- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 23.1.2022
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 54. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)
Thập Nhị Xứ
Tâm thức là trọng điểm của Phật học. Không thể hiểu về tâm thức mà không hiểu về 12 xứ trong đó gồm sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Không thể hiểu giáo lý duyên khởi nếu không hiểu về xứ. Cả ba Luật Tạng, Kinh Tạng, Thắng Pháp Tạng đều nhấn mạnh ý nghĩa của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Từ điểm nầy chúng ta có thể hiểu sự chi phối của nghiệp quá khứ đối với quả hiện tại và những tác động dây chuyền đối với thọ, ái, thủ, hữu… trong tương lai.
3. Thập nhị xứ (dvādas' āyatanāni) là mười hai xứ, gồm sáu nội xứ (ajjhattikāyatana) và sáu ngoại xứ (bahiddhāyatana). Danh từ āyatana dịch là Xứ hay Nhập, nghĩa là tụ điểm, nơi hội tụ, chỗ hội nhập, tức là điều kiện giúp cho lộ tâm sanh khởi.
Sáu nội xứ là:
1/ Nhãn xứ (cakkhāyatana) là thần kinh nhãn.
2/ Nhĩ xứ (sotāyatana) là thần kinh nhĩ.
3/ Tỷ xứ (ghānāyatana) là thần kinh tỷ.
4/ Thiệt xứ (jivhāyatana) là thần kinh thiệt.
5/ Thân xứ (kāyāyatana) thần kinh thân.
6/ Ý xứ (manāyatana) là tất cả tâm.
Sáu ngoại xứ là:
1/ Sắc xứ (rūpāyatana) là cảnh sắc.
2/ Thinh xứ (saddāyatana) là cảnh thinh.
3/ Khí xứ (gandhāyatana) là cảnh khí.
4/ Vị xứ (rasāyatana) là cảnh vị.
5/ Xúc xứ (phoṭṭhabbāyatana) là cảnh xúc gồm tánh đất, tánh lửa và tánh gió.
6/ Pháp xứ (dhammāyatana) là 69 thực thể gồm 52 tâm sở, 16 sắc tế và 1 níp bàn.
Mười hai xứ ấy thành sáu cặp nội ngoại xứ đối chiếu nhau:
a/ Nhãn xứ và sắc xứ là cặp nội ngoại xứ đối chiếu nhau, làm cơ hội cho lộ nhãn thức sanh khởi.
b/ Nhĩ xứ và thinh xứ là cặp nội ngoại xứ đối chiếu nhau, làm cơ hội cho lộ nhĩ thức sanh khởi.
c/ Tỷ xứ và khí xứ là cặp nội ngoại xứ đối chiếu nhau, làm cơ hội cho lộ tỷ thức sanh khởi.
d/ Thiệt xứ và vị xứ là cặp nội ngoại xứ đối chiếu nhau, làm cơ cơ hội cho lộ thiệt thức sanh khởi.
e/ Thân xứ và vị xứ là cặp nội ngoại xứ đối chiếu nhau, làm cơ hội cho lộ thân thức sanh khởi.
f/ Ý xứ và pháp xứ là cặp nội ngoại xứ có chút vấn đề lấn cấn, cần phân phân tích để hiểu:
Trước hết mười hai xứ nhận định theo môn (dvāra) và đối tượng (ārammaṇa): Nhãn xứ là nhãn môn, sắc xứ là cảnh sắc; Nhĩ xứ là nhĩ môn; Thinh xứ là cảnh thinh; Tỷ xứ là tỷ môn; Khí xứ là cảnh khí; Thiệt xứ là thiệt môn; Vị xứ là cảnh vị; Thân xứ là thân môn; Xúc xứ là cảnh xúc; Ý xứ là ý môn, Pháp xứ là cảnh pháp. Nhận xét như vậy thì thấy dường như suông sẽ ! Nhưng vấn đề ở chỗ: ý xứ với ý môn, pháp xứ với cảnh pháp.
Trong khi, ý xứ có chi pháp là tất cả 121 tâm, còn ý môn chi pháp là 19 tâm hữu phần. Như vậy tại sao nói ý xứ là ý môn (vì ý xứ là đối chiếu với pháp xứ)?
Lại nữa, pháp xứ chỉ có 52 tâm sở, 16 sắc tế, 1 níp bàn, trong khi đó cảnh pháp là tâm, tâm sở, sắc thần kinh, sắc tế, níp bàn, cùng chế định. Như vậy, tại sao nói pháp xứ là cảnh pháp?
Lý giải vấn đề thứ nhất, ý xứ (manāyatana) là ý môn (manodvāra):
Một cách lý giải, nói ngược lại nhãn môn (cửa ngõ cho sanh lộ nhãn thức) chính là nhãn xứ; nhĩ môn (cửa ngõ cho sanh lộ nhĩ thức) chính là nhĩ xứ …v.v…; vậy thì ý môn (cửa ngõ cho sanh lộ ý thức) chính là ý xứ, cũng đúng vì 19 tâm hữu phần (ý môn) nằm trong 121 tâm (ý xứ). Nếu thế, nhãn xứ là nhãn môn …v.v… ý xứ (riêng trường hợp nầy) là ý môn.
Một cách lý giải khác, nói ý xứ (121 tâm) là ý môn, mỗi tâm là một ý môn dẫn lối cho tâm khác sanh lên. Thí dụ: tâm Hữu phần dứt dòng vừa diệt trợ cho tâm khai môn sanh, tâm khai ngũ môn vừa diệt trợ cho tâm nhãn thức sanh lên, tâm nhãn thức vừa diệt trợ cho tâm tiếp thâu sanh lên …v.v… Theo suy diễn ấy thì mỗi thứ tâm (121 ý xứ) là một ý môn (manodvāra) cho một tâm khác tiếp nối. Bởi thế, nói ý xứ là ý môn.
Hai lý giải nầy chỉ là tính cách tham khảo.
Lý giải vấn đề thứ hai, pháp xứ (dhammāyatana) là cảnh pháp (dhammārammaṇa): Cảnh pháp bao gồm tâm, tâm sở, sắc thần kinh, sắc tế, níp bàn và chế định; Còn pháp xứ thì gồm có tâm sở, sắc tế, níp bàn thôi. Như vậy, pháp xứ nằm trong cảnh pháp, có những thành phần như tâm (citta), năm sắc thần kinh (pasādarūpa), chế định (paññatti) thuộc cảnh pháp nhưng không thuộc pháp xứ. Tại sao? Tại vì năm sắc thần kinh đã là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ và thân xứ; Còn tâm đã là ý xứ; Chế định không phải là pháp thực tính (sabhāva) nó chỉ là cảnh pháp nhưng không thể là pháp xứ.
Bài đã học: 53. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)
Ngũ Uẩn và Ngũ Thủ Uẩn
Bài học tiếp theo: Bài 55. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)
Thập Bát Giới
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng