Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 51. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) - Bát Chi Đạo

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 51. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) - Bát Chi Đạo

Thứ năm, 13/01/2022, 10:18 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 13.1.2022


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 51. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Bát Chi Đạo

Tám đạo chi đưa đến sự chứng ngộ níp bàn nhưng níp bàn không phải là sở tạo của đạo chi. Trong lúc năm thiền chi thành tố tác thành thiền chứng và bảy giác chi là thành tố tác thành tuệ giác. Đạo chi không mang tính năng sở như vậy. Hiểu được ý nghĩa nầy thì nhận ra được khái niệm magga - đạo.

Bát chi đạo gọi chung là đạo đế, một sự thật về con đường dẫn đển sự giải thoát tối thượng mà chư Phật đã khám phá và truyền dạy. Sự trình bày bát chi đạo trong Thắng Pháp trong phạm trù vĩ mô cho thấy nhiều sự tế nhị không tìm thấy ở Kinh Tạng. Cũng như tất cả đề tài khác trong toát yếu giác phần, bát chi đạo cần hiểu rõ trên cả hai phương diện pháp học và pháp hành.

7. Bát chi đạo (aṭṭha maggaṅgāni), danh từ maggaṅga gồm hai từ tố “magga” và “aṅga” trong phần trước đã có đề cập thập nhị chi đạo rồi. Ở đây chi đạo trong giác phần thì có nghĩa là chi phần về con đường đưa đến giác ngộ níp bàn. Tám chi đạo là:

1/ Chánh kiến (sammādiṭṭhi) chi pháp là tâm sở trí tuệ trong tâm thiện dục giới và tâm thiện siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh kiến là thấy đúng hiểu biết tứ đế, hiểu biết nghiệp báo nhân quả, hiểu biết tam tướng pháp hữu vi. Còn trong tâm siêu thế, chánh kiến có mãnh lực trừ tà kiến và các pháp phiền não hợp với tà kiến.

2/ Chánh tư duy (sammāsaṅkappo) chi pháp là tâm sở tầm trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng, tư duy ly dục, tư duy vô sân và tư duy bất hại. Còn trong tâm siêu thế thì chánh tư duy có mãnh lực trừ tà tư duy và các pháp phiền não hợp với tà tư duy.

3/ Chánh ngữ (sammāvācā) chi pháp là tâm sở chánh ngữ trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh ngữ là kiêng tránh bốn khẩu ác: nói dối, nói ly gián, nói độc ác, nói nhãm nhí. Trong tâm siêu thế, thì chánh ngữ là mãnh lực trừ tà ngữ và các pháp phiền não, hợp với tà ngữ.

4/ Chánh nghiệp (sammākammanto) chi pháp là tâm sở chánh nghiệp trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh nghiệp là sự kiêng tránh ba thân hành ác: sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Trong tâm siêu thế thì chánh nghiệp là mãnh lực trừ tà nghiệp và các pháp phiền não hợp tà nghiệp.

5/ Chánh mạng (sammā _ ājīvo) chi pháp là tâm sở chánh mạng trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh mạng là sự kiêng tránh nuôi mạng bằng nghề nghiệp với thân khẩu ý ác. Trong tâm siêu thế thì chánh mạng là mãnh lực trừ tà mạng và các phiền não hợp tà mạng.

6/ Chánh tinh tấn (sammāvāyāmo) chi pháp là tâm sở cần trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh tinh tấn có chức năng ngăn trừ ác pháp và tu trì thiện pháp. Trong tâm siêu thế thì chánh tinh tấn có mãnh lực trừ tà tinh tấn và các phiền não hợp với tà tinh tấn.

7/ Chánh niệm (sammāsati) chi pháp là tâm sở niệm trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới, chánh niệm là tu tập niệm xứ, ghi nhận sự hiện khởi và biến hoại của danh sắc. Trong tâm siêu thế thì chánh niệm có mãnh lực trừ tà niệm và các phiền não tương ưng tà niệm.

8/ Chánh định (sammāsamādhi) chi pháp là tâm sở nhất hành trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế. Trong tâm thiện dục giới chánh định có chức năng trụ tâm vững chắc trên đề mục thiền để quán triệt chân tướng các hành mà trợ đắc đạo quả. Còn trong tâm siêu thế thì chánh định có mãnh lực trừ tà định và các phiền não tương ưng tà định.

Bát chi đạo gồm tám tâm sở là trí, tầm, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, cần, niệm và nhất hành. Các tâm sở trí, tầm, cần, niệm và nhất hành mặc dù cũng có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo không phải trường hợp nào chúng cũng có vai trò đối phó với ác bất thiện pháp; Chúng được gọi là chi đạo trong các tâm tịnh hảo chỉ vì chúng dẫn dắt các pháp đồng sanh theo đường lối của mình. Chỉ có trường hợp, 8 chi đạo trong tâm thiện dục giới và tâm siêu thế mới có chức năng đối phó với các bất thiện pháp; Tuy nhiên, bát chi đạo trong tâm siêu thế chỉ là án ngữ cho có mặt, kỳ thật tâm siêu thế lấy níp bàn làm đối tượng chứ không phải lấy phiền não hay ngũ uẩn làm cảnh để tuỳ quán. Như vậy chỉ có bát chi đạo trong tâm thiện dục giới tu tập theo giới định tuệ mới thật là bát chi đạo giác phần.

Trong bát chi đạo, chi chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng được sắp xếp thành Giới học: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định được xếp thành Định học; chánh kiến, chánh tư duy được xếp thành Tuệ học.


Bài đã học: Bài 50. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Thất Giác Chi

Bài học tiếp theo: Bài 52. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Tổng Quan


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc