Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 53. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha) - Ngũ Uẩn và Ngũ Thủ Uẩn

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 53. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha) - Ngũ Uẩn và Ngũ Thủ Uẩn

Thứ năm, 20/01/2022, 10:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 20.1.2022


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 53. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Ngũ Uẩn và Ngũ Thủ Uẩn

Ngũ uẩn là sự mô tả của Phật Pháp về cái gọi là con người hoặc chúng sanh. Thay vì chỉ nói thân và tâm, hoặc theo người đời là thể xác và linh hồn, thì chúng sanh là sự tổng hợp của năm uẩn. Mỗi uẩn, có nghĩa là khối, được kết cấu bởi nhiều thành tố nhỏ hơn. Chính tâm thức được biết quan 4 danh uẩn cho chúng ta hiểu thêm về bản chất đa dạng, sanh diệt không giống như chủ thuyết về linh hồn bất biến. Hơn thế nữa, trong Thắng Pháp, thức uẩn là tâm, còn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn là thuộc tánh của tâm hay tâm sở lại mở ra cái nhìn tinh tế khác về thé giới nội tại. Không hiểu hiểu về năm uẩn thì không bao giờ hiểu về bản chất vô thường, khổ não, vô ngã. Ở cách nói khác là không liễu tri năm uẩn thì không thỉ chứng ngộ giải thoát niết bàn.

1. Ngũ uẩn (pañcakkhandhā), là năm thành tố, tức là năm thành phần cấu tạo vạn vật hữu tình. Danh từ khandha dịch là uẩn, chùm, khối đống …v.v… Ngũ uẩn chỉ là pháp hữu vi (saṅkhatadhamma), níp bàn là pháp vô vi (asaṅkhatadhamma) nên níp bàn là ngoại uẩn. Năm uẩn đó là:

1/ Sắc uẩn (rūpakkhandha), là thành phần vật chất, gồm 28 thứ sắc pháp (bốn sắc đại hiển và 24 sắc y sinh).

2/ Thọ uẩn (vedanākkhandha), là thành phần cảm thọ lạc, khổ, hỷ, ưu và xả. Thọ uẩn đây chính là tâm sở thọ đồng sanh với 121 tâm.

3/ Tưởng uẩn (saññakkhandha), là thành phần ký ức, nhớ biết …v.v… có sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Tưởng uẩn đây chính là tâm sở tưởng đồng sanh với 121 tâm.

4/ Hành uẩn (saṅkhārakkhandha), là thành phần chủ trương hành vi tâm tốt hay xấu. Hành uẩn đây là 50 tâm sở (trừ thọ và tưởng) đồng sanh với 121 tâm. Trong 50 tâm sở ấy có Tư (cetanā) cầm đầu.

5/ Thức uẩn (viññāṇakkhandha), là thành phần biết cảnh; nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, ý giới và ý thức giới. Thức uẩn là 121 tâm.

2. Ngũ thủ uẩn (pañcupādānakkhandha), cũng là năm thành tố cấu tạo vạn vật hữu tình, nhưng là những thành phần bị thủ biết được, thủ (upādāna) đây là tham (dục thủ) và tà kiến (kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ). Có năm thủ uẩn là:

1/ Sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha) cũng là 28 sắc pháp nhưng gọi theo phương diện sắc uẩn mà bị chấp thủ, bị tham và tà kiến nắm bắt, là đối tượng của tham và tà kiến.

2/ Thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha), chi pháp là tâm sở thọ hợp 81 tâm hiệp thế; Vì thọ uẩn hiệp thế còn bị thủ biết được, nằm trong tầm nắm bắt của tham và tà kiến nên gọi là thọ thủ uẩn.

3/ Tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha), chi pháp là tâm sở tưởng hợp 81 tâm hiệp thế là tưởng uẩn mà còn bị pháp thủ tham và tà kiến biết được, nên gọi là tưởng thủ uẩn.

4/ Hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha), chi pháp là 50 tâm sở ngoài thọ tưởng, cũng là những tâm sở hợp tâm hiệp thế; Hành uẩn nầy nằm nằm trong tầm nắm bắt của thủ, nên gọi là hành thủ uẩn.

5/ Thức thủ uẩn (viññāṇupādānakkhandha), chi pháp là 81 tâm hiệp thế, là thức uẩn mà thành cảnh thủ, còn bị thủ biết được, do đó mới gọi là thức thủ uẩn.

Đức phật thuyết về uẩn có hai cách: ngũ uẩn và ngũ thủ uẩn. Ngài thuyết năm uẩn là nói theo khía cạnh thực tính của pháp hữu vi một cách chung chung; Ngài thuyết năm thủ uẩn cũng là pháp hữu vi nhưng nói theo khía cạnh pháp thực tính bị hạn cuộc, nằm trong tầm nắm bắt của thủ (bị tham và tà kiến biết được) và bởi thủ uẩn ấy làm đối tượng quán cho thiền minh sát. Hành giả tu tập minh sát thì không thể lấy uẩn siêu thế làm đề tài quán vì khi ấy hành giả chưa chứng đắc đạo quả


Bài đã học: 52. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Tổng Quan

Bài học tiếp theo: Bài 54. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Thập Nhị Xứ


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc