. Giới - dhātu - ở đây có nghĩa là nguyên tố hay nguyên chất. Điều nầy đồng nghĩa với sự phân định rạch ròi không có chồng lấn. Ba pháp ý giới, ý thức giới, pháp giới thường không được định rõ trong Kinh Tạng như ở đây. Chính vì thế sự liệt kê bản thể pháp của thập bát giới trong Thắng Pháp cho chúng ta cái nhìn đặc biệt lợi ích trong việc học Phật.
4. Thập bát giới (aṭṭhārasa dhātuyo), là mười tám giới. Danh từ dhātu dịch là giới, nghĩa là bản chất, pháp có thực tính riêng và pháp thực tính ấy không phải là chúng sanh hay linh hồn chi cả. Có 18 giới:
1/ Nhãn giới (cakkhudhātu) là thần kinh nhãn.
2/ Nhĩ giới (sotadhātu) là thần kinh nhĩ.
3/ Tỷ giới (ghānadhātu) là thần kinh tỷ.
4/ Thiệt giới (jivhādhātu) là thần kinh thiệt.
5/ Thân giới (kāyadhātu) là thần kinh thân.
6/ Sắc giới (rūpadhātu) là sắc cảnh sắc.
7/ Thinh giới (saddadhātu) là sắc cảnh thinh.
8/ Khí giới (gandhadhātu) là sắc cảnh khí.
9/ Vị giới (rasadhātu) là sắc cảnh vị.
10/ Xúc giới (phoṭṭhabbadhātu) là cảnh xúc gồm tánh đất, tánh lửa, tánh gió.
11/ Nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu) là hai tâm nhãn thức.
12/ Nhĩ thức giới (sotaviññāṇadhātu) là hai tâm nhĩ thức.
13/ Tỷ thức giới (ghānaviññāṇadhātu) là hai tâm tỷ thức.
14/ Thiệt thức giới (jivhāviññāṇadhātu) là hai tâm thiệt thức.
15/ Thân thức giới (kāyaviññāṇadhātu) là hai tâm thân thức.
16/ Ý giới (manodhātu) là 2 tâm tiếp thâu và 1 tâm khai ngũ môn.
17/ Ý thức giới (manoviññāṇadhātu) là 76 hoặc 108 tâm ngoài năm cặp thức và 3 ý giới.
18/ Pháp giới (dhammadhātu) là 52 tâm sở, 16 sắc tế và 1 níp bàn.
Đức Phật thuyết 18 giới là triển khai rộng ý xứ trong mười hai xứ, nhằm gỡ bỏ ngã chấp của chúng sanh cho rằng tâm là linh hồn đơn thuần.
Có chỗ nói sở dĩ trình bày 18 giới vì phân sáu nhóm theo môn (dvāra), cảnh (ārammaṇa) và thức (viññāṇa), hay căn, cảnh và thức. Nói như vậy có chỗ không ổn.
Nhóm nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; Nhóm nhĩ giới, thinh giới, nhĩ thức giới; Nhóm tỷ giới, khí giới, tỷ thức giới; Nhóm thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; Nhóm thân giới, xúc giới, thân thức giới. Năm nhóm nầy trình bày theo môn_cảnh_thức thì ổn.
Nhưng ý giới, pháp giới, ý thức giới, cho thành nhóm thứ sáu là không ổn, vì ý giới không phải là môn đối chiếu cảnh pháp và không phải liên quan gì đến ý thức giới.
Nhãn xứ là nhãn giới.
Nhĩ xứ là nhĩ giới.
Thiệt xứ là thiệt giới.
Thân xứ là thân giới.
Ý xứ là nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thân thức giới, ý giới và ý thức giới. Như trong Abhidhammatthasaṅgaha có nói: Manāyatanam'eva sattaviññāṇadhātuvasena bhijjati. Chính ý xứ được phân thành bảy thức giới:
Sắc xứ là sắc giới.
Thinh xứ là thinh giới.
Khí xứ là khí giới.
Vị xứ là vị giới.
Xúc xứ là xúc giới.
Pháp xứ là pháp giới. Như trong Abhidhammatthasaṅgaha có nói: Cetasikasukhumarūpanibbānavasena ekūnasattati dhammā dhammāyatanadhammadhātū 'ti saṅkhaṃ gacchati, sáu mươi chín thực thể _ 52 tâm sở, 16 sắc tế, 1 níp bàn , gọi là pháp xứ và pháp giới.
Bài đã học: 54. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)
Thập Nhị Xứ
Bài học tiếp theo: Bài 56. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)
Tứ Thánh Đế
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng